Chi bộ Lưu học sinh tại Đại học Quốc gia Lào: Góp phần vun đắp tình hữu nghị

Hà Quang Tùng Bí thư Chi bộ Lưu học sinh Đại học Quốc gia Lào

Năm 2022 là năm kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào (5-9-1962 - 5-9-2022); 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2022)

Năm 2022 là năm kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa DCND Lào (5-9-1962 - 5-9-2022); 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2022).

Phát huy vai trò đối ngoại nhân dân

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ: Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Trong đó, việc quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về đối ngoại nhân dân là nhân tố có ý nghĩa quyết định.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân... Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định rõ nhiệm vụ của đối ngoại. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phát huy vai trò của đối ngoại nhân dân để xây dựng nền tảng xã hội, đưa quan hệ giữa các quốc gia đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững vì xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, xây dựng lòng tin chính là để ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh từ sớm, từ xa. Đối ngoại nhân dân có đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vừa là nét đặc sắc, sáng tạo, vừa là vốn quý, kinh nghiệm quý báu của đối ngoại Việt Nam. Trong môi trường quốc tế phức tạp, đối tượng, đối tác đan xen, vừa đấu tranh, vừa hợp tác trên cơ sở lợi ích, đối ngoại nhân dân với lợi thế riêng, linh hoạt, mềm dẻo, có khả năng tiếp cận và thiết lập quan hệ rộng rãi các đối tượng, có thể hỗ trợ hiệu quả cho đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước.

Ngay trong những ngày tháng đầu tiên sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, khi nước ta chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và tổ chức thực hiện những quyết sách về đoàn kết, liên minh với các quốc gia bạn bè, có cùng lập trường nhằm tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ để góp phần giành thắng lợi cho cách mạng. Trong đó không thể không nhắc đến mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, tình hữu nghị vĩ đại với đất nước Lào anh em.

Quan hệ Việt - Lào là mối quan hệ trong sáng vĩ đại, phản ánh rõ nét đường lối ngoại giao nhân dân khéo léo và chân thành của Đảng. Tình đoàn kết đặc biệt và quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước Lào - Việt Nam đã được thử thách qua những giai đoạn cách mạng khó khăn, gian khổ.

Sự ra đời và phát triển của tình đoàn kết đặc biệt và quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào - Việt Nam đã trải qua thử thách của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trở thành di sản vô giá mà nhân dân hai nước qua từng thế hệ đã kế thừa và vun đắp.

Trong cuộc đấu tranh chống lại thực dân, đế quốc xâm lược, sự hy sinh vì Tổ quốc của quân đội hai nước đã trở thành hình mẫu quốc tế trong sáng của mối quan hệ đặc biệt, khó tìm trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Thương nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt - Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Sau khi đất nước được giải phóng, Lào và Việt Nam cùng bước vào giai đoạn phát triển mới và quyết tâm gìn giữ, phát huy mối quan hệ ngoại giao nhân dân trong sáng, thuỷ chung. Hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ngày 18-7-1977 tại thủ đô Viêng Chăn, đặt nền tảng pháp lý vững chắc cho mối quan hệ Việt - Lào.

Mối quan hệ hợp tác toàn diện đó đã được củng cố và phát triển không ngừng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đạt được sự tin tưởng vững vàng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Bên cạnh đó, quan hệ chính trị giữa hai Đảng, Nhà nước đã được củng cố và phát huy, tạo được sự tin cậy vững vàng; sự gắn bó ở cả cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước; giữa các bộ, ngành, cơ quan tổ chức từ Trung ương xuống địa phương. Lĩnh vực hợp tác phát triển nguồn nhân lực được mở rộng với nhiều hình thức, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước.

Đặc biệt, dù tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng trên cơ sở tình đồng chí anh em, trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19, hai bên đã tích cực giúp đỡ lẫn nhau cả về vật chất lẫn tinh thần, như ủng hộ về tài chính, trang thiết bị y tế, cử chuyên gia giúp đỡ...

Những đảng viên gương mẫu

Để góp phần vào việc gìn giữ, phát huy tình cảm tốt đẹp, trong sáng giữa hai nước Việt - Lào, những đảng viên của Chi bộ Lưu học sinh Việt Nam tại ĐHQG Lào đã không ngừng cố gắng, nỗ lực, luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên để đóng góp cho Đảng, cho đất nước. Chi bộ Lưu học sinh đã phấn đấu, nỗ lực không ngừng, xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều đảng viên của Chi bộ sau khi tốt nghiệp trở về quê hương đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua, Chi bộ Lưu học sinh Việt Nam tại Lào thực sự đã trở thành mái nhà gắn kết các đảng viên là sinh viên quân sự, sinh viên dân sự thực hiện nhiệm vụ học tập ở Trường ĐHQG Lào. Có đồng chí chỉ sinh hoạt đảng trong thời gian ngắn (1 năm), có đồng chí sinh hoạt đảng tại Chi bộ trong suốt quá trình học tập cử nhân, thạc sĩ... Dù vậy, tinh thần chung tay chung sức xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh luôn trọn vẹn ở mỗi đảng viên.

Đồng chí Hà Quang Tùng, Bí thư Chi bộ Lưu học sinh Việt Nam tại Lào cho biết: Các đảng viên trong Chi bộ dù sống, học tập xa gia đình, xa Tổ quốc, nhưng luôn gắn bó, đoàn kết, động viên lẫn nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Tập thể Chi bộ không bao giờ thiếu tiếng cười, sự chân tình, vui vẻ, gắn bó yêu thương là động lực cho mỗi đảng viên phấn đấu, truyền lửa nhiệt huyết. Đảng viên của Chi bộ luôn tự giác thực hiện suất sắc nhiệm vụ học tập, nghiên cứu khoa học, trau dồi kiến thức để trở về xây dựng quê hương. Đây cũng là nhiệm chính trị trọng tâm được đưa vào nghị quyết của Chi bộ. Nhờ vậy, kết thúc mỗi năm học, điểm tổng kết trung bình của đảng viên trong Chi bộ 100% đạt từ 70, 80 điểm trở lên.

Do tính chất và đặc thù riêng, Chi bộ thường tổ chức sinh hoạt mỗi quý một lần, hoặc tổ chức sinh hoạt đột xuất theo chỉ đạo của đảng ủy cấp trên. Thời gian tổ chức sinh hoạt luôn được cấp ủy Chi bộ chọn lựa một cách hợp lý để số lượng đảng viên tham gia tối đa.

Bên cạnh nhiệm vụ học tập, nghiên cứu khoa học, các đảng viên trong Chi bộ luôn tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn Lưu học sinh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Trường ĐHQG Lào và Hội Phụ nữ Đoàn lưu học sinh. Chi bộ luôn xác định cần phải làm tốt công tác vận động tập hợp quần chúng nhằm xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, góp phần vào công tác quản lý, giáo dục lưu học sinh. Chi ủy luôn quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện cho các đoàn thể hoạt động. Các tổ chức quần chúng đã phát huy vai trò trách nhiệm, chăm lo, quan tâm giúp đỡ nhau trong quá trình học tập và trong đời sống. Chi bộ đã chỉ đạo các đoàn thể làm tốt công tác quản lý lưu học sinh tại kí túc xá; đôn đốc, nhắc nhở lưu học sinh thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về việc học tập của nhà trường; quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến việc cư trú, chế độ bảo hiểm y tế, chế độ sinh hoạt... Đời sống tinh thần của lưu học sinh cũng được chăm lo thông qua việc thường xuyên duy trì các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm thu hút đông đảo lưu học sinh tham gia.

Đồng chí Dương Đức Phước, Bí thư Liên chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại ĐHQG Lào cho biết: Chi đoàn luôn luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, Chi bộ cũng như các đồng chí đảng viên. Nhiều đảng viên còn trong độ tuổi đoàn và đang sinh hoạt cùng Chi đoàn đã góp phần truyền cảm hứng, kinh nghiệm hoạt động đến những đoàn viên trẻ, từ đó yếu tố xung kích trong Chi đoàn luôn được giữ vững và phát huy. Đoàn Thanh niên đã thực sự trở thành cánh tay phải của Chi bộ đảng, các đoàn viên luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao. Thông qua các phong trào, hoạt động của đoàn thanh niên đã xuất hiện nhiều quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Chi bộ xem xét, kết nạp.

Đồng chí Hà Quang Tùng, Bí thư Chi bộ Lưu học sinh Việt Nam cho biết thêm: “Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của đoàn thanh niên, Chi bộ đã bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên từ những đoàn viên ưu tú có thành tích học tập xuất sắc, năng nổ trong hoạt động phong trào của Chi đoàn cũng như của phân hội. Trong những năm qua, Chi bộ đã hoàn thiện thủ tục kết nạp vào Đảng cho những đoàn viên ưu tú từ Chi đoàn Lưu học sinh Việt Nam. Các đoàn viên được kết nạp đều là những đảng viên trẻ đầy nhiệt huyết, sẵn sàng nhận các nhiệm vụ khó khăn mà Chi bộ giao. Nhiều đồng chí sau đó đã trở thành những hạt nhân chủ chốt trong các phong trào của đoàn, hội”.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Chi bộ Lưu học sinh Việt Nam tại Lào không ngừng chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hơn nữa vai trò hạt nhân lãnh đạo của Chi bộ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất