Thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của Long An qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh

Nguyễn Văn Út Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An

Đồng chí Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đức Hòa lần thứ 14 nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đức Hòa lần thứ 14 nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngay trong năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Long An đã gặp phải khó khăn lớn, chưa có tiền lệ. Dịch Covid-19 bùng phát và tỉnh Long An là một trong những địa phương “tâm dịch” của đợt bùng phát thứ 4. Bên cạnh đó, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều biến động, bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất... Trong khó khăn, toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”; Long An là một trong những địa phương sớm kiểm soát tốt được dịch bệnh, bảo đảm an toàn, sức khỏe tính mạng của nhân dân; các hoạt động kinh tế - xã hội được phục hồi nhanh và thích ứng trong trạng thái “bình thường mới. Trong đó, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, 3 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm. 

Kết quả, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An, đến nay, có 18/19 chỉ tiêu đạt kết quả tốt, dự báo đến năm 2025 sẽ đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Trong đó, kinh tế của tỉnh duy trì sự phát triển trong điều kiện chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới có nhiều biến động (giữ được mức tăng trưởng dương 0,95% trong năm 2021; phục hồi mạnh trong năm 2022 với mức 8,32%; 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,93%); dù chưa đạt được kỳ vọng nhưng đây là mức tăng trưởng tích cực. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp, xây dựng. Năm 2022, cơ cấu kinh tế của tỉnh đạt: Nông - lâm - thủy sản:16,58%; Công nghiệp - xây dựng: 51,1%; dịch vụ và thuế sản phẩm 32,32%.

 Công tác lãnh đạo quản lý, điều hành thu - chi ngân sách nhà nước được thực hiện chặt chẽ. Trong điều kiện khó khăn nhưng thu ngân sách nhà nước vẫn luôn duy trì ở mức cao, tăng trưởng khá đạt bình quân đạt 8,9%/năm, năm 2022 lần tiên tổng thu ngân sách đạt gần 22.000 tỷ đồng, năm 2023 bắt đầu tự cân đối ngân sách, cơ cấu thu ngân sách đã từng bước vững chắc, ổn định hơn.

Công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tập trung thực hiện để định hướng cho sự phát triển, thu hút đầu tư của tỉnh. Long An là địa phương thứ 10 trên cả nước và đầu tiên của khu vực phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Ngày 25-7-2023, tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các bộ, ngành Trung ương.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông được cải thiện rõ nét, hình thành nhiều trục giao thông huyết mạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển và đời sống của nhân dân. Huy động vốn đầu tư xã hội đạt nhiều kết quả khả quan; giai đoạn 2021-2022 đạt 81,6 nghìn tỷ đồng (tổng vốn đầu tư xã hội năm 2021 giảm 15% so với năm 2020, tuy nhiên năm 2022 tăng 19% so với năm 2021). Chương trình đột phá về huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và 3 công trình trọng điểm được tập trung thực hiện. Nhiều dự án giao thông lớn được tập trung khởi công, đẩy nhanh tiến độ. Long An thực sự trở thành “đại công trường”, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, như đường tỉnh 824, đường tỉnh 830E, đường tỉnh 823D, đường Vành đai TP. Tân An; đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62 và nhiều công trình giao thông của các địa phương.

Hoạt động xúc tiến đầu tư được quan tâm và có nhiều đổi mới; thu hút đầu tư trong giai đoạn 2020-2023 đạt kết quả tốt, có sự nâng cao về quy mô, chất lượng các dự án đầu tư. Trong đó, thu hút đầu tư FDI trên 1.200 doanh nghiệp với vốn đầu tư trên 10 tỷ USD, thuộc top 10 cả nước. Năm 2021, tỉnh đã tiếp nhận đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Long An I và Long An II với tổng số vốn đầu tư trên 3 tỷ USD; cùng một số dự án của các nhà đầu tư lớn như: Pepsico, Coca-Cola, Lotte, Aeon, Thái Tuấn, Ecopark…

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện. Đến nay, toàn tỉnh có 121/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 75,2% tống số xã; 30 xã đạt nông thôn mới nâng cao, chiếm 24,79% tổng số xã nông thôn mới; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Chương trình OCOP, công nhận thêm 23 sản phẩm OCOP; lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 100 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (30 sản phẩm đạt 4 sao, 70 sản phẩm đạt 3 sao).

Nửa nhiệm kỳ qua cũng ghi dấu ấn về nỗ lực đột phá trong cải cách hành chính và chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Cùng với vận hành hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tỉnh đã ra mắt Trung tâm điều hành thông minh (IOC), Kho cơ sở dữ liệu dùng chung, các ứng dụng thông minh (App Long An Số; hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp (Tổng đài 1022); Trang thông tin chuyển đổi số...).

Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm thực hiện theo hướng nhanh - gọn - đúng pháp luật, từ đó tạo sự dễ dàng, thuận lợi, tương tác hiệu quả, thân thiện giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) duy trì ở thứ hạng khá cao của cả nước, năm 2021 xếp thứ 16/63, năm 2022 xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt đạt nhiều kết quả nổi bật. Việc xã hội hóa nguồn lực phục vụ cho công tác an sinh xã hội và giáo dục nhận được sự hưởng ứng và hỗ trợ tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, được sự quan tâm của đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước và đồng chí Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tường Thường trực Chính phủ trong vận động xã hội hóa chung tay vào các hoạt động an sinh xã hội và giáo dục đã tạo sức lan tỏa lớn. Lĩnh vực du lịch được phục hồi và phát triển khá tốt thông qua các giải pháp kích cầu du lịch gắn với việc tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch Long An năm 2022, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh Long An. Chính sách người có công và an sinh xã hội được thực hiện thường xuyên, đầy đủ, kịp thời.

Công tác quốc phòng, an ninh, nội chính và đối ngoại được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và mang lại hiệu quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo giữ vững, ổn định; tổ chức thành công diễn tập “Khu vực phòng thủ” cấp tỉnh và cấp huyện có tính sáng tạo, an toàn, bảo đảm về chuyên môn, được Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 đánh giá cao. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng và bố trí dân cư trên tuyến biên giới được duy trì thực hiện tốt và đạt nhiều kết quả; nhất là Đề án xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và điểm dân cư liền kề Đồn, Trạm biên phòng.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh sớm thành lập (tỉnh thứ 7 trong cả nước) và đi vào hoạt động, góp phần tăng cường hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tháng 9 và 9 tháng năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tháng 9 và 9 tháng năm 2023.

Có được những kết quả ấn tượng, nổi bật trong bối cảnh hết sức khó khăn là do nhiều nguyên nhân. Trước hết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy Long An đã chủ động, tích cực, có nhiều cách làm sáng tạo để sớm đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Ngay sau thành công của đại hội đảng bộ các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung cao đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, học tập, nghiên cứu, quán triệt triển khai thực hiện nghị quyết; tập trung chỉ đạo xây dựng, sớm ban hành đồng bộ hệ thống văn bản lãnh đạo cụ thể hóa triển khai thực hiện nghị quyết trên các lĩnh vực, với nhiều điểm mới, đột phá, thể hiện tư duy, tầm nhìn, quyết tâm và khát vọng phát triển của toàn Đảng bộ. 

Ngay đầu nhiệm kỳ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức các buổi làm việc với ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, nhiều cơ quan, ban, ngành tỉnh; tổ chức các hội nghị giao ban với bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã thống nhất các chủ trương, định hướng lớn, đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với từng ngành, địa phương. Lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe cán bộ, đảng viên, nhân… Qua đó đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc.

Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thể hiện rõ tính quyết liệt, quyết đoán, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và đặc biệt là tính tiên phong của người đứng đầu cấp ủy các cấp được phát huy; từ đó, tạo thành sức mạnh để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai.

Sự lãnh đạo sâu sát, thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phát huy tối đa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Trong đó, tỉnh đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa huy động nguồn lực, lồng ghép nhiều nguồn vốn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất