Luôn hướng về quê hương…!
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ca-na-đa, ông Phạm Cao Phong (bên phải) cùng tác giả.

Cuối thu sang đông, nơi xứ lá phong, biểu tượng của đất nước Ca-na-đa đang giao mùa. Nơi đây cũng là những tháng ngày của các hoạt động lễ hội đón mùa đông, mùa của Noel, của năm cũ sắp qua đi đón chào năm mới.

Kể từ 1976 khi Việt Nam chính thức đặt Toà đại sứ Việt Nam tại Ốt-ta-oa, Ca-na-đa đã qua biết bao nhiêu nhiệm kỳ của các Đại sứ, đến hôm nay đương nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ca-na-đa, ông Phạm Cao Phong cùng Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Van-cu-vơ, ông Nguyễn Quang Trung và các cán bộ, nhân viên ngoại giao của Sứ quán đã và đang làm tốt công việc của mình, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam giao phó.

Trên thực tế cho thấy Sứ quán Việt Nam tại Ca-na-đa với cơ cấu tổ chức không lớn, cán bộ, nhân viên của Toà đại sứ tại thủ đô Ốt-ta-oa chỉ có 11 người, Tổng Lãnh sự quán chỉ có 3 người, hoạt động trên một quốc gia rộng lớn nhất nhì thế giới, dân số hơn 35 triệu dân, trong đó có khoảng gần 500 ngàn kiều bào và mỗi năm có khoảng hơn 20 ngàn du học sinh và người lao động nên công việc của Sứ quán Việt Nam tại đất nước lá phong đỏ vô cùng bận rộn.

Quan hệ song phương luôn phát triển ổn định trong suốt gần 50 năm qua và đến năm 2017 đã đạt tầm cao mới khi lãnh đạo hai nước tuyên bố xác lập Quan hệ Đối tác toàn diện, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, văn hóa, giao lưu con người, và giảm thiếu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Trong khuôn khổ đa phương, Việt Nam và Ca-na-đa là thành viên diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trong các khuôn khổ do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)…

Đại sứ Phạm Cao Phong có thể nói là người đầu tiên và duy nhất trong các nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam công tác tại nước ngoài được bổ nhiệm sang nhận nhiệm vụ tại thủ đô Ốt-ta-oa giữa đại dịch Covid-19. Một chuyến bay đi nhận công tác đầy khó khăn và vất vả. Khi đến đất nước Ca-na-đa cũng vào thời kỳ đỉnh cao của đại dịch. Theo thông lệ quốc tế và ngoại giao, thủ tục trình Quốc thư là thủ tục bắt buộc, phải theo thời gian quy định của hai nước. Đại sứ Phạm Cao Phong trình Quốc thư lên Thủ tướng Ca-na-đa, Bộ Ngoại giao Ca-na-đa dưới hình thức trực tuyến “online”, qua “room”. Hơn 2 năm qua đi, mọi khó khăn vất vả của đại dịch cũng qua đi, cuối tháng 9-2022 Chính phủ Ca-na-đa đã huỷ bỏ giãn cách xã hội, cuộc sống của người dân Ca-na-đa đã trở lại bình thường, cũng là lúc Đại sứ và Tổng Lãnh sự bước vào những hội nghị lớn, những sự kiện, cuộc họp trực tiếp từ bờ Đông và bờ Tây liên tiếp được tổ chức với sự tham dự của quan chức Chính phủ Ca-na-đa và các doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức với tiêu chí xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư, xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Ngày 9-11-2022, Đại sứ Phạm Cao Phong kết hợp với chính quyền sở tại đã tổ chức sự kiện quan trọng sau đại dịch Covid-19 tại Tô-rôn-tô, thủ phủ của tỉnh bang Ôn-ta-ri-ô có sự tham dự của bà Bộ trưởng phụ trách Thương mại Quốc tế Ma-ry Inh và các quan chức trong Chính phủ cũng như tỉnh bang Ôn-ta-ri-ô. Đặc biệt tham dự Hội nghị trực tiếp này còn có đông đảo bà con Việt kiều là doanh nhân, trí thức, luật sư, bác sỹ…, những người Việt đã và đang sinh sống tại Ca-na-đa.

Trước đó, tối ngày 1-10-2022 có Lễ ra mắt Hội Doanh nhân Việt Nam - Ca-na-đa do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam, ông Nguyễn Quang Trung kết hợp với chính quyền tỉnh bang Van-cu-vơ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cùng đoàn công tác của Bộ Nội vụ Việt Nam đã tham dự.

Buổi ra mắt Hội Doanh nhân Việt Nam - Ca-na-đa thật ấn tượng bởi có sự góp mặt của hơn 300 doanh nhân Việt kiều và Hoa kiều. Dưới sự chủ trì của Tổng Lãnh sự, Quốc vụ khanh - Bộ trưởng Bộ Thương mại bang Van-cu-vơ, Phó Thị trường thành phố Rích-mông và nhiều quan chức cao cấp trong bang Van-cu-vơ.

Trước khó khăn, thách thức về kinh tế, an sinh xã hội và an ninh quốc phòng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, mặc dù chúng ta lấy nội lực là quan trọng nhưng chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến sức mạnh của ngoại lực nhằm củng cố thêm sức mạnh cho quốc gia, dân tộc. Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và gần đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã nêu rõ nhất quán quan điểm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội trong công tác bảo hộ và khuyến khích hơn 5,3 triệu bà con Việt kiều đang sinh sống, làm việc ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có điều kiện, khả năng về trí tuệ, tài chính đầu tư chất "xám" và chất "xanh" về đất nước.

Đất nước lá phong đỏ, một quốc gia nằm trong 7 nước có kinh tế hàng đầu thế giới (G7), Chính phủ hai nước đã ký kết “hợp tác toàn diện” mọi lĩnh vực nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu từ Việt Nam sang Ca-na-đa, điều quan trọng hơn nữa là Ca-na-đa có đông đảo bà con Việt kiều luôn hướng về Tổ quốc, nơi đó là quê hương.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CUỘC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI NGÀY 9-11-2022

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất