Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo Việt Nam

Đội ngũ nhà giáo Việt Nam là lực lượng chủ yếu và trực tiếp làm nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, rèn luyện học sinh của các nhà trường trên phạm vi cả nước. Có thể nói, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quyết định chất lượng dạy học và đòi hỏi phải mất nhiều công phu xây dựng, bồi dưỡng. Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của đất nước qua các giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ nhà giáo Việt Nam. Người luôn đặc biệt chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ trí thức quan trọng này.


Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng giáo viên và các em học sinh Trường Cấp I, II Móng Cái, ngày 19-2-1960 (nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của giáo dục là nhằm đào tạo ra những con người có đủ đức, đủ tài góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, giáo dục còn nhằm đào tạo ra những nhân tài cho đất nước, để cho Tổ quốc ta được sánh vai cùng cường quốc năm châu. Chính vì thế, Người đã nhiều lần khẳng định, nhiệm vụ giáo dục là hết sức vẻ vang và vô cùng cao quý. Song, để thực hiện được nhiệm vụ vẻ vang và vô cùng cao quý ấy thì trước hết phải có đội ngũ các nhà giáo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, không có thầy giáo thì không có giáo dục, và không có giáo dục thì không có bất kỳ sự nghiệp cách mạng vẻ vang nào được thực hiện. Để khẳng định điều này, Người viết: "Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. ...Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”1. Người còn nhấn mạnh rằng, đối với sự nghiệp phát triển đất nước, thì bất kể thời bình hay thời chiến, lúc nào cũng cần đến giáo dục, cần đến đào tạo cán bộ và phát huy vai trò của các nhà giáo. Trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ, thì giáo dục là khâu mở đầu. Tuy khâu mở đầu sự nghiệp "trồng người" này rất bình dị, thường nhật, nhưng nó rất cao quý và vô cùng vẻ vang. Nói chuyện với Lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I (ngày 12-6-1956), Người khẳng định: "Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước mở đầu. Tuy không có gì đột xuất, nhưng rất vẻ vang. Không có tượng đồng bia đá, không có gì là oanh liệt, nhưng làm tròn nhiệm vụ là anh hùng, anh hùng tập thể"2.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định, người thầy giáo là người vẻ vang nhất trong xã hội. Bởi vì, xã hội ta, dân tộc ta rất "tôn sư trọng đạo". Bởi vì, nếu không có thầy giáo, không có giáo dục, thì không có những lớp người có đủ tài năng, trí tuệ để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nói chuyện với cán bộ, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ngày 21-10-1964), Người nhấn mạnh: "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được"3. Chính từ những lẽ đó, Người khẳng định: "Nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa"4.

Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của nghề thầy giáo, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, không phải bất cứ ai cũng làm được thầy giáo và việc đưa người vào làm nghề thầy giáo phải tuyển chọn rất chặt chẽ, cẩn thận. Nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập (ngày 6-5-1950), Người nhấn mạnh: "Không phải ai cũng huấn luyện được”5, “lựa chọn người dạy và người đến học cho cẩn thận"6. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Người nhắc nhở: "Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ. Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó"7.

Trên cơ sở nền giáo dục chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn rất sâu sắc về giáo dục - đào tạo cán bộ. Theo Người, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo cán bộ có những yêu cầu đặc thù riêng đối với các nhà giáo. Một yêu cầu đặc biệt quan trọng đó là, các nhà giáo giảng dạy ở nhà trường đào tạo cán bộ ngành nào, thì phải có trình độ hiểu biết thực tiễn sâu sắc về ngành ấy. Đã nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, giáo viên giảng dạy môn chuyên ngành nào thì phải thành thạo nghề nghiệp của ngành ấy. Người còn chỉ thị cho cơ quan lãnh đạo các ngành chuyên môn phải "gom góp tài liệu", cử người tham gia giảng dạy nhất là huấn luyện thực hành, nhằm sao cho cán bộ học ngành nào "dần dần đi đến thành thạo công việc ngành ấy".

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mỗi nhà giáo phải học vấn chuyên ngành sâu, kỹ năng sư phạm giỏi, đạo đức nhà giáo tốt. Người luôn nhắc nhở các nhà giáo, chỉ thị cho "những người đi huấn luyện" là phải mẫu mực về mọi mặt. Ngay từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Người đã xác định: "Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc"8. Theo Người, muốn trở thành nhà giáo mẫu mực, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ "trồng người" cao quý, thì mỗi nhà giáo phải không ngừng nỗ lực học tập, phải thực hiện tốt khẩu hiệu: "Học không biết chán, dạy không biết mỏi". Người nhắc nhở đội ngũ nhà giáo, những người làm công tác huấn luyện: "Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình"9. Đặc biệt, Người luôn quan tâm giáo dục cho đội ngũ nhà giáo phải yêu nghề, yêu trường, phải biết tự hào về nghề nhà giáo cao quý: "Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?"10. Người còn nhắc nhở đội ngũ nhà giáo phải mô phạm, phải gương mẫu về đạo đức, lối sống: "Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta... phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu hậu lạc'' nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng"11.

Người chẳng những quan tâm giáo dục, động viên, mà còn cùng với Đảng, Nhà nước ta đề ra và tổ chức thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với đội ngũ nhà giáo. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khi thực hiện chế độ giáo dục mới, Người đã chỉ thị: "Cần phải ưu đãi các giáo viên và khen thưởng những lớp tổ chức tốt"12. Lời dạy này của Người là định hướng tư tưởng quan trọng cho Ngành Giáo dục, đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng, thực hiện ngày càng tốt hơn.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò và xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo Việt Nam bao gồm nhiều nội dung sâu sắc, có giá trị bền vững, có ý nghĩa thực tiễn cấp thiết hiện nay. Để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà trong những năm tới, đội ngũ nhà giáo cần phải quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng quan trọng này của Người. Trên cơ sở đó, mỗi nhà giáo không ngừng nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao chất lượng toàn diện cả phẩm chất và năng lực, thật sự xứng đáng là "Thầy giáo tốt", Thầy giáo đúng nghĩa theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

-----

1, 2: Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H. 2011, tập 10, tr.345.

3. Sách đã dẫn (Sđd), tập 14, tr.402-403.

4. Sđd, tập 14, tr.403.

5, 6. Sđd, tập 6, tr.356, 363.

7. Sđd, tập 5, tr.313.

8, 9. Sđd, tập 6, tr. 56

10, 11. Sđd, tập 14, tr. 02, 403.

12. Sđd, tập 5, tr. 311.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất