Quảng Nam thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa

       

               Lễ phát động nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam.

Người nói: “Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Họ đã làm tròn nhiệm vụ, không đòi hỏi gì cả. Song đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”(1). Người căn dặn “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh hùng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại cho chúng ta”(2).

Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Bác đã cùng Chính phủ thể chế hóa tư tưởng đó thành văn bản pháp quy của Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ; đồng thời, Người là một tấm gương sáng thể hiện tấm lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ. Với tình cảm chân thành, lòng biết ơn đối với thương binh, liệt sĩ, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành “Thông cáo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” như một chính sách của Nhà nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm, lòng nhân ái của Người. Bác đã quyết định chọn ngày 27-7 hằng năm là ngày “Thương binh - Liệt sĩ” để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Đã 69 năm trôi qua, tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thấm nhuần sâu sắc. Phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, có hiệu quả thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của nhân dân, phong trào đã và đang tạo luồng sinh khí mới cho sự đồng thuận xã hội, cho đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Tỉnh Quảng Nam là địa phương có truyền thống cách mạng kiên cường, anh dũng, đồng thời là nơi chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh nên số lượng các đối tượng chính sách rất lớn. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, hàng vạn người con của quê hương Quảng Nam đã chiến đấu và anh dũng hy sinh; rất nhiều đồng bào, chiến sĩ bị địch bắt, chịu tra tấn, tù đày.

Những năm qua, đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công. Các ngành chức năng đã thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội để vận động đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân và những nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ các gia đình người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương đã có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Nhờ vậy đã tạo nên các phong trào như: “Áo lụa tặng bà”, “Xây dựng nhà tình nghĩa”, “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng suốt đời”, “Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ”, “Chăm sóc phần mộ và nghĩa trang Liệt sỹ”, công việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sỹ được chăm lo trọn vẹn, nghĩa tình.

Thực hiện chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công, từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh đã vận động trên 768 tỷ đồng để hỗ trợ cải thiện 35.682 nhà ở, nhà tình nghĩa góp phần ổn định cuộc sống, cải thiện nơi ở người có công, nơi thờ tự các Anh hùng liệt sĩ ngày càng tốt hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện hoàn thành 10.263 nhà (trong đó có 4.104 nhà xây mới; 6.159 nhà sửa chữa), số nhà đang triển khai thực hiện là: 1.089 nhà (405 nhà xây mới, 684 nhà sửa chữa), số nhà còn lại sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2 là 11.281 nhà. Từ năm 1997 đến năm 2015, tỉnh Quảng Nam đã xác nhận và thực hiện chế độ trợ cấp cho hơn 10.880 liệt sĩ; 3.610 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; gần 4.040 bệnh binh; 38.198 người có công giúp đỡ cách mạng; 5.030 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 6.165 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 33.146 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; phong tặng và truy tặng 7.016 bà mẹ Việt Nam anh hùng (nâng tổng số bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn tỉnh lên 11.659 mẹ, trong đó có 2.541 mẹ được phong tặng, hiện còn sống 1.095 mẹ). Hiện nay, toàn tỉnh có trên 53.000 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng, hàng chục ngàn người hưởng trợ cấp một lần, kinh phí chi trả trợ cấp cho người có công khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Đến nay, 100% bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được nhận phụng dưỡng, mức phụng dưỡng bình quân 800.000 đồng/mẹ/tháng. Các thương bệnh binh nặng về an dưỡng ở gia đình có công việc ổn định, con của họ được hỗ trợ về học tập, đào tạo, việc làm. 

Trong toàn tỉnh có 241 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công, đạt trên 98,7% so với tổng số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 88,6 tỷ đồng góp phần vào việc xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, xóa nhà tạm cho đối tượng chính sách, tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ; vận động tặng gần 12.380 sổ tiết kiệm tình nghĩa, tổng giá trị trên 9,6 tỷ đồng. Những năm qua, ngoài kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã huy động trên 205 tỷ đồng nâng cấp gần 40 nghĩa trang liệt sĩ, xây 70 đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ và nhiều công trình ghi công liệt sỹ khác; sửa chữa, tôn tạo 69.800 lượt mộ liệt sỹ. Tổ chức tìm kiếm quy tập hơn 700 hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang liệt sỹ cấp huyện, hơn 100 hài cốt liệt sỹ được đưa vào nghĩa trang gia tộc; di chuyển 532 hài cốt liệt sỹ trên địa bàn tỉnh về nguyên quán. Đến nay, toàn tỉnh có 130 nghĩa trang liệt sỹ.

Công tác đền ơn đáp nghĩa ở tỉnh Quảng Nam trong những năm qua tuy đã đạt được những kết quả to lớn, nhưng trong điều kiện của một tỉnh có đối tượng người có công cao nhưng xuất phát điểm về kinh tế thấp, nguồn thu ngân sách còn ít, nguồn lực vận động trong cộng đồng nhất là nguồn lực tại chỗ còn hạn chế nên việc thực hiện những chính sách dành cho người có công còn hạn chế, bất cập; có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Để thực hiện tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Cải tiến lề lối làm việc, đổi mới tổ chức bộ máy làm công tác ưu đãi xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn.

Hai là, phối hợp với mặt trận, các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia công tác Đền ơn đáp nghĩa nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người có công. Tập trung rà soát, xác lập hồ sơ đề nghị xác nhận người có công theo quy định; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ.

Ba là, khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để anh chị em thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của gia đình, xứng đáng người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.

Bốn là, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách và triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời tất cả chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách, bảo đảm đủ phẩm chất, năng lực công tác chuyên môn, đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.

Năm là, thực hiện tốt việc quản lý chăm sóc, tu sửa, nâng cấp các mộ, nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia ghi liệt sĩ, phối hợp khảo sát, tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ hy sinh, phấn đấu xây dựng để các công trình ghi công liệt sĩ trở thành các công trình văn hoá, lịch sử của mỗi địa phương.

---------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN.2002, tập 6, tr 261.

(2) Những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, Nxb Sự thật, HN 1962, tập 6, tr 7.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất