Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan đảng, nhà nước và các đoàn thể từ thực tiễn của Đồng Tháp
Hội nghị quán triệt và triển khai các văn kiện Đại hội XI của Đảng tại Đồng Tháp.

Nghị quyết Đại hội X của Đảng đề ra yêu cầu sắp xếp, đổi mới tổ chức, bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, bảo đảm vừa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân. Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội X, Hội nghị Trung ương 4 đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Chính phủ đã có Nghị định số 13, 14/2008/NĐ-CP về Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan chuyên môn  thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Kết quả thực hiện

Sau khi có Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VIII), tháng 8-1999, Đồng Tháp đã tiến hành sắp xếp, kiện toàn các ban đảng. Theo đó, Ban Tài chính Tỉnh uỷ, Ban Kinh tế Tỉnh uỷ được sáp nhập vào Văn phòng Tỉnh uỷ, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ được sáp nhập vào Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và hoạt động ổn định cho đến nay. Giải thể một số ban cán sự đảng, đảng đoàn thuộc các ngành, đoàn thể tỉnh (chỉ còn các ban cán sự đảng: UBND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân; các đảng đoàn tại các cơ quan thuộc đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh). Khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X), Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định thành lập Đảng đoàn Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Ban cán sự đảng Ngân hàng tỉnh.

Đối với việc thực hiện Nghị định số 13, 14 của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã lãnh đạo tiến hành việc hợp nhất, sáp nhập, quy định lại chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đúng theo tiến độ quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan đảng, nhà nước và các đoàn thể tại Đồng Tháp đã mang lại kết quả thiết thực và phù hợp theo hướng đổi mới: Giảm đầu mối các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, từ đó giảm số lượng người đứng đầu các cơ quan này, giúp cho tổ chức bộ máy, cán bộ được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn trước đây. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn được quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học hơn. Khắc phục một bước tình trạng chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ ở một số cơ quan.

Việc thành lập mới Sở Thông tin và Truyền thông là hết sức cần thiết, kịp thời, đáp ứng nhu cầu phát triển và yêu cầu quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, đồng thời góp phần bố trí, phân công lại chức năng, nhiệm vụ một số ngành theo hướng khoa học hơn (Sở Văn hoá - Thông tin trước đây).

Việc triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương cũng là cơ hội để các cơ quan sàng lọc, lựa chọn cán bộ, tiến hành tinh giản biên chế đối với một số cán bộ không đủ năng lực, không đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới.

Hạn chế

Trong thời gian đầu, số lượng các cơ quan chuyên môn có giảm nhưng số lượng cán bộ, công chức giảm không đáng kể, các chức danh lãnh đạo gần như không thay đổi. Một số đơn vị có số lượng cán bộ lãnh đạo đông (Sở Nội vụ có đến 7 phó giám đốc, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch có 6 phó giám đốc...) dẫn đến việc quản lý, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan khá lúng túng, đôi lúc không bao quát hết.

Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc giữa các sở được hợp nhất còn nhiều khó khăn, sự gắn kết không cao, vẫn còn tư tưởng phân chia theo khối, lĩnh vực phụ trách.

Tóm lại, qua thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, nhà nước và các đoàn thể tại tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi nhận thấy có mấy vấn đề đặt ra như sau:

Thứ nhất, vẫn còn tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa một số ngành, chính quyền địa phương, cụ thể là trên một số lĩnh vực như công chứng, quản lý nước sạch, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm,...

Thứ hai, theo quy định tại Điều 06, Nghị định số 13/2008/NĐ-CP thì số lượng phó giám đốc các sở không quá 3 (trừ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Như trên đã nói, sau khi hợp nhất, một số sở có số lượng phó giám đốc trên 3 đồng chí. Tính đến nay, việc điều chỉnh giảm số lượng cấp phó một số sở, ngành còn khá chậm do cần chờ thời gian để các đồng chí đến tuổi nghỉ hưu hoặc giải quyết chế độ theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Trong khi đó, một số sở lớn như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo rất cần có hơn 3 phó giám đốc mới đủ khả năng chỉ đạo, điều hành tốt theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp tỉnh tương đối thuận lợi thông qua các ban cán sự đảng và đảng đoàn, trong khi cấp huyện còn khá lúng túng. Hiện nay, tại Đồng Tháp đang áp dụng cơ chế cấp uỷ huyện (tương đương) lãnh đạo UBND qua đồng chí phó bí thư cấp uỷ, chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các đoàn thể thông qua các đồng chí cấp uỷ viên huyện là người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể huyện. Vấn đề đặt ra là đối với những cơ quan không có cấp uỷ viên huyện thì sao. Trường hợp này, chúng tôi phải cơ cấu đồng chí là thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể huyện phải là bí thư cấp uỷ cơ sở tại chi, đảng bộ cơ sở ban, ngành, đoàn thể đó.

Kiến nghị

Xuất phát từ một số vướng mắc trên, chúng tôi đề nghị Trung ương nghiên cứu:

- Sửa đổi Nghị định số 13/2008/NĐ-CP theo hướng cho tăng thêm số lượng phó giám đốc sở lên 4 đồng chí đối với một số sở đa ngành, đa chức năng ở từng khu vực. Ví dụ như khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh nông nghiệp khác thì ưu tiên cho tăng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Trước đây được sự thống nhất của Chính phủ, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện thí điểm chủ trương này (tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc) và mang lại hiệu quả thiết thực, vừa tăng cường cán bộ cho địa phương, vừa tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho tỉnh.

- Cho chủ trương thí điểm thành lập Ban cán sự đảng UBND cấp huyện để phù hợp với cơ chế lãnh đạo của Đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất