Hội thảo khoa học về đào tạo, bồi dưỡng công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế

Tham dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị của một số cơ quan ban, bộ, ngành ở Trung ương: Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội Vụ, Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo ban tổ chức các tỉnh ủy Hưng Yên, Hà Nam, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

PGS, TS. Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

PGS, TS. Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, mục đích của Hội thảo nhằm cung cấp thông tin lý luận đào tạo, bồi dưỡng công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và các nội dung liên quan trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong khu vực và thế giới về đào tạo, bồi dưỡng công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm phù hợp cho Việt Nam để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Kết quả Hội thảo góp phần tham mưu cho Trung ương xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ phẩm chất, năng lực làm việc tốt trong môi trường quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Bá Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khẳng định, trong những năm qua, bên cạnh việc chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị luôn được Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chú trọng và thực hiện toàn diện.

Đồng chí

Đồng chí Nguyễn Bá Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội thảo.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đã xác định công tác cán bộ là một trong 3 khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó chú trọng đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 22-9-2021 về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, theo đó Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xây dựng Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 22-9-2021 về “Đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025”. Đề án đã đề ra mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể đúng với tinh thần Nghị quyết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực; trong đó tập trung đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu về những lĩnh vực tỉnh cần, tỉnh còn thiếu, còn yếu; quan tâm triển khai bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp uỷ các cấp nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các hoạt động lãnh đạo, quản lý và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học để xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

“Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và trong quy hoạch các chức danh nhiệm kỳ kế tiếp diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được đào tạo văn bằng hai hoặc đào tạo trình độ thạc sĩ trở lên. 100% các chức danh chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên. Đến năm 2030, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có ít nhất 2 bằng đại học hoặc có trình độ chuyên môn từ thạc sỹ trở lên; 80% cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 50 tuổi, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 40 tuổi có trình độ thạc sỹ trở lên. 100% cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ chuyên môn đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên” - đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc cho biết.

Đồng chí Nguyễn Bá Huy chia sẻ, cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Vĩnh Phúc có những khó khăn nhất định trong xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Bởi vậy, đồng chí mong muốn từ Hội thảo này Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được lắng nghe, tiếp thu ý kiến tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các cơ quan, đơn vị, các tỉnh, thành phố trong cả nước để tham mưu giúp Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy có những giải pháp cụ thể, phù hợp, khả thi hơn trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.


Trao đổi tại Hội thảo, GS, TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, vấn đề Hội thảo đặt ra rất đúng, trúng đối với công tác cán bộ hiện nay. Trong bối cảnh môi trường quốc tế ngày càng rộng mở, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Với truyền thống hơn 70 năm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện có gần 100 chương trình đào tạo; trong đó có nhiều chương trình phối hợp với các cơ quan nhà nước để đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức.

Trường thường xuyên rút kinh nghiệm, học tập các mô hình trong và ngoài nước để vận dụng vào mô hình đào tạo, bồi dưỡng ở Việt Nam. Đối với đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, nhà trường đặc biệt quan tâm đào tạo không chỉ về kiến thức mà chú trọng cả hệ kỹ năng tổng hợp, về mặt tư duy, nhận thức, thái độ tích cực của cán bộ, công chức. Có thể coi là mô hình tam giác cân kiến thức - kỹ năng - tư duy tích cực. Trong đó đào tạo tư duy tích cực cho đội ngũ nhân lực rất quan trọng, nhằm “đồng bộ từ gốc” trong đào tạo cán bộ.

Về tiêu chí ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức hiện nay, đồng chí chia sẻ thêm, đào tạo về ngoại ngữ rất quan trọng để có đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong môi trường quốc tế. “Đào tạo chuẩn hóa ngoại ngữ cho đội ngũ công chức hiện nay là một nhiệm vụ khó, còn nhiều vướng mắc, tuy nhiên khó - nhưng không thể không làm” - đồng chí Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh. 


 

Bàn về đào tạo, bồi dưỡng công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, PGS, TS. Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đưa ra 5 tiêu chí và 3 yếu tố then chốt. Trong 5 tiêu chí, tiêu chí hàng đầu là tư duy, nhận thức chính trị của cán bộ, công chức; Hai là tri thức, nhận thức về kỹ năng lãnh đạo, quản lý và tham mưu; Ba là kỹ năng về đối ngoại, ngoại giao; Bốn là tiêu chí về văn hóa ứng xử và cuối cùng là tiêu chí về kỹ năng làm việc nhóm.

Đồng chí cũng đưa ra 3 yếu tố then chốt trong đào tạo, bồi dưỡng công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế: Đó là thể chế, chủ thể tham gia đào tạo và mô hình đào tạo, bồi dưỡng.


 
Dựa trên cơ sở lý luận và quan sát thực tiễn về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới, TS. Lại Thái Bình, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã phân tích những cơ hội và thách thức đối với cán bộ, đảng viên làm việc trong môi trường quốc tế. Từ đó nêu những yêu cầu đặt ra về trình độ, phẩm chất, kỹ năng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng chí nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên là những người tham gia sâu rộng vào tiến trình hội nhập quốc tế cần am hiểu các kiến thức chuyên biệt cụ thể liên quan đến các vấn đề đang nổi lên, các đối tác cụ thể, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan các vấn đề. Đây là cơ sở để nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác của cán bộ, đảng viên về mặt bản chất.

Bên cạnh đó, phẩm chất chính trị và thái độ đối với công việc là điều cực kỳ quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong môi trường làm việc quốc tế; có thể nói thành bại trong hội nhập quốc tế phụ thuộc vào chất lượng cán bộ mà then chốt nhất vẫn là phẩm chất chính trị và thái độ với công việc. Về kỹ năng, không chỉ dừng lại ở các kỹ năng như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, phương pháp nghiên cứu khoa học…, cần liên tục tiến hành đào tạo và đào tạo lại liên quan đến các nền tảng văn hóa, năng lực giao tiếp, đàm phán quốc tế, kỹ năng tổ chức trong bối cảnh mới…

Tham luận của đồng chí cũng đã nêu một số nhân tố tác động đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, phân tích rõ những mặt thuận, chưa thuận và giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế, góp phần đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tham gia làm việc trong môi trường quốc tế.


Bên cạnh ý kiến của các chuyên gia, các ý kiến phát biểu từ đại diện ban tổ chức tỉnh uỷ Hoà Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang… đã cho thấy những kết quả tích cực của các địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế:

Đồng chí Bùi Thị Thu Hằng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: "Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới". Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án, Nghị quyết "Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030", trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ đồng thời xây dựng kế hoạch kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Tỉnh Hòa Bình đã quan tâm ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng từ nguồn ngân sách tỉnh, kinh phí của cơ quan quản lý và đơn vị sử dụng cán bộ, công chức. Hiện tỉnh đang xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án và Nghị quyết để chuẩn bị cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận, đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế trong thời gian tới.

Triển khai thực hiện Đề án đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 68-KH/TU ngày 8-2-2022 giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2022 đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; đồng thời quan tâm bố trí kinh phí với chính sách đặc thù.

Tỉnh uỷ Thái Nguyên ban hành Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 15-7-2021 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến về khả năng làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ, công chức mà trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp.

Đồng chí Lê Quang Trung, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên cho rằng: Việc đào tạo, bồi dưỡng công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, cần phải xác định rõ đối tượng, nhu cầu; nội dung chương trình và tài liệu; xây dựng đội ngũ giảng viên; phương pháp giảng dạy phù hợp; lộ trình đào tạo, bồi dưỡng. Yêu cầu tăng cường các chương trình bồi dưỡng kiến thức quan hệ quốc tế, kiến thức đối ngoại, nghiệp vụ ngoại giao và ngoại ngữ dành cho đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tăng khả năng làm việc trong môi trường quốc tế trong tình hình mới, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm, chú trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng và cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước. Thông qua các khóa huấn luyện, các lớp đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ tỉnh Tuyên Quang ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng; nâng cao ý thức tu dưỡng đạo đức cách mạng, hoàn thiện trong nhận thức và hành động, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong mọi thời kỳ, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay. Kết quả, từ năm 2018 đến nay toàn tỉnh đã đào tạo và cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với trên 500 lượt cán bộ, công chức; đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với trên 1.200 lượt cán bộ, công chức; bồi dưỡng cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý của tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025) đối với 91 đồng chí.

Nhiều giải pháp cụ thể nhằm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế cũng được thảo luận tại Hội thảo với nhiều góp ý, đề xuất từ các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà lãnh đạo, quản lý.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là hết sức thiết thực, là nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay, góp phần hiện thực hoá nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ. Ban Tổ chức Trung ương đang tích cực triển khai cụ thể hoá quan điểm, chủ trương của Đảng; tham mưu ban hành Kết luận số 39-KL/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước; trong đó có đổi mới theo xu hướng tập trung bồi dưỡng chứ không tập trung đào tạo; bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm, nhấn mạnh vào đội ngũ đối tượng diện Trung ương quản lý. Ở địa phương tự xây dựng đối tượng và nguồn kinh phí để cụ thể hóa nghị quyết của Đảng.

Các ý kiến tại Hội thảo đều đã khẳng định rằng kinh nghiệm hội nhập quốc tế rất đa dạng, phong phú, cần chắt lọc những kinh nghiệm để vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, các ý kiến đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khung năng lực, trong đó có khung năng lực “cứng” và khung năng lực “mềm”, đề cập đến những kỹ năng cần có của đội ngũ cán bộ, công chức để đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Nhiều ý kiến cũng đề xuất việc tăng cường phương thức tự học tập, tự trải nghiệm của cán bộ, công chức, nhất là với những ngành, nghề có yêu cầu cao hơn về môi trường quốc tế.

Trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhận thức của cán bộ, công chức và trách nhiệm của cơ sở đào tạo cũng là những vấn đề được thảo luận trong Hội thảo với những ý kiến đồng thuận, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của những yếu tố này. Trong đó thống nhất rằng cần có sự lãnh đạo xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài. Thực tiễn cho thấy có những thuận lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất