Hội thảo khoa học về đào tạo, bồi dưỡng công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế

Toàn cảnh Hội thảo.

Đồng chí PGS, TS. Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị của một số cơ quan ban, bộ, ngành ở Trung ương và đại diện lãnh đạo ban tổ chức 6 tỉnh, thành phố bao gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn và các chuyên gia, nhà khoa học.

PGS, TS. Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Vũ Thanh Sơn nhấn mạnh, mục đích của Hội thảo lần này nhằm cung cấp thông tin lý luận đào tạo, bồi dưỡng công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và các nội dung liên quan trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong khu vực và thế giới về đào tạo, bồi dưỡng công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm phù hợp cho Việt Nam để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Kết quả Hội thảo góp phần tham mưu cho Trung ương xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ phẩm chất, năng lực làm việc tốt trong môi trường quốc tế.

Đồng chí Vũ Thanh Sơn đánh giá Quảng Ninh là nơi hội tụ nhiều yếu tố phát triển, điểm sáng trong thực hiện các chương trình đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc lựa chọn Quảng Ninh làm nơi tổ chức Hội thảo vì đây là tỉnh có nhiều chiến lược đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Quyết Tiến đánh giá, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là một đề tài mới. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Quảng Ninh cũng rất quan tâm đến vấn đề này.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Quyết Tiến phát biểu tại Hội thảo.

Với trên 106.500 đảng viên, 20 đầu mối tổ chức đảng với vị trí địa lý và diện tích tự nhiên lớn nên Quảng Ninh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng.

Với tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, Quảng Ninh phấn đấu trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm của vùng Bắc Bộ và cả nước. Quảng Ninh xác định đặt mục tiêu chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao và coi đây là khâu đột phá mang tính quyết định.

Đội ngũ cán bộ Quảng Ninh thời gian qua đã có sự chuyển biến mạnh, đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng cao về vấn đề đào tạo lý luận chính trị, kỹ năng quản lý nhà nước, trình độ ngoại ngữ, tin học cơ bản đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo chung và tiêu chí mà Trung ương đặt ra.

Mặc dù không phải trung tâm đào tạo lớn của quốc gia nhưng tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt chú trọng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược của tỉnh, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đây là vấn đề hết sức cấp bách đối với tỉnh Quảng Ninh, trong đó sẽ tập trung tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong giai đoạn 2015-2020, ngân sách dành cho giáo dục, đào tạo của tỉnh Quảng Ninh chiếm 30% tổng chi ngân sách thường xuyên của toàn tỉnh. Tỉnh cũng đã xây dựng riêng đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, được thực hiện theo lộ trình, phối hợp các trường đại học lớn trong nước và nước ngoài để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 702 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với 40.000 lượt người học, thu được nhiều kết quả hữu ích.

Quảng Ninh cũng xây dựng chương trình chọn cử, sàng lọc, đưa cán bộ từ 35 tuổi trở xuống về các địa phương để xây dựng kiến thức, giúp cán bộ trẻ “gần dân, sát dân”, có kỹ năng xử lý công việc và phát triển khả năng tham mưu sát với thực tiễn.

“Hiện nay, nâng cao trình độ ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức là vấn đề nan giải, bài toán khó đối với Quảng Ninh. Do đó, rất cần thêm những ý kiến tham vấn, những ý tưởng mới, sáng tạo cùng những kinh nghiệm quốc tế đến từ các chuyên gia, nhà khoa học để gỡ khó giúp Quảng Ninh”, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh

Theo đó, tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất nhiều kiến nghị làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn liên quan đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, tập trung vào các nhóm vấn đề: (1) Tổng hợp, giới thiệu các khung lý thuyết về đào tạo, bồi dưỡng công chức trên thế giới; xây dựng khung năng lực làm việc trong môi trường quốc tế và quản lý quá trình đào tạo, bồi dưỡng công chức (tri thức, kỹ năng, thái độ); (2) Giới thiệu kinh nghiệm của các quốc gia trong phát triển nguồn nhân lực và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, mô hình hay, cách làm sáng tạo của các địa phương trong xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; (3) Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các cơ quan, đơn vị và địa phương, các trường đại học trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; (4) Xác định định hướng, giải pháp, cách thức tổ chức, phối hợp đạt được mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế…

TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao: Khung đánh giá năng lực cán bộ của các tổ chức quốc tế trên thế giới

Theo TS. Phạm Lan Dung, các tổ chức quốc tế đều sử dụng khung năng lực để phục vụ công tác lập kế hoạch, xây dựng vị trí việc làm, tuyển dụng và quản lý, đánh giá nhân sự.

TS. Phạm Lan Dung

Khung năng lực đánh giá công chức của các tổ chức quốc tế nhìn chung là tổng hợp tất cả các kỹ năng, thái độ, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Khung năng lực này được xây dựng dựa trên các “giá trị cốt lõi” của tổ chức, các năng lực cốt lõi và các năng lực thực thi nhiệm vụ. Hiện nay, Liên hiệp quốc chia năng lực thành 2 nhóm: năng lực cốt lõi gồm giao tiếp, làm việc nhóm, lên kế hoạch và tổ chức, sáng tạo, định hướng khách hàng, ham muốn học hỏi và nhận biết kỹ thuật; năng lực quản lý gồm lãnh đạo, tầm nhìn, xây dựng lòng tin, quản lý công việc, đánh giá và ra quyết định.

TS. Phạm Lan Dung cũng đề xuất khung năng lực phải cụ thể hóa theo chuyên môn của từng ngành, từng lĩnh vực và xuất phát từ chính nhu cầu của các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ. Chiến lược đào tạo cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế không chỉ dừng lại ở việc đào tạo tại nước ngoài mà còn phải chú trọng đào tạo tại chỗ, kết hợp các khóa ngắn hạn, dài hạn, tập trung chiến lược đào tạo vào đội ngũ cán bộ trẻ. Mời chuyên gia giỏi các nước về đào tạo cán bộ. Đồng thời, xây dựng lồng ghép kết quả học tập các khóa học gắn với việc khen thưởng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cán bộ để tạo mục đích, mục tiêu học tập đối với mỗi cán bộ.

Đồng chí Hoàng Sỹ Cường, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ, Ban Đối ngoại Trung ương: Mỗi cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế có thể được coi là đại diện cho văn hóa, con người Việt Nam.

Đồng chí Hoàng Sỹ Cường.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ, Ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh, cán bộ muốn làm việc trong môi trường quốc tế, yêu cầu đầu tiên vẫn là phải có chuyên môn sâu về lĩnh vực mình phụ trách.

Về mặt kiến thức, bên cạnh những yêu cầu chung, cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế cần phải được trang bị nền tảng kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc; đặc biệt, kiến thức sâu về chuyên môn, nghiệp vụ và thành thạo ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc. Đồng thời, điều quan trọng là mỗi cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế phải thấm nhuần và nắm vững, hiểu rõ lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc; có phông hiểu biết cơ bản về văn hóa nước ngoài.

Thái độ hay nói rộng ra là phẩm chất của cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế thể hiện các khía cạnh: phải có phẩm chất và tư tưởng chính trị vững vàng; phải có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh; phải có phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại. Mỗi cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế có thể được coi là đại diện cho văn hóa, con người Việt Nam.

Ngoài việc đáp ứng khung năng lực chung nói trên, đồng chí Hoàng Sỹ Cường nhấn mạnh đối với mỗi nhóm cán bộ gồm cán bộ lãnh đạo quản lý cấp chiến lược và cán bộ cấp làm việc cần nhấn mạnh thêm những yêu cầu riêng.

Đối với cán bộ lãnh đạo quản lý cấp chiến lược cần có tầm nhìn chiến lược có tư duy hệ thống; có tầm nhìn chiến lược sẽ giúp người lãnh đạo có khả năng dẫn dắt, định hướng. Đồng thời có khả năng, kỹ năng lãnh đạo và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp dưới.

Đối với cán bộ cấp làm việc: Về kiến thức phải không ngừng trang bị nền tảng kiến thức trong cả lĩnh vực chuyên môn và các lĩnh vực khác, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Về kỹ năng phải có kỹ năng mềm, thích ứng linh hoạt, dự báo trước được các tình huống rủi ro. Về thái độ luôn chú ý giữ vững bản lĩnh, phẩm chất chính trị, coi đây là nền tảng.

PGS, TS. Hồ Thúy Ngọc, Trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương: Ngoại ngữ và tin học là công cụ

Xuất phát từ lo ngại vấn đề ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay khi làm việc trong môi trường quốc tế, PGS, TS. Hồ Thúy Ngọc cho rằng, ngoại ngữ chỉ là công cụ. Đội ngũ cán bộ trẻ có ngoại ngữ, có sự sáng tạo, nhiệt tình nhưng những cán bộ làm việc lâu năm thì có kinh nghiệm, thông tin, kỹ năng làm việc. Điều này tạo nên sự tổng hòa hợp lý.

PGS, TS. Hồ Thúy Ngọc.

Nếu không có ngoại ngữ, chúng ta có thể dùng phiên dịch, nó chỉ làm chậm quá trình chứ không dừng quá trình. Do đó, những vấn đề liên quan đến ngoại ngữ không phải là điểm khó mà chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm mới là điều chúng ta phải trau dồi.

Chúng ta phải có khung năng lực, tức một cơ chế để đánh giá cán bộ, công chức thiếu và yếu ở chỗ nào khi làm việc trong môi trường quốc tế. Sau đó, chúng ta mới có phương hướng đưa ra chương trình đào tạo, rồi tiếp tục dùng thang đo về năng lực tư duy Bloom để đánh giá chương trình đào tạo đó đạt được mục tiêu không. Sau 3-5 năm sẽ dùng khung năng lực để đánh giá lại.

Hiện nay, đã có Đề án thí điểm về kiểm định chất lượng đầu vào công chức của Bộ Nội vụ. Chính phủ cũng đã có dự thảo Nghị định về kiểm định chất lượng đầu vào, trong đó Phụ lục số 15 đã đưa ra khung năng lực đánh giá năng lực làm việc của công chức. Khung năng lực này đã đạt được mức phổ quát về năng lực cần có ở mức tối thiểu của công chức tại các ngành nghề khối nhà nước, tuy nhiên nếu đưa yếu tố môi trường quốc tế vào thì lại thiếu.

PGS, TS. Hồ Thúy Ngọc đề xuất, ngoài khung năng lực chung làm nền tảng, thì lõi bên trong cần đưa thêm các tiêu chí quốc tế. Bên cạnh đó, mỗi một lĩnh vực quản lý nhà nước phải xây dựng thêm thang đo nhỏ hơn về năng lực chuyên môn, kỹ năng toàn cầu hóa, ngôn ngữ, kinh nghiệm lễ tân ngoại giao… Các vấn đề liên quan đến chuyên môn và kỹ năng phải được ưu tiên đào tạo. Đào tạo ngoại ngữ là đào tạo dần dần, “mưa dầm thấm lâu”.

PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Yếu tố quan trọng là xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ cán bộ

PGS, TS. Phạm Minh Sơn đưa ra những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

PGS, TS. Phạm Minh Sơn.

Đứng dưới góc độ là đơn vị đào tạo cán bộ cho Đảng, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là việc trang bị cho đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc và vận dụng hiệu quả quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động quốc tế.

Hiện nay, cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế rất đa dạng, nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau, do đó khi tiếp xúc các đối tượng nước ngoài, nếu bản lĩnh chính trị không vững vàng, nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng thì rất dễ bị dẫn dắt, sa ngã.

Ngoài ra, chúng ta cần chú trọng các quan điểm, đường lối của Đảng về hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ. Yêu cầu với người làm ngoại giao và đối ngoại phải nắm vững các vấn đề chuyên môn.

PGS, TS. Phạm Minh Sơn cũng nhấn mạnh, ngoại ngữ và tin học là công cụ và phương tiện nhưng vẫn phải chú trọng để giúp chúng ta đi xa, đi nhanh hơn. Có ngoại ngữ mới giúp cán bộ giao tiếp thuận tiện trong môi trường quốc tế.

Đồng chí Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng: Mở rộng phạm vi hiểu về không gian làm việc trong môi trường quốc tế

Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng Ngô Minh Tuấn.

Theo Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, chúng ta phải hiểu cán bộ có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế không bó hẹp là làm việc tại nước ngoài hay làm việc trong nước với đối tác nước ngoài mà cần mở rộng phạm vi và không gian ra ngay cả làm việc trong nước với đối tác trong nước nhưng có nội dung liên quan vấn đề hội nhập quốc tế và  giao tiếp, giao dịch quốc tế.

Việc xây dựng Khung năng lực cán bộ là rất cần thiết nhưng phải chú ý đến yếu tố hiểu biết về thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, cần xây dựng kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ, trong đó rất quan trọng rèn luyện khả năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm...

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều tập trung vào việc xây dựng Khung năng lực cán bộ và các hợp phần của Khung năng lực. Đây là vấn đề chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu bởi có những hợp phần mang tính cá biệt, chuyên môn hóa cho từng ngành nghề riêng. Ngoài ra, Khung năng lực phải đặt ra những yêu cầu về hệ thống các kỹ năng, yêu cầu cán bộ phải hiểu biết pháp luật, tôn trọng các giá trị văn hóa. Các ý kiến cũng thống nhất ngoại ngữ và tin học là công cụ, phương tiện để truyền tải chuyên môn, đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, giúp cán bộ thuyết phục được đối tác… Ngoài ra phải xây dựng được kỹ năng mềm: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ngoại giao, soạn thảo văn bản, công hàm, phong cách và phương pháp làm việc chuyên nghiệp...

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc đề cao rèn luyện phẩm chất và bản lĩnh chính trị của người cán bộ, công chức; Cần linh hoạt trong các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cần tích cực hơn nữa; Xây dựng nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp theo từng nhóm đối tượng; Tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ; Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo; Trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất