Thảo luận nội dung Nghị quyết Trung ương 4 ở một đảng bộ xã
Một buổi quán triệt NQTƯ 4 ở cơ sở

Xã Thạch Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình là một xã vùng núi có trên 40% hộ nghèo. Tuy nhiên, đây lại là một đảng bộ mạnh, hiện có 19 chi bộ với gần 300 đảng viên, trong đó có nhiều đồng chí nguyên là bí thư, chủ tịch xã hoặc là bí thư chi bộ trực thuộc huyện uỷ, sĩ quan quân đội nghỉ hưu chuyển về sinh hoạt, khoảng 40 đảng viên có trình độ đại học. Khi Đảng bộ xã triển khai học tập và quán triệt nội dung NQTƯ 4 (khoá XI), nhiều cụ tuổi cao, đã 50, 60 tuổi đảng, tuy được miễn sinh hoạt nhưng vẫn nhờ con cháu đưa đến hội trường xã để nghe giới thiệu và cùng các lớp đảng viên thảo luận một cách sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm. Rõ ràng, NQTƯ 4 đã phản ánh đúng những tâm tư nguyện vọng của dân nên được đông đảo nhân dân quan tâm. Trong hội nghị, các đảng viên bày tỏ sự tin tưởng NQTƯ 4 sẽ đi vào cuộc sống và được hiện thực hoá. Hội nghị nhất trí khẳng định Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bắt đúng mạch, chẩn đoán đúng bệnh, bốc đúng thuốc để chữa. Vấn đề còn lại là người bệnh có chịu uống “thuốc đắng” để “giã tật” hay không. Nếu thấy thuốc “phê bình và tự phê bình” đắng mà không uống thì “một bộ phận không nhỏ” đảng viên chắc không thể khỏi bệnh được.

Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng qua các nhiệm kỳ đều đề cập nội dung chỉnh đốn Đảng nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Song NQTƯ 4 (khoá XI) có những nội dung tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, nhất là những giải pháp  cụ thể và quyết liệt. Nghị quyết lần này được tiến hành kiểm điểm từ trên xuống dưới, từ uỷ viên BCT, BCH Trung ương Đảng rồi mới đến cấp tỉnh, huyện... Lãnh đạo Đảng làm trước sau đó mới đến từng đảng viên. Một số đảng viên lão thành cho rằng: mỗi đảng viên đều được sự giáo dục và giám sát của các cấp lãnh đạo, còn những người đứng đầu tổ chức đảng thì ai giám sát sự thực hiện nghị quyết của họ? Nên chăng, đối với cấp uỷ viên các cấp cần được lấy phiếu nhận xét, phiếu tín nhiệm, phê bình và tự phê bình trước toàn thể đại biểu đại hội đảng của cấp đó. Vì các đại biểu đại hội đảng các cấp có trách nhiệm giám sát những người mà họ đã cầm lá phiếu để bầu lên.       

Sự thoái hoá biến chất của một bộ phận không nhỏ đảng viên trong đó có những đảng viên là cán bộ cao cấp, đều có chung một nguyên nhân, đó là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, các tổ chức đảng cần quán triệt và học tập lại một số tài liệu của chủ tịch Hồ Chí Minh như “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người đảng viên, người cấp dưới trở nên tốt hay xấu đều phụ thuộc rất lớn vào sự rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu trong cơ quan, đơn vị, các tổ chức đảng, và nhất là tấm gương của người lãnh đạo. Nếu người đứng đầu cơ quan là tấm gương sáng thì sẽ tạo hiệu ứng cao và một sức cộng hưởng tốt, động viên cấp dưới học tập và làm theo tấm gương người thủ trưởng. Ngược lại, nếu người đứng đầu thích được tâng bốc, trù dập những người dám nói thật, nói thẳng, đối xử thiếu công bằng, có tư tưởng độc đoán, vụ lợi... thì cơ quan đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cá nhân, bè phái, cơ hội phát triển.

Mặt khác, cấp uỷ đảng các cấp không được buông lỏng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong tổ chức đảng. Phải thường xuyên giáo dục, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm. Muốn thực hiện thắng lợi và đưa NQTƯ 4 đi vào cuộc sống, mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi một đảng viên phải kiên trì, không thể nôn nóng và không cầu toàn. Ở đâu và bao giờ, việc đấu tranh với "kẻ thù"  trong chính mình cũng là một việc làm hết sức khó khăn. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết nhất trí để vừa giáo dục, vừa xử lý nghiêm, cương quyết loại bỏ bằng được “một bộ phận không nhỏ” những đảng viên có những biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất