8 bài học kinh nghiệm của Trung Quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng

Năm 2022, đánh dấu mốc Trung Quốc kỷ niệm 101 năm ngày thành lập Đảng (1-7-1921 – 1-7-2022). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc đã giành được nhiều thành tựu to lớn, hoàn thành mục tiêu “100 năm thứ nhất” - xây dựng toàn diện xã hội khá giả, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện mục tiêu “100 năm thứ hai” - xây dựng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.


Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hội đàm trực tuyến với đồng chí Trần Hy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 18-7-2022. Ảnh: Đỗ Anh.

Trung Quốc hết sức coi trọng công tác tổ chức xây dựng Đảng. Từ sau Đại hội XIX đến nay, năng lực lãnh đạo chính trị, định hướng tư tưởng, tổ chức quần chúng và hiệu triệu xã hội ở Trung Quốc được tăng cường rõ rệt; nền tảng cầm quyền và nền tảng quần chúng của Đảng được củng cố vững chắc hơn, đã giành được sự ủng hộ của toàn Đảng và nhân dân các dân tộc trên toàn quốc. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là “hạt nhân” đã đề ra các yêu cầu mới về công tác xây dựng Đảng và đường lối tổ chức của Đảng trong thời đại mới, được khái quát qua 8 bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, coi đây là nguyên tắc căn bản, đặc trưng và ưu thế lớn nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, con đường tất yếu để kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Trung Quốc tập trung hoàn thiện thể chế lãnh đạo của Trung ương Đảng đối với các công tác quan trọng, nhất là đối với công tác tổ chức; đẩy mạnh cải cách bộ máy các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sắp xếp một cách có hệ thống đối với tổ chức và thể chế quản lý của Đảng và Nhà nước; quyết liệt thực hiện sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng, đảm bảo vai trò hạt nhân lãnh đạo trong Đảng.

Thứ hai, quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị. Xây dựng chính trị trong Đảng là xây dựng mang tính căn bản của Đảng, quyết định phương hướng và hiệu quả của công tác xây dựng đảng. Trung Quốc xác định xây dựng chính trị trong Đảng là xây dựng mang tính căn bản và được đặt lên hàng đầu, thống lĩnh các mặt của xây dựng Đảng. Bảo đảm toàn Đảng phục tùng Trung ương Đảng, kiên trì quyền uy và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương Đảng là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng chính trị của Đảng. Triển khai thị sát chính trị và giám sát chính trị, không ngừng nâng cao tính chính trị, tính nguyên tắc và tính chiến đấu của sinh hoạt chính trị trong đảng; củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Thứ ba, tiếp tục trang bị lý luận cho Đảng trong thời đại mới. Xây dựng tư tưởng là xây dựng mang tính cơ bản của Đảng. Tăng cường trang bị lý luận cần kiên trì không thay đổi vai trò chỉ đạo của Chủ nghĩa Mác, thúc đẩy Trung Quốc hóa, thời đại hóa Chủ nghĩa Mác. Khẳng định Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới là Chủ nghĩa Mác đương đại Trung Quốc, là Chủ nghĩa Mác trong thế kỷ XXI.  

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống tổ chức thông suốt, thực hiện hiệu quả. Trung Quốc cho rằng lực lượng của Đảng đến từ tổ chức, sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và toàn bộ công tác của Đảng phải dựa vào hệ thống tổ chức kiên cường để triển khai. Kiên trì thúc đẩy xây dựng tổ chức Trung ương, tổ chức địa phương và tổ chức cơ sở từ chiều dọc và kiên trì làm tốt xây dựng Đảng trong các lĩnh vực truyền thống như vùng nông thôn, thành thị, trong doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp nhà nước cũng như công tác xây dựng Đảng trong các lĩnh vực mới nổi. Giáo dục đảng viên và quản lý đảng viên nghiêm minh và thiết thực, động viên tổ chức đảng và đông đảo đảng viên, cán bộ dấn thân vào các nhiệm vụ quan trọng như ưu tiên thoát nghèo, chấn hưng vùng nông thôn, phòng chống dịch bệnh…

Thứ năm, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Trung Quốc xác định việc tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ là vấn đề then chốt, căn bản; đẩy mạnh thực hiện toàn diện tiêu chuẩn cán bộ tốt trong thời đại mới, nhất là yêu cầu về sự trung thành, trong sạch, có đạo đức và tài năng xứng đáng; tiến hành rà soát kỹ lưỡng tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất, năng lực và làm tốt công tác bầu chọn ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới ở địa phương; chú trọng bồi dưỡng, đề bạt cán bộ trẻ; hoàn thiện hệ thống chế độ quản lý, giám sát cán bộ nghiêm minh; tăng cường công tác sàng lọc trong đề bạt cán bộ; khuyến khích cán bộ đảm nhiệm trọng trách và đạt thành tích, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ bản lĩnh và khả năng lãnh đạo công cuộc xây dựng hiện đại hóa.

Thứ sáu, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng tốt nhân tài. Trung Quốc chủ trương nhân tài là nguồn lực số một của sự phát triển, là yếu tố cốt lõi của sự sáng tạo đổi mới; đi sâu thúc đẩy cải cách về thể chế, cơ chế phát triển nhân tài, theo đó triển khai quyết liệt các chương trình nhân tài quan trọng và mở rộng cánh cửa đối ngoại trong lĩnh vực nhân tài; chú trọng giao lưu hợp tác quốc tế, nỗ lực thu hút, quy tụ nhân tài các loại cho sự nghiệp của Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Thứ bảy, kiên trì chỉnh đốn tác phong, thực hiện nghiêm kỷ luật và tăng cường phòng chống tham nhũng. Trung Quốc xác định phòng, chống tham nhũng là cuộc cách mạng triệt để nhất, là một cuộc chiến rất quan trọng, không được phép thua và không thể thua; kiên trì phòng chống tham nhũng, không có vùng cấm và không khoan nhượng. Quán triệt 8 điều quy định của Trung ương và các văn bản hướng dẫn thực hiện việc chấn chỉnh chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa hưởng thụ và tác phong xa xỉ; kiên quyết, kiên trì “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”; thúc đẩy xây dựng đồng bộ các cơ chế không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng.

Thứ tám, đi sâu quản lý đảng bằng chế độ, nguyên tắc, quy tắc, coi đây là phương thức quản lý đảng hiệu quả nhất và lâu bền nhất; coi trọng việc kiểm soát quyền lực và quản lý cán bộ bằng thể chế, cơ chế. Kiên trì tăng cường xây dựng chế độ luật lệ trong Đảng dựa trên Điều lệ Đảng; tăng cường khâu tổ chức thực hiện, không ngừng nâng cao tính khoa học, tính bài bản và thể chế hóa công tác xây dựng Đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất