Giới thiệu Tạp chí in số 9-2013

Trang 1, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đào tạo, bồi dưỡng”, thể hiện những quan điểm, tư tưởng của Bác về vai trò, vị trí, cách thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như thế nào…

Kỷ niệm 44 năm Ngày Bác Hồ đi xa (2-9-1969 - 2-9-2013), trong chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm có bài viết “Nhớ Bác Hồ trong nói và làm ” của tác giả Song Hà là bài viết cảm động về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tiếp đó là bài viết  "Những chỉ dẫn cẩm nang về đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và quản lý cán bộ”, PGS. Trần Đình Huỳnh và Trần Thị Hương đã khái quát  những chỉ dẫn của C. Mác, V.I. Lênin và của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, tầm quan trọng  của đào tạo, bố trí, sử dụng và quản lý cán bộ trong thời điểm hiện tại. Bài viết “Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ” của PGS, TS. Đỗ Minh Cương đã chỉ rõ mặt còn hạn chế, nguyên nhân của công tác đào tạo, bồi dưỡng hiện nay. Đồng thời, đề xuất 4 biện pháp khả thi để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bài viết “Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho bí thư đảng uỷ cấp xã” của Phạm Mạnh Khởi nêu bật những hạn chế của công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ bí thư cấp uỷ cơ sở và tác giả Phạm Mạnh Khởi nêu những nội dung, chương trình, kiến thức cụ thể cần bồi dưỡng cho đội ngũ này thời gian tới. Trong bài “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng”, Trung tướng Hà Minh Thám rút ra 3 kinh nghiệm, 4 giải pháp đã và sẽ thực hiện trong thời gian tới ở Tổng cục Kỹ thuật. Bài viết “Ninh Bình đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trình độ cao” của Nguyễn Mạnh Toản phản ánh thực tế đào tạo cán bộ trình độ cao của tỉnh Ninh Bình thời gian qua. Từ đó, đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Các bài viết “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở ba tỉnh miền Trung” của Phương Anh đã tổng hợp, phản ánh tình hình thực tế với minh chứng cụ thể vềcách làm, kinh nghiệm từ thực tế và bài viết “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Tây Nguyên” của TS. Nguyễn Đăng Quế phản ánh chung về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở và tình hình, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cơ sở các tỉnh ở Tây nguyên và 7 biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Hành chính, phân viện Tây Nguyên 6 năm qua, kể từ ngày được thành lập. Bài viết “Đắc Lắc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở” của Nguyễn Kính, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đắc Lắc phản ánh thực tế sinh động về đội ngũ cán bộ cơ sở của một tỉnh Tây Nguyên. Từ đó, tác giả đề xuất giải pháp cụ thể trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ. Bài viết “Khi trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND các xã nghèo” của Đức Hảo phản ánh kết quả ban đầu thực hiện Dự án đưa 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học, tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã ở 63 huyện nghèo. Dự án mới đi được hơn một năm nhưng đã và đang mang lại kết quả ban đầu đáng khích lệ. Đây là một trong những điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ trẻ cho cơ sở. Loạt bài viết “Kinh nghiệm của Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội trong đổi mới công tác cán bộ” của tác giả Trần Thị Phương Hoa; “Luân chuyển cán bộ ở Cà Mau” của Đỗ Trung Tín và “Phú La nâng cao chất lượng bí thư chi bộ” của Lại Hà Phương đã phản ánh các góc độ khác nhau về thực trạng, cách làm, kinh nghiệm và giải pháp của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Chuyên mục Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh số này có bài viết “Tận tuỵ “đưa đò” trên đất học Văn Giang” của Phạm Minh Hoàng giới thiệu về những tấm gương tận tuỵ, tâm huyết của những cán bộ, đảng viên là những người thầy ở Trường THCS Chu Mạnh Trinh  (huyện Văn Giang, Hưng Yên) gắn với những kết quả nổi bật trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.

Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi, có bài viết “Bàn thêm về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược” của tác giả Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Đã Nẵng đã góp thêm một số vấn đề cần quan tâm trong quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và đưa ra 6 kiến nghị để công tác này thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Bài viết “Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn”, tác giả Trương Thị Văn đề xuất 5 giải pháp để các cấp uỷ đảng thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả.

Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài viết “Bổ nhiệm cán bộ theo ý thích” của tác giả  Quang Minh  kể lại về một câu chuyện khó quên từ thực tiễn làm công tác tổ chức cán bộ. Qua đây tác giả để lại cho bạn đọc một bài học sâu sắc, thấm thía đối với  những người đang trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ.

Chuyên mục Ý kiến đảng viên kỳ này có bài “Chi bộ tốt” của tác giả Hồng Phúc với thái độ thẳng thắn phê phán cách làm quan liêu, thiếu trách nhiệm trong quá trình  thực thi y đức của cán bộ y tế qua sự việc “nhân bản” hàng nghìn kết quả xét nghiệm máu giống nhau ở Bệnh viên Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). Tác giả đặt vấn đề về vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, của đảng viên thông qua sự việc này. Nếu như chi bộ tốt, nếu như đảng viên gương mẫu, nếu có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cấp ủy cấp trên, cách đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên đúng, thực chất, thì chắc chắn tình trạng này không diễn ra ngang nhiên, khá lâu mới biết như vậy.

Trong Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, tác giả Bảo Yến giới thiệu về một chân dung đảng viên, một bí thư chi bộ đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng luôn nhiệt huyết trong công việc qua bài viết “Cả cuộc đời học và làm theo Bác”.

Chuyên mục Sinh hoạt đảng, có bài viết “Cán bộ và chức vụ” của nhà văn Ma Văn Kháng là bài học  thấm thía và sâu sắc qua câu chuyện về năng lực lãnh đạo, xử lý công việc của một số cán bộ một địa phương nơi Nhà văn đã từng công tác.

Chuyên mục Dân với Đảng, bài viết “Ba điều cần ở cán bộ dân vận” của  Vy Tư Liệu, theo tác giả, đối với đội ngũ cán bộ nói chung cũng như cán bộ làm công tác dân vận nói riêng, cần phải có và thực hiện tốt 3 điểm là gương mẫu để dân tin; lắng nghe để dân nói; thuyết phục để dân hiểu… Đây được coi  là những tiêu chuẩn cần thiết với những cán bộ làm công tác dân vận của Đảng ta hiện nay.

Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, tác giả Minh Tuấn có tin về “5 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 165 sáu tháng cuối năm 2013”. Tác giả Phúc Sơn thông tin với bạn đọc về “Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khoá II-2013”.

Chuyên mục Quốc tế, nhân kỷ niệm 51 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2013) có bài viết “Tài sản vô giá” của Thu Huyền đã điểm lại quá trình hợp tác, những tình cảm cao đẹp của hai dân tộc Việt - Lào, hai đảng và giữa Tạp chí Xây dựng Đảng của Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với Tạp chí Kosang phac của Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21-9-1973 - 21-9-2013) bài "Tuyển dụng, đào tạo công chức ở Nhật Bản" của tác giả Đình Tùng giúp bạn đọc những thông tin tổng quát về chiến lược tuyển dụng, đào tạo nguồn cán bộ, công chức của Nhật Bản những năm qua.

Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về bầu bí thư và bổ sung cấp uỷ viên thiếu; kết nạp đảng viên; về đảng viên xin ra khỏi Đảng; đảng viên kết hôn với người có đạo…

Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số 9-2013, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin, kinh nghiệm thực tiễn chuyên sâu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công tác cán bộ hiện nay…

Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống các bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí qua số điện thoại: 080.45356. 

                                                                                                                   Xây dựng Đảng

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất