Giới thiệu nội dung Tạp chí Xây dựng Đảng in số 7-2016

Trang 1 và trang 2, Tạp chí dành để đăng tải mục lục bằng tiếng Việt và dịch một số nội dung chính bằng tiếng Anh.

Trang 3, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tự đào tạo, tự bồi dưỡng, giúp bạn đọc nắm được những tư tưởng có ý nghĩa phương pháp luận của Bác về sự cần thiết, vai trò, các hình thức tự đào tạo, tự bồi dưỡng và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy tự đào tạo, tự tu dưỡng làm căn bản để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bác khẳng định: “Muốn gột rửa những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi”.

Chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm Tạp chí giới thiệu bài viết “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ người dân tộc thiểu số của TS. Nguyễn Thị Mai Hoa (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam). Bài viết tập trung phân tích về những chủ trương, chính sách, kết quả, hạn chế, khó khăn và các giải pháp trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ người dân tộc thiểu số.

Bài viết Lời giải trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã của tác giả Thu Thuỷ đề cập đến việc, bên cạnh những thành tích, kết quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở cũng còn nhiều hạn chế cần tiếp tục được khắc phục để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Và, tác giả đã đề xuất nhiều giải pháp, từ nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đến việc nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ, xác định rõ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy và có chế độ, chính sách phù hợp để sớm khắc phục tình trạng hiện nay.

Bài viết Lạng Sơn sau gần 10 năm thực hiện đào tạo, đào tạo lại cán bộ của Lan Phương nêu bật những chuyển biến tích cực của Lạng Sơn đã nỗ lực vươn lên từ trong cái thiếu, cái yếu của một tỉnh biên giới sau gần 10 năm thực hiện có kết quả Đề án đào tạo, đào tạo lại cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2006-2015 (Đề án 4.3).

Bài viết Trường Đào tạo cán bộ Quảng Ninh gắn lý luận với thực tiễn của Hà Ngọc Hoàn đã nêu bật những kết quả nhà trường đã đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Để tiếp tục vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trường xác định cần phải đổi mới đồng bộ trên ba mặt: Đổi mới về cơ chế, chính sách; đầu tư kinh phí và phương thức đào tạo, bồi dưỡng.

Cùng chủ đề này, bài viết “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Bắc Ninh, tác giả Lê Đồng Nguyên đã nêu bật những kết quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua thực tiễn ở tỉnh Bắc Ninh. Tác giả đề xuất 4 giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển mới của địa phương.

Bài viết Lâm Đồng gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tác giả Thu Huyền đề cập đến những cách làm của Lâm Đồng trong việc bám sát quy hoạch làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng. Bài viết nêu ra một số hạn chế, vướng mắc cũng như những giải pháp tỉnh sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Bài viết TP. Hồ Chí Minh tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật, tác giả Thành Sáng nêu bật những kết quả sau 5 năm triển khai Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Đây được coi là giải pháp mang tính “đột phá” trong công tác cán bộ ở TP. Hồ Chí Minh. Chương trình thu hút hàng trăm kỹ sư, cán bộ kỹ thuật tham gia với nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tác giả cũng đã nêu ra những khó khăn, thách thức và lời giải để thực hiện tốt Chương trình.

Bài viết Lớp cán bộ trẻ trên quê hương Đồng Khởi, tác giả Đinh Thành đã phản ánh về những kinh nghiệm, cách làm của Bến Tre trong việc biệt phái những cán bộ, công chức trẻ ở các sở, ban, ngành của tỉnh, các phòng, ban của huyện về làm phó chủ tịch UBND xã. Sau 3 năm gắn bó với cơ sở, hằng ngày gặp gỡ, tiếp xúc với dân, tham gia giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến dân, họ đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý. Để rồi khi trở về cơ quan cũ, công việc cũ, họ có một phong cách mới, một tư duy mới, thực hiện nhiệm vụ được giao với tâm niệm: hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Bài viết Luân chuyển cán bộ ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng”, ThS. Bùi Thị Oanh (Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội) đã nêu và phân tích về kinh nghiệm của một số tỉnh ở đồng bằng sông Hồng trong thực hiện luân chuyển cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Với việc luân chuyển cán bộ đến những địa bàn khó, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ, quan tâm chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển, một số tỉnh đồng bằng sông Hồng đã tạo được bước chuyển tích cực trong công tác cán bộ.

Cùng chủ đề luân chuyển cán bộ, bài viết Quận uỷ Hồng Bàng (Hải Phòng) luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở” tác giả Nguyễn Hoàng Việt (Ban Tổ chức Quận uỷ Hồng Bàng) đã nêu bật những yêu cầu từ thực tiễn và những kinh nghiệm của Quận uỷ Hồng Bàng trong việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác trẻ hoá đội ngũ cán bộ thông qua luân chuyển những cán bộ trẻ về cơ sở, coi đó là nội dung thường xuyên, quan trọng để nâng cao chất lượng, sự ổn định, tính kế thừa và tạo nguồn lâu dài, bền vững cho đội ngũ cán bộ quận và cơ sở.

Với bài viết Luân chuyển cán bộ từ thực tiễn một số tỉnh Bắc Trung Bộ tác giả Trần Xuân nhấn mạnh luân chuyển cán bộ là một chủ trương quan trọng của Đảng nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; đồng thời tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục một bước tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Qua kinh nghiệm rút ra từ thực tế ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cho thấy cần tiếp tục thực hiện với những giải pháp đồng bộ để công tác luân chuyển cán bộ thực sự hiệu quả.

Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống, bài viết Hưng Hà “về đích” sớm của Hồng Văn viết về huyện đầu tiên của tỉnh Thái Bình đã biết vượt lên khó khăn, thường xuyên rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nên “về đích” sớm trong xây dựng nông thôn mới. Bài viết “Kon Tum chú trọng xây dựng Đảng tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững”, tác giả Nguyễn Văn Chiến (Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh) viết về Đảng bộ tỉnh Kon Tum không ngừng đẩy mạnh công tác xây dựng đảng, củng cố TCCSĐ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của địa phương. Bài viết “Điểm sáng nông thôn mới bên phá Tam Giang”, tác giả Bảo Yến viết về xã nông thôn mới đầu tiên của vùng đầm phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đạt được kết quả đó là do cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu; nhân dân đồng thuận; coi trọng nâng cao thu nhập của người dân.

Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh giới thiệu bài Quê hương Tổng Bí thư Trần Phú học và làm theo Bác của Phạm Giang, viết về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) với những cách làm phong phú, hiệu quả, thiết thực, cụ thể.        

Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết Về phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá của  Nguyễn Ngọc Ánh (Học viện CTQG Hồ Chí Minh) bàn về hiện tượng “tự diễn biến” , “tự chuyển hoá” và những giải pháp phòng, chống. Đây được hiểu không phải là quá trình đột biến tức thời, mà là sự vận động bên trong của sự vật, hiện tượng. Quá trình này chịu sự tác động và chi phối của cả yếu tố khách quan và chủ quan, bên ngoài và bên trong, trong đó yếu tố chủ quan, bên trong giữ vai trò quyết định. Tác giả bài viết khẳng định: Nhiệm vụ ngăn chặn và đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng hiện nay là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Từ đó, tác giả đề xuất 6 giải pháp cơ bản để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi  “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức, bài viết Tiếp chuyện “chạy tuổi, chạy chức, chạy quyền… của TS. Lê Xuân Lịch. Tác giả đề cập đến vấn đề: chạy tuổi, chạy chức, chạy quyền và nhấn mạnh “cũng như chạy tuổi, việc “chạy chức, chạy quyền” còn mạnh mẽ và quyết liệt hơn nhiều”. Theo tác giả, để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác xây dựng đảng cần đổi mới và quyết liệt ngay từ mỗi cấp uỷ, BTV cấp uỷ các cấp và BCH Trung ương, đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng cũng cần phải được nâng cao chất lượng, có đủ tâm và tầm.

Chuyên mục Ý kiến đảng viên kỳ này có bài Cần trả lời sáng rõ của Đình Anh, bình luận về việc Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định thu hồi thẻ nhà báo của Mai Phan Lợi, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh tại Hà Nội do “xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, người thân, đồng đội của những cán bộ, chiến sỹ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ; làm tổn hại đến uy tính của đội ngũ những người làm báo”. Bài viết thể hiện rõ quan điểm, chính sách hậu phương quân đội của Đảng, Nhà nước ta, thực sự có ý nghĩa sâu sắc nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7.

Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, với bài viết Người thương binh làm giàu từ cây nấm, Nguyễn Thị Minh Quý (Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội) giới thiệu chân dung đảng viên, thương binh hạng 2/4 Phạm Văn Mộc, 80 năm tuổi đời, 50 năm tuổi đảng đã kiên trì vượt khó, vươn lên làm giàu từ mô hình trang trại trồng nấm, góp sức làm giàu cho quê hương.

Chuyên mục Sinh hoạt đảng, có bài viết Khát vọng cháy bỏng và đòi hỏi gắt gao của nhân dân của tác giả Ma Văn Kháng. Bài viết là sự chiêm nghiệm có tính xâu chuỗi qua các hiện tượng đặc biệt trong xã hội được nhân dân đồng tình ủng hộ, từ đó rút ra một kết luận thể hiện khát vọng cháy bỏng và đòi hỏi gắt gao của nhân dân, đó là: Người cán bộ cũng như chính quyền muốn được dân tin yêu phải hết lòng, hết sức làm việc cho dân, cho nước. Từ đó, tác giả nêu ra một trong những chuẩn mực hàng đầu của người lãnh đạo là: sự trong sạch và “dĩ công vi thượng”.

Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Bá Thắng và Mai Anh thông tin về Hội nghị Góp ý kiến vào dự thảo Quy định thi hành Điều lệ Đảng (khoá XII và “Ban Tổ chức Trung ương tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương”.

Chuyên mục Quốc tế, tác giả Đao-bua-la-pha Ba-vông-phết (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng NDCM Lào) có bài viết: “Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra. Bài viết giới thiệu với bạn đọc về kinh nghiệm của Đảng NDCM Lào trong việc tiêu chuẩn hoá cán bộ kiểm tra và đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn, bao gồm: tiêu chuẩn chung của cán bộ, tiêu chuẩn đối với chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra và tiêu chuẩn cán bộ kiểm tra. Bài “Chính phủ Xin-ga-po đào tạo sử dụng nguồn lực con người”, tác giả Đình Tùng viết về bí quyết đưa đất nước Xin-ga-po từ một thương cảng thuộc địa không có tài nguyên, chỉ 10 năm sau đã trở thành một trong 20 nước dẫn đầu thế giới về thu nhập bình quân đầu người. Đó là: Tối đa hoá sử dụng nguồn lực con người.

Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp các câu hỏi về: nghiệp vụ công tác đảng viên; xét công nhận người hoạt động cách mạng…

Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 7-2016, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…

Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất