Giới thiệu nội dung Tạp chí Xây dựng Đảng in số 7-2012
Trang 1, Tạp chí trích lời "Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về trọng dụng nhân tài", giúp bạn đọc nắm và hiểu tư tưởng của Bác về vị trí, tầm quan trọng của nhân tài và công tác nhân tài cùng những chỉ dẫn của Người để công tác nhân tài thu được kết quả tốt hơn.

Với chủ đề trọng tâm về phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm có bài “Tư tưởng, việc làm của Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài” của các tác giả Phùng Quang Huy, Nguyễn Tùng Lâm (Bộ Quốc phòng). Từ tư tưởng, việc làm của Bác về cách sử dụng nhân tài, các tác giả đã phân tích và rút ra bài học cho hôm nay. Bài “Vấn đề nhân tài của nước ta hiện nay” của Tử Nê, tác giả đã làm rõ nội hàm của những khái niệm nhân tài, hiền tài, thiên tài, từ đó phân tích làm rõ vai trò, vị trí của những người tài đức đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tác giả đã chỉ ra những mặt hạn chế trong sử dụng nhân tài và đề xuất 5 biện pháp để có nhiều nhân tài cho đất nước. Bài viết “Để phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài” của Trần Lê Sơn Tra (Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Đồng Tháp) đã nêu 5 cách để phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Bài “Đào tạo, bồi dưỡng, nhân tài” của Ngô Minh Tuấn qua đánh giá khái quát tình hình, chỉ ra những yếu kém, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài đã đề xuất một số vấn đề cần giải quyết để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Bài “Thu hút, đào tạo, sử dụng nhân tài ở Đà Nẵng” của Nguyễn Phước Phúc phản ánh thực tiễn cách làm thu được nhiều kết quả của TP. Đà Nẵng thời gian qua. Bài “Gia Lai đưa sinh viên về xã” của Thu Huyền phản ánh cách thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ cho cơ sở ở một tỉnh vùng cao Tây Nguyên. Bài “Đồng Nai xây dựng đội ngũ trí thức” của Minh Nguyệt phản ánh từ thực tiễn của một tỉnh miền Đông Nam bộ trong xây dựng đội ngũ cán bộ trí thức. Bài “Một địa chỉ tin cậy” của Lan Phương đã nêu những cố gắng, cách làm hay của Đại học Cần Thơ trong việc góp sức đào tạo tài năng cho một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong bối cảnh toàn Đảng đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), đồng chí Nguyễn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh - quê hương cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ có bài “Tinh thần tự phê bình, phê bình trong “Tự chỉ trích” và giá trị thực tiễn hiện nay”. Tác giả sau khi khẳng định đây là tác phẩm tổng kết sâu sắc về công tác lãnh đạo của Đảng giai đoạn 1936-1939 đã nêu bật tinh thần tự phê bình, phê bình của Nguyễn Văn Cừ qua tác phẩm “Tự chỉ trích” và liên hệ với việc thực hiện tự phê bình, phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) hiện nay.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), bài viết “Thực hiện tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên công an nhân dân” của Trịnh Thị Tân với 5 nguyên tắc chỉ đạo như là những biện pháp để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) trong lực lượng công an nhân dân. Nhân  kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, bài “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên” của Trịnh Dũng là một trong những kinh nghiệm quý để ổn định chính trị và góp phần xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số cho vùng Tây Nguyên.

Chuyên mục Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tác giả Minh Anh giới thiệu về tấm lòng, tinh thần tình nguyện, sẵn sàng của thanh niên Thừa Thiên Huế qua bài viết “Hoa thơm dâng Bác”. 

Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi, trong bài viết “Về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo”, đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng đã phân tích, chỉ rõ tài năng, đức độ của người cán bộ lãnh đạo thể hiện rõ ở những “sản phẩm” lãnh đạo của họ và mang tầm chiến lược. Bài “Nhận diện suy thoái về đạo đức, lối sống và giải pháp” của TS. Nguyễn Minh Tuấn đã chỉ ra 5 biểu hiện suy thoái đạo đức và 5 biện pháp giải quyết.

Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Lỗ hổng trách nhiệm” của Hồng Phúc là một góc nhìn qua phiên chất vấn tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XIII. Bài viết đã bày tỏ quan điểm trước những trả lời, trách nhiệm của từng bộ trưởng. Từ đó, chỉ rõ lỗ hổng trách nhiệm trong quản lý nhà nước, quản lý cán bộ và cuối cùng tác giả nêu vấn đề: Phải chăng chúng ta cần có chế tài cụ thể?

Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, tác giả Trần Thuỷ phản ánh chuyến thăm và làm việc của Đoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt - Lào. Tạp chí cũng thông tin “Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị giao ban tại 3 khu vực miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam”.

Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, PGS. Trần Đình Huỳnh và TS. Nguyễn Thị Bích Thu giới thiệu chân dung một đảng viên, nhà văn nổi tiếng Ma Văn Kháng qua bài viết “Suốt đời viết dưới ánh sáng của lý tưởng cách mạng”. Tác giả Nguyễn Bá Thắng có bài viết “Làm giàu song hành với từ thiện” nói về một người đảng viên, cựu chiến binh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống vươn lên làm giàu không chỉ cho mình mà còn giúp mọi người thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Chuyên mục Sinh hoạt Đảng, bài viết “Lại chuyện măng mọc” của Phan Anh tiếp tục câu chuyện về sự cần thiết phải thay đổi nhận thức của người đứng đầu qua câu chuyện về thành kiến của một cán bộ lãnh đạo đối với một cán bộ nữ.

Chuyên mục Quốc tế, tác giả Xổm-phon Sy-cha-lơn - Đại sứ Lào tại Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng qua bài “Không ngừng vun đắp quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Lào - Việt” phản ánh sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ trên các lĩnh vực của hai đất nước Việt Nam - Lào trong nửa thế kỷ qua, nhất là sau 35 năm hai nước ký hiệp ước hợp tác hữu nghị. Bài viết “Không có ngày quên được” của U-then Ma-si-son-say - Phó Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức tỉnh Xiêng Khoảng  kể lại những kỷ niệm của tác giả về những ngày ở Việt Nam, những tình cảm của người dân Việt Nam dành cho học sinh Lào và nỗi nhớ của đồng chí với người dân Việt.

Chuyên mục Trả lời bạn đọc giải đáp nhiều câu hỏi về biểu quyết kết nạp đảng viên và khai bổ sung lý lịch đảng viên; về xét công nhận đảng viên dự bị thành chính thức…

Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 7-2012, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, sử dụng nhân tài và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI)… dưới góc nhìn chuyên sâu của những người làm công tác tổ chức xây dựng đảng.

Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống các bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất