Giới thiệu nội dung Tạp chí Xây dựng Đảng in số 6-2015

Trang 1, Tạp chí trích lời  “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về báo chí cách mạng”, giúp bạn đọc nắm được những tư tưởng của Bác về vị trí, vai trò của báo chí trong cách mạng Việt Nam. Người căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Vì vậy, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí phải luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng, phải luôn gần gũi nhân dân vì đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng.

Từ ngày 4 đến 7-5-2015, Hội nghị Trung ương 11 (khoá XI) diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; số lượng đại biểu và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; thảo luận về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; về chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành… Tạp chí Xây dựng Đảng trích đăng Thông báo Hội nghị Trung ương lần thứ 11 qua bài “Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII)”.

Ngày 20-5-2015, khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII. Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét thông qua nhiều dự án luật,các dự thảo nghị quyết và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác… Tạp chí Xây dựng Đảng thông tin đến bạn đọc những nội dung trọng tâm của kỳ họp qua bài “Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII: Nhiều nội dung quan trọng, có tác động lớn đến việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm 2015 cũng như cả nhiệm kỳ”.

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2015), PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có bài viết “Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí”. Bài viết khái quát tư tưởng của Hồ Chí Minh và những chủ trương, nghị quyết của Đảng về tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ báo chí và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí. Đồng thời, đánh giá lại việc thực hiện những yêu cầu, nguyên nhân của thành tích và hạn chế, khuyết điểm về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí. Từ đó, tác giả đưa ra một số quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí hiện nay. Bài viết “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí điện tử” của Vũ Thị Thanh Tâm đã phân tích và chỉ rõ một số nội dung để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí điện tử trước tình hình mới hiện nay, như: kịp thời có chủ trương lãnh đạo; xây dựng tổ chức đảng trong cơ quan báo chí điện tử trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng những người làm báo; tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản.

Với chủ đề trọng tâm về “Tổ chức cơ sở đảng”, trong Chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm, có bài viết “Để củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém” của tác giả Thu Thuỷ đã tổng hợp, phân tích, đánh giá, chứng minh những cách làm, những biện pháp đồng bộ, phù hợp của các cấp uỷ đảng ở một số địa phương trong giải quyết tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Theo tác giả, vấn đề quan trọng nhất là phải xác định rõ nguyên nhân để có các giải pháp phù hợp; phải có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, tăng cường công tác cán bộ và đổi mới phương pháp lãnh đạo. Bài viết “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng các huyện miền núi miền Trung” của Thu Huyền đã phản ánh thực trạng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng ở hai tỉnh Quảng Nam và Bình Định. Từ đó, tác giả đã phản ánh một số cách làm của hai tỉnh như sự chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, những kinh nghiệm rút ra… để góp phần nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Bài viết “Gia Lai nâng cao chất lượng tổ chức đảng ở các thôn, làng, tổ dân phố” của Nguyễn Mộng Hoàng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Gia Lai đã phản ánh thực trạng, kinh nghiệm cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng ở các thôn, làng, tổ dân phố trong toàn tỉnh, đó là: Các biện pháp phát triển đảng viên nơi chưa có đảng viên; đổi mới, nâng cao chất lượng các chi bộ thôn, làng, tổ dân phố. Bài viết nêu ra một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn của tỉnh Gia Lai, như: Phải nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của cấp uỷ; phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công đảng viên phụ trách; coi trọng chất lượng trong công tác phát triển đảng viên; các cơ quan tham mưu hướng dẫn, giúp đỡ chu đáo… Bài viết “Đồng Nai nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng vùng đông đồng bào có đạo” của Thành Sáng phản ánh cách làm sinh động, phong phú của các cấp uỷ tỉnh Đồng Nai trong việc lãnh đạo các tổ chức cơ sở đảng ở nơi có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa. Đó là cách làm gắn với thực tiễn như ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế riêng cho các tổ chức cơ sở đảng vùng có đông đồng bào có đạo. Trên cơ sở đó triển khai đồng bộ và có các giải pháp phù hợp để đạt hiệu quả cao. Những kinh nghiệm mà tác giả rút ra có giá trị tham khảo tốt đối với các địa phương vùng có đông đồng bào theo đạo. Bài viết “Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước” của Từ Huy. Bài viết phản ánh cách làm sáng tạo của các cấp uỷ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để thành lập được tổ chức đảng ở khu vực kinh tế này. Điểm mới, nổi bật là việc thành lập các chi bộ cơ động ở các huyện, thành phố. Chi bộ này có nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng tổ chức đảng và kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Từ cách làm đó, đến nay đã có nhiều quần chúng ưu tú trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhiều doanh nghiệp thành lập được tổ chức đảng. Bài viết “Bến Tre xây dựng và hoàn thiện một số loại hình tổ chức cơ sở đảng” của Lê Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ là kinh nghiệm thực tiễn của tỉnh Bến Tre trong sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng ở cơ quan cấp huyện; là việc xây dựng tổ chức đảng trong các khu công nghiệp trực thuộc Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp.

Cùng chủ đề trọng tâm về tổ chức cơ sở đảng, chủ đề Đại hội điểm đảng bộ cấp huyện và tương đương đã được bám sát và phản ánh trong chuyên mục Tiến tới Đại hội XII của Đảng. Tác giả Trần Thiết có bài tổng hợp về “Kết quả và kinh nghiệm từ đại hội điểm đảng bộ cấp trên cơ sở”. Bài viết đã phản ánh những kết quả, kinh nghiệm bước đầu qua một số đại hội điểm đảng bộ cấp huyện và tương đương trên toàn quốc. Đó là những kết quả, kinh nghiệm  từ khâu chuẩn bị đại hội đến tiến hành đại hội; việc chuẩn bị nhân sự và bầu cử… Bài viết cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế trong tổ chức đại hội điểm đảng bộ cấp huyện và đây cũng là kinh nghiệm cho những đại hội tiếp theo như: tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị; chủ động, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên; nắm chắc tình hình tư tưởng của đảng viên; cách điều hành của đoàn chủ tịch; công tác tuyên truyền phục vụ đại hội… Bài viết “Nguyên tắc tập trung dân chủ - mấu chốt bảo đảm chất lượng bầu cử cấp uỷ” của PGS, TS. Nguyễn Thế Tư đã phân tích những yêu cầu, điểm mấu chốt của nguyên tắc tập trung dân chủ trong đại hội và trong bầu cử. Từ đó, tác giả khẳng định thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ bảo đảm sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp và bầu ra được đội ngũ cấp uỷ có uy tín, chất lượng tốt.

Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống, bài viết “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở Long An” của Đoàn Văn Xê đã phản ánh khá sâu sắc, toàn diện về những kết quả đạt được qua 8 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy. Tác giả nêu ra những hạn chế của tổ chức cơ sở đảng ở Long An, như: Chậm đổi mới thông tin; chất lượng sinh hoạt của một số cấp uỷ còn hạn chế; đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên một số nơi chưa sát thực tế… Từ đó, tác giả đưa ra 6 giải pháp có tính khả thi để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở Long An. Bài viết “Cà Mau: Tổ chức đảng với xây dựng nông thôn mới” của Đỗ Trung Tín, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tập trung nêu và phân tích về thực hiện tiêu chí số 18 “xây dựng hệ thống tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh” từ thực tiễn Cà Mau. về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng trong nâng cao nhận thức cho người dân về xây dựng nông thôn mới. Từ đó, chương trình xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí đã đạt được kết quả nhất định. Đặc biệt nhiều xã đạt tiêu chí 18 về “hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh”. Bài viết cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ không chỉ với Cà Mau, mà còn đối với nhiều địa phương khác trong cả nước trong thực hiện tiêu chí số 18, cũng như xây dựng nông thôn mới nói chung.

Chuyên mục Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giới thiệu bài viết “Vì sự phát triển bền vững” của  Diệp Chi phản ánh về những cán bộ, đảng viên của Công ty Trung Thành đã luôn cụ thể hoá ý chí, tâm nguyện trong mọi việc, triển khai việc học và làm theo Bác sâu rộng trong toàn hệ thống; tổ chức tốt các phong trào thi đua. Đồng thời có biện pháp, hành động thiết thực, mang lại nhiều kinh nghiệm, hiệu quả trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi, bài viết“Tiếp tục đổi mới tư duy lãnh đạo” của tác giả Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải luôn đổi mới tư duy trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, trước hết là tư duy lãnh đạo của Đảng. Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, với tư duy đổi mới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đạt những thành tựu quan trọng trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Theo tác giả, đổi mới tư duy để luôn bắt nhịp với cuộc sống. Và, đổi mới tư duy ở đây theo phương châm: Học mọi cái khôn, cái tốt của nhân loại để dựng xây đất nước. Huy động mọi nguồn lực của nhân dân để làm giàu đất nước và sử dụng sức mạnh của nhân loại để bảo vệ Tổ quốc. Bài viết “Đôi điều về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng” của Lê Cẩm Thoa đã đặt ra vấn đề là, lâu nay việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng đã bảo đảm thực chất chưa? Từ đó, tác giả đi tìm câu trả lời, lý giải vì sao lại như vậy và đã đề ra những biện pháp để nâng cao chất lượng đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Bài viết “Nói đi đôi với làm” của Hồng Văn đã nêu một thực trạng khá phổ biến là hiện nay trong Đảng và xã hội, nói không đi đôi với làm, nói mà không làm, nói một đằng, làm một nẻo. Theo tác giả, nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, học tập, rèn luyện, thiếu trách nhiệm và gương mẫu trước dân. Để khắc phục tình trạng trên, tác giả đề xuất: Cần tăng cường công tác giáo dục chính trị; đẩy mạnh cuộc vận động học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; hoàn thiện các cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng công tác xây dựng đảng; xây dựng quy chế làm việc của các cấp uỷ và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Bài viết “Về nhân cách bí thư cấp uỷ cơ sở hiện nay” của Nguyễn Ngọc Ánh đã khẳng định vai trò quan trọng của bí thư cấp uỷ ở cơ sở trong mối quan hệ với cấp ủy, tổ chức đảng và với nhân dân. Để làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, người bí thư cấp uỷ cần có phẩm chất, nhân cách như thế nào? Theo tác giả, nhân cách bí thư cấp ủy là tổng hòa các phẩm chất của người cán bộ được hình thành trong quá trình học tập, rèn luyện và thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thể hiện qua các yếu tố cơ bản: cần có phẩm chất chính trị, đạo đức thể hiện qua thái độ, cách ứng xử và giải quyết các mối quan hệ xã hội. Đó là năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ để hoàn thành nhanh chóng, hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Đó là phương pháp, tác phong công tác của người bí thư cấp uỷ… Những yếu tố này kết hợp với nhau tạo nên nhân cách bí thư cấp uỷ.

Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài viết“Tổ chức là dùng người” của Bùi Văn Tiếng - một người có nhiều năm gắn bó với nghề tổ chức. Bài viết như một tâm sự, từ kinh nghiệm bản thân gửi đến bạn đọc, những người làm công tác tổ chức những điều nhắn nhủ, những kinh nghiệm để lựa chọn được những cán bộ có tâm, đức và năng lực cho công việc.

Chuyên mục Ý kiến đảng viên kỳ này có bài “Ai có trách nhiệm?” của Như Lê bày tỏ sự đồng tình của tác giả nhân sự kiện Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) bàn về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Tác giả nêu vấn đề là cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình cao với quan điểm của Hội nghị, mỗi người đều mong mỏi Đảng lựa chọn được những người xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương. Nhưng để làm được việc này, tác giả băn khoăn, trăn trở và mong muốn mỗi đồng chí uỷ viên Trung ương nêu cao trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn, giới thiệu với Đại hội XII những người xứng đáng bầu vào Trung ương khoá mới. Mong muốn mỗi đồng chí cấp uỷ viên đặt lợi ích tập thể, nhân dân, đất nước lên trên lợi ích cá nhân để lựa chọn ra được những người đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực. Tác giả chỉ rõ, để làm được điều đó, trách nhiệm chính trị thuộc về cấp uỷ, trước hết là người đứng đầu.

Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài phỏng vấn “Nghề viết phải khắt khe với từng con chữ” của Phạm Giang giới thiệu chân dung một đảng viên, một nhà báo, một nhà thơ đang làm tại Báo Công an nhân dân đã và đang hằng ngày sáng tạo, khắt khe với từng con chữ để mang đến cho độc giả những tác phẩm báo chí có giá trị. Bài viết cũng là thể hiện lòng tri ân của tác giả đến các bạn đọc đã và đang ủng hộ cho sự phát triển của báo chí Việt Nam nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Chuyên mục Sinh hoạt đảng, bài viết ““Chuẩn bị” đại hội…” của Minh Anh bắt đầu từ câu chuyện người bạn và những đồng nghiệp của anh ta phải giữ gìn mình trước đại hội đảng bộ các cấp đang diễn ra như “cất” bớt tài sản; “giả bộ” giản dị, trong sáng trong lối sống; cách đối xử với mọi người... Từ đó, tác giả phê phán cách che đậy sự thật, giấu giếm bản chất không trung thực của một số cán bộ, đảng viên để “chuẩn bị” cho đại hội. Qua câu chuyện trên, tác giả mong muốn những người làm công tác tổ chức, cán bộ cần biết rõ để tham mưu cho cấp uỷ chuẩn bị giới thiệu với đại hội những người thực sự trong sạch, trung thực, có năng lực, đủ tiêu chuẩn vào cấp uỷ. Đây mới là sự chuẩn bị quan trọng cho đại hội đảng bộ các cấp đang diễn ra trên các địa phương.

Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí thông tin về “Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài đến năm 2020” của Mai Anh. Thông tin về “Báo đảng địa phương tuyên truyền về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị gắn với tuyên truyền về đại hội đảng bộ các cấp” của Bá Thắng đã mang đến bạn đọc những thông tin về kết quả, kinh nghiệm tuyên truyền về xây dựng hệ thống chính trị và đại hội đảng bộ các cấp trên 25 báo đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Chuyên mục Quốc tế, bài viết “Chống tham nhũng của Trung Quốc” của Lê Xuân Lịch đã tổng hợp về quá trình và cách tiến hành chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc thời gian qua. Đặc biệt từ khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo. Thực tiễn chống tham nhũng của Trung Quốc cũng là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Chuyên mục Trả lời bạn đọc giải đáp nhiều câu hỏi về lấy phiếu đối với chức danh bí thư cấp uỷ tại đại hội; cách thức sinh hoạt của tổ đảng; xét công nhận người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945…

Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 6-2015, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm trong thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành

Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356. 

Xây dựng Đảng

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất