Ghi nhận thực tế việc bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam tại Hà Nội

Những bước chuyển đậm tính nhân văn

Các cơ sở giam giữ thuộc Công an thành phố Hà Nôi (Trại tạm giam giam số 1 -  phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm và Trại giam số 2 - huyện Thường Tín) đang là nơi quản lý và giam giữ gần 6.000 can phạm nhân, trong đó có người bị tạm giữ, tạm giam có quốc tịch nước ngoài.

Không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh; những phòng tạm giữ, tạm giam ngăn nắp, sạch sẽ ở hai cơ sở giam giữ đã làm thay đổi hoàn toàn định kiến về môi trường ẩm thấp, chật chội ở các cơ sở giam giữ trước đây.

Các can phạm nhân đều nhận định khẩu phần ăn với đầy đủ thịt, rau theo định lượng, được đọc báo và được cán bộ quản giáo thăm hỏi, phổ biến các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam (thăm thân, tiếp cận luật sư, tiếp cận thông tin, thăm khám sức khỏe…); nhắc nhở thường xuyên về nền nếp, nội qui trại giam… Thực tế đó cho thấy những điểm mới của 4 bộ luật (Bộ Luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức điều tra hình sư và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015) đã thực sự đi vào cuộc sống.

Khẩu phần ăn đầy đủ rau, thịt, cá của các bị can, bị cáo

Các bữa ăn đều được đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định.

Ở Trại tạm giam số 1, chúng tôi đã chứng kiến những cuộc gặp người thân thực sự xúc động. Đối với những người đang bị tạm giam, thì những cuộc gặp như thế diễn ra mỗi tháng một lần. Có lẽ, với những người lầm đường, lạc lối, đang trong quá trình tiến hành tố tụng, những cuộc gặp với người thân trong gia đình như một liều thuốc tinh thần quí giá giúp họ ổn định tâm lý, thức tỉnh phần lương tri để mong sớm có ngày được trở về cuộc sống đời thường. Ở khu vực này, phía người bị tạm giữ, tạm giam cầm ống nghe để nói chuyện, có những người còn rất trẻ, có người đang là bố, mẹ của những đứa trẻ được vợ/chồng dẫn vào gặp mặt. Chúng tôi cũng bắt gặp vẻ mặt trầm tư đượm buồn của những ông bố, bà mẹ có con lầm đường lạc lối nhưng với họ, được gặp động viên con, được nhìn thấy con khỏe mạnh cũng đã yên tâm nhiều phần. Chúng tôi tin, sau mỗi cuộc thăm thân như thế, những diễn biến tích cực trong tâm lý người phạm tội sẽ được kích hoạt, nhận thức rõ về hành vi sai trái của mình.

Thượng tá Phạm Chiến Thắng, Phó Giám thị Trại tạm giam số 1 đặc biệt nhấn mạnh, đối với những trường hợp không bị hạn chế của Cơ quan điều tra, người bị tạm giữ có quyền được gặp gia đình 1 lần/tháng; người bị tạm giam có quyền được gặp gia đình 1 lần trong thời gian tạm giam, là một trong những điểm mới vô cùng nhân văn của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015. Cán bộ quản giáo của Trại tạm giam số 1 cũng đã phổ biến rất rõ quyền này cũng như các quyền về chế độ ăn, sinh hoạt, các nội qui của trại.

Tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn bữa ăn hằng ngày được niêm yết rõ ràng.

Trung tá Trần Ngọc Hạnh, cán bộ quản giáo cải tạo phạm nhân cá biệt, nhiều tiền án tiền sự cho biết thêm, theo qui định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, cả người bị tạm giữ và người tạm giam đều có quyền bầu cử. Từ năm 2018, Trại tạm giam số 1 đã tổ chức 2 đợt bầu cử cho can phạm nhân.

Một trong những tiến bộ đáng ghi nhận đã được các cơ sở giam giữ CATP Hà Nội thực hiện nghiêm túc theo các Nghị định và Thông tư của Chính phủ và của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam,  đó là việc bảo đảm quyền được gặp người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Về điểm này, Trung tá Cao Trương Hoàn, Phó Trưởng Phòng PC01, CATP Hà Nội cho biết, các trại tạm giữ, tạm giam của Công an Hà Nội đã thực hiện nghiêm Thông tư 46 của Bộ Công an, bảo đảm quyền mời người bào chữa ngay từ khi bị bắt, bị tạm giam. Nếu gia đình bị can, bị cáo không mời, Công an Hà Nội cũng liên hệ với Đoàn sư để bảo đảm đầy đủ quyền cho người bị tạm giữ, tạm giam. Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự theo qui định tại khoản 5 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Chương IV Nghị định số 120/201/NĐ-CP ngày 6-11-2017 của Thủ tướng Chính phủ qui định chi tiết một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

Theo báo cáo của CATP Hà Nội, từ năm 2018 đến nay, các cơ sở giam giữ thuộc Công an thành phố đã tổ chức thực hiện cho 72.448 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam thăm thân nhân; 6.578 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp người bào chữa, luật sư; 105 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quốc tịch nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Colombia, Pháp, Philippines, Canada…) thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự theo đúng qui định.

Nơi giam giữ trở thành “trường học”

“Giáo dục lại” - liều thuốc nhiệm màu giúp can phạm nhân thức tỉnh lương tri được các cán bộ, chiến sĩ của Trại tạm giam số 1 và Trại tạm giam số 2, CATP Hà Nội nhắc đến khi nói về công việc thường ngày của mình. Với các anh, ngoài việc làm tốt công tác nghiệp vụ quản lý, giam giữ, bảo đảm quyền, chế độ cho hàng nghìn can phạm nhân, còn phải quản lý, giáo dục bằng lòng nhân ái và sự bao dung mới có thể thấu hiểu và cảm hóa thành công những cuộc đời lầm lỡ.

Triết lý giáo dục lại là tư tưởng mà Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám thị Trại tạm giam số 2 CATP Hà Nội, vô cùng tâm đắc. Với nhiều năm kinh nghiệm quản lý can phạm nhân, chứng kiến nhiều bi kịch gia đình vì những lầm lỡ, thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến phạm tội, anh cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Trại luôn coi can phạm nhân là những người cần được giáo dục lại để họ được sửa chữa những khuyết điểm và nỗ lực làm lại cuộc đời. Những năm qua Trại tạm giam số 2 đã tích cực tham mưu cho các cơ quan chức năng các giải pháp bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin, quyền được giáo dục cho can phạm nhân tại cơ sở. Sự tận tâm của các cán bộ quản giáo, cán bộ y tế và cảnh sát bảo vệ tại Trại tạm giam số 2 đã kịp thời giúp cho nhiều can phạm nhân từ bỏ tâm lý tiêu cực, chán nản và nhận thức rõ về hành vi phạm tội của mình, hợp tác với cơ quan chức năng, yên tâm chấp hành án để tái hòa nhập cộng đồng.

Phần lớn các đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tại Trại tạm giam số 1 và Trại tạm giam số 2 CATP Hà Nội đều có nhân thân phức tạp cộng thêm tâm lý bi quan, nhất là các đối tượng phạm trọng tội. Trong đó, có một số trường hợp bị tạm giữ, tạm giam và đang thi hành án hình sự là đối tượng thuộc các nhóm yếu thế như: người dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo… Chính vì thế, các cán bộ quản giáo ở cả hai cơ sở giam giữ đều cho rằng để làm tốt công tác quản lý, giáo dục các can phạm nhân, họ luôn phải thực hiện thật tốt nguyên tắc 4 biết: “biết mặt, biết tên, biết hoàn lai lịch và biết tội danh”. Trung tá Trần Ngọc Duy, cán bộ quản giáo Trại tạm giam số 1 chia sẻ: “Nguyên tắc này sẽ giúp chúng tôi nắm chắc thông tin, để có cách giáo dục, cải tạo phù hợp với từng can phạm nhân”. Đặc biệt, đối với những can phạm nhân nữ, người dưới 18 tuổi, cán bộ quản giáo lại cần có phương pháp ổn định tâm lý, có phương pháp giáo dục riêng.

Lớp học

Lớp học về kỹ thuật điện đối với các phạm nhân sắp mãn hạn tù.

Nhất là đối với các phạm nhân cá biệt đang chấp hành án, thường có mức án cao; một số đối tượng có hoàn cảnh éo le (bố, mẹ già yếu, thân nhân mắc bệnh hiểm nghèo), cán bộ quản giáo phải tổ chức chương trình giáo dục chung và giáo dục riêng; gặp gỡ, nói chuyện, động viên phạm nhân thường xuyên. Đồng thời sắp xếp những công việc phù hợp với thể chất của phạm nhân. Bên cạnh đó, trại cũng phối hợp gia đình hỏi han, chăm sóc sức khỏe, tổ chức các lớp tuyên truyền giáo dục pháp luật, dạy nghề cho các phạm nhân để khi trở về họ có thể tìm được công việc phù hợp, dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng.

Trong năm 2023, bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý tạm giữ, tạm giam vừa được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự theo qui định tại khoản 3 Điều 11 Luật Thi hành án hình sự 2019, Trại tạm giam số 1, CATP Hà Nội còn đặc biệt quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Đặc biệt là trong tháng 10 vừa qua, Trại đã phối hợp với trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội tổ chức mở lớp đào tạo nghề điện dân dụng trình độ sơ cấp cho học viên là phạm nhân sắp mãn hạn tù, có thành tích cải tạo tốt. Lớp học được tổ chức tại không gian rộng rãi, thoáng đãng, sạch sẽ. Sau khóa học, phạm nhân được cấp giấy chứng nhận nghề sơ cấp để có thể làm hành trang ban đầu làm lại cuộc đời.

Chia sẻ niềm vui khi được là một trong 25 thành viên được lựa chọn tham gia lớp học, phạm nhân Trần Đăng Khoa (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Nhờ sự chỉ bảo nhiệt tình của các thầy giáo trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội, anh và các học viên có kiến thức cơ bản về điện dân dụng và có định hướng mới sau khi chấp hành án phạt tù.

Phạm nhân Nguyễn Trần Nhất (Xuân Đỉnh, Hà Nội) cho biết: “Dù mới học được hơn 01 tháng nhưng bản thân đã sửa chữa được một số vật dụng đồ điện hỏng. Hi vọng sau 6 tháng kết thúc khóa học, được cấp chứng chỉ học nghề, khi tái hòa nhập xã hội, chúng tôi có nghề ổn định sẽ giúp ích được cho bản thân và gia đình, ổn định cuộc sống”.

Được chỉ dạy

Các phạm nhân được cấp chứng chỉ nghề sau khi kết thúc khoá học.

Thượng tá Phạm Chiến Thắng, Phó Giám thị Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội cho rằng: Dạy nghề cho phạm nhân là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp bởi vừa phải bảo đảm những yêu cầu của công tác dạy nghề nói chung, vừa bảo đảm các yêu cầu nghiệp vụ trong công tác quản lý, giam giữ, giáo dục người đang chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên đây cũng là giải pháp thiết thực, hiệu quả, giúp người chấp hành xong án phạt tù có cuộc sống mới, giúp con đường tái hòa nhập cộng đồng của họ rút ngắn lại. 

Để thực thi hiệu quả các biện pháp bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong quá trình tiến hành tố tụng, chống bức cung, nhục hình, CATP Hà Nội đã tăng cường đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ quan điều tra và các cơ sở giam giữ thuộc CATP. CATP đã triển khai lắp đặt thí điểm hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh phục vụ việc hỏi cung bị can tại Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Trại tạm giam số 1 và Công an quận Cầu Giấy. Mỗi đơn vị được lắp đặt 4 buồng hỏi cung, 1 phòng trung tâm giám sát. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất