Cảnh giác trước những thủ đoạn mua bán người

Cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng trước những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua bán người.

Riêng tại Việt Nam, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6-2021, đã phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng liên quan đến mua bán người, lừa bán gần 7.500 nạn nhân (từ năm 2019 đến nay, đã phát hiện xảy ra hơn 370 vụ, với gần 500 đối tượng, lừa bán hơn 550 nạn nhân). Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người.

Tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê... Gần 85% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Căm-pu-chia, Lào và Trung Quốc, trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%.

Hiện nay với sự bùng nổ của mạng xã hội, thủ đoạn của các nhóm đối tượng buôn bán người ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Theo cơ quan công an, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng tội phạm là sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook… để kết nối, dụ dỗ các nạn nhân sập bẫy. Các đối tượng trong các đường dây mua bán người thường sử dụng chiêu thức như lợi dụng những mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn rủ đi làm ăn xa, hợp tác làm ăn, tìm “việc nhẹ, lương cao”; giả vờ làm quen, yêu đương rồi đem bán; môi giới hôn nhân giả, hứa hẹn gả chồng giàu có, cho con nuôi, đi du lịch, du học… Bên cạnh đó, các đối tượng còn thiết lập các đường dây mua bán trẻ sơ sinh; đường dây lừa các thanh, thiếu niên ở khu vực thành phố tham gia vào hoạt động mại dâm, tổ chức các chuyến du lịch tình dục xuyên quốc gia để đưa phụ nữ ra nước ngoài bán.

Có thể khẳng định phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhưng về mặt bản chất, đa số các vụ lừa nạn nhân nhằm mục đích mua bán đều nhằm vào hai điểm yếu “tình” hoặc “tiền” để đưa nạn nhân vào bẫy. Chủ yếu nạn nhân bị mua bán do bị “lừa” mà khi phát hiện đã ở tình trạng “khó có thể trốn thoát”.

Phần lớn các đối tượng có liên quan đến các hoạt động mua bán người đã từng ra nước ngoài như đi xuất khẩu lao động hoặc từng là nạn nhân trong các đường dây mua bán người hoặc có mối quan hệ với người thân từ nước ngoài… Do có những mối quan hệ này nên khi có cơ hội các đối tượng đã thực hiện nhằm trục lợi.

Mới đây ngay tháng 1-2022, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Đoàn 1, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng triệt phá đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc. Chỉ cần gõ trên thanh công cụ tìm kiếm của Facebook từ khóa “Hội nhóm cho-nhận con nuôi” sẽ xuất hiện hàng chục nhóm, trong đó có nhóm lên đến gần 20.000 thành viên. Tội phạm mua bán người trà trộn vào những nhóm này, dùng thủ đoạn môi giới cho - nhận con nuôi, mang thai hộ nhằm lừa gạt, mua bán trẻ em, trẻ sơ sinh hoặc đưa phụ nữ có thai sang nước ngoài sinh con, sau đó mua bán trẻ sơ sinh. Từ các hội, nhóm này, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tìm ra manh mối nhiều đường dây mua bán trẻ sơ sinh qua biên giới.

Bởi vậy, trong thời gian tới đây, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, kiên trì, thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn; nhiệm vụ phòng, chống mua bán người phải là một nội dung thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người,... để nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Cùng với đó, mỗi người dân cần tự giác, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người; hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Hãy lưu ý tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Đặc biệt, người dân, nhất là nhóm trẻ tuổi cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Luôn đặt nghi vấn trước những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.

Người dân cũng nên cảnh giác, từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình như thế nào. 

Các đơn vị cần tập trung triển khai quyết liệt các phương án, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và không gian mạng. Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người; nhanh chóng điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án mua bán người.

Thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý cư trú; quản lý biên giới, cửa khẩu; quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý Nhà nước về hoạt động cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài… và ứng dụng, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm chủ động từ khâu phòng ngừa, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Tiếp tục tăng cường, chú trọng phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, nhất là trong công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các cá nhân cho công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất