Bảo đảm quyền học tập trong đại dịch
Chúng ta đang phải dồn trí lực tìm ra các giải pháp thích ứng an toàn với điều kiện “bình thường mới”, đặc biệt phải bảo đảm quyền học tập cho hàng chục triệu học sinh, sinh viên (Ảnh minh họa).

1. Khác với việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trong đại dịch, phục hồi hoạt động học tập cho học sinh, sinh viên rất đa dạng về đối tượng và lứa tuổi, đồng thời phải gắn với thực hiện quyền học tập của các em được quy định trong các công ước quốc tế về quyền con người. Điều này đặt ra trách nhiệm “kép” cho các quyết sách của Nhà nước và ngành Giáo dục - Đào tạo đối với việc dạy và học trong đại dịch. Các cơ chế, chính sách và giải pháp đều phải cân nhắc, tính đến và hỗ trợ khả năng phục hồi tốt nhất việc học (trực tuyến và trực tiếp) trong đại dịch theo nguyên tắc an toàn nhất, hiệu quả nhất, ít gây hậu quả nhất và các quyền học tập của các em được bảo đảm nhiều nhất. Việt Nam là quốc gia có người dân hiếu học, quốc sách hướng về giáo dục và đào tạo con người. Từ xưa, Việt Nam đã coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia” và các thời đại đều coi trọng việc học hành và có chính sách dùng người tài. Ngày nay, Đảng và Nhà nước luôn xác định giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là các lĩnh vực đột phá trong phát triển đất nước hưng thịnh, hùng cường và vững bền theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đại dịch COVID-19 đã tác động toàn diện đến nền kinh tế nước ta và hoạt động giáo dục - đào tạo. Bên cạnh cả nước “gồng mình” chống dịch, từ vài tháng nay ngành Giáo dục - Đào tạo đã nỗ lực lo toan cho năm học mới, ngược lại người dân cũng đã chia sẻ cùng con cái, giảm bớt áp lực cho ngành và Chính phủ. Đó là những tín hiệu ban đầu đáng mừng, các bài học hay cần được tổng kết và kịp thời nhân rộng.  

Không ít việc đã làm được, nhưng chắc chắn vẫn còn quá nhiều việc phải làm để phục hồi quyền đến trường của các em - nơi hướng các em phát triển toàn diện, chuẩn bị cho các em biết sống có trách nhiệm, tôn trọng hòa bình, hữu nghị, khoan dung, bình đẳng. Ở đó, nhà trường, các thầy cô sẽ giáo dục các em biết tôn trọng cha mẹ, người thân và chan hòa với bạn bè; tôn trọng môi trường tự nhiên, bản sắc văn hoá và ngôn ngữ và các giá trị của bản thân trẻ em; tôn trọng những giá trị của đất nước và văn minh của nhân loại. Đó là tinh thần chung của Công ước quốc tế về quyền trẻ em - CRC (Điều 29) mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Các quyền và yêu cầu cơ bản của việc học tập, giáo dục và đào tạo con người trong các cam kết như vậy vẫn phải được quan tâm ngay cả trong đại dịch, không được lãng quên.

Bài học “nóng hổi” từ Phi-lí-pin vẫn còn nguyên giá trị cho các quốc gia, trong đó có nước ta. Hai năm chống chọi với đại dịch, nhiều trẻ em nước này học trực tuyến nhưng đến giờ vẫn không biết chữ... Trường hợp này kéo dài, cộng với không thể hoặc thiếu các biện pháp khuyến khích đi học ở trường đều đặn và không hạ thấp được tỷ lệ bỏ học, sẽ đồng nghĩa với việc quyền học tập của các em không được bảo đảm (theo tinh thần Khoản 1e, Điều 28, CRC). Rõ ràng, khi không được đến trường, các em học sinh mất mát quá lớn, đặc biệt là mất quyền được học ở nơi có điều kiện học tập tốt nhất. Thậm chí, các em học sinh đầu cấp tiểu học còn chưa tường mặt thầy cô giáo, chưa một lần tiếp cận với các bạn cùng lớp, chưa một lần tận mắt nhìn thấy ngôi trường thân yêu của mình và mất đi cơ hội trải nghiệm thực tế...

2. Câu chuyện khát vọng đến trường đang là câu chuyện chung, phổ quát trên toàn thế giới trong đại dịch COVID-19. Vì thế, các quốc gia cần phải thúc đẩy và khuyến khích sự hợp tác quốc tế trong các vấn đề liên quan tới giáo dục, đặc biệt là việc chung tay xoá bỏ nạn dốt và mù chữ trên toàn thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các kiến thức khoa học, kỹ thuật và các phương pháp giảng dạy hiện đại, nhất là đối với các nước đang phát triển như nước ta (Khoản 2, Điều 28, CRC). Theo đó, Công ước khuyến khích các quốc gia tăng cường chia sẻ các bài học (cả thành công và thất bại) từ thực tế tổ chức, phục hồi việc học và bảo đảm quyền được học của học sinh, sinh viên trong đại dịch. 

Không thể đến trường, phải học trực tuyến ở nhà thì việc đáp ứng nhu cầu về trang thiết bị và đường truyền rất quan trọng, chưa nói là có vai trò quyết định. Trong khi khả năng trang bị cho con cái, đặc biệt đối với gia đình có hơn một người con học tiểu học và các gia đình nghèo, yếu thế hoặc sống ở vùng sâu, vùng xa, là cực kỳ khó khăn. Nhu cầu đầu tư của mỗi gia đình để đáp ứng số lượng và chất lượng máy tính, lắp đặt, vận hành, duy trì chất lượng và bảo trì đường truyền là rất lớn. Có không ít gương tốt của nhà trường, của thầy cô giáo của các em học sinh vượt khó bằng những hành động tại chỗ, cụ thể để giảm tải cho Chính phủ, cho ngành Giáo dục - Đào tạo,... Hình ảnh một em gái cấp THCS lên núi, nơi có thể hứng sóng truyền “mạnh hơn” để học trực tuyến, đi tìm “cái chữ” đã rung động bao trái tim.

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 3667/KH-BTTTT-BGDĐT, phối hợp thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” với 3 nội dung: bảo đảm việc phủ sóng di động; hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến; một số hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tổ chức dạy, học trực tuyến. Phấn đấu năm 2021 triển khai phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối in-tơ-nét di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối in-tơ-nét di động trên toàn quốc; huy động một triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là con trong gia đình có bố hoặc mẹ mất do dịch COVID-19 và chưa có máy tính để học trực tuyến trên toàn quốc. Từ năm 2022-2023, hai Bộ sẽ tiếp tục phát động Chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể học trực tuyến.

Ngoài ra, đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tổ chức dạy, học trực tuyến, Chính phủ chủ trương có một số hỗ trợ khác như: miễn phí 100% sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; miễn phí data 4GB/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng ưu tiên nói trên; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến, bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền in-tơ-nét bảo đảm việc dạy, học trực tuyến ở các địa phương trong nước. Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 và Thủ tướng Chính phủ cũng chủ trương triển khai một “Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội”, trong đó có nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành Giáo dục - Đào tạo.

3. Bên cạnh củng cố “vững chắc, an toàn” cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ học trực tuyến trong đại dịch, rất cần cải tiến nội dung và phương pháp dạy học trực tuyến. Ở ta ít nhất có vài đợt chủ trương học trực tuyến, các trường và thầy cô dưới sự chỉ đạo của ngành Giáo dục - Đào tạo đã biên soạn nội dung và xây dựng học liệu giảng dạy trong điều kiện “gián tiếp”. Tuy nhiên, có vẻ nội dung giảng dạy vẫn “quá nặng, quá khó” so với học trên lớp, đặc biệt đối với cấp tiểu học và lớp 1, trong khi đường truyền và khả năng “làm chủ” kỹ thuật học trực tuyến của các em không phải lúc nào cũng tốt. Học trực tuyến cần phương pháp linh hoạt, lặp lại (không thể học lướt), hình tượng, ngắn gọn, trực quan sinh động để truyền được cảm hứng cho các em. Thêm nữa, giảng bài trực tuyến còn gây áp lực nhiều hơn cho các thầy cô giáo liên quan đến cơ sở vật chất - kỹ thuật của không gian online. Một trục trặc nhỏ về kỹ thuật hoặc trong hành vi của học sinh, sinh viên dễ chạm đến tính dễ bị tổn thương của cả phía thầy và trò, nếu không được tiết chế tốt sẽ ảnh hưởng đến buổi học, dễ gây nên tâm lý ức chế cho cả người dạy lẫn người học. Thực tế đã xảy ra rất nhiều tình huống “dở khóc, dở cười”, bất khả kháng trong học online thời gian qua.

Trong số các cấp học, học trực tuyến đối với học sinh tiểu học cần được quan tâm do các em còn nhỏ, còn hiếu động, chưa được chuẩn bị tốt về kiến thức công nghệ và nhận thức thực tiễn, nên học trực tuyến tạo “cơ hội” để một số em vừa học, vừa chơi game. Cần sử dụng sự can thiệp của công nghệ và kinh nghiệm quản trị lớp học của các thầy cô để ngăn chặn, loại bỏ và giảm thiểu hiện tượng tiêu cực này. Nhiều phụ huynh phàn nàn không biết hiệu quả của học trực tuyến sẽ đi đến đâu, nhưng “hậu quả” xấu của nó thì đã thấy. Kéo dài không xử lý được sẽ là hậu họa cho sức khỏe tâm thần của trẻ nhỏ và rộng hơn là nguy cơ tiềm ẩn cho xã hội. Từ thực tế đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30-3-2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Bộ cũng hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục theo hướng tinh giản, rõ ràng, mạch lạc; xây dựng kho học liệu điện tử, các video bài giảng, xây dựng tài liệu bồi dưỡng và tiến hành tập huấn để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho thầy cô. Gần đây, khoảng 9.000 cán bộ, giáo viên trung học được tập huấn về tổ chức dạy học online...

Chính phủ cũng cần tính đến việc miễn, giảm học phí năm học cho học sinh, sinh viên, tất nhiên phải tùy thuộc vào từng địa phương, từng đối tượng, từng cấp học và từng hệ thống giáo dục (công lập, dân lập, doanh nghiệp...) để tạo hiệu ứng tích cực. Khó khăn kinh tế do đại dịch đối với đất nước là rất lớn, cho nên hơn lúc nào hết cần sự cố gắng từ các bên, cần chung sức, chung lòng để “giảm tải” cho Nhà nước, giảm thiểu áp lực cho các bên, để tiếp tục phục hồi kinh tế đất nước, để việc học online thực sự không làm gián đoạn việc học của người học, của trẻ nhỏ. Các nỗ lực và thành quả “chống dịch như chống giặc” mấy năm qua của cả hệ thống chính trị ở nước ta đã góp phần phục hồi việc học và duy trì được quyền học tập của học sinh, sinh viên trong đại dịch theo đúng tinh thần của các công ước quốc tế về quyền con người.

Các quốc gia cần phải thúc đẩy và khuyến khích sự hợp tác quốc tế trong các vấn đề liên quan tới giáo dục, đặc biệt là việc chung tay xoá bỏ nạn dốt và mù chữ trên toàn thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các kiến thức khoa học, kỹ thuật và các phương pháp giảng dạy hiện đại, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất