Vì một Tây Nguyên bền vững

 Gia Lai về đích sớm

Điểm đầu tiên trong hành trình công tác các tỉnh Tây Nguyên, chúng tôi đến với Gia Lai, tỉnh biên giới Bắc Tây Nguyên. Gia Lai có 34 dân tộc sinh sống, trong đó người DTTS chiếm hơn 44%. Tổ chức đảng ở các thôn, làng, tổ dân phố (gọi chung là thôn) trên địa bàn luôn được xác định là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên - “hạt nhân chính trị” trong đấu tranh ngăn chặn các âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của bọn phản động FULRO. Đầu nhiệm kỳ 2005-2010, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều thôn chưa có đảng viên và tổ chức đảng. Khi đó, toàn tỉnh có 2.145 thôn thì có tới 949 thôn chưa có tổ chức đảng, 11 thôn chưa có đảng viên. Trước tình hình trên, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã tiến hành khảo sát nắm tình hình, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 11-7-2006 về việc kết nạp đảng viên, thu hẹp thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên và tổ chức đảng. Qua 5 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã phát triển đảng viên ở 81/111 thôn chưa có đảng viên và thành lập tổ chức đảng 590/949 thôn, làng chưa có tổ chức đảng.

Bước vào nhiệm kỳ 2010-2015, toàn tỉnh còn 30 thôn, làng chưa có đảng viên và 359 thôn, làng chưa có tổ chức đảng. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2015 100% thôn có đảng viên, 90% thôn có tổ chức đảng. Quán triệt quan điểm chỉ đạo đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành các văn bản, chỉ đạo và trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc tiến hành các giải pháp để “xoá” thôn chưa có đảng viên, chưa có tổ chức đảng. Các giải pháp đã được triển khai đồng bộ: Một là, chỉ đạo các huyện, thị, thành uỷ yêu cầu các đảng bộ xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách nguồn kết nạp vào Đảng ở từng đảng bộ để có cơ sở nắm bắt, đôn đốc, giám sát công tác phát triển đảng viên. Hai là, củng cố, kiện toàn chức danh phó bí thư đảng uỷ phụ trách cơ sở ở 42 xã thuộc 11 huyện, trong đó, bố trí sĩ quan biên phòng làm phó bí thư đảng uỷ xã phụ trách cơ sở tại 6/7 xã thuộc 3 huyện biên giới tiếp giáp Căm-pu-chia. Ba là, phân công cấp uỷ viên cấp huyện, cấp xã trực tiếp phụ trách, tham gia sinh hoạt cùng chi bộ; điều chuyển đảng viên là cán bộ, công chức cấp xã tham gia sinh hoạt tại thôn cho đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ, trực tiếp làm công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên là người tại chỗ. Bốn là,tăng cường công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên trong vùng đồng bào DTTS. Năm là, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định số 123-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về kết nạp đảng viên là người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo; ưu tiên phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân, công an viên, đoàn viên, nữ cán bộ thôn, bộ đội xuất ngũ; đặc biệt quần chúng là người DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa. Sáu là, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức đảng làm tốt công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên, xây dựng tổ chức đảng ở thôn…

Với những giải pháp cơ bản đó, đến năm 2011 toàn tỉnh còn 10 thôn chưa có đảng viên và 211 thôn chưa có tổ chức đảng. Năm 2012, tổng số thôn trong toàn tỉnh đã tăng lên 2.154 nhưng chỉ còn 2 thôn, làng chưa có tổ chức đảng. Đến tháng 10-2013, ngoại trừ 7 làng phong, còn lại tất cả các thôn đều có đảng viên tại chỗ và chi bộ đảng, hoàn thành sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, “tái trắng” tổ chức đảng ở các thôn, làng có đông đồng bào DTTS luôn là một nguy cơ cao và các cấp uỷ đã nhận thức sâu sắc việc này. Nhiều thôn, làng tuy đã có chi bộ, nhưng số lượng đảng viên chưa nhiều, cá biệt có nơi số đảng viên là người tại chỗ chỉ 1 hoặc 2. Nếu xảy ra tình huống đảng viên cao tuổi yếu, mất, di chuyển chỗ ở, nơi công tác… chi bộ đó có thể không tồn tại. Lường trước tình huống này, Tỉnh uỷ lên kế hoạch đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên là người DTTS tại chỗ, xây dựng các chi bộ 9 đảng viên trở lên để có chi uỷ.

Có tổ chức đảng, đảng viên ở các thôn đã là một thắng lợi, nhưng làm sao nâng chất lượng hoạt động của các chi bộ, bảo đảm là gốc rễ của Đảng lại là một yêu cầu cao hơn, quan trọng hơn. Xác định đây thật sự là nội dung quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có Công văn số 871-CV/TU ngày 12-3-2013 về việc phân công các đồng chí cấp uỷ viên cấp huyện về dự sinh hoạt chi bộ trực thuộc cấp uỷ cơ sở. Qua hơn 2 năm thực hiện, chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, làng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các đồng chí cấp uỷ viên cấp huyện xuống dự sinh hoạt đã nắm bắt sát hơn thực tế ở cơ sở và xử lý, giải quyết kịp thời những việc thuộc thẩm quyền hoặc thu nhận ý kiến đề đạt đến cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết. Tiếp đó, Ban Thường vụ có Công văn số 1089-CV/TU ngày 18-3-2014 về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ trong toàn Đảng bộ tỉnh, chỉ đạo mỗi huyện, thị, thành uỷ xây dựng kế hoạch, chọn 1-2 chi bộ thôn, làng để thí điểm xây dựng chi bộ kiểu mẫu, qua đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có hướng dẫn về tiêu chí xây dựng chi bộ thôn kiểu mẫu. Dựa vào Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ, văn bản của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ nêu cụ thể 9 tiêu chí xây dựng chi bộ kiểu mẫu. Các tiêu chí này nêu rõ về thời gian, quy trình sinh hoạt, những công việc cụ thể mỗi chi bộ thôn phải làm, quy chế làm việc, nội dung ghi chép, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, nội dung sinh hoạt cụ thể với từng loại hình chi bộ… Bám vào các tiêu chí đó, các chi bộ có những cách làm phong phú, sáng tạo để thực hiện tốt. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 39 chi bộ thôn đang xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu.

Chia tay Gia Lai, chúng tôi ngập tràn niềm tin về sự bền vững của các tổ chức đảng ở cơ sở nơi đây, bởi ở đó có sự quyết tâm của những cán bộ nhiệt thành.

Đắk Lắk sáng tạo trong cách làm

Đắk Lắk là điểm dừng chân thứ 2 trong hành trình của đoàn. Ở đây, chúng tôi được chia sẻ nhiều cách làm sáng tạo ở một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng của khu vực Tây Nguyên. Đảng bộ tỉnh hiện có 22 đảng bộ trực thuộc, với 801 TCCSĐ. Toàn tỉnh có 184 xã, phường, thị trấn với 2.475 thôn, buôn, tổ dân phố (gọi chung là buôn). Nhận thức rõ vị trí, vai trò của buôn trong phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững của địa phương, Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ sở như: Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3-3-2003 của Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố”; Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 21-7-2006 về phát triển đảng viên ở buôn... Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, kịp thời bám sát và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Cấp ủy đảng các cấp có nghị quyết chuyên đề về đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, về phát triển đảng viên; thành lập ban chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng nhận thức về Đảng, phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú; phân công cấp ủy viên dự sinh hoạt từng buôn.

Thị ủy Buôn Hồ đã có Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1-12-2011 và Kế hoạch số 29-KH/TU ngày 24-2-2012 về việc xây dựng chi bộ buôn và phát triển đảng viên trong hệ thống chính trị cơ sở xã, phường. Trong đó, đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí thị ủy viên phụ trách địa bàn, phối hợp với đảng uỷ cơ sở khảo sát thực trạng tình hình của từng địa phương, đề xuất những giải pháp có hiệu quả để khắc phục cho được tình trạng buôn chưa có đảng viên. Huyện ủy Krông Bông có chủ trương hỗ trợ kinh phí hằng tháng cho những đảng viên ở chi bộ cơ quan xã tăng cường xuống làm bí thư chi bộ các thôn, buôn vùng sâu, xa trung tâm để tạo điều kiện cho đảng viên bám địa bàn, tham gia sinh hoạt với các thôn, buôn; kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những vấn đề nảy sinh từ cơ sở, góp phần đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên là người tại chỗ. Đối với các chi bộ thôn, buôn có ít đảng viên thì đảng ủy cơ sở rà soát, lập danh sách những quần chúng ưu tú đã học và sẽ học lớp nhận thức về Đảng, những quần chúng ưu tú có khả năng kết nạp trong thời gian tới… để từ đó tập trung chỉ đạo có kết quả công tác phát triển đảng viên.

Thông qua các phong trào thi đua yêu nước; các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ đã phát hiện, lựa chọn ra những đoàn viên, hội viên thực sự gương mẫu, tiêu biểu đã qua rèn luyện, trưởng thành để giới thiệu với cấp ủy, chi bộ kết nạp vào Đảng. Từ năm 2011 đến 2014 các chi bộ buôn đã kết nạp được 3.934 đảng viên; trong đó 1.400 nữ, chiếm 35,59%, 680 người DTTS, chiếm 17,29%, 77 đảng viên trong các tôn giáo, chiếm 1,96%.

Thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để củng cố TCCSĐ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo các cấp uỷ trực thuộc triển khai thực hiện, như: Chỉ đạo phân công đảng viên về sinh hoạt ở các chi bộ buôn và làm công tác phát triển đảng viên để thành lập chi bộ. Năm 2011, toàn tỉnh có 1.028 đảng viên được tăng cường, chiếm 5,36% tổng số đảng viên ở các chi bộ buôn, đến cuối năm 2014 giảm còn 506 đảng viên tăng cường, chiếm 2,11%. Các huyện, thị, thành uỷ tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ chức ở các buôn. Năm 2011, có 92,39% trong tổng số 2.445 buôn có chi bộ và đến quý III năm 2013 tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu 100% buôn đều có chi bộ. Công tác đánh giá, phân loại TCCSĐ và đảng viên đã thực chất hơn; năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đảng ngày càng được nâng lên, đội ngũ đảng viên đã nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Lâm Đồng biện pháp quyết liệt

Tỉnh thứ 3 trong hành trình đến với Tây Nguyên, chúng tôi có cơ hội được tìm hiểu về biện pháp, cách làm quyết liệt ở Lâm Đồng trong nâng cao chất lượng TCCSĐ ở vùng đông đồng bào DTTS. Ngày 14-10-2008 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kế hoạch số 30-KH/TU về việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác xây dựng TCCSĐ đến hết nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh (khóa VIII), thành lập tổ công tác để tập trung chỉ đạo xây dựng TCCSĐ và hệ thống chính trị cơ sở. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, tổ công tác của Tỉnh ủy đã chọn 19 TCCSĐ (trong đó có 15 TCCSĐ xã, phường, thị trấn) để khảo sát, đánh giá và rút kinh nghiệm chỉ đạo chung. Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 19-4-2011 về “Nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên, nhiệm kỳ 2010-2015” để tập trung chỉ đạo xây dựng TCCSĐ và hệ thống chính trị cơ sở. Ban thường vụ các huyện, thành ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai đến các chi bộ, đảng viên, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, nhất là ở những nơi còn yếu, có ít hoặc chưa có đảng viên; đẩy mạnh kết nạp đảng viên và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở khu dân cư, nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng có đông đồng bào theo đạo. Thành lập các tổ công tác và phân công đồng chí ủy viên thường vụ trực tiếp phụ trách địa bàn để theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo.

Nhiều TCCSĐ vùng đồng bào DTTS đã thể hiện rõ vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo, tập hợp quần chúng, liên tục giữ vững danh hiệu chi bộ TSVM. Một số cấp ủy đã phân công cấp ủy viên thường xuyên tìm hiểu tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để có chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của nhân dân. Sinh hoạt chi bộ thôn có nhiều chuyển biến, nội dung bám sát tình hình thực tế ở địa phương, nghị quyết chi bộ đã tập trung nhiều giải pháp cho việc vận động quần chúng xây dựng thôn giàu đẹp, văn hóa, văn minh. Công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS luôn được các cấp uỷ quan tâm lãnh đạo và đạt được kết quả tích cực, trong đó đã xác định rõ chỉ tiêu phát triển đảng viên cho cả nhiệm kỳ và hằng năm, chú trọng nâng cao chất lượng, quan tâm kết nạp đảng viên là người DTTS. Vì vậy, trong 10 năm (từ 2005 đến tháng 9-2015), toàn tỉnh kết nạp được 17.941 đảng viên, trong đó có 1.956 là người DTTS, tỷ lệ 10,9%; nâng cấp 13 chi bộ cơ sở xã thành đảng bộ cơ sở, “xóa” được 10 thôn chưa có đảng viên. Một số TCCSĐ làm tốt công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên là người DTTS như: xã Đạ Sar, Đạ Nhim (huyện Lạc Dương); xã Tu Tra, Tà Hine, N’Thôn Hạ (huyện Đức Trọng); xã Gia Bắc, Đinh Trang Hòa, Tân Châu (huyện Di Linh); xã B’Lá, Lộc Tân, Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm); xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên); các xã Đạ Tông, Đạ M’Rông, Liêng Srônh, Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông). Công tác phân tích, đánh giá chất lượng TCCSĐ ngày càng đi vào nền nếp, có chất lượng, sát với thực tế. Qua đánh giá hằng năm, số TCCSĐ vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ đạt trong sạch, vững mạnh trung bình 40,91%, hoàn thành tốt nhiệm vụ 46,36%, hoàn thành nhiệm vụ 9,09%, yếu kém còn 3,64%.

Việc tăng thêm phó bí thư chuyên trách xây dựng TCCSĐ đã giúp cho các cơ sở đảng có điều kiện chăm lo công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên, nâng cao chất lượng đảng viên là người DTTS, thực hiện tốt công tác tạo nguồn cán bộ ở cơ sở.

Coi trọng việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, nhân sỹ trí thức vùng đồng bào DTTS. Các cấp ủy, chính quyền thường xuyên tổ chức gặp mặt, biểu dương già làng, nhân sỹ trí thức, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS, nhất là phát huy vai trò truyên truyền, vận động đồng bào tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; không phát rừng làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân… đồng thời có các biện pháp giải quyết kịp thời các vụ khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến đất đai, đền bù giải tỏa của nhân dân.

Đôi điều trăn trở

Chia tay Tây Nguyên nhiều lưu luyến, đoàn chúng tôi không khỏi băn khoăn khi thấy vẫn còn một số cấp uỷ, chi bộ chưa nhận thức thật đầy đủ về vị trí, vai trò của buôn trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa phương; chưa thật sự nắm chắc được diễn biến tư tưởng của đảng viên và nhân dân, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị trong những buôn đồng bào DTTS. Sự phối hợp giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp chưa thật đồng bộ. Việc quản lý đảng viên, phân công nhiệm vụ cho đảng viên có nơi thực hiện chưa tốt. Đội ngũ cán bộ ở buôn ít được đào tạo, bồi dưỡng nên năng lực còn hạn chế, hiệu quả công tác thấp. Số đảng viên được kết nạp ở thôn, buôn, vùng đồng bào có đạo, vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Tỷ lệ đảng viên người DTTS còn ở mức thấp so với số dân. Một số quần chúng động cơ phấn đấu vào Đảng chưa cao. Ban tự quản, già làng, trưởng buôn, lãnh đạo đoàn thể ở một số thôn, buôn vẫn chưa là đảng viên. Một số quần chúng sau khi được kết nạp vào Đảng thiếu tu dưỡng, rèn luyện nên bị xoá tên. Vẫn còn một số chi bộ chưa xây dựng được kế hoạch phát triển đảng viên, chưa đề ra được những biện pháp cụ thể để tạo nguồn kết nạp; nhiều chi bộ thôn, buôn trong 2 năm liền không kết nạp được đảng viên…

Tin rằng những hạn chế này sớm được cấp ủy đảng các cấp ở Tây Nguyên nhận ra và khắc phục, để tổ chức đảng ở mỗi buôn thực sự phát huy vai trò hạt nhân chính trị, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, đưa Tây Nguyên phát triển vững bền.



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất