Nỗ lực để người Thái Nguyên trở thành những công dân số
Công nhân HTX Chè Hảo Đạt ứng dụng số quét vân tay để chấm công lao động.

Với vai trò là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực tham mưu triển khai Kế hoạch Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với phương châm “Chuyển đổi số - lấy người dân làm trung tâm để phục vụ” thời gian qua, sở đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân trong công tác chuyển đổi số. 

Đến nay, đã xây dựng được 107 chợ 4.0 - chợ thanh toán số không dung tiền mặt, đạt 100% chỉ tiêu Kế hoạch mà tỉnh đã đề ra. Thông qua các ứng dụng hoặc thẻ ngân hàng, người dân Thái Nguyên đi chợ không cần dùng tiền mặt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, giao dịch an toàn, hạn chế bị trộm cắp, tiền giả… Việc thành lập 2.255 tổ công nghệ số cộng đồng, với gần 15.000 thành viên chính là mắt xích quan trọng để kết nối đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số và lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ. Sở Thông tin và Truyền thông đang quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu trong trụ cột xã hội số là đến năm 2025 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. 

Xác định phát triển hạ tầng và dịch vụ viễn thông làm nền tảng để phục vụ người dân tham gia chuyển đổi số, năm 2023 đã tập trung nâng cấp mạng di động 4G, tích cực triển khai hạ tầng 5G, phát sóng thông tin di động, kết nối in-tơ-nét 4G tại 10 xóm đặc biệt khó khăn, góp phần nâng tỷ lệ xóm có dịch vụ in-tơ-nét băng rộng trên địa bàn cả tỉnh đạt 99,5%.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản của tỉnh, sàn thương mại điện tử được tích hợp trên phần mềm C-Thainguyen, đưa 100% sản phẩm OCOP và 700 sản phẩm của tỉnh lên sàn. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò) với 72 sản phẩm nông nghiệp. Tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt 1.545 giao dịch. Đã có 128 sản phẩm được gắn nhãn thương hiệu OCOP trên sàn. Phong trào livestream bán hàng nông sản đạt hiệu quả và ngày càng được nhân rộng. Đặc biệt trong “Lễ hội Võ Nhai mùa na chín – Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023”. Các lớp tập huấn, hỗ trợ người dân ứng dụng số trong quảng bá, livestream giới thiệu và bán sản phẩm, chốt đơn, thanh toán điện tử, đối soát, quản lý thu chi, mở gian hàng số, địa chỉ số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số.. được các cơ quan, đơn vị, đoanh nghiệp tổ chức thường xuyên, góp phần tạo nên những công dân thành thạo ứng dụng số trong lao động, sản xuất và kinh doanh.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt chia sẻ, người lao động của HTX đã ứng dụng số rất hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhờ đó mà tiết kiệm được thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Tất cả những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số tại tỉnh Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả tích cực, len lỏi trong từng ngóc ngách của đời sống từ thành thị đến nông thôn. Người dân Thái Nguyên được hưởng lợi từ các nền tảng số như Sổ tay đảng viên, C-Thái Nguyên, ThaiNguyen - ID. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số chuyển đổi số Thái Nguyên 2 năm liên tiếp thứ đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Sổ tay đảng viên điện tử đạt giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) tổ chức. “Nền tảng Xã hội số - Ứng dụng Thái Nguyên ID” được Hội Truyền thông số Việt Nam trao giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”; tỉnh Thái Nguyen là 1 trong 7 tổ chức/địa phương được trao giải tại hạng mục “Top tổ chức/địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số”.

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm mới 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ then chốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Tiếp tục triển khai chương trình chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đặc biệt quan tâm đưa người dân Thái Nguyên sống, làm việc, lao động và học tập trên môi trường số; thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT; đẩy mạnh triển khai các nền tảng xã hội số, nhân rộng mô hình chợ 4.0; đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu của người dân...                                                                       

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất