Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập
Đ/c Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), Đảng đã có chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo việc đổi mới hoạt động của các đơn vị SNCL. Trong đó, Kết luận số 37-TB/TW ngày 26-5-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công” và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN xác định nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và sắp xếp lại đơn vị SNCL là một trong những nội dung trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL

Trong những năm qua, các cấp, ngành tích cực triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, môi trường bền vững, công bằng xã hội, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới, nâng cao sức khoẻ nhân dân và hoàn thành cơ bản các mục tiêu Thiên niên kỷ. Hệ thống cung ứng dịch vụ công đã hình thành ở hầu hết các địa bàn, lĩnh vực; mạng lưới cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao trải rộng đến tận khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo. Các đơn vị SNCL giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt trong cung ứng dịch vụ công và thực hiện chính sách an sinh xã hội...

Tuy nhiên, hoạt động của các đơn vị SNCL còn hạn chế, yếu kém. Hệ thống các đơn vị SNCL cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo, quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho các đơn vị SNCL quá lớn. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức, có phần thiếu minh bạch. Việc chuyển đổi từ phí sang giá và lộ trình điều chỉnh giá chưa kịp thời, thực hiện xã hội hoá lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế, chưa tách bạch rõ giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung ứng dịch vụ của đơn vị SNCL. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và xử lý sai phạm trong hoạt động của đơn vị SNCL còn bất cập...

Những hạn chế, yếu kém trên có nguyên nhân khách quan: Hệ thống các đơn vị SNCL ở nước ta đã tồn tại quá lâu, gắn chặt với hệ thống hành chính nhà nước, các cơ quan đảng, đoàn thể, các doanh nghiệp. Trong một thời gian dài, khu vực này chậm được đổi mới và chưa có chính sách đủ mạnh để sắp xếp, chuyển đổi. Mặt khác, các dịch vụ công do các đơn vị SNCL cung cấp ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe, phát triển trí tuệ, tinh thần của người dân nên là một vấn đề khó trong việc đổi mới cơ chế, chính sách cũng như thực thi trên thực tế... Nhưng, nguyên nhân chủ quan là cơ bản: Việc thể chế hoá chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực sự nghiệp công còn chậm, chưa đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với tình hình. Nhiều cấp uỷ, lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt và đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đổi mới, sắp xếp lại, quản lý biên chế các đơn vị SNCL. Chưa chủ động chuyển các đơn vị SNCL sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công...

Yêu cầu đổi mới

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị SNCL, khẳng định: Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp uỷ, chính quyền và hệ thống chính trị. Trong đó, Nhà nước sẽ chăm lo, bảo đảm cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ công cho mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời sẽ đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt. Bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị SNCLvà ngoài công lập. Từ đó, Nghị quyết đưa ra các mục tiêu: Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị SNCL, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Giảm mạnh tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị SNCL để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị SNCL. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

Phương hướng, giải pháp chủ yếu

Một là, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị SNCL. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị. Trên cơ sở đó, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị SNCL của từng ngành, lĩnh vực.

Hai là, quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị SNCL do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định. Quy định và thực hiện nghiêm về số lượng lãnh đạo cấp phó. Đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (bao gồm cả cán bộ quản lý).

Ba là, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công. Theo đó, xác định các dịch vụ sự nghiệp công do ngân sách nhà nước phải bảo đảm, các dịch vụ công khác không sử dụng ngân sách nhà nước được xác định giá theo cơ chế thị trường, đơn vị được quyết định các khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích luỹ. Có chính sách khuyến khích ưu đãi và đối xử bình đẳng giữa các đơn vị SNCL và ngoài công lập trong việc cung cấp dịch vụ công.

Bốn là, nâng cao năng lực quản trị, hoàn thiện cơ chế tài chính của đơn vị SNCL. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong đó, cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về công chức, viên chức theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị SNCL và phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị đơn vị SNCL và việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình né tránh hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chính phủ sẽ có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tạo chuyển biến rõ về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cấp, các ngành và sự đồng thuận của xã hội về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị SNCL.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất