Lãnh đạo phòng, chống dịch Covid-19 nhìn từ tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang (tiếp theo)
Bài 2: Lãnh đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm

Biến chủng mới Delta với thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ lây lan nhanh, gây bất ngờ, khiến dịch Covid-19 lan rộng, ảnh hưởng lớn đến các khu dân cư, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nhà máy, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Rà soát lại quá trình lãnh đạo tổ chức chống dịch của Tỉnh ủy Bắc Ninh và Bắc Giang trong gần hai tháng qua nhận thấy, việc lãnh đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa sản xuất, phát triển kinh tế không hẳn lúc nào cũng được thực hiện song song, thậm chí có lúc phải hy sinh sản xuất để ưu tiên cho nhiệm vụ chống dịch.  

1. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng mạnh, như chúng tôi đã thông tin ở kỳ trước, vào ngày 10-5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU do Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái ký, trong đó xác định rõ quan điểm chống dịch là “đi trước chặn đầu”; chỉ đạo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó cho mọi tình huống, kể cả tình huống xấu nhất. Thực hiện Chỉ thị này, ngày 17-5, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra ban hành Quyết định số 515/QĐ-UBND về việc tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng; cách ly xã hội huyện Việt Yên, và 3 xã của huyện Yên Dũng.  


Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang.

Việc UBND tỉnh Bắc Giang quyết định ngừng hoạt động của các nhà máy tại 4 khu công nghiệp lớn đã kéo theo nhiều vấn đề. Một là, giữ lại khoảng 60.000 công nhân đến từ 61 tỉnh, thành phố đang làm việc tại các khu công nghiệp thì sẽ phải lo ăn cho họ trong những ngày cách ly. Hai là, làm thế nào để tẩy sạch môi trường trong các khu trọ dày đặc công nhân ở các xã giáp các khu công nghiệp? Ngày 20-6, khi trò chuyện với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái, chúng tôi được biết tình tiết phía sau quyết định dũng cảm này. Theo anh Thái, khoảng 80% các công ty trong các khu công nghiệp phản đối quyết định trên vì họ không có ca nhiễm. Tuy nhiên, công nhân của họ ở trọ tại các khu dân cư nên tỷ lệ và nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Để nhà máy hoạt động thêm một thời gian nữa chắc chắn sẽ gánh hậu quả rất nghiêm trọng. Vì ở thời điểm đó, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng nhanh, có ngày ghi nhận tới gần 500 ca và đối tượng F1, F2 là rất lớn. Những đề nghị của doanh nghiệp bị bác bỏ.

Sau khi đóng cửa khu công nghiệp, mỗi ngày Bắc Giang mất đi nguồn thu khoảng 2.000 tỷ đồng. Nếu để công nhân trở về quê dễ dẫn tới nguy cơ dịch lan khắp nước. Nếu thực hiện cách ly, giãn cách toàn xã hội, Bắc Giang phải bảo đảm gần 20 tấn gạo mỗi ngày và hàng trăm tấn thực phẩm phục vụ công nhân. Đi kèm với việc ấy là phải mở thêm các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến và cần lực lượng phục vụ rất lớn. Tiếp đó, sau khi đã truy vết, sàng lọc số người nhiễm và số F1 đưa đi cách ly, UBND tỉnh Bắc Giang mới đề nghị các tỉnh đón công nhân tạm trở về địa phương để làm sạch các khu trọ. UBND tỉnh Bắc Giang cũng thành lập các đoàn công tác để hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng dịch, chuẩn bị đón công nhân trở lại sản xuất.

Ngày 15-6, Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Kết luận số 105-KL/TU về việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Kết luận này xác định chủ trương “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất” với các mục tiêu đặt ra như hoàn thiện mô hình doanh nghiệp sản xuất an toàn, khu công nghiệp an toàn trong điều kiện có dịch Covid-19; sớm đưa công nhân quay lại làm việc... không để gián đoạn sản xuất.

Thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành các quy định doanh nghiệp phải đón và bố trí nơi trú cho công nhân từ "vùng màu xanh" (không phát sinh F0) có xét nghiệm âm tính. Đối với lao động ở "vùng màu vàng" (nguy cơ phát sinh F0), doanh nghiệp bố trí nơi lưu trú tập trung cho công nhân. Có hơn 7.000 ký túc xá trên địa bàn đón công nhân ở lại. Các công ty có tổ an toàn Covid-19, sẵn sàng đánh giá nguy cơ lây nhiễm; xét nghiệm RT-PCR ngay ngày đầu làm việc; bố trí khu vực giao nhận hàng, cách ly y tế tạm thời… Sau đó, tất cả lao động xét nghiệm định kỳ 72 giờ/lần với lao động đi về nhà hằng ngày. Hai tháng đầu, lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân 1 tuần/lần.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tính đến hết ngày 12-7, đã có 263 doanh nghiệp trong khu công nghiệp và 30/30 cụm công nghiệp  hoạt động trở lại. Trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI quy mô lớn như Foxconn (hơn 17.200 lao động), Luxshare (15.000 lao động), Công ty TNHH Si Flex Việt Nam (3.000 lao động), Crystal Martin (hơn 4.000 lao động). 129/170 doanh nghiệp, với 22.967 lao động trong các cụm công nghiệp cũng đã hoạt động trở lại.

2. Ở tỉnh Bắc Ninh, ngày 9-5 phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên là công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam - Chi nhánh Quế Võ (khu công nghiệp Quế Võ). Ngày 22-5, số ca nhiễm SARS-CoV-2 là 460 và số người thuộc diện F1 phải cách ly là 4.130. Thành phố Bắc Ninh, huyện Quế Võ, Yên Phong, là 3 nơi tiếp giáp trực tiếp với tỉnh Bắc Giang và cũng là những nơi đông công nhân trọ, làm việc tại các khu công nghiệp có tình hình dịch diễn biến phức tạp, cùng một lúc xuất hiện nhiều ổ dịch khác nhau. Trước chiều hướng này, ngày 25-5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ra Chỉ thị số 08-CT/TU về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, do Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan ký. Chỉ thị này chỉ đạo UBND tỉnh: “... điều chỉnh, bổ sung và cụ thể hóa các kế hoạch các cấp độ trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là các khu công nghiệp và nhà máy, xí nghiệp, không làm đình trệ, ách tắc hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an toàn, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn”.

Đến ngày 28-5, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 6 doanh nghiệp có người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó chỉ có Công ty Đại Thuỷ là không có ca nhiễm mới. Trước tình hình này, ngày 29-5, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Công văn số 1579/UBND-XDCB, về việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 trong các khu công nghiệp. Công văn yêu cầu các doanh nghiệp giảm 50% số lượng công nhân làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp; bố trí cho công nhân ăn nghỉ và làm việc tại nhà máy. Từ đây, hàng loạt các doanh nghiệp đưa 50% công nhân vào nhà máy ăn, nghỉ và làm việc. Nói về quyết định này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lam phân tích: Một ngày dừng sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh giảm ít nhất 3.600 tỉ đồng, chưa kể giá trị thương mại, dịch vụ và nhiều thứ khác. Nếu tính theo GRDP, mỗi đóng cửa sẽ giảm khoảng 0,2% GRDP. Một tháng sẽ mất 6% GRDP. Nếu dừng hoạt động thì doanh nghiệp bị ảnh hưởng, chuỗi sản xuất bị gián đoạn, đời sống của công nhân, nhân dân cũng như là phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh đã tổ chức họp khẩn và ra văn bản hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Đồng thời huy động 100% cán bộ, công nhân viên túc trực 24/24 để hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Thành lập 40 đoàn đi kiểm tra, thẩm định những đơn vị nào đủ điều kiện an toàn phòng dịch, phòng chống cháy nổ, ăn ở đảm bảo cho công nhân mới được phép hoạt động trong khu công nghiệp...

Từ ngày 2-6, hàng trăm doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh bắt đầu trở lại làm việc theo phương châm “3 tại chỗ”: Tất cả người lao động ở, ăn và làm việc ngay tại nhà máy để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Đến ngày 15-7, các khu, cụm công nghiệp ở Bắc Ninh thu hút hơn 1.100 doanh nghiệp đi vào hoạt động, với hơn 320.000 lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm 75% nên việc đi lại giữa các địa phương rất lớn. 

Thực hiện chủ trương trên, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra phương án ban đầu là “trúng, đúng và kịp thời” để tách nguồn lây tại nơi lưu trú, nhà máy, nhà trọ... Sau khi dịch bệnh kiểm soát tốt, triển khai tiếp phương án “nhanh, mạnh, linh hoạt” để đưa công nhân trở lại. Các doanh nghiệp ngăn cách 1/3 xưởng hoặc trưng dụng xưởng chưa sản xuất để làm nơi lưu trú cho công nhân. Công ty nào không bố trí được thì đưa đón công nhân về nhà trọ theo hướng tối ưu chia nhóm lao động cùng xưởng, ăn cùng ca, đi cùng xe, lưu trú cùng một chỗ.

Doanh nghiệp cũng phải xét nghiệm 20% tổng số lao động hằng tuần. Nhất là những người tiếp xúc với bên ngoài như lái xe, bảo vệ… Tuân thủ khuyến cáo “5K” mọi lúc mọi nơi, không lơ là chống dịch.


Nhân dân tập trung lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dương tính với SARS-CoV-2.

3. Quán triệt tinh thần hướng tới mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa sản xuất, các huyện của tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đều tập trung ưu tiên chống dịch. Song song với đó là chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Khi hết nhiệm vụ này thì quay sang tổ chức thu hoạch lúa, hoa màu, nông sản. Tìm hiểu tại các xã của huyện Việt Yên, Lạng Giang (Bắc Giang) và Thuận Thành, Tiên Du (Bắc Ninh) thì nhận thấy cách làm khá giống nhau. Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã lên kế hoạch thu hoạch và giao cho các tổ Covid cộng đồng, do bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn đứng đầu chủ trì. Máy gặt xong của nhà nào thì thông tin cho nhà đó đến địa điểm để đưa sản phẩm về tiếp tục xử lý. Việc này đã bảo đảm cho sự giãn cách và cách ly trong thời điểm dịch bệnh được thực hiện nghiêm cẩn. 

Để chuyển tải tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng cấp trên đến các đảng viên trong thời gian dịch bệnh, khi phải xử lý nhiều việc đồng thời, các bí thư chi bộ đều tận dụng tối đa ưu điểm của mạng xã hội, thành lập các nhóm trên zalo để truyền đạt tinh thần nghị quyết, chỉ thị đến các đảng viên. Việc phân công nhiệm vụ cũng được chuyển trên nhóm zalo. Đồng chí Nguyễn Văn Diện, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Hoàng Mai 3, thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang) cho biết: Việc triển khai nghị quyết lãnh đạo của chi bộ bao gồm cả nội dung quán triệt nghị quyết của Đảng ủy thị trấn bằng hình thức văn bản. Sau khi đã thống nhất các nội dung, bí thư chi bộ sẽ soạn phân công nhiệm vụ cho các chi ủy viên và các đảng viên ngay trên điện thoại rồi gửi đi. 

Ở huyện Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang, do đặc thù dịch Covid-19 đến vào vụ thu hoạch vải thiều, địa bàn rộng, thưa người nên Tỉnh ủy Bắc Giang đã trực tiếp chỉ đạo từ sớm. Một mặt vừa thúc đẩy các kênh tiêu thụ vải thiều ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, mặt khác lại xét nghiệm, tiêm vắc-xin cho thương nhân, lái xe đến mua vải. Tỉnh ủy chỉ đạo phối hợp với hải quan cửa khẩu mở luồng xanh xuất khẩu vải sang Trung Quốc. Công nhân người Lục Ngạn làm việc tại các khu công nghiệp bị lây nhiễm được tổ chức cách ly chặt chẽ ở những điểm an toàn. Thế nên, kết thúc vụ vải thiều năm 2021, huyện Lục Ngạn đã khẳng định được mùa cả về giá và sản lượng.     

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bắc Ninh và Bắc Giang, các cấp ủy đảng đã bám sát nhiệm vụ chống dịch đồng thời không quên nhiệm vụ sản xuất. Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, công tác sản xuất dù có bị gián đoạn một thời gian nhưng không quá ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Đây là cách lãnh đạo khắc phục chưa hề có tiền lệ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất