Giáo hội Phật giáo Việt Nam với đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Luôn đồng hành cùng dân tộc

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và đã nhanh chóng được bản địa hóa. Phật giáo Việt Nam là tôn giáo có truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, luôn gắn bó với vận mệnh của đất nước. Lịch sử đã chứng minh, khi đất nước hùng cường thì Phật giáo hưng thịnh; khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo sẵn sàng đứng lên tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần giành lại độc lập cho dân tộc. Trong lịch sử phát triển của mình, Phật giáo đã để lại nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan chung. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc.

Xã hội ngày nay đứng trước nhiều vấn nạn thời đại như bạo lực gia đình, bạo lực học đường, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ sống thực dụng, manh động trong suy nghĩ và hành động, bất kính với người lớn, cha mẹ, thầy cô, thiếu tình yêu thương đồng loại, dẫn đến tệ nạn xã hội gia tăng. Nhiều năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có những hoạt động thiết thực góp phần làm giảm suy thoái đạo đức trong thanh, thiếu niên. Từ Trung ương Giáo hội đến các địa phương, các chùa, tự viện, thiền viện… đã tổ chức nhiều khóa tu và các hoạt động phật sự. Thông qua đó giáo dục các em hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, tội phúc, biết ơn, đền ơn, báo ân, báo hiếu ông bà tổ tiên, cha mẹ, thầy cô… để các em có được nếp sống lành mạnh, văn minh, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Tư tưởng nhập thế của Phật giáo đã góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức con người, đưa con người đến cuộc sống “chân - thiện - mỹ”, từ đó làm thay đổi tư duy của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.

Phật giáo đã giúp giảm gánh nặng cho xã hội bằng việc chung tay cùng Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, sớm vượt qua để ổn định cuộc sống thông qua công tác phúc lợi xã hội như khám, chữa bệnh miễn phí tại một số chùa, tự viện của Phật giáo, đào tạo miễn phí dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hàng nghìn học viên. Các điểm du lịch tâm linh thường gắn với đền, chùa, lăng tẩm, cơ sở tôn giáo và lễ hội. Cả nước có gần 500 ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia. Đây chính là những điểm thu hút du khách tới tham quan, chiêm bái, nghe giảng và trải nghiệm đời sống thiền tu. Như vậy, các điểm hành hương tâm linh đã tạo ra công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho hàng nghìn người, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp cho xã hội.

Công tác từ thiện là hoạt động phật sự đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội. Tăng ni, phật tử các chùa, tự viện đều thực hiện công tác từ thiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Với hệ thống trên 165 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, hơn 600 phòng chẩn trị y học dân tộc, trên 10 phòng khám Tây y, Đông - Tây y kết hợp đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước, xây dựng các trường mầm non, trường nuôi dạy trẻ em bất hạnh, trường trẻ em khuyết tật bởi ảnh hưởng chất độc da cam góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, tặng xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sỹ nơi biển đảo đang ngày đêm bảo vệ quê hương, Tổ quốc.

GHPGVN đã tích cực thể hiện tư cách là thành viên sáng lập và là thành viên của các tổ chức Phật giáo quốc tế: Hội Liên hữu Phật giáo thế giới; Hội Phật giáo châu Á vì hòa bình; thành viên sáng lập Hội Phật giáo thế giới truyền bá chính pháp; thành viên Hội Đệ tử Như Lai tối thượng (Sri Lan-ca); thành viên Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc (IOC, Thái Lan); thành viên Ủy ban Đại học và cao đẳng Phật giáo thế giới tại Thái Lan; thành viên Hội Sakyadhita thế giới; thành viên tổ chức Liên minh Phật giáo toàn cầu tại Ấn Độ... GHPGVN đã và đang liên kết thân hữu với giáo hội các nước Lào, Căm-pu-chia, Thái Lan, Trung Quốc, Mi-an-ma, Mông Cổ, Sri Lan-ca, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan và một số nước châu Âu, Bắc Mỹ… GHPGVN thành lập các hội phật tử Việt Nam tại nhiều nước khác, đáp ứng nhu cầu Phật giáo của bà con Việt kiều. Giáo hội cử đại diện tham dự các cuộc hội nghị, hội thảo chuyên đề về văn hoá, đạo đức, giáo dục Phật giáo và môi trường, trao đổi, đóng góp những kinh nghiệm trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và từ thiện xã hội nhằm thắt chặt tình hữu nghị với các nước Phật giáo trong khu vực và trên thế giới.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam, GHPGVN đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết và với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc”. Giáo hội quan tâm hướng dẫn tín đồ, phật tử sinh hoạt theo đúng chính pháp, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh và có những hoạt động đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo phật tử, là nguồn cổ vũ lớn lao cho tăng ni, phật tử ở trong và ngoài nước tin tưởng vào đường hướng hành đạo của Giáo hội, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.

Tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân, GHPGVN, tăng ni, phật tử Việt Nam luôn gắn bó với dân tộc, thực hiện đúng phương châm tốt đời, đẹp đạo. Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, diễn ra từ ngày 19 đến 22-11-2017 tại Thủ đô Hà Nội đã đề ra mục tiêu nâng cao tầm vóc của Phật giáo nước nhà trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, cụ thể:

Phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng: Đạo pháp - Dân tộc - CNXH. Đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn phật tử. Định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo, góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội. Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo tăng ni. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam, bảo đảm có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kết nối chặt chẽ với các hội phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam. Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của tăng ni, phật tử, của tổ chức GHPGVN trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN…

Để thực hiện những mục tiêu trên, GHPGVN trong thời gian tới cần:

Phát huy truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc” theo phương châm Đạo pháp - Dân tộc - CNXH mà Giáo hội đã đề ra. Cần có sự thống nhất kinh sách, Việt hóa về kinh điển, thống nhất về nghi lễ trên toàn quốc bảo đảm sự thống nhất và trang nghiêm của Phật giáo. Chú trọng đào tạo tăng tài đáp ứng đủ số lượng, chất lượng, phân bổ đồng đều trên địa bàn cả nước. Chú trọng đào tạo và sử dụng, khuyến tấn tăng ni dấn thân phụng sự đạo pháp, phục sự dân tộc. Đẩy mạnh hoằng pháp qua truyền thông bằng cách áp dụng các tiến bộ khoa học nhằm giúp mọi người hiểu chính tín về đạo Phật, biết ứng dụng triết lý đạo Phật vào cuộc sống để mang lại cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Phật giáo, đặc biệt là với các nước có truyền thống Phật giáo và có mối quan hệ truyền thống với Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chấn hưng Phật giáo trên nền tảng văn hoá dân tộc và giáo lý của đạo Phật. Hoạt động từ thiện phải dựa trên tinh thần tứ vô lượng tâm “từ, bi, hỷ, xả”, “thương người như thể thương thân” tránh những hành vi trục lợi ảnh hưởng xấu đến Phật giáo. Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh. Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức tài trợ bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và phục vụ công việc hiệu quả. Khắc phục bệnh hình thức, chú trọng về hoằng pháp, giáo dục, văn hóa, truyền thông để Phật giáo đi vào đời sống có chiều sâu, vững bền hơn.

Giáo hội thực hiện thành công những giải pháp đồng bộ trên bằng nội lực tự sinh và sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành hữu quan của Nhà nước để đóng góp hiệu quả hơn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất