Phụ nữ tỉnh Kon Tum học và làm theo gương Bác Hồ
Nữ công nhân, viên chức, lao động tỉnh Kon Tum với Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), các cấp hội phụ nữ tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách đồng bộ, sâu rộng với nhiều hình thức sáng tạo, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh tham gia.     

Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cấp hội gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, với công tác thường xuyên hằng quý, hằng năm và các nhiệm vụ trọng tâm của hội; từ đó tạo sự chuyển biến tích cực và tự giác để các hội viên rèn luyện theo 4 phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam “tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”.     

Các cấp hội phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho cán bộ, hội viên, phụ nữ các chuyên đề hằng năm về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ và nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc và của Hội, thông qua các câu chuyện kể về Bác, các bài nói, bài viết của Người, các cấp hội đã tổ chức được 615 buổi nói chuyện cho 43.565 lượt cán bộ, hội viên, chị em phụ nữ, giúp chị em hiểu hơn về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.  

Ở Kon Tum, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn gắn liền với các đợt phát động công trình thi đua hướng về phụ nữ, trẻ em nghèo; trong đó các cấp hội phụ nữ tỉnh đã vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được 1.693.500.000 đồng, xây dựng 58 “Mái ấm tình thương” tặng cho phụ nữ nghèo; sửa chữa 5 ngôi nhà cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 74 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi (mỗi suất từ 500.000 - 1.000.000 đồng); phối hợp với mặt trận Tổ quốc cùng cấp từ quỹ "Vì người nghèo" xây dựng được 9 căn nhà cho 9 phụ nữ nghèo, với số tiền 240.000.000 đồng...  

Trong việc xây dựng mô hình "làm theo" Bác, 100% cơ sở hội nơi đây đã xây dựng được mô hình, trong đó nhiều mô hình đạt hiệu quả và đã được nhân rộng như: mô hình “Hũ gạo tình thương”, "Ống tiền tiết kiệm", “Nuôi heo đất”, "Sổ tiết kiệm tình thương", nhóm ”Phụ nữ tiết kiệm mua sắm dụng cụ gia đình”… Kết quả, các cấp hội phụ nữ tỉnh Kon Tum đã xây dựng được 674 mô hình nhóm phụ nữ tiết kiệm với 21.192 thành viên tham gia, tổng số tiền là 1.939.465.000 đồng; thành lập và duy trì 35 nhóm “Phụ nữ giúp nhau sắm sửa dụng cụ gia đình; làm đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội” với số tiền 89.000.000 đồng. Vận động được 575.125.000 đồng và 5.164 con giống, 7.924kg gạo giúp đỡ 2.605 chị; thành lập được 128 tổ đổi công, nhóm phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau được 13.839 ngày công lao động; phối hợp thăm và tặng quà trẻ em khuyết tật, mồ côi với tổng số tiền 201.200.000 đồng, 915 kg gạo, 1.050 bộ quần áo… Đặc biệt mô hình “nhóm phụ nữ tiết kiệm mua sắm dụng cụ gia đình” đã được hình thành và nhân rộng đến hầu hết các cơ sở hội. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ các gia đình lúc khó khăn, hoạn nạn, đau ốm, tang gia được nhiều chị em hưởng ứng với tổng số tiền 1.026.077.000 triệu đồng, 207 "hũ gạo tiết kiệm", hơn 8.732 kg gạo để hỗ trợ cho 376 gia đình phụ nữ khó khăn.    


Lãnh đạo tỉnh Kon Tum gặp gỡ, động viên chị em phụ nữ khối Đảng tỉnh nhân dịp 8-3.

Nhằm thu hút phụ nữ các dân tộc, tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua do hội phát động; học tập và làm theo lời chỉ dạy của Bác về công tác dân vận, gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Hội Phụ nữ xã Ya Xiêr (Sa Thầy) đã xây dựng mô hình “Nhóm phụ nữ đạo Tin Lành tích cực tham gia hoạt động hội” với 37 thành viên. Chi hội phụ nữ dòng tu (thuộc Dòng Ảnh vảy, Dòng Thánh Phao Lô) đã được thành lập với 42 hội viên. Hội phụ nữ xã Đăk Trăm (Đăk Tô) đã thành lập câu lạc bộ "Nữ thanh niên dân tộc thiểu số đạo Công giáo tham gia tổ chức hội" với 37 thành viên... Các mô hình này đã thu hút được sự hưởng ứng đông đảo của hội viên, phụ nữ trong nhóm. Thành lập các mô hình này đã giúp cho việc vận động chị em tín đồ các tôn giáo khác tham gia sinh hoạt hội dễ dàng hơn, góp phần tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đã có 291 ban, tổ nữ công đã kết nghĩa với 307/595 chi hội phụ nữ người dân tộc thiểu số.  

Thông qua hoạt động kết nghĩa, các chi hội, ban, tổ nữ công đã tổ chức nhiều việc làm thiết thực, thắt chặt tình đoàn kết giữa phụ nữ các dân tộc trong tỉnh, như hướng dẫn chị em phụ nữ đăng ký thực hiện nội dung "5 không, 3 sạch" (5 không là: không đói nghèo; không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ 3 trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. 3 sạch là: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Đối với những nơi có hội viên tin theo tà đạo "Hà Mòn" các cấp hội đã lựa chọn nội dung "không tin, không nghe, không theo, không sợ các đối tượng cầm đầu xúi giục, lôi kéo, đe dọa và không phân biệt đối xử với những người lỡ tin theo tà đạo; sạch nhà, bếp, sân vườn, sạch con cái, sạch bản thân"...    

Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã rút ra một số kinh nghiệm sau:  

Một là, phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và vận dụng có hiệu quả những điều kiện đặc thù gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.  

Hai là, nắm bắt tư tưởng, đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn, qua đó đưa ra biện pháp giúp cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nhận thức về các giá trị to lớn, vĩ đại của tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh từ đó có sự chuyển biến về tư tưởng và hành động.  

Ba là, chú trọng tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ ở cơ sở thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức, việc làm cụ thể và thiết thực.  

Bốn là, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần được triển khai chặt chẽ.  

Năm là, sơ kết, tổng kết, phát hiện và biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong triển khai thực hiện, đặc biệt quan tâm biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo có hiệu quả cao.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất