La Pán Tẩn làm theo lời Bác
Bà con người Mông bước vào vụ lúa mới.
Bác Hồ trong chuyến đến thăm tỉnh Yên Bái năm 1958 đã ân cần nhắc nhở Đảng bộ và chính quyền nơi đây phải chăm lo đời sống cho đồng bào từ việc to đến việc nhỏ, làm sao để đời sống của người dân được cải thiện, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành... Đối với nhân dân, Người đã căn dặn đồng bào các dân tộc ở Yên Bái phải sống đoàn kết, không nên nghe theo kẻ xấu xúi giục, đồng bào phải cố gắng làm ăn định cư, tích cực tăng vụ, đưa khoa học - kỹ thuật vào áp dụng trong sản xuất. Bác ân cần chỉ bảo: “Ruộng không có phân như người không có cơm. Người không có cơm thì sẽ không thể lớn được. Vậy muốn có nhiều thóc thì phải bỏ nhiều phân”. Bác còn nhấn mạnh: “Muốn tăng gia sản xuất thì phải có tổ chức, phải có tổ đổi công...”.  

Để từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, Đảng bộ, chính quyền xã La Pán Tẩn đã triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến từng thôn, bản. Cấp ủy đảng, chính quyền xã đã chủ động xây dựng chương trình, hành động cụ thể ừng năm, phù hợp với điều kiện địa bàn vùng cao. Công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền được củng cố, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong các ban, ngành, đoàn thể được nâng cao, tạo sức mạnh thúc đẩy nhiều phong trào thi đua của toàn dân. Học và làm theo Bác, các đảng viên sinh hoạt tại 8 chi bộ thôn, bản luôn là những tấm gương tiêu biểu đi đầu trong học tập, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Giàng Chứ Ly, Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn cho biết: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xã luôn gắn với công tác phát triển kinh tế, xây dựng đời sống xã hội tiến bộ. Vì thế, cuộc sống của bà con nơi đây đang thay đổi từng ngày.

Cán bộ, đảng viên và bà con các dân tộc La Pán Tẩn đã phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, nhất là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp. Bà con người Mông đã tích cực đưa các loại cây lương thực có năng suất cao như các giống ngô lai NK - 66, AG - 59, F1 CP3Q và giống lúa Nhị ưu 838 vào gieo cấy. Việc thâm canh, tăng vụ đã được bà con quan tâm chú trọng, trong đó bản Tà Chí Lừ là bản thực hiện gieo cấy vụ hai đầu tiên đạt hiệu quả. Các bản La Pán Tẩn, Háng Sung, Trống Tông, Trống Páo Sang... cũng đã thi đua tăng vụ. Diện tích ruộng lúa nước của toàn xã đã tăng từ 211,8 ha (năm 2010) lên 265 ha (năm 2013). Diện tích nương lúa đạt năng suất thấp được chuyển sang trồng ngô với diện tích trên 180 ha. Để việc canh tác đạt hiệu quả cao, lâu dài, Đảng bộ, chính quyền xã La Pán Tẩn đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện tổ chức mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và hướng dẫn bà con cách đầu tư thâm canh, chống sâu bệnh cho cây trồng, phương pháp tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, bà con còn tích cực phát triển các loại cây dược liệu kinh tế hiệu quả như: Thảo quả, sơn tra và trồng rừng kinh tế. Những năm gần đây, sản lượng lương thực của La Pán Tẩn được duy trì ổn định và không ngừng tăng. Ông Hảng A Gia ở bản La Pán Tẩn phấn khởi cho hay: “Trong những năm vừa qua, nhờ làm theo lời Bác, gia đình tôi đã gieo trồng thêm vụ hai và bón phân tốt cho cây. Nhà tôi thu bình quân mỗi năm đạt khoảng  4,5 - 5 tấn thóc, 3 - 3,5 tấn ngô bắp và 2 tấn thảo quả cho nên hiện gia đình tôi đã hết đói nghèo”.  


     

                          
                                 Thu hoạch lúa vụ 2 của bà con La Pán Tẩn.

Năm 2013, tổng sản lượng lương thực có hạt của toàn xã ước đạt trên 1.900 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 446 kg/người/năm. Ngoài ra, các loại cây hoa màu trồng xen canh với ngô như bí, đậu tương, lạc cũng đã tăng từ 20 ha năm 2010 lên tới 50 ha năm 2013. Mỗi năm, xã La Pán Tẩn đã cung cấp khoảng trên 30 tấn rau xanh các loại, từ 170 - 200 tấn thảo quả, gần 200 tấn quả sơn tra cho thị trường. Các mô hình dịch vụ - thương mại cũng được phát triển, đáp ứng phần nào nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu cho người dân, tạo điều kiện cho thông thương hàng hóa, phá dần thế tự cung, tự cấp ở địa phương. Lĩnh vực chăn nuôi cũng được quan tâm phát triển. Nếu năm 2010, toàn xã có 715 con trâu, 310 con bò, 2.210 con lợn, 245 con dê và trên 5.800 con gia cầm thì đến năm 2013 này đã tăng lên với 911 con trâu, 2.448 con lợn, trên 7.400 con gia cầm...  

Là một đảng viên trẻ nhưng Lý A Nắng - cán bộ tư pháp xã đã ý thức sâu sắc về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Snh tâm sự: Lời Bác dạy đã cho tôi nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác cũng như trong cuộc sống. Nhờ đó, công việc ở cơ quan, tôi luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Còn với gia đình thì tôi đã vận động gia đình, anh em họ hàng nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để không ngừng nâng cao đời sống.  

Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng kiến trúc hạ tầng được Đảng bộ, chính quyền xã quan tâm tuyên truyền, vận động toàn dân cùng tham gia thực hiện, những năm qua, toàn xã đã bê tông hóa được 9 km đường giao thông, mở mới 4 km đường liên thôn bản và đường đi đến các khu  sản xuất. Hầu hết các thôn, bản đều có đường giao thông xe máy đi được, tạo thuận lợi cho người dân đi lại dễ dàng. Trên địa bàn xã đã có 13 công trình thủy lợi được kiên cố hóa, hệ thống kênh mương được tu sửa, mở mới đảm bảo có đủ lượng nước phục vụ cho sản xuất. Đường điện được kéo về đến bản, 6/7 bản được sử dụng điện lưới quốc gia.  

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thực sự đi vào cuộc sống nhân dân trong xã, thay đổi cách nghĩ, cách làm, tư duy của người dân. Nông thôn La Pán Tẩn mang một bộ mặt mới, đời sống của người dân được cải thiện, tinh thần được nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững. Bà con đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đưa giống cây trồng mới vào sản xuất, tích cực phát triển chăn nuôi, không thả rong trâu bò, không chặt, phá, đốt rừng, không tái trồng cây thuốc phiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn, không còn hộ đói giáp hạt.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất