Phòng, chống sự tha hóa con người và những lệch chuẩn văn hóa

Bài 1: Bịt chặt lỗ hổng về văn hóa để phòng ngừa đạo đức xã hội xuống cấp

LTS: Cách đây 5 năm, ngày 9-6-2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Nhân dịp Trung ương chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, phóng viên Báo Quân đội nhân dân gặp gỡ một số chuyên gia, nhà khoa học để góp phần làm rõ một vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm thời gian gần đây: Phòng, chống, ngăn chặn sự tha hóa con người và những lệch chuẩn văn hóa trong xã hội. 



TS Hoàng Thị Hoa.

Môi trường văn hóa (MTVH) có ảnh hưởng, tác động sâu sắc đến việc xây dựng phẩm chất, nhân cách con người và xây dựng nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh. MTVH tốt đẹp thì con người được “tắm mình” trong bầu khí quyển lành mạnh để sống nhân văn, tử tế hơn. Đây là một nhiệm vụ quan trọng đã được Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng chỉ ra. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, xã hội vẫn còn không ít lỗ hổng về văn hóa khiến đạo đức, nhân cách con người đang đứng trước nhiều thách thức. Đây cũng là vấn đề trăn trở của TS Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VH, GD, TN, TN&NĐ) của Quốc hội, khi trao đổi với chúng tôi.

Không có môi trường văn hóa tốt đẹp, khó có nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh

Phóng viên (PV): Thời gian gần đây, nhiều hiện tượng lệch chuẩn văn hóa liên quan đến giới trẻ, nhiều sản phẩm “rác rưởi” mà có người gọi là dòng “nhạc tù”, “phim xã hội đen”, “tiểu phẩm giang hồ” trôi nổi trên mạng xã hội; vấn nạn bạo lực học đường xảy ra ở nhiều nơi rất đáng báo động. Theo bà, nguyên nhân của thực trạng trên do đâu?

TS Hoàng Thị Hoa: Tôi cho rằng, ngoài lý do chủ quan là một bộ phận thanh thiếu niên ở lứa tuổi bồng bột, tâm sinh lý chưa hoàn thiện, thích a dua, đua đòi theo những trào lưu văn hóa lệch chuẩn trên mạng xã hội, còn xuất phát từ căn nguyên sâu xa là do nhiều nơi chưa chú trọng chăm lo xây dựng MTVH lành mạnh để giới trẻ được thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần bổ ích, phong phú.

PV: Với nhiều người, MTVH là một khái niệm khá “trừu tượng”, thế nên chưa có những việc làm cụ thể để chung tay góp sức xây dựng MTVH lành mạnh. Theo bà, điều này có đúng thực tế không?

TS Hoàng Thị Hoa: Nội dung xây dựng MTVH rất rộng, bao gồm những mặt cơ bản: Xây dựng đồng bộ MTVH gắn với hệ giá trị, chuẩn mực cụ thể trong gia đình, trường học, địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, cảnh quan môi trường gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; xây dựng quy chế, quy định hợp lý để người dân chủ động tham gia các hoạt động văn hóa... Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng đã khẳng định, MTVH phải là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa con người Việt Nam và xây dựng mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học và mỗi cộng đồng có MTVH tốt đẹp. Vì không có MTVH tốt đẹp, khó có thể kiến tạo nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh.



Người dân Khu dân cư số 2, huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) tìm đọc thông tin, sách báo tại nhà văn hóa. Ảnh: HOÀNG HÀ.

Tôi xin đưa ra ví dụ về MTVH liên quan đến đạo đức xã hội. Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong năm 2015, cả nước có 24.101 vụ ly hôn, trong đó 8.000 vụ do bạo lực gia đình. Trẻ em chứng kiến bạo hành gia đình sẽ phải chịu những cú sốc tâm lý, nhân cách méo mó, gặp nhiều khó khăn hơn để trở thành công dân có ích cho đất nước.

Trường học được coi là môi trường giáo dục an toàn, không gian sinh hoạt, học tập, rèn luyện khá lý tưởng, nhưng một bộ phận học sinh cũng đang bị tác động không nhỏ bởi những hệ lụy tiêu cực từ MTVH, nhất là mạng xã hội. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến 2018, cả nước có hơn 9.900 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường xảy ra trong nhà trường.

Rõ ràng, nếu chúng ta xây dựng được “cái nôi” văn hóa gia đình, văn hóa học đường thực sự lành mạnh thì sẽ góp phần giảm những con số đáng buồn trên.

PV: Chủ trương xây dựng MTVH của Đảng đề ra từ nhiều năm nay, nhưng vì sao đời sống văn hóa ở nhiều nơi còn không ít hạn chế, bất cập, thưa bà?

TS Hoàng Thị Hoa: Khách quan mà nói, công tác xây dựng MTVH những năm qua đã được triển khai rộng khắp, nhiều nơi có cách làm hay, sáng tạo, góp phần xây dựng môi trường xã hội ổn định, văn minh. Nhưng thực tế, những việc làm được vẫn còn hạn chế so với những tồn tại, bất cập trong xây dựng MTVH. Đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, người lao động, đồng bào miền núi nhiều nơi vẫn ở mức thấp; hoạt động lễ hội ở nhiều nơi có biểu hiện biến tướng lệch lạc; thiết chế văn hóa có số lượng khá lớn nhưng thiếu cơ chế vận hành, hoạt động nghèo nàn, chưa thu hút người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao...

Khi đến công tác tại hai tỉnh Bình Dương và Vĩnh Phúc (hai địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn) để tìm hiểu về đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, chúng tôi cảm thấy rất buồn khi thiếu trường mầm non gửi con trẻ; nhà văn hóa có đấy nhưng hoạt động năm thì mười họa. Anh chị em công nhân là chủ thể của MTVH nhưng cả chính quyền địa phương, ban quản lý khu công nghiệp dường như đã quên mất điều này. Chính quyền nhiều địa phương còn lúng túng trong quy hoạch, xây mới trường mầm non khi lượng trẻ em tăng đột biến khiến công nhân phải gửi con ở các cơ sở tư thục. Tôi lấy ví dụ ở Na Uy, một cô giáo chỉ được trông tối đa 3 trẻ; ở ta, nhiều khu vực đông công nhân có khi một cô giáo phải chăm sóc cả chục cháu bé, áp lực đó ít nhiều dẫn đến những chuyện đau lòng về bạo hành trẻ em.

Xây dựng môi trường văn hóa cần phải thực chất để góp phần bồi đắp đạo đức, lối sống cho con người

PV: Bà có thể lý giải vì sao chúng ta có nhiều phong trào xây dựng MTVH, nhiều danh hiệu về văn hóa, nhưng lối sống, đạo đức của một bộ phận người dân trong xã hội đang “xuống dốc”?

TS Hoàng Thị Hoa: Sức lan tỏa, tác động của các phong trào, danh hiệu văn hóa chưa cao, chung quy vẫn là cách làm chưa hiệu quả; vẫn còn chồng chéo nội dung, triển khai lúng túng, tiêu chí không rõ ràng, chạy theo thành tích, khen thưởng chưa tương xứng… Đó là những yếu tố khiến các phong trào, danh hiệu liên quan đến xây dựng MTVH ngày càng kém giá trị, thiếu thực chất. Cả nước có tới 19 triệu/22 triệu gia đình được tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, nhưng vì sao nạn bạo hành gia đình, số vụ ly hôn những năm qua vẫn có xu hướng tăng? Một trong những lý do là nhiều địa phương báo cáo không trung thực hoặc trao danh hiệu một cách dễ dàng. Một khi phong trào văn hóa rơi vào hình thức thì tác động lên đời sống sẽ rất thấp và thiếu tác dụng đối với việc giáo dục, bồi đắp những giá trị sống tích cực, nhân văn cho con người.

PV: Nếu triển khai hiệu quả, thực chất các phong trào xây dựng MTVH thì chắc chắn góp phần cải thiện đạo đức xã hội, nhưng đó không phải là “chìa khóa vạn năng”. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

TS Hoàng Thị Hoa: Chuyện đạo đức xã hội sa sút có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan của con người. Điều đó đòi hỏi mỗi chúng ta phải thường xuyên rèn luyện, tu thân tích đức; cán bộ lãnh đạo thì phải tự giác nêu gương, sống trong sạch, tự trọng, liêm khiết; người dân thì phải tự giác chấp hành pháp luật, thực hiện những đạo lý tốt đẹp của dân tộc và chuẩn mực văn hóa cộng đồng. Tóm lại, trong xã hội mở cửa, hội nhập và cơ chế thị trường hiện nay, ai cũng phải có trách nhiệm rèn luyện, hoàn thiện đạo đức cá nhân để góp phần giữ gìn đạo đức gia đình, đạo đức xã hội. Người giàu mà không giữ mình sẽ sa vào lối sống xa hoa, hưởng lạc; người nghèo mà không giữ nhân cách thì dễ “sinh đạo tặc”…

PV: Công tác lập pháp và giám sát của Quốc hội cần có hoạt động nào để góp phần xây dựng văn hóa trở thành “bức tường thành” ngăn chặn các hành vi băng hoại đạo đức xã hội, đạo đức con người, thưa bà?

TS Hoàng Thị Hoa: Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng, Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội được giao thẩm tra một số luật quan trọng, như: Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Du lịch, Luật Thể dục-Thể thao, Luật Thư viện… Nếu tìm hiểu các luật sẽ thấy quyền lợi, nghĩa vụ tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được bảo đảm và mở rộng.

Với công tác giám sát, các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe nguyện vọng nhân dân; qua đó kịp thời phát hiện, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến xây dựng MTVH. Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ đã kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu luật hóa một số quy định về nếp sống văn minh, trật tự, vệ sinh môi trường; xây dựng quy định, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa. Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; bảo đảm các nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án phát triển văn hóa, thể thao.

Những luật trên sẽ giúp xây dựng MTVH lành mạnh ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, cần có sự chung tay thực thi nghiêm túc của các bộ, ngành và địa phương, sự đồng lòng tham gia của đông đảo người dân thì nhiệm vụ xây dựng MTVH nói chung, việc phòng, chống đạo đức xã hội xuống cấp nói riêng mới đạt được kết quả khả quan trong thời gian tới.

Hội nhập sâu rộng với thế giới bên ngoài được ví như mở cánh cửa để đón “luồng gió” mới vào nước ta. Trong luồng gió đó, ngoài những “ngọn gió” mát lành, trong trẻo, thơm tho, còn có những “bụi bặm”, thậm chí “vi rút độc hại” có thể xâm nhập sâu vào nước ta khiến văn hóa dân tộc có nguy cơ bị lai căng, mất gốc và ảnh hưởng xấu đến lối sống con người và đạo đức xã hội. Trong bài phỏng vấn tiếp theo, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sẽ có nhiều kiến giải sâu sắc về vấn đề này. 

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Bài 2: Ngăn chặn những “di chứng” độc hại từ mặt trái toàn cầu hóa về văn hóa

Thời đại toàn cầu hóa hiện nay, một trong những nguy cơ đối với nước ta là lối sống văn hóa lai căng đã và đang xâm nhập, len lỏi vào đời sống xã hội khiến một bộ phận người dân bị tiêm nhiễm những “di chứng” độc hại từ bên ngoài.

Do đó, chủ động nhận diện, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa về văn hóa là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần phòng, chống sự tha hóa con người và những lệch chuẩn văn hóa. Với mong muốn làm sáng tỏ vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).


PGS, TS Bùi Hoài Sơn

“Xâm lăng văn hóa” có nguy cơ đe dọa đạo đức, lối sống con người

Phóng viên (PV): Trong vòng xoáy của cơn lốc toàn cầu hóa, nước ta không thể đứng ngoài quá trình tiếp biến văn hóa, nhưng dường như mặt xấu, mặt tiêu cực của quá trình này đang tác động mạnh đến người dân, đặc biệt là giới trẻ, từ đó ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội. Nhìn nhận của ông về vấn đề này?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Trước hết, phải khẳng định rằng, toàn cầu hóa là một quá trình tất yếu, không thể tránh khỏi đối với mọi quốc gia trên thế giới. Toàn cầu hóa, bên cạnh mang đến những yếu tố tích cực, cũng kéo theo hệ lụy không mong muốn, trong đó có nguy cơ văn hóa truyền thống Việt Nam bị phai nhạt, "hòa tan”. Năm 1998, khi Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, internet và mạng xã hội chưa phổ biến, nước ta chưa chịu những tác động mạnh của toàn cầu hóa. Nhưng vài năm sau đó, khi nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, nguy cơ về đánh mất bản sắc dân tộc và sự tha hóa đạo đức, lối sống con người là không thể xem thường. Vì vậy, khi ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa”.

Gần đây, quá trình toàn cầu hóa càng trở nên mạnh mẽ hơn cùng với sự phát triển của phương tiện truyền thông mới, khiến thế giới trở thành một “ngôi làng toàn cầu” và thúc đẩy quá trình tiếp biến, biến đổi văn hóa nhanh hơn. Phương thức giải trí mới tràn đến dồn dập, lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Người dân phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn về lối sống, ứng xử, trong khi không phải ai cũng có tâm thế tốt và bản lĩnh để lựa chọn. Khi mà giá trị mới chưa hình thành và giá trị cũ có phần lung lay dẫn đến khủng hoảng giá trị, từ đó tạo ra những lệch chuẩn văn hóa xã hội.

PV: Những trường hợp gần đây, như Khá “bảnh”, Phúc “XO”… có những hành vi lệch chuẩn văn hóa phải chăng do ảnh hưởng từ lối sống lai căng từ nước ngoài? Ông lý giải vì sao không ít người dân, nhất là giới trẻ lại tung hô những nhân vật có hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật mà lẽ ra phải bị lên án?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Quá trình toàn cầu hóa là một trong những nguyên nhân để những hành vi phản văn hóa nêu trên tồn tại và phổ biến. Toàn cầu hóa khiến những lối sống xa lạ dễ dàng lan truyền, nhiều khi trở nên “hấp dẫn” một bộ phận giới trẻ. Ở thời đại hiện nay, những clip xấu trở nên dễ xuất hiện, dễ được tiếp cận và dễ chia sẻ hơn trên các phương tiện truyền thông mới, từ đó bắt đầu lan tỏa, tạo ra những hiệu ứng xấu trong xã hội.

Ở đây, phải thẳng thắn nói rằng, để các hiện tượng tiêu cực trên phổ biến đến mọi người, nhất là giới trẻ, có phần lỗi từ truyền thông. Truyền thông thiếu trách nhiệm, chỉ thích đưa câu chuyện kỳ quặc để thu hút dư luận, bất kể đúng hay sai, tốt hay xấu. Theo tôi, các phương tiện truyền thông mới khác với các phương tiện truyền thông truyền thống, đó là tính nhanh đến, nhanh đi. Trước một hiện tượng tiêu cực, đôi khi chúng ta cần lên án vừa đủ và cần biết im lặng đúng lúc, để tự nó dần chìm vào quên lãng. Lâu nay, chúng ta nghĩ phê phán hiện tượng tiêu cực để tăng cường nhận thức, nhưng công chúng đôi khi lại không nhận thức được đâu là tốt/xấu, mà chỉ chú ý đến những yếu tố kỳ quặc của một hiện tượng. Ở thời kỳ hiện nay, chúng ta ít được chứng kiến nhiều tấm gương làm hình mẫu cho người dân noi theo, thiếu những cá nhân truyền cảm hứng của thời đại. Hệ lụy là người dân lúng túng trong việc tìm “thần tượng” và vì thế họ dễ bị cuốn vào những hiện tượng nhất thời, trong đó có những hiện tượng phản văn hóa.



Một hoạt động văn hóa giải trí của giới trẻ ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THIỆN VĂN
PV: Ông có thể nói cụ thể hơn những mặt trái của quá trình toàn cầu hóa kéo theo sự “xâm lăng văn hóa” đã tác động như thế nào đối với văn hóa dân tộc nói chung, đời sống văn hóa của giới trẻ nói riêng?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Năm 2005, UNESCO thông qua Công ước về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Tinh thần Công ước 2005 cho thấy UNESCO đã ý thức được về ảnh hưởng của sự “xâm lăng văn hóa” đi kèm với quá trình toàn cầu hóa.

Thực tế trên thế giới cho thấy, giới trẻ là đối tượng dễ chịu ảnh hưởng nhất của quá trình toàn cầu hóa do đặc tính ham học hỏi, nhạy cảm với cái mới, trong khi chưa thực sự thấm nhuần những giá trị cũ, tức là phông văn hóa đang chưa định hình rõ ràng. Nếu chúng ta không tỉnh táo thì “xâm lăng văn hóa” khiến giới trẻ lãng quên bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Một khi người trẻ ăn mặc, xem phim, nghe nhạc, sử dụng ngôn ngữ nước nào… thì dẫn đến khả năng tư duy, ứng xử, lối sống tương tự như người nước đó. Đây là điều nguy hại cho văn hóa đất nước về mặt lâu dài.

Ngăn ngừa, đẩy lùi văn hóa lai căng là trách nhiệm của cả cộng đồng

PV: Trong thời đại bùng nổ thông tin, thách thức về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trở nên khó khăn hơn nhiều so với các thời kỳ trước đây. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhận thức, hành xử như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Thời đại hiện nay, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, việc giữ gìn bản sắc dân tộc gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhiều giải pháp cũ không còn phù hợp với bối cảnh xã hội mới; một số giải pháp mới chưa theo kịp sự thay đổi của bối cảnh xã hội.

Về nhận thức, chúng ta cần xác định rằng văn hóa luôn thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Việc xác định và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vì thế, cũng cần thay đổi. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng trên thực tế, về mặt khoa học, bản sắc văn hóa dân tộc cũng là một sự lựa chọn, và sự thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc cũng khác nhau ở những bối cảnh khác nhau. Ví dụ, yêu nước là một giá trị được tất cả chúng ta thừa nhận là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, nhưng thể hiện lòng yêu nước ở mỗi thời kỳ sẽ khác nhau, ở mỗi nhóm người cũng khác nhau. Có những giá trị ở những giai đoạn nhất định của lịch sử được đề cao hơn so với những giá trị khác, ví như trước kia là “tình làng nghĩa xóm”, còn giờ đây là “thượng tôn pháp luật”.

PV: Có đại biểu Quốc hội từng phát biểu đại ý, ước gì kinh tế nước ta phát triển như hiện nay, nhưng đạo đức trở lại trong trẻo như ngày xưa. Theo ông, chúng ta cần làm gì để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa về văn hóa, từ đó góp phần giữ gìn những nét đẹp văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Mọi mong ước chỉ có tính chất tham khảo, nhiều khi không có khả năng thực hiện trên thực tế. Văn hóa của ngày hôm nay khác ngày hôm qua, điều đó không có nghĩa là nó kém hơn, mà cũng chưa chắc đã tốt hơn. Nhưng sự khác biệt là chắc chắn. Toàn cầu hóa mang lại cách tiếp cận mới với cá nhân và cộng đồng. Trong xã hội truyền thống, ở nước ta giá trị cộng đồng được coi trọng hơn giá trị cá nhân. Hiện nay, toàn cầu hóa là thời đại cá nhân được tôn vinh và điều này mâu thuẫn với văn hóa truyền thống tôn vinh cộng đồng của nước ta trước đây. Văn hóa thiên về cá nhân hay cộng đồng đều có cái hay và cái dở riêng. Tôn vinh cộng đồng tạo ra xã hội đồng thuận, tình làng nghĩa xóm được thể hiện rõ ràng nhưng thủ tiêu động lực sáng tạo của cá nhân; ngược lại tôn vinh cá nhân quá mức khiến cá nhân trở nên ích kỷ. Chuyện mới đây một nữ người mẫu Việt Nam ăn mặc phản cảm ở Liên hoan phim Cannes (Pháp) là một ví dụ. Ăn mặc là quyền cá nhân nhưng người đó cần phải nghĩ đến trách nhiệm và tôn trọng đạo đức cộng đồng.

Để góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 33-NQ/TW đã chỉ ra: Phải đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, tiêu cực làm tha hóa con người và sớm có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Điều này sẽ được GS, TSKH Trần Ngọc Thêm, một chuyên gia nổi tiếng về văn hóa trao đổi thẳng thắn trong bài tiếp theo. 

PV: Nhiệm vụ phòng, chống sự tha hóa con người, đạo đức xã hội xuống cấp không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa mà gia đình, nhà trường, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp… cũng không thể đứng ngoài cuộc, đúng không thưa ông?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Đảng ta khẳng định phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, đó cũng là trở lại vấn đề muôn thuở của mọi dân tộc, mọi thời đại: Chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa lành mạnh là chăm lo xây dựng, phát triển nhân cách con người có đủ đức, trí, thể, mỹ. Vì thế, muốn góp phần phòng, chống sự tha hóa con người, đạo đức xã hội xuống cấp thì đòi hỏi mỗi gia đình phải trở thành “cái nôi văn hóa” nuôi dưỡng, hình thành đạo đức, lối sống tốt đẹp cho con người; nhà trường phải trở thành “điểm tựa văn hóa” xây dựng, phát triển nhân cách tốt đẹp cho học sinh, sinh viên; xã hội phải có môi trường văn hóa lành mạnh để nhân dân được hưởng thụ đời sống văn hóa bổ ích. Đối với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải trở thành những tấm gương văn hóa để góp phần giáo dục, lan tỏa giá trị đạo đức tốt đẹp cho người dân.

 PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài 3: Tích cực, kiên trì “chữa lành” những tật xấu của người Việt

Trong sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng nhân cách con người Việt Nam là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng nhất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người Việt Nam truyền thống có rất nhiều đức tính tốt đẹp, nhưng do tâm lý văn hóa tiểu nông hàng nghìn đời ăn sâu vào máu và bị ảnh hưởng những mặt trái của cơ chế thị trường nên người Việt hiện nay cũng đang bộc lộ không ít hạn chế cần phải khắc phục.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với GS, TSKH Trần Ngọc Thêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

Nghiêm túc nhận rõ những mặt hạn chế của người Việt


GS, TSKH Trần Ngọc Thêm.

Phóng viên (PV): Được biết ông là một chuyên gia đã dày công nghiên cứu về hệ giá trị văn hóa-con người Việt Nam. Theo ông, những nét chung nhất về hệ giá trị con người Việt Nam truyền thống tập trung nổi bật ở những phẩm chất tích cực nào?

GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu của những người đi trước và khảo sát thực tế Việt Nam, chúng tôi đã chắt lọc và hệ thống hóa được 23 phẩm chất cốt lõi và nhóm lại theo 5 đặc trưng bản sắc của người Việt là: Tính cộng đồng làng xã; tính trọng âm (thiên về âm tính); tính ưa hài hòa; tính ưa kết hợp; tính linh hoạt. Ví như, tính cộng đồng làng xã biểu hiện ở những phẩm chất tốt, như: Tình đoàn kết, giúp đỡ nhau; tính tập thể, thương người; tính dân chủ làng xã; tính trọng thể diện; tình yêu quê hương, làng xóm; lòng biết ơn. Tính trọng âm thể hiện ở các phẩm chất, như: Ưa ổn định; hòa hiếu, bao dung; trọng nghĩa tình; lòng hiếu khách… Tính ưa hài hòa có các biểu hiện, như: Tính mực thước; tính ung dung; tính vui vẻ, lạc quan… Tính ưa kết hợp thể hiện ở khả năng bao quát tốt, thích nghi tốt. Tính linh hoạt thể hiện ở khả năng thích nghi cao; tính sáng tạo. Tổng hợp các đặc trưng trên, người Việt có những phẩm chất nổi bật là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; lòng nhân ái, thương người; tính tinh tế.   



Tranh cướp, giành giật manh chiếu rách để hy vọng lấy “lộc” tại Hội Gióng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) - thói xấu của một bộ phận người dân khi tham gia lễ hội truyền thống. Ảnh: HÀ HOÀNG.

PV: Nói về dân tộc mình, người ta thường ngại nói về những điểm yếu. Nhưng dưới góc nhìn của một nhà khoa học, ông có thể thẳng thắn nêu ra trong nhân cách người Việt hiện nay còn tồn tại những thói hư tật xấu nào?

GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: Trước hết cần nói rằng, không chỉ nhân cách người Việt, mà nhân cách con người ở các cộng đồng, dân tộc khác trên thế giới cũng có những mặt mạnh-yếu, ưu điểm-nhược điểm không giống nhau. Qua nhiều năm nghiên cứu cùng các cộng sự, ngoài những phẩm chất tốt nêu trên, chúng tôi đã tổng hợp được 30 tật xấu của người Việt, trong đó có: Bệnh thành tích; thói dựa dẫm; bệnh nói xấu sau lưng; bệnh hình thức, bệnh sĩ diện, háo danh; bệnh bè phái, thiếu hợp tác; tật ham vui; bệnh vô cảm, chặt chém; thói tò mò; bệnh đối phó; bệnh hám lợi; bệnh lề mề, chậm chạp; bệnh sùng ngoại; bệnh tự ti; bệnh sống bằng quan hệ; bệnh thiếu ý thức pháp luật; thói tùy tiện, cẩu thả; thói kiêu ngạo; thói khôn vặt, láu cá; bệnh giả dối, nói không đi đôi với làm; tật ăn cắp vặt…

PV: Thế nghĩa là không hẳn người Việt ta chỉ có điểm tốt, điều hay như một số người ảo tưởng. Vậy, những thói hư tật xấu đó trong nhân cách người Việt xuất phát từ đâu, thưa ông?

GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: Chúng ta đều biết trên đời này không có gì là toàn bích. Ở tính cách con người của mọi dân tộc, bên cạnh những phẩm chất tốt còn có những điểm chưa tốt là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ở Việt Nam hiện nay các thói hư tật xấu đang có xu hướng lây lan. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự biến động của giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống khi bối cảnh tồn tại của nó bị thay đổi. Trong lịch sử, sự biến động giá trị văn hóa thể hiện rõ nhất là từ khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Bên cạnh các giá trị văn hóa văn minh mà ta tiếp nhận được, cứ sau mỗi lần biến động, lại nảy sinh ra các tật xấu. Các tật xấu này bắt đầu được các nhà trí thức nói đến từ những năm đầu thế kỷ 20, rồi xuất hiện đa dạng hơn sau khi nước ta chuyển sang chế độ chính quyền công nông từ ngày 2-9-1945. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra nhiều tật xấu của các cán bộ địa phương.

Từ khi đất nước đổi mới đến nay, khi mà sự xung đột giữa tính nông nghiệp-nông thôn-nông dân trong truyền thống và tính công nghiệp-đô thị-công dân mà Việt Nam đang hướng tới trở nên nghiêm trọng, thì hệ giá trị truyền thống càng biến động mạnh mẽ và các tật xấu càng trở nên đa dạng và có phần nghiêm trọng hơn. Vấn đề này không chỉ là sự quan ngại của các nhà khoa học, nhà văn hóa, mà đã trở thành nỗi lo thường trực của Đảng, Nhà nước thể hiện trong nhiều văn kiện và các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo.

Dám nhìn thẳng vào cái “xấu xí” của dân tộc mình để khắc phục là một dân tộc đã trưởng thành

PV: Nghiêm túc chỉ ra những mặt hạn chế của người Việt không phải là để chê bai nhân cách Việt, mà quan trọng hơn là chúng ta phải tự nhìn nhận ra những “gót chân a-sin” trong chính bản thân mình để tìm cách khắc phục, đúng không thưa ông?

GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: Tôi nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Muốn xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 33-NQ/TW đã chỉ ra rằng: Phải đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, tiêu cực làm tha hóa con người và sớm có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Vì thế, cả cộng đồng dân tộc nói chung, mỗi con người nói riêng, nếu biết được những thói hư tật xấu còn tồn tại trong mình để kiên trì, kiên quyết tìm cách khắc phục, là một dấu hiệu tích cực để dân tộc ta, mỗi chúng ta ngày càng tiến bộ, văn minh, hoàn thiện. Một dân tộc dám nhìn thẳng vào cái “xấu xí” của dân tộc mình để khắc phục chính là một dân tộc đã trưởng thành.

PV: Theo ông, chúng ta cần chú trọng làm gì để phát huy những mặt tốt, những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, nhược điểm trong nhân cách con người Việt Nam?

GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: “Gạn đục, khơi trong”, nhân lên những điều tích cực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong nhân cách người Việt, cũng như chủ động phòng ngừa, chữa trị những thói xấu trong mỗi con người là việc làm bức thiết hiện nay để xây dựng một hệ giá trị mới phù hợp hơn, giúp cho quốc gia và dân tộc có đủ khả năng miễn dịch, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Sau khi nghiên cứu, phân tích vai trò của hệ thống chính trị và bối cảnh, mục tiêu của hệ giá trị tương lai, đối chiếu với 5 mục tiêu của quốc gia, 4 đặc trưng của văn hóa và 7 đặc tính cơ bản của con người Việt Nam mà Nghị quyết số 33-NQ/TW đã nêu ra, chúng tôi đã xây dựng một mô hình hệ giá trị định hướng cốt lõi toàn diện gồm 35 giá trị.

Theo chúng tôi, trong số 35 giá trị của hệ giá trị định hướng cốt lõi toàn diện có thể chắt lọc ra 10 giá trị cấp bách nhất trong giai đoạn hiện nay để đưa vào hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm. Trong đó có hai giá trị phổ biến thuộc về phạm vi toàn xã hội là “dân chủ và pháp quyền”. Dân chủ là chế độ chính trị trong đó quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, do nhân dân thực thi hoặc thông qua các đại biểu mà mình bầu ra. Dân chủ gắn liền với tự do và công bằng. Pháp quyền chỉ sự thượng tôn pháp luật, trong đó mọi người, mọi hoạt động đều phải tuân theo pháp luật và lấy pháp luật làm nền tảng; không ai có quyền đứng ngoài pháp luật hay đứng trên pháp luật. Để hình thành hệ giá trị Việt Nam mới, dân chủ và pháp quyền là hai giá trị phải đi liền với nhau. Ngoài hai giá trị xã hội là dân chủ và pháp quyền, chúng ta cần xây dựng 8 giá trị thuộc về con người cá nhân: Yêu nước và nhân ái, trung thực và bản lĩnh, trách nhiệm và hợp tác, tính khoa học và sáng tạo.

Muốn xây dựng thành công về văn hóa, trước hết phải quan tâm xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước. Liệu chúng ta đã có nền tảng văn hóa vững chắc trong Đảng chưa? Vấn đề mấu chốt để xây dựng văn hóa trong Đảng là gì? Trong bài tiếp theo, TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, sẽ có những giải đáp thấu đáo về vấn đề này.

PV: Nhìn từ những hiện tượng tiêu cực trong xã hội hiện nay, như: Tham nhũng, chạy chức, chạy quyền; thái độ cửa quyền, phiền hà đối với người dân của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền; hay một bộ phận giới trẻ có lối sống lệch lạc, phản cảm… nhưng khó có thể xóa bỏ ngay trong tương lai gần. Vậy theo ông, xã hội ta cần bao nhiêu thời gian để những hiện tượng tiêu cực này sẽ lắng, giảm?

GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: Đây là câu hỏi không dễ trả lời vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là quyết tâm, trách nhiệm của bộ máy quản lý và cả hệ thống chính trị. Nếu nhận thức đúng và quyết liệt áp dụng các nhóm giải pháp để xây dựng hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm với 10 giá trị cơ bản, thì ta có thể chặn đứng được sự xuống dốc về giá trị văn hóa trong khoảng 5-10 năm và đi lên trong khoảng 10 năm tiếp theo. Với hoàn cảnh có một số mặt tương đồng về văn hóa như chúng ta, có thể thấy Hàn Quốc, Singapore là những nước khá thành công. Nhưng với nước ta, đây là điều không đơn giản. Chỉ lấy riêng một giá trị “pháp quyền”, ta cũng khó làm được như Singapore là duy trì những hình phạt rất nặng đối với những tội phạm gây phương hại đến trật tự công cộng. Tôi ví dụ chuyện thời sự gần đây, trong khi ở ta hành vi sàm sỡ phụ nữ trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng thì ở Singapore, tội này có thể bị phạt tù. Điều đó cho thấy, chúng ta càng phải đề cao giá trị pháp quyền như tôi đã nói ở trên.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(còn nữa)

Bài 4: Đảng phải trở thành “tấm gương văn hóa” để lan tỏa những giá trị tích cực cho xã hội

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng đã đề ra là: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Vậy đến nay chúng ta đã có nền tảng văn hóa vững chắc trong Đảng chưa? Còn có những "lỗ hổng" gì đáng lo ngại? Và phải làm gì để xây dựng “tấm gương văn hóa” của Đảng đủ sức soi rọi niềm tin tốt đẹp và lan tỏa những giá trị tích cực cho xã hội? Đây là những vấn đề chúng tôi đặt ra trong cuộc trò chuyện với TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Không đủ bản lĩnh, độ chín về văn hóa, cán bộ, đảng viên sẽ suy thoái về đạo đức, lối sống


TS Vũ Ngọc Hoàng.

Phóng viên (PV): Tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:“Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Từ góc nhìn của một chuyên gia, một cán bộ lãnh đạo từng trải qua nhiều cương vị, xin ông cho biết cảm nhận, suy nghĩ của mình về lời nói đó của Bác Hồ?

TS Vũ Ngọc Hoàng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” là cách diễn đạt rất ngắn gọn nhưng chỉ rõ bản chất văn hóa của Đảng. Nhắc lại câu ấy vào thời điểm này và có lẽ kể cả mãi về sau là rất cần thiết. Đạo đức và văn minh là những phạm trù thuộc về văn hóa. Chỉ có bản chất văn hóa tốt đẹp mới biểu hiện tính chân chính của một đảng cách mạng. Đạo đức là giá trị cốt lõi của văn hóa. Nếu đánh mất đạo đức và văn minh thì Đảng mất giá trị văn hóa, thay đổi bản chất, không còn là Đảng của Hồ Chí Minh nữa. Tất nhiên Đảng còn có những tính chất khác, nhưng cũng đều phải trên nền tảng của đạo đức và văn minh. Đảng phải trong sạch, chân chính, trí tuệ, tiên tiến và hết lòng vì nhân dân, thì Đảng mới đủ sức lãnh đạo, giáo dục, thuyết phục được nhân dân.

PV: Những năm gần đây, xã hội ghi nhận những kết quả bước đầu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc chấn chỉnh những lệch chuẩn văn hóa, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Theo ông, liệu chúng ta đã xây dựng được nền tảng vững chắc về văn hóa trong Đảng chưa?

TS Vũ Ngọc Hoàng: Chúng ta đã định hình, xây dựng được một số yếu tố văn hóa trong Đảng. Thời gian qua, Đảng ta, nhất là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương về xây dựng văn hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, nhưng nhìn chung, chúng ta chưa xây dựng được nền tảng vững chắc về văn hóa trong Đảng. Thực tế cho thấy, phẩm chất đạo đức và trí tuệ, năng lực của không ít cán bộ, đảng viên vẫn còn nhiều mặt yếu kém, sự suy thoái về đạo đức, lối sống qua mấy chục năm gần đây đã gia tăng, từ “một số” cán bộ, đảng viên thoái hóa đã tăng lên thành “một bộ phận”, rồi “bộ phận không nhỏ” và trong bộ phận không nhỏ ấy có cả cán bộ cao cấp. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đã có nhiều chuyển biến tích cực so với mấy nhiệm kỳ trước, bước đầu tạo được niềm tin cho nhân dân về công việc này. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn không ít khó khăn, phức tạp. Đây là một thách thức không nhỏ đối với việc kiến tạo văn hóa, đạo đức lành mạnh trong hệ thống chính trị.



Một tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng năm 2017. Ảnh: THIỆN VĂN

PV: Một lần đọc tài liệu, tôi được biết GS, TSKH Trần Ngọc Thêm đã thống kê trong 23 văn kiện cơ bản của Đảng ban hành từ năm 1991 đến 2013 thì thấy, trong khi từ “kinh tế” được sử dụng tới 1.171 lượt thì từ “văn hóa” xuất hiện có 463 lần! Điều đó cho thấy mặc dù về lý luận, chúng ta coi văn hóa là nền tảng, động lực, mục tiêu của sự phát triển, nhưng thực tế chúng ta chủ yếu vẫn chú trọng đến phát triển kinh tế nhiều hơn. Phải chăng, đó cũng là một trong những lý do khiến đạo đức, văn hóa xã hội nói chung, văn hóa trong Đảng nói riêng còn "lỗ hổng"? Vậy, “lỗ hổng” về văn hóa trong Đảng có biểu hiện gì đáng lo ngại, thưa ông?

TS Vũ Ngọc Hoàng: Tôi thì lại không lấy số lượng ít hay nhiều lần viết từ “kinh tế” và “văn hóa” trong các văn bản để làm căn cứ đánh giá sự quan tâm nhiều hay ít đối với các lĩnh vực này. Nhưng quả thực trong hơn 30 năm qua, công việc đổi mới chủ yếu là thực hiện trên lĩnh vực kinh tế. Đoạn đường đổi mới đi được khá nhất là trên lĩnh vực kinh tế, mặc dù lĩnh vực này đến nay vẫn phải tiếp tục tiến tới nhiều hơn nữa. Còn lĩnh vực văn hóa rõ ràng là chậm hơn, đi được ít hơn, kể cả văn hóa trong chính trị. Mà không coi trọng đúng mức vấn đề văn hóa thì đổi mới sẽ không bền vững vì các giá trị nền tảng chưa được hình thành đầy đủ. Mặt khác, bản thân kinh tế cũng là do con người làm ra. Khi con người chưa được chuẩn bị kỹ về nhân cách văn hóa thì kinh tế cũng bị kìm hãm và lại còn phát sinh tham nhũng, “lợi ích nhóm”, thị trường ngầm, buôn bán gian lận, phá hoại môi trường… 

“Lỗ hổng” văn hóa trong Đảng đáng lưu ý hiện nay là chưa có cơ chế, thể chế đủ mạnh kiểm soát việc sử dụng quyền lực của cán bộ có chức quyền. Đã là con người thì dù lúc đầu có thể tốt, hoặc không phải xấu, nhưng họ vẫn luôn chịu sự tác động mạnh mẽ, thường xuyên, bền bỉ của một số bản năng mà trong đó có những mặt xấu có thể làm hư hỏng nhân cách. Bất kỳ người nào khi được giao quyền lực thì đều chịu sự tác động từ hai mặt: Mặt tốt là rộng đường hơn để có thể cống hiến được nhiều hơn nếu đủ nhân cách; mặt xấu là nguy cơ suy thoái về đạo đức, lối sống tăng lên nếu không đủ bản lĩnh và độ chín về văn hóa.

Thực thi kiểm soát quyền lực để góp phần kiến tạo nền tảng văn hóa, đạo đức trong Đảng

PV: Việc kiểm soát quyền lực tốt sẽ góp phần xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức lành mạnh trong Đảng. Điều này đã được Đảng ta đề cập và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhắc đến. Nhưng việc triển khai kiểm soát quyền lực đang ở mức độ nào, thưa ông?

TS Vũ Ngọc Hoàng: Người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta tỏ ra rất quyết liệt với việc phải sớm “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, nhưng theo tôi nhìn nhận, các bước triển khai để thực hiện cụ thể thì còn chưa tích cực lắm. Nói bao nhiêu về văn hóa, đạo đức mà không tổ chức tốt việc kiểm soát quyền lực thì đều có thể dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, bởi bản chất quyền lực luôn có mặt trái như phần trên đã nói. Mà lạm quyền, lộng quyền thì tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa bộ máy, đó là điều không thể tránh khỏi, dù cho đảng cầm quyền và nhà nước ấy ban đầu có tốt đến bao nhiêu đi nữa. Một người đứng đầu tốt là hết sức quan trọng, nêu gương về nhân cách chính là một cách làm cho văn hóa thấm sâu để thành nền tảng, tuy nhiên vẫn là chưa đủ nếu không có một thể chế tốt về kiểm soát quyền lực trong toàn bộ hệ thống.

Phải kiểm soát quyền lực bằng quyền lực, trước hết là quyền lực nhà nước, đồng thời là quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền và bằng các quy định khác về thực thi dân chủ, tăng quyền tham chính của dân, phát huy vai trò mạnh mẽ của truyền thông để phản ánh ý chí, nguyện vọng của dân. Người dân chỉ có thể tham gia kiểm soát quyền lực khi họ được thể chế trao quyền và bảo vệ họ. Đó cũng là một cách để nhân dân góp phần tham gia xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng.

PV: Ở cấp Trung ương đang thể hiện sự quyết liệt trong việc xây dựng văn hóa, củng cố đạo đức trong Đảng; nhưng cấp dưới, nhất là nhiều nơi ở cơ sở vẫn tỏ ra lừng khừng trong chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, hành vi ứng xử văn hóa, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhìn nhận của ông về vấn đề này?

TS Vũ Ngọc Hoàng: Đúng là có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Việc chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” cũng vậy, trên Trung ương thực hiện tích cực, rốt ráo hơn so với các ngành, các cấp bên dưới. Vì sao có tình hình này? Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã gương mẫu và kiên quyết thực hiện. Còn ở dưới thì chưa có nhiều người đứng đầu mạnh dạn, mẫu mực như thế, nên tiêu cực nói chung, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên nói riêng vẫn khiến người dân phiền lòng. Đấy là chưa kể có cán bộ đã nhúng tay vào tiêu cực thì càng khó nói, khó giáo dục, lãnh đạo cấp dưới.

PV: Đảng ta từng nhấn mạnh, để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng. Vậy, theo ông, chúng ta cần phải làm gì để xây dựng “tấm gương văn hóa” của Đảng đủ sức soi rọi niềm tin tốt đẹp cho xã hội, để văn hóa của Đảng đủ khả năng tác động, thẩm thấu vào nhân dân và qua đó, góp phần xây dựng, lan tỏa những giá trị văn hóa tích cực trong xã hội?

TS Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ cần làm tốt 4 việc sau đây thì công tác xây dựng văn hóa trong Đảng chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều. Thứ nhất, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành phải thể hiện sự gương mẫu thực chất, không hình thức, không hô khẩu hiệu nhiều, nói đi đôi với làm, nhất là nêu gương về đạo đức, lối sống. Thứ hai, khẩn trương nghiên cứu, ban hành, thực thi các cơ chế kiểm soát quyền lực để góp phần phòng, chống tha hóa quyền lực, tha hóa con người, tha hóa đạo đức. Thứ ba, từng bước đổi mới căn bản cách lựa chọn và sử dụng cán bộ, trong đó cần sớm nghiên cứu để mở rộng dân chủ trong ứng cử, đề cử cán bộ lãnh đạo, vì có cán bộ đức độ, tài năng thực sự sẽ góp phần kiến tạo niềm tin, thu phục lòng người để nhân lên những giá trị tích cực, tốt đẹp cho đất nước và chế độ. Thứ tư, lấy việc xây dựng nhân cách văn hóa cán bộ làm trọng tâm thường xuyên để làm cơ sở, động lực góp phần xây dựng nền tảng văn hóa lành mạnh trong Đảng và trong xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất