Chống tham nhũng, lãng phí: Đồng bộ, quyết liệt, liên tục

Các tác giả nhận Giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ II - năm 2017.

Quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, ngành cùng các tầng lớp nhân dân đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua. Nhiều vụ việc sai phạm, tham nhũng lớn đã và đang được đưa ra xét xử đã củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, tham nhũng luôn diễn biến phức tạp, và để đẩy lùi, tiến tới chặn đứng vấn nạn này, tiếp tục đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, liên tục của cả hệ thống chính trị.



Bài 1: Kết quả bước đầu quan trọng

“Không có vùng cấm”, kiên quyết, kiên trì từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí. Quyết tâm chính trị này đang được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cụ thể hóa bằng hệ thống giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, đem lại niềm tin trong nhân dân.

"Không có vùng cấm"

Cảnh báo, răn đe; ngăn chặn, đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện tiêu cực là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) ngày 21-8-2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đặc biệt, trong suốt nhiệm kỳ XI và ngay từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, những vụ việc, vụ án nổi cộm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, xem xét, xử lý đã khẳng định quan điểm “không có vùng cấm” trong quá trình đấu tranh với nạn tham nhũng của Đảng.

Thời gian qua, dư luận rất đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao việc Trung ương đã chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra các vụ việc sai phạm, tham nhũng. Đơn cử như, liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: Để xảy ra các vi phạm trong vụ việc này, trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Võ Kim Cự nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Đặc biệt, từ những bài báo về chiếc xe Lexus biển xanh liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) tưởng là nhỏ, nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vụ việc đã được đưa ra ánh sáng, hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý trách nhiệm liên quan. Ngày 16-2, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định về việc khởi tố 5 bị can, bắt tạm giam 4 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 1 bị can để điều tra mở rộng vụ án Trịnh Xuân Thanh. Trong một diễn biến mới nhất, chiều 15-3, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án “lừa đảo” xảy ra tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, đồng thời công bố Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh với những sai phạm xảy ra trong thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC.

Thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh với sai phạm, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng đối với ông Vũ Huy Hoàng nhiệm kỳ 2011-2016…

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, đây là minh chứng khẳng định quyết tâm chính trị của toàn Đảng: “Xử lý tới cùng”, “công tâm, trong sáng, khách quan, không chịu bất kỳ một sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”, củng cố niềm tin của nhân dân.

Quyết liệt, toàn diện

Một kết quả nổi bật nữa sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTN của nước ta đã ngày càng hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai công tác PCTN trên cả nước và trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đặc biệt, việc Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quyết định số 162-QĐ/TƯ ngày 1-2-2013 thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN đã mang lại hiệu quả. Bằng tinh thần quyết liệt đổi mới, sau hơn 3 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo đã góp phần tạo nên những bước chuyển của cả hệ thống chính trị trong PCTN.

Sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo PCTN của Trung ương Đảng tiếp tục được thể hiện trong Nghị quyết 04-NQ/TƯ về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhận định: “Nghị quyết sẽ giúp Đảng hiện thực hóa quyết tâm chính trị và đáp ứng sự mong đợi của nhân dân”.

Quyết tâm từ cấp Trung ương đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Tại Hà Nội, Thành ủy khóa XVI tiếp tục ban hành chương trình công tác toàn khóa về PCTN (Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26-4-2016). Chương trình 07-CTr/TU thể hiện nhận thức sâu sắc và biểu thị quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, lãng phí. 


Bài 2: Hành trình của trí tuệ và quyết tâm

Chỉ tính trong 3 năm qua, 40 vụ án và 7 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã cơ bản được xử lý, trong đó có hai vụ lập kỷ lục về số bị cáo, đương sự liên quan… Cũng có vụ án, để đưa những đối tượng tham nhũng ra ánh sáng công lý, lực lượng điều tra đã phải “bền gan, vững chí”; quá trình đánh án được ví là: Hành trình của trí tuệ và quyết tâm.

Không bỏ lọt tội phạm

Năm 2010, vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được phát hiện qua công tác kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Từ quá trình điều tra của cơ quan chức năng, dư luận vô cùng sửng sốt bởi mức độ sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Kéo dài hai năm (đến cuối tháng 8-2012), vụ án tưởng như khép lại sau phiên tòa phúc thẩm với bản án thích đáng cho bị cáo Phạm Thanh Bình (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinashin), được dư luận hết sức đồng tình. Thế nhưng, với những cán bộ, chiến sĩ công an làm công tác điều tra, vụ án mới được coi là kết thúc một phần, khi đối tượng có dấu hiệu phạm pháp đã bỏ trốn trong khi tài sản của Nhà nước chưa thu hồi được. Vì vậy, sau phiên tòa phúc thẩm trên kết thúc, một hồ sơ vụ án mới được xác lập, liên quan đến Giang Kim Đạt.

Khi đó, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu các cán bộ điều tra mở rộng điều tra, truy bắt Giang Kim Đạt: “Việc điều tra, mở rộng vụ án phải bảo đảm tính hiệu quả, triệt để. Còn một đối tượng bỏ trốn, còn những khoản tiền của Nhà nước trong vụ án bị thất thoát là chúng ta còn mắc nợ với Đảng, với nhân dân. Tôi tin, xuất phát từ động lực như vậy, với năng lực, cộng hưởng tinh thần trách nhiệm, các đồng chí sẽ hóa giải được phần còn lại của vụ án, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân”.

Niềm tin và quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã lan tỏa đến Ban chuyên án. Ròng rã gần 5 năm, vừa thu thập chứng cứ vừa truy tìm đối tượng, cuối cùng Giang Kim Đạt đã sa lưới vào tháng 7-2015 và đã được đưa ra xét xử, nhận mức án nghiêm khắc… Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xét xử các vụ án tham nhũng, ở một đơn vị có 2 án tử hình... Điều đặc biệt trong vụ án này còn bởi, Giang Kim Đạt “cao chạy xa bay” ra nước ngoài, nhưng không thoát được “lưới trời lồng lộng”.

Còn trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) xét xử sơ thẩm ngày 27-2-2017, quá trình điều tra là hành trình bóc tách những mối quan hệ phức tạp, chồng chéo giữa các bị cáo của vụ án này với những vụ “đại án” khác. Sau hai năm (từ cuối năm 2014), “bức tranh” về những hành vi sai phạm của 48 bị cáo dần dần hiện rõ. Từ đây, lộ ra những kẽ hở trong quản lý cũng như những mánh khóe đục khoét hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước. Sau 10 ngày diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số vấn đề mới được phát hiện trong quá trình thẩm vấn nhằm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan, quyết không bỏ lọt tội phạm.

Bền bỉ, trí tuệ

Thông qua công tác điều tra, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế ngày càng diễn biến phức tạp, hành vi của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, nhất là tội phạm tài chính, ngân hàng, thuế, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai... Trên địa bàn Hà Nội, theo Công an thành phố, hiện còn nhiều kẽ hở trong quản lý có thể bị tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng và chức vụ lợi dụng, nhất là các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự, trong thực hiện chính sách của Nhà nước, thực hiện các TTHC… Vì vậy, việc điều tra, khám phá và đưa ra xét xử những “sâu mọt” càng phải được tổ chức, thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, đi đôi với nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ điều tra.

Cùng với ngành Công an, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tập trung nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố. Để đạt mục tiêu, 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, chức vụ khi có đủ căn cứ đều được khởi tố, điều tra đúng pháp luật, quyết không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội ngay từ giai đoạn đầu, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ xác định phải luôn nỗ lực, bền bỉ, trí tuệ và quyết tâm. 

Bài cuối: Cần tạo đột phá mới trong phòng chống tham nhũng

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng của Chính phủ chỉ rõ, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, ngành, lĩnh vực. Tại nhiều cuộc tiếp xúc, cử tri bày tỏ lo ngại, việc chưa có cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn một cách hiệu quả không khác gì “ra trận mà không có súng”. Cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó thể chế phải là khâu đột phá, mới nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng.

Lấp những “kẽ hở”

“Nếu là bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy hoặc chủ tịch tỉnh, tôi không dại gì để tài sản đứng tên mình” - TS Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu tại một hội thảo về thể chế chống tham nhũng. Theo TS Nguyễn Đình Quyền, cơ chế, pháp luật hiện nay không thể kiểm soát được “đường đi” của các khối tài sản “khủng”, được che giấu tinh vi. Việc thiếu chế tài giám sát các khoản thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn dẫn đến nhiều vấn đề nảy sinh. Nhiều địa phương không phát hiện ra trường hợp nào sai phạm về tặng quà và quà tặng, không phát hiện trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực và có nhiều địa phương không xử lý trường hợp nào về tham nhũng nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Đáng quan tâm hơn, kết quả thu hồi tài sản của Nhà nước sau khi xét xử các vụ án chưa nhiều. Điển hình như vụ Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính II, cùng 10 đồng phạm gây thiệt hại hơn 531 tỷ đồng, mới chỉ thu hồi được 5,8 tỷ đồng. Đối với vụ án tham ô, cố ý làm trái tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines mới chỉ thu hồi được 1/5 số tiền phải thi hành.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, để phát hiện và phòng ngừa tham nhũng, trước hết phải phòng ngừa tham nhũng chính sách. Ngay trong các đạo luật, các biện pháp, giải pháp phải hạn chế thấp nhất kẽ hở và khả năng tạo ra cơ chế “xin - cho”. “Muốn kiểm soát được tài sản, phải đưa vào thiết chế tất cả những giao dịch của mọi chủ thể trong xã hội có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên nếu không qua ngân hàng thì được coi là bất hợp pháp…” - ông Nguyễn Đình Quyền đề xuất.

Từ vụ việc của Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin, cử tri đặt câu hỏi, tại sao một cán bộ chức vụ không cao, chỉ trong một thời gian ngắn (tháng 5-2006 đến 6-2008) lại dễ dàng tham nhũng một số lượng tài sản "khổng lồ" đến thế? Có lợi ích “nhóm” dẫn đến buông lỏng quản lý hay không? Thủ đoạn Giang Kim Đạt sử dụng để đối phó với cơ quan chức năng là chuyển hóa khối tài sản khổng lồ cho người thân, nhưng các cơ quan chức năng lại không dễ “điểm mặt, chỉ tên, thu hồi”. Do đó, cử tri đề nghị cần mở rộng đối tượng kê khai và công khai tài sản của người thuộc diện kê khai trước cơ quan, đơn vị, nhất là ở khu dân cư thay vì chỉ công khai trong nội bộ cơ quan, không gắn với trách nhiệm giải trình như hiện nay.

Để huy động được tai mắt của nhân dân, luật sư Cao Minh Vượng, Đoàn luật sư Hà Nội đề nghị, Thanh tra Chính phủ xây dựng cơ chế bảo vệ người tố cáo cụ thể, chặt chẽ. Còn như hiện nay, đầu mối tiếp nhận thông tin lỏng lẻo, không có quy trình nào bắt buộc phải trả lời các kiến nghị, phản ánh công khai, minh bạch nên người dân có cảm giác đơn độc trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Cả hệ thống chính trị cùng hành động

Việc chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) là rất cần thiết để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật PCTN (sửa đổi). Chính phủ khẳng định, Luật sửa đổi sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch theo hướng làm rõ loại thông tin phải chủ động công bố, công khai; phương thức, phạm vi, thời gian công bố, công khai; mở rộng nội dung thông tin cung cấp theo yêu cầu, theo hướng tăng cường tính tự giác và chế tài nghiêm khắc. Luật sẽ hoàn thiện và quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn nhằm đề cao ý thức trách nhiệm, tăng cường khả năng tự quản lý, tự phát hiện, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong đấu tranh với loại tội phạm này.

Cùng với sửa đổi luật, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao trong công tác PCTN, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay: Kiên quyết không khoan nhượng, không chùn bước và tấn công quyết liệt vào tội phạm tham nhũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã và đang chỉ đạo cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm những giải pháp PCTN, nhất là xây dựng thể chế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải phát huy vai trò của cơ quan điều tra, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; trước mắt tập trung xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm…

Cùng với những giải pháp và tinh thần vào cuộc quyết liệt của Trung ương, các địa phương đang huy động cả hệ thống chính trị, cơ quan báo chí, đặc biệt là nhân dân tham gia PCTN. Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Huy cho biết, ngay trong năm nay, Ban Nội chính Thành ủy sẽ tham mưu xây dựng và ban hành quy chế quy định người đứng đầu cấp ủy các cấp thực hiện việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin; đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là các vụ việc nổi cộm, bức xúc tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Cũng trong năm 2017, phấn đấu hoàn thành cơ chế, hướng dẫn bảo vệ người phản ánh, tố giác, đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. 

Chỉ khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, thể chế có những đột phá, công tác PCTN mới mang lại kết quả như mong muốn, góp phần làm triệt tiêu nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của đất nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất