1. Nghị quyết số 18 là sự cụ thể hóa nhằm thực hiện một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Ðại hội XII của Ðảng đã đề ra cho cả nhiệm kỳ: "Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Nghị quyết khẳng định những kết quả quan trọng trong những năm qua về đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị đã góp phần to lớn vào những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Ðổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với những kết quả quan trọng đó, hệ thống chính trị của nước ta cũng còn bộc lộ một số hạn chế. Xuất phát từ tình hình thực tế và những yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề đặt ra trong điều kiện mới, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong thời gian tới phải "bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Ðiều lệ", thực hiện đồng bộ với đổi mới kinh tế và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, chính những đổi mới về kinh tế gắn với những tác động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, nói đến đổi mới chính trị là nói đến một tổng thể những công việc hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan và ảnh hưởng đến rất nhiều khâu, nhiều công việc của đời sống chính trị xã hội, mà Nghị quyết số 18 chỉ đề cập "một số vấn đề" liên quan trực tiếp đến công việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm tinh giản và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Nhưng cần phải khẳng định rằng, ngay cả chỉ với "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị...", thì đây vẫn là một công việc không đơn giản, dễ dàng. Chính vì thế, Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo từ hai mặt. Thứ nhất, cần phải rất thận trọng, giữ vững nguyên tắc tổ chức, kỷ cương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, giải quyết công việc có lý, có tình, có lộ trình, bước đi chắc chắn. Thứ hai, "có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt", cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tập trung, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Cùng với đó, cần làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao từ nội bộ, không để các thế lực xấu chống phá, chia rẽ.
2. Mục tiêu chung của việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo yêu cầu của Nghị quyết số 18 là làm cho hệ thống chính trị của chúng ta phù hợp, hoạt động có hiệu quả với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó, tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng, năng lực quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từ mục tiêu chung, Nghị quyết xác định lộ trình thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, từ nay đến năm 2021, do thời gian không còn nhiều, cho nên nhiệm vụ chủ yếu là tập trung giải quyết những vấn đề nội bộ của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện một số công việc vốn đã rõ ràng, thuận lợi như: Giảm đầu mối bất hợp lý, giảm số lượng cấp phó, cấp trung gian; khắc phục sự chồng chéo về chức năng; thí điểm một số mô hình tổ chức bộ máy. Một nhiệm vụ bắt buộc là giảm 10% biên chế so với năm 2015. Giai đoạn thứ hai, từ 2021 đến 2030, mục tiêu đặt ra là những công việc căn cơ, phức tạp hơn, đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị cẩn thận. Ðó là việc hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị với sự phân định rõ ràng, khoa học, hợp lý về chức năng, nhiệm vụ từng cấp, từng tổ chức, bộ phận, có tính tới các yếu tố đặc thù khu vực, địa bàn; thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố theo quy chuẩn.
3. Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ tổng thể, Nghị quyết số 18 đã chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp chung cho cả hệ thống chính trị. Giải pháp có tính nguyên tắc là "thực hiện Ðảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị". Nhiệm vụ, giải pháp chung cho cả hệ thống chính trị tập trung nhiều nhất cho việc rà soát, nghiên cứu để xây dựng, hoàn thiện về thể chế, hình thành hệ thống hành lang pháp lý, các cơ sở, điều kiện bảo đảm cho việc xây dựng, vận hành bộ máy, quản lý chặt chẽ các tổ chức, biên chế, con người và giám sát quyền lực, bảo đảm cho hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị. Ðó là các vấn đề như: Nghiên cứu hoàn thiện để sớm thực hiện mô hình tổng thể cả hệ thống chính trị phù hợp với điều kiện mới; hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế làm việc các cơ quan, đơn vị; hoàn thiện các quy định, chế độ hợp lý, chặt chẽ về tổ chức bộ máy, vị trí, trách nhiệm công việc; xây dựng cơ chế, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm, các điều kiện, tiêu chuẩn và chế độ đào tạo, sử dụng bãi nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; quy định chặt chẽ về thành lập mới tổ chức;... Ðặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh giải pháp phân cấp, phân quyền mạnh mẽ giữa các cấp, gắn với trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ, công khai và cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
4. Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đặt ra cho: Hệ thống tổ chức của Ðảng; hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương; tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng, bao gồm các nhiệm vụ, giải pháp về thể chế, lâu dài và các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt, cần thực hiện sớm.
Ðối với hệ thống tổ chức của Ðảng, liên quan đến thể chế và những giải pháp lâu dài là: Trung ương sẽ xây dựng các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác và khung quy chế làm việc cho tổ chức đảng các cấp; quy định về xây dựng cấp ủy; điều chỉnh, hoàn thiện tổ chức hoạt động các loại hình tổ chức cơ sở đảng, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp; chức trách và tổ chức các cơ quan tham mưu cho cấp ủy đảng các cấp... Trước mắt, kết thúc hoạt động ba ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; sáp nhập Ðảng bộ Ngoài nước và Ðảng bộ Bộ Ngoại giao; chuyển Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về Ban Nội chính; sắp xếp lại các ban bảo vệ sức khỏe cán bộ.
Ðối với hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương, Nghị quyết yêu cầu các hệ thống quyền lực nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đều phải rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện thể chế, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, tổ chức, cơ chế vận hành của bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực và phù hợp với điều kiện, yêu cầu của công cuộc xây dựng phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tổ chức bộ máy của Quốc hội được đổi mới theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, giảm số đại biểu kiêm nhiệm ở các cơ quan hành pháp, sắp xếp lại bộ máy nội bộ để bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Ðối với Chính phủ, kiện toàn, sắp xếp bộ máy theo hướng "tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành". Song song với đó là yêu cầu thu gọn các đầu mối, giảm tối đa các tổ chức trung gian, tinh gọn bộ máy và nghiên cứu để sắp xếp lại các ngành trong nhiệm kỳ tới như: giao thông - xây dựng, tài chính - kế hoạch đầu tư, lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…
Ðối với chính quyền địa phương, việc rà soát, hoàn thiện thể chế theo hướng làm rõ tổ chức bộ máy chính quyền ở các khu vực khác nhau, quy định khung các cơ quan trực thuộc hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, dành quyền chủ động sắp xếp cụ thể cho từng địa phương. Từng bước kiện toàn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo đúng tiêu chuẩn quy định, hoàn thiện các quy định, chế độ, chính sách đối với bộ máy và cán bộ cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Ðối với hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng, yêu cầu đặt ra là hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng khắc phục "hành chính hóa", tăng cường sự phối hợp trong hệ thống, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội. Ðồng thời với đó là nhiệm vụ tinh giản, hợp lý hóa bộ máy nội bộ từng cơ quan, tổ chức; hoàn thiện các chế độ về quản lý, sử dụng kinh phí; quy định chặt chẽ việc thành lập, hoạt động của các hội quần chúng theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ kinh phí, tuân thủ pháp luật…
Nghị quyết số 18 là một bước đi quan trọng nhằm giải quyết tốt việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, phù hợp với những thay đổi to lớn về điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta sau hơn 30 năm Ðổi mới. Việc thực hiện tốt Nghị quyết này sẽ góp phần to lớn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, khắc phục những nút thắt trong quản lý, đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới của công cuộc Ðổi mới trong điều kiện hiện nay.
GS, TS TẠ NGỌC TẤN
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư