Phát triển đảng viên là người có đạo ở Đồng Nai
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cho chức sắc các tôn giáo trong tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: TL)

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích 5.903,94km2. Toàn tỉnh có khoảng 2,7 triệu người với cơ cấu dân cư đa dạng, nhiều tôn giáo, đa dân tộc với 65% là tín đồ các tôn giáo[1]. Là một trung tâm tôn giáo của Việt Nam, hiện nay tỉnh Đồng Nai có 10 tôn giáo với 42 tổ chức giáo hội đang hoạt động; hơn 1,7 triệu tín đồ, trong đó có khoảng 8.100 chức sắc, tu sĩ, hơn 21.000 chức việc[2]. 110/171 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trên 30% quần chúng có đạo, trong đó có 23 xã, phường, thị trấn có trên 90% quần chúng là tín đồ tôn giáo[3]. Số lượng dân cư theo tôn giáo đông nên công tác phát triển đảng viên trong các tôn giáo trên địa bàn tỉnh có vai trò hết sức quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong đồng bào tôn giáo nói riêng và thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung.

Kết quả và hạn chế

Trong những năm qua, tiếp tục thực hiện Quy định số 123-QĐ/TW ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị về một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo, Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW ngày 8-4-2005 của Ban Tổ chức Trung ương về Kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức triển khai quán triệt trong toàn Đảng bộ tỉnh nhằm tăng cường công tác phát triển đảng viên mới là người có đạo. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của các cấp ủy đảng đã góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác phát triển đảng viên là người có đạo, tạo ra sự phấn khởi trong đảng viên và quần chúng ưu tú trong các tôn giáo.

Từ năm 2010 đến 2014, Đảng bộ tỉnh kết nạp được 20.497 đảng viên mới, trong đó đảng viên trong các tôn giáo là 1.954 đồng chí (9.53%), tăng 24% so với nhiệm kỳ trước[4]. 6 tháng đầu năm 2015, Đảng bộ tỉnh kết nạp 172 đảng viên là người có đạo, chiếm 12,2% đảng viên mới kết nạp, nâng số lượng đảng viên trong các tôn giáo lên 4.053 đồng chí, chiếm 6,19% so với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Qua thực tế cho thấy, đa số đảng viên là người có đạo đã thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm, nghĩa vụ của đảng viên khi tham gia sinh hoạt tôn giáo. Đảng viên trong các tôn giáo đã chấp hành nghiêm chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có lối sống lành mạnh, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân vùng đồng bào có đạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng viên trong các tôn giáo đã góp phần ổn định sinh hoạt tôn giáo, ổn định chính trị - xã hội, là cầu nối giữa Đảng với đồng bào có đạo, thực sự phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác vận động quần chúng.

Tuy nhiên, một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên là người có đạo, nên chưa chủ động nắm bắt tình hình cơ sở để có biện pháp giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú có đạo. Một số cấp ủy chưa có kế hoạch phát triển đảng viên là người có đạo cho từng năm, từng quý; chưa quan tâm tạo nguồn kết nạp, chưa phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc tuyên tuyền, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú; chưa thực sự quan tâm bồi dưỡng chức sắc, chức việc để tạo nguồn kết nạp… Kết quả công tác kết nạp đảng viên là người có đạo còn chưa tương xứng với số lượng quần chúng trong các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Kinh nghiệm

Từ thực tiễn công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở Đồng Nai, có thể rút ra một số kinh nghiệm:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, quần chúng trong đồng bào có đạo về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên trong tôn giáo.

Thực tiễn ở Đồng Nai cho thấy, một số tổ chức cơ sở đảng lựa chọn cán bộ, đảng viên là người có đạo để tuyên truyền, vận động và giúp đỡ, bồi dưỡng quần chúng ưu tú vào Đảng. Việc làm đó đã tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng của quần chúng nhân dân là người có đạo, những quần chúng ưu tú tin tưởng và mong muốn vào Đảng. Bên cạnh đó, việc bố trí đảng viên là người có đạo tham gia cấp ủy, chính quyền, đoàn thể góp phần quan trọng trong việc chuyển biến nhận thức của quần chúng nhân dân về Đảng và đảng viên sinh hoạt tôn giáo. Tính đến năm 2015, Tỉnh ủy Đồng Nai đã bố trí nhiều đảng viên có đạo giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị. Cụ thể, có 150 đảng viên tham gia cấp ủy, trong đó 18 đảng viên bí thư cấp ủy, 22 đảng viên là phó bí thư cấp ủy cơ sở, 223 đảng viên là bí thư cấp ủy trực thuộc, 23 đảng viên là phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp xã, 33 đảng viên là phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, 117 đảng viên là trưởng các đoàn thể ở cơ sở[5].

Thứ hai, cấp ủy đảng phải thường xuyên xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đảng viên cụ thể phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

Các chương trình, kế hoạch là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng phấn đấu thực hiện. Hằng năm ban thường vụ các cấp ủy trực thuộc tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên và xác định chỉ tiêu cụ thể đối với từng chi bộ, đảng bộ cơ sở, trên cơ sở đó, cấp ủy cơ sở bám sát thực tiễn địa phương chủ động có kế hoạch tạo nguồn, giáo dục, bồi dưỡng và kết nạp đối với quần chúng ưu tú có đạo. Thực tiễn cho thấy, ở hầu hết các đơn vị, nhất là nơi có đông đồng bào có đạo, xác định chỉ tiêu, kế hoạch phát triển đảng viên không chỉ góp phần chuẩn bị tốt nguồn kết nạp mà công tác kết nạp cũng thuận lợi.

Thứ ba, tạo nguồn phát triển đảng viên trong các tôn giáo phải luôn gắn với những tiêu chí cụ thể, phù hợp, sát với địa phương.

Các tổ chức cơ sở đảng ở Đồng Nai luôn chú trọng, bám sát vào điều kiện của người trở thành đảng viên và những tiêu chuẩn đảng viên để khảo sát số lượng, chất lượng quần chúng có đạo để xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho các tổ chức cơ sở đảng thực hiện. Nguồn trong tôn giáo rất đa dạng và phức tạp, gắn với mỗi tôn giáo cụ thể. Do đó, các cấp ủy đảng phải căn cứ vào tình hình, điều kiện và đặc điểm từng tôn giáo để xác định nguồn kết nạp. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới… các cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở thu hút quần chúng có đạo tham gia nhằm đánh giá, phát hiện các nhân tố tích cực và lựa chọn quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng để xem xét, kết nạp.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức cơ sở đảng với các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc phát hiện, lựa chọn và bồi dưỡng quần chúng ưu tú là người có đạo.

Các cấp ủy đảng phải luôn bám sát tình hình địa phương, lãnh đạo các phong trào quần chúng; chỉ đạo mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thông qua các phong trào thi đua lao động sản xuất, giao việc để thử thách, đánh giá mức độ phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ, từ đó phát hiện, xem xét, sàng lọc về điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng, bảo đảm về lịch sử chính trị để lựa chọn đưa đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Thông qua các phong trào của quần chúng nhân dân ở vùng đồng bào có đạo để phát hiện ra những quần chúng ưu tú, giới thiệu cho Đảng.

Thứ năm, thường xuyên bám sát các quy định của Trung ương về nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng viên là người có đạo và quy định về lịch sử chính trị của người vào Đảng.

Khi xem xét kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng, các cấp uỷ cơ sở đã thực hiện nghiêm túc nguyên tắc, thủ tục theo quy định, hướng dẫn của Trung ương và Ban Tổ chức Tỉnh ủy; chỉ xét kết nạp đảng viên là người có đạo trong các tôn giáo được Nhà nước công nhận, qua hoạt động thực tiễn được các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở, các cơ quan, đơn vị, nơi cư trú đánh giá nổi trội, tốt và là tấm gương của địa phương, cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy cơ sở luôn bám sát các quy định của Bộ Chính trị về việc kết nạp quần chúng ưu tú có đạo vào Đảng, tổ chức lấy ý kiến công khai của quần chúng ở tổ dân cư nơi người xin vào Đảng cư trú và được quần chúng, người thân trong gia đình, các vị chức sắc, chức việc đồng tình ủng hộ, tạo được sự thông hiểu, gắn bó mật thiết giữa Đảng với quần chúng nhân dân, nhất là quần chúng có đạo ở địa bàn dân cư.

 -----------

[1] Tỉnh uỷ Đồng Nai, Báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh”, ngày 14-1-2014.

[2] Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, Báo cáo kết quả thực hiện Quy định số 123-QĐ/TW, ngày 28-9-2004  của Bộ Chính trị về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo, ngày 28-7-2015.

[3] Tỉnh ủy Đồng Nai, Ban Tổ chức, Báo cáo kết quả thực hiện Quy định số 123-QĐ/TW ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo, ngày 28-7-2015.

[4] Tỉnh ủy Đồng Nai, Ban Tổ chức, Báo cáo số 559-BC/BTCTU về công tác kết nạp đảng viên mới từ năm 2010-2014, ngày 28-1-2015.

[5] Tỉnh ủy Đồng Nai, Thống kê đảng viên là người có đạo tham gia cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, Biên Hòa ngày 28-7-2015.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất