“Cái được lớn nhất của Đà Nẵng là được lòng dân"
Cung thể thao Tiên Sơn. Ảnh: Nhân Mùi
Đó là nhận định tại Đại hội XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, cũng là tất cả những gì mà Đảng bộ Đà Nẵng muốn gửi gắm đến mọi người, từ các bậc cao niên đến thế hệ trẻ, từ người có trách nhiệm cao nhất đến tất cả cán bộ, công chức đang hoạt động trong bộ máy cơ quan đảng, chính quyền thành phố. Không ai khác chính người dân đã từng sinh sống, công tác, học tập trên mảnh đất Đà Nẵng cảm nhận được sâu sắc điều đó.
Nhớ ngày nào còn chiếc phà ngang qua sông Hàn, chỉ chưa đầy một cây số mà sao thấy xa xôi đến thế. Đời sống người dân bên này sông Hàn so với bên kia sông Hàn là cả một khoảng cách lớn. Đâu đây vẫn còn bên tai lời bông đùa có ý mỉa mai đến nghiệt ngã: "Đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hàn nước xanh như tàu lá; Đứng bên tê Hàn ngó bên ni Hàn phố xá nghênh ngang" hay như "người quận ba vừa già vừa xấu", "con gái quận ba thua bà già quận nhất"… Ngày đó, đất nước mới giải phóng, về tiếp quản Đà Nẵng, cấp trên bố trí Xưởng thủy tinh Khu 5 (K35) sử dụng khu gia binh An Thượng để ổn định đơn vị. Lúc đó tôi còn rất trẻ, để cùng các đồng nghiệp chụp ảnh kỷ niệm, phải đi quanh cầu Trịnh Minh Thế (cầu Nguyễn Văn Trỗi bây giờ) đến ngã năm mới có tiệm ảnh Thanh Tùng (đường Trần Quốc Toản bây giờ), mất cả buổi sáng. Ấy thế mà đã 36 năm rồi! Với một đời người thì đó là quãng thời gian quá dài, gần như hết trọn thời kỳ để lao động, cống hiến của mình. Còn với thời cuộc thì chỉ là trong phút chốc - để được sáng tạo trải nghiệm và thử thách.
Bây giờ trên cương vị được giao nghiên cứu, giảng dạy về khoa học vận động quần chúng - quen gọi là “công tác dân vận của Đảng". Với những gì đang diễn ra trong cuộc sống, tôi cảm nhận sâu sắc cái giá trị vĩnh cửu của triết lý Phương Đông "Lấy dân làm gốc" mà Bác Hồ của chúng ta là một biểu tượng đẹp, sáng ngời thể hiện chân lý đó trong suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước. Tài trí của người lãnh đạo dù có phi thường đến đâu nếu như dân chưa tin, chưa yên thì khó khăn lắm mới có thể trở thành sức mạnh vật chất để duy trì được đời sống bình thường, chứ chưa nói đến dời non, hay lấp biển.
Chỉ khi nào con người cảm nhận được sự thống nhất giữa cái tôi  "lợi ích" với cái chung "thiết thực" - lúc đó dù sông sâu, núi cao hay biển có lớn đến đâu cũng chỉ là những vật cản bình thường so với sức mạnh cộng đồng. Cây cầu sông Hàn là một điển hình, nhờ quy tụ được sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân. Nên chỉ trong thời gian ngắn cầu được hoàn thành với sự đóng góp của mọi người, đã để lại biểu tượng đẹp, niềm tự hào của người dân thành phố, mà biết bao thế hệ qua thăng trầm của lịch sử vẫn không khắc phục được khoảng cách ấy. Đúng như lời bài hát Đà Nẵng tình người (thơ Ngân Vịnh): có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu. Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến! Tấm lòng con người ví như tấm thảm cỏ của thiên nhiên, trải rộng xanh phủ tận chân trời; nhưng cũng sẽ dễ dàng bị co hẹp, thu nhỏ, hay biến mất khi con người không cảm nhận được sự trải rộng ấy của màu xanh hy vọng...
Đà Nẵng với phong trào "dân vận khéo" đã có cái nhìn mới hơn, khác hẳn, không máy móc, giáo điều, rập khuôn. Cũng như bao địa phương khác trong cả nước, Đà Nẵng thực biện chủ trương di dời, giải tỏa để chỉnh trang đô thị. Sự xáo trộn, biến động nơi ăn, ở đã kinh động đến tâm lý, tập quán từng ăn sâu, bén rễ kiểu “an cư lập nghiệp" bao đời của người dân, không dễ mấy ai thuận lòng. Ấy thế mà lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có cái nhìn mới, biết đặt vấn đề đúng và có nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo vận động nhân dân không chỉ chấp hành tốt chủ trương, mà còn tự nguyện hiến đất, góp tiền của xây dựng nên những chiếc cầu, những con đường khang trang, hiện đại. Cái được ấy, thành tích ấy là sự thể hiện sinh động tư duy nhạy bén, biết vận dụng sáng tạo lý luận vào điều kiện cụ thể của địa phương; còn là sự thể hiện rất rõ bản lĩnh văn hóa của một cộng đồng những người từng gắn bó với mảnh đất Đà Nẵng, đã từng chịu hy sinh cả máu xương mình để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài học cùng xuống đường đấu tranh giành độc lập của ngày hôm qua và bài học chung sức, chung lòng góp công, góp sức để chiến thắng nghèo đói, lạc hậu của ngày hôm nay, khác chăng chỉ là về thời điểm, còn tinh thần cánh mạng, sự hy sinh quả cảm và những đòi hỏi về sự dấn thân, chấp nhận cũng không kém phần quyết liệt như nhau.
Tri ân các bậc cách mạng tiền bối, tri ân những người đã ngã xuống hôm qua, các thế hệ con cháu hôm nay hãy cùng nhau đoàn kết dưới lá cờ đấu tranh của Đảng, một lòng, một dạ vì sự trường tồn của quê hương, của dân tộc Việt Nam, vì CNXH tươi sáng.
Trở lại với những gì của thực tiễn sinh động hôm nay, chúng ta rút ra được bài học quí cho công tác dân vận của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng. Tại hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2010 và hội nghị tổng kết phong trào thi đua dân vận khéo 2009-2010 đã khái quát nội dung đạt được từ phong trào, đó là: Khéo trong cách làm, khéo trong tuyên truyền, khéo trong vận động và khéo trong tổ chức thực hiện; ở đó việc lồng ghép nội dung kế hoạch triển khai các phong trào, cùng với việc cải cách chế độ một cửa, rồi một cửa liên thông và nay là một cửa liên thông hiện đại, đã đi vào cuộc sống, có hiệu quả cao.
Vấn đề đặt ra hiện nay là các mô hình triển khai phong trào dân vận khéo ở các đoàn thể các cấp, ngành cần được tổng kết rút ra bài học thiết thực. Như Hội Cựu chiến binh có mô hình “4 quản", “2+1", “3+1"; Phụ nữ có mô hình “4 không với ma tuý"; các cơ quan, doanh nghiệp và trường học có mô hình “4 không”, “3 phòng" và nhiều mô hình khác ở cấp sở, quận, phường với phương châm: "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" của Sở Tư pháp; "Công tâm năng động, trách nhiệm" của quận Cẩm Lệ; "Trách nhiệm, chuyên nghiệp và nụ cười công chức" của quận Thanh Khê… Đó là những sản phẩm, những kết quả thực tế của công tác dân vận kiểu mới ở thành phố Đà Nẵng đã làm nên những kỳ tích trong thời kỳ đổi mới.
Kỷ niệm Ngày giải phóng Đà Nẵng năm nay, với cái nhìn trong nghiên cứu, giảng dạy bộ môn, tôi thiết nghĩ, thực tiễn ở Đà Nẵng những năm đổi mới đã ghi lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Sự thay da, đổi thịt đến ngỡ ngàng đã gây sửng sốt cho nhiều chuyên gia nghiên cứu thực tiễn Đà Nẵng. Có người còn nghi ngại “cái làm khác người" của Đà Nẵng... Là công dân của một thành phố năng động, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta hoàn toàn tự hào về những gì đã đạt được nơi quê hương mình. Đúng như nhận định tại Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố - cái được lớn nhất của Đà Nẵng là được lòng dân! 

Phản hồi (1)

Dương Hữu Thái 08/05/2011

Nói về Đà Nẵng chúng ta phải nói tới và thật sự công nhận sự lãnh đạo của Ông Nguyễn Bá Thanh. Dù có thể đối với một số người (thiểu sô) chưa hài lòng, nhưng rõ ràng Ông là Lãnh đạo có công to nhất góp phần vào sự thay da đổi thịt, phát triển kinh tế và đưa Đà Nẵng vào hàng top ten hiện nay. Những nhân tài có thể đôi lúc bị phê phán là độc tài nhưng sự độc tài đó cần thiết cho sự nghiệp chung thì tôi cho là tốt; đất nước chúng ta rất cần thiết phải có hàng ngũ lãnh đạo mạnh mẽ như vậy mới mong kinh tế, xã hội, quốc phòng đi lên. Tôi ghét những người lãnh đạo ba phải, leo lên tới vị trí lãnh đạo rồi thì bắt đầu thủ thế, cốt ngồi cho lâu, dọn chỗ tốt cho con cháu mình, phe phái mình, không để xảy ra vướng mắc cá nhân rồi cũng bòn rút, tham nhũng (kín), tư túi một mớ xong về, hạ cánh an toàn. Cái thứ lãnh đạo đó là lãnh đạo tồi, chẳng có chút bản lĩnh nào hết.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất