"Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu"
Bản chất của chế độ ta là dân chủ. Quyền bính và giá trị làm người của nhân dân được xác lập sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công. Dân chủ được thực hành từ chính trị đến kinh tế, văn hoá… Không phải ngẫu nhiên trong tác phẩm Dân vận (15-10-1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”(1); rằng “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ. Tức là cán bộ nhân viên từ cấp trên đến cấp dưới đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”(2).

Trong lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, ngày 5-1-1946, Nguời nói “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”. Lần đầu tiên nhân dân được hưởng quyền lợi chính trị, bầu ra cơ quan lập pháp để quản lý tổ chức xã hội, bầu ra những đại biểu có phẩm chất, năng lực thay mặt mình để thực thi công việc mang lại lợi ích, hạnh phúc cho nhân dân. Trong niềm vui khôn tả của đất nước sau 3 tháng giành độc lập, Người chỉ rõ “Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước”(3). Vì vậy, Người nhắc nhở, động viên các cử tri phải tham gia bầu cử đầy đủ - đó vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của mỗi công dân ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do.
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, quyết định các vấn đề hệ trọng liên quan đến sự phát triển và đi lên của đất nước. Vì vậy, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến tiêu chuẩn người đại biểu nhân dân, toàn tâm toàn ý, tận tuỵ phục vụ nhân dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Với kỳ vọng đó Người rất mong “Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quyền lợi nhà, vì lợi chung, quyền lợi riêng”(4).
Trong bài báo “Chính phủ là công bộc của dân” với bút danh Chiến Thắng, đăng báo Cứu quốc, số 46, (19-9-1945), Người nói; “Các uỷ ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các uỷ ban đó”(5). Ngay thời điểm đó, Người rất chú ý đến phẩm chất, năng lực của các ứng cử viên, phải công bình, khách quan, loại trừ yếu tố tiền tài, thân quen hay một thế lực gì khác nhằm tác động đến việc lựa chọn đại biểu. Người đã tiên lượng những đại biểu thiếu đi phẩm hạnh khi được bố trí vào bộ máy nhà nước rất dễ làm những điều sai trái, làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân. “Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”(6). Bởi vậy, Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”(7).

Bằng sự trải nghiệm thực tiễn và nhận dạng đầy đủ các chiều cạnh tâm lý trong bầu cử, nhất là tâm lý của những đại biểu không trúng cử, Người không nói thẳng là người không trúng cử mà Người nói “người không được cử”- điều đó làm cho các ứng cử viên không trúng cử cũng cảm thấy là vấn đề bình thường, phù hợp với nguyên tắc bầu cử của chế độ mới. Với sự tinh tế, nhẹ nhàng, Người nói ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử. “Người không trúng cử, cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta”(8).
Xuất phát từ một nước dân chủ, bình đẳng nên Người rất chú ý cơ cấu cán bộ nữ hoạt động trong cơ quan nhà nước từ trung ương xuống cơ sở. Người vui mừng nhận thấy “... Một trong những tiến bộ rõ rệt nhất là phụ nữ ta hiện nay tham gia chính quyền ngày càng nhiều… Đến nay, số phụ nữ hiện công tác trung ương đã có hơn 5.000 người, ở huyện, xã có hơn 16.000 người và các tỉnh có hơn 330 người, đặc biệt trong Quốc hội khoá II này có 53 đại biểu phụ nữ”(9).
Theo Hồ Chí Minh “để xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân, nhiệm vụ của mỗi vị đại biểu là phải: Thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội; làm gương mẫu trong việc thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô”(10). Riêng các đại biểu Hội đồng nhân dân và các cán bộ thì phải phổ biến hiến pháp một cách kỹ lưỡng và rộng khắp trong nhân dân và gương mẫu trong việc thi hành Hiến pháp và các luật lệ.
Chứng kiến, chỉ đạo các khoá bầu cử Quốc hội, Hồ Chí Minh vui mừng Quốc hội khoá I được dân uỷ thác, được nhân dân bầu ra đủ sức quyết định những vấn đề hệ trọng đại của đất nước. Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - Quốc hội khoá I - đã được toàn dân bầu ra. Những việc quan trọng nhất Quốc hội đã làm là: tuyên bố kháng chiến cứu nước, thông qua luật cải cách ruộng đất, thông qua hiến pháp mới. Hồ Chí Minh còn chỉ rõ thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội khoá II còn thể hiện số cử tri tham gia đi bầu ngày càng đông hơn, tinh thần và trách nhiệm công dân khá rõ “Cuộc tổng tuyển cử Quốc hội khoá II là một thắng lợi rất to lớn của nhân dân ta. Khắp miền Bắc, bình quân hơn 97% cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Nơi dân cư thưa thớt và giao thông khó khăn nhất (như Hà Giang) số phiếu cũng đạt gần 93%. Một phần tư trong số 22.530 khu vực bỏ phiếu, 100% cử tri đã tham gia bầu cử”(11).
Người cũng so sánh với bầu cử Quốc hội ở các nước tư bản để thấy được nền dân chủ của nước ta là thật sự, triệt để, thể hiện sự tín nhiệm và trách nhiệm cao của nhân dân ta. Người đúc kết “Không có Quốc hội một nước tư bản nào được nhân dân tín nhiệm với số phiếu cao như vậy; tỏ rõ sự đoàn kết, bình đẳng và bao gồm những thành phần thật sự đại biểu cho đại đa số nhân dân như vậy. Không cần so sánh với những cuộc “tuyển cử” gian lận của bọn Mỹ - Diệm, chúng ta hãy lấy Quốc hội Pháp làm ví dụ. Vì luật tuyển cử không dân chủ và không bình đẳng”(12).
Trong bài nói tại kỳ họp thứ 12 Quốc hội khoá I (15-4-1960), Hồ Chí Minh đã xác định “Quốc hội đã làm ba việc rất quan trọng: ...Đã thông qua luật bầu cử Quốc hội mới để chỉ đường lối và giao nhiệm vụ cho nhân dân ta bầu những đại biểu thật xứng đáng vào Quốc hội khoá II”(13).
Bằng sự theo dõi, chỉ đạo hoạt động của Quốc hội, Người tổng kết Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân. “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”(14).

Hơn lúc nào hết trước thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, mở của hội nhập quốc tế, các đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội khoá XIII sắp tới cần thấm nhuần chỉ dẫn của Bác Hồ kính yêu cách đây 65 năm vẫn còn nguyên giá trị “... Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”(15).
-------------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.5, tr.698.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.10, tr.251.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.4, tr.145.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.4, tr.145.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.4, tr.22.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.5, tr.641.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.4, tr.147.
(8) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.4, tr.146.
(9) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.10, tr.184.
(10) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.10, tr.172.
(11) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.10, tr.171.
(12) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.10, tr.171.
(13) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.10, tr.124.
(14) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.4, tr.22.
(15) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.4, tr.48.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất