Ba Đồn (Quảng Bình) đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT
Cán bộ bảo hiểm thị xã Ba Đồn tư vấn bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân trên địa bàn.

Kết quả nổi bật 5 tháng đầu năm 2022

Số người tham gia

Số người tham gia BHXH do BHXH thị xã Ba Đồn quản lý là 9.212 người, giảm 102 người so với cuối năm 2021, trong đó:

Tham gia BHXH bắt buộc 5.646 người, giảm 11 người so với cuối năm 2021, đạt 93,15% kế hoạch BHXH tỉnh Quảng Bình giao. BHXH tỉnh đã phối hợp Chi cục Thuế Khu vực Quảng Trạch - Ba Đồn rà soát, nắm bắt kịp thời các doanh nghiệp và cơ bản đã khai thác triệt để 100% doanh nghiệp, lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Tham gia BHXH tự nguyện 3.576 người, giảm 91 người so với cuối năm 2021, đạt 71.51% kế hoạch BHXH tỉnh Quảng Bình giao; đạt 6.22% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (vượt so với mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra), cao hơn khoảng 3.1% so với tỷ lệ bình quân chung toàn quốc.

Tham gia BHYT: 78.235 người, tăng 591 người so với cuối năm 2021, đạt 83.06% kế hoạch BHXH tỉnh Quảng Bình giao và đạt tỷ lệ bao phủ dân số là 84.94%.

Số thu, số nợ BHXH, BHYT, BHTN

Trong 5 tháng đầu năm thu được 67.913 triệu đồng, đạt 34.25% kế hoạch thu BHXH tỉnh Quảng Bình giao, tăng 7.173 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Nợ BHXH, BHYT, BHTN được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ hằng tháng trong 5 tháng đầu năm 2022 đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng số nợ đến hết tháng 5/2022 là 2.315 triệu đồng, chiếm 1.17% kế hoạch thu BHXH tỉnh Quảng Bình giao, giảm 0.25% so với cùng kỳ năm trước.

Giải quyết chế độ BHXH, BHTN

BHXH thị xã đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng chế độ BHXH, BHTN chính xác, kịp thời và đúng đối tượng theo quy định, cụ thể:

Trong 5 tháng đầu năm 2022, BHXH thị xã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 4.757 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; 272 lượt người hưởng chế độ BHXH ngắn hạn; 191 người hưởng trợ cấp BHXH một lần;. Tổng số chi là 12.957.713.090 đồng.

Công tác chi chế độ BHXH được thực hiện đa dạng, linh hoạt; đặc biệt là đẩy mạnh phương thức chi trả không dùng tiền mặt, đến hết tháng 5-2022 100% người nhận BHXH 1 lần qua ATM, có 19% người nhận lương hưu qua ngân hàng, người hưởng chế độ BHXH hài lòng về cách thức tổ chức chi trả, thời gian, cơ sở vật chất và thái độ phục vụ.

Thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT

Công tác KCB BHYT trên địa bàn được triển khai đồng bộ từ trạm y tế tuyến xã đến bệnh viện tuyến huyện để phục vụ người bệnh BHYT; 100% trạm y tế tuyến xã thực hiện KCB BHYT, tiếp tục triển khai KCB BHYT đối với các cơ sở y tế ngoài công lập có đủ điều kiện KCB BHYT theo quy định đã tạo thuận lợi cho người dân đi KCB bằng thẻ BHYT.

Thực hiện giám định chủ động và giám định điện tử; phân tích số liệu trên hệ thống thông tin giám định BHYT; thống kê, theo dõi tiến độ chi quỹ KCB và thông báo kịp thời một số chỉ số chi KCB BHYT diễn biến bất thường (như: tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú, ngày điều trị bình quân, bình quân xét nghiệm, CĐHA, thuốc trong 1 lần khám bệnh ngoại trú, 1 lần điều trị nội trú…), nguyên nhân làm tăng chi KCB và thông báo cho từng cơ sở KCB biết để có giải pháp điều chỉnh. Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất người bệnh BHYT đang điều trị nội trú trong và ngoài giờ hành chính tại các cơ sở KCB BHYT. Qua kiểm tra đã chấn chỉnh kịp thời những tồn tại hạn chế trong chỉ định sử dụng Quỹ BHYT, đảm bảo chi ngày càng tiết kiệm và hiệu quả.

Kết quả, trong 5 tháng đầu năm 2022, thanh toán chi phí KCB BHYT cho 48.621 lượt người (trong đó: KCB ngoại trú 42.924 lượt người; KCB nội trú 5.697 lượt người). Tỷ lệ liên thông dữ liệu chi phí KCB BHYT đạt 99,8%, trong đó dữ liệu gửi kịp thời trong ngày lên hệ thống giám định và thanh toán điện tử BHYT đạt 98,2%. Chi KCB BHYT 22.971 triệu đồng.

Công tác thanh tra, kiểm tra

Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng thực hiện đúng theo quy định, góp phần thực hiện nghiêm chính sách BHXH, BHYT, BHTN và bảo vệ quyền lợi của người tham gia có hiệu quả. Trong 5 tháng đầu năm 2022, BHXH thị xã Ba Đồn thực hiện kiểm tra 18 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ); kiểm tra 5 đại lý thu, đại diện chi trả. Qua kiểm tra đã chấn kịp thời các đơn vị trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT.

Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành

BHXH thị xã Ba Đồn triển khai kịp thời các quy định về cải cách thủ tục hành chính theo quy định của ngành. Đặc biệt để phục vụ người tham gia và thụ hưởng ngày càng tốt hơn, BHXH thị xã đã tăng năng suất và cường độ lao động để giảm hơn 10% thời gian giải quyết các TTHC so với quy định, trong đó cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất rút ngắn từ 1 ngày làm việc xuống còn 0,5 ngày, cấp lại thẻ BHYT do điều chỉnh thông tin rút ngắn từ 3 ngày làm việc xuống còn 0,5 ngày.

Triển khai kịp thời các quy định về chuyển đổi số của BHXH Việt Nam, góp phần xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu CSDL quốc gia về bảo hiểm; luôn sẵn sàng liên thông, chia sẻ dữ liệu với các phòng, ban, ngành liên quan để phục vụ yêu cầu quản lý chung và phục vụ doanh nghiệp, người dân. Ứng dụng hệ thống phần mềm liên thông để giải quyết tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của cơ quan BHXH. Triển khai giao dịch điện tử. Triển khai Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người tham gia BHXH, BHYT với cơ quan BHXH. Tiếp tục triển khai giám định và thanh toán trên Hệ thống thông tin giám định BHYT liên thông từ trạm y tế xã. Đặc biệt từ năm 2020, BHXH thị xã đã đẩy mạnh triển khai cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số trên thiết bị di động; đến hết tháng 5-2022, toàn tỉnh có 27.385 người sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số, đạt 35,01% trên tổng số người tham gia BHXH, BHYT.

Đến nay 100% TTHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, doanh nghiệp, người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH trên địa bàn 24/24 giờ, 7/7 ngày.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Xác định đây là 1 nhiệm vụ quan trọng giúp người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, BHXH tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, kết quả đến hết ngày 31-5-2022:

Hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ

Giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 9 đơn vị SDLĐ với 166 lao động với số tiền tạm dừng đóng là 84.9 triệu đồng.

Hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ

Xác nhận danh sách cho 166 lao động của 19 đơn vị SDLĐ để lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ kinh phí do bị thiệt hại của Covid-19 từ NSNN. Xác nhận danh sách cho 125 lao động để đơn vị sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động phục hồi sản xuất và để được hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

Giảm mức đóng vào quỹ BHTNLĐ-BNN 708 triệu đồng cho 1.932 lao động của 214 đơn vị SDLĐ.

Hỗ trợ người lao động, người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24-9-2021 của Chính phủ

Chỉ trong 5 ngày kể từ ngày Nghị quyết số 116/NQ-CP có hiệu lực, BHXH thị xã Ba Đồn đã thực hiện tuyên truyền và gửi thông báo đến 100% đơn vị sử dụng lao động trong diện được hỗ trợ; đồng thời thông báo đến NLĐ biết về chính sách hỗ trợ này để làm thủ tục đề nghị hưởng hỗ trợ từ quỹ BHTN. Kết quả, đến hết tháng 12-2021, BHXH tỉnh đã hoàn thành chi hỗ trợ từ quỹ BHTN cho 3.131 lao động với số tiền 7.740 triệu đồng; đến hết tháng 5-2022 thực hiện giảm mức đóng BHTN 12 tháng cho 224 đơn vị sử dụng lao động là 1.213 tỷ đồng, đạt 100% đơn vị sử dụng lao động thuộc diện được hỗ trợ.

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ 

Công tác truyền thông

Trong 5 tháng đầu năm, BHXH thị xã Ba Đồn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh duy trì các hoạt động tuyên truyền bằng phát hành các ấn phẩm, phát sóng, đăng tải các tin, bài, phóng sự trên Đài Phát thanh và Truyền hình thị xã, Tạp chí Sinh hoạt chi bộ và trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh của các xã, phường, thôn, bản, khu phố; đã chú trọng tuyên truyền theo chiến dịch, theo chủ đề và truyền thông cao điểm như: Phối hợp với Bưu điện huyện Quảng Trạch tổ chức Lễ phát động ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân năm 2022; phối hợp với Bưu điện huyện, UBND cấp xã tổ chức 17 Hội nghị tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trực tiếp, qua đó phát triển được 324 người tham gia BHXH tự nguyện.

Một số tồn tại, hạn chế

Trong những năm qua, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thị xã đã có sự tăng trưởng vượt bậc, tính đến hết tháng 5 năm 2022 đã đạt 6.22% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt 3.1 lần so với mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra. Tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thị xã, còn 93.88%, tương ứng 57453 người chưa tham gia.

Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm 2022, mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện giảm nhẹ cuối năm 2021. Trong đó, đã khai thác được 324 người tham gia BHXH tự nguyện nhưng do số người tham gia giảm mạnh, dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện tính đến hết tháng 5/2022 giảm 91 người so với cuối năm 2021.

Tỷ lệ bao phủ BHYT chưa cao, số người tham gia BHYT tính đến hết tháng 5-2022 là 78.235 người tham gia BHYT, tăng 591 người so với cuối năm 2021 đạt 84.94%.

Nguyên nhân do khách quan là chủ yếu:

Nguyên nhân thuộc về chính sách: Chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn, thu hút được đối tượng tham gia. Theo quy định, BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ dài hạn và ngắn hạn, tuy nhiên người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, điều này làm giảm tính hấp dẫn và hạn chế mong muốn tham gia BHXH tự nguyện. Mặt khác, trong thời gian dài nhà nước không có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Từ ngày 1-1-2018, nhà nước hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, nhưng mức hỗ trợ còn thấp, cụ thể bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người hộ cận nghèo, 10% đối với các đối tượng khác, còn đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được người sử dụng lao động đóng đến 63,63% mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Trong khi đó, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng lương hưu là 20 năm, như vậy là còn khá dài, chưa thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của người tham gia, tuy nhiên đời sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh. Đối với BHXH tự nguyện, từ tháng 1-2022 mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng hơn gấp đôi do áp dụng mức chuẩn nghèo nông thôn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng (quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ). Vì vậy, công tác phát triển người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Nhiệm vụ đặt ra

Tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch về thu, phát triển đối tượng, chi các chế độ BHXH, BHYT của BHXH tỉnh Quảng Bình, HĐND thị ủy, UBND thị ủy giao. Tham mưu kịp thời cho thị uỷ, UBND thị ủy để lãnh đạo, chỉ đạo; phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành có liên quan, UBND các xã, phường thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thị xã Ba Đồn.

Tập trung thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Trong đó cần chú trọng tiếp tục kiện toàn hệ thống Đại lý thu BHXH, BHYT, mở rộng việc thu BHXH tự nguyện; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; triệt để khai thác các doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan thuế nhưng chưa tham gia BHXH trên địa bàn thị. Tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT; tập trung vào nhóm đối tượng là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Đồng thời, thường xuyên chủ động thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về số liệu, kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT, đặc biệt là tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN và tình hình lạm dụng quỹ BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở KCB BHYT trên địa bàn thị xã.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN.

Tăng cường công tác kiểm tra và và đề nghị BHXH tỉnh thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành tổ chức kiểm tra liên ngành. Trong đó, tập trung kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp đang cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHTN và các cơ sở KCB tăng chi quỹ KCB BHYT; kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất