Từ con đường huyền thoại đến hành trình đổi mới của Vietcombank (Bài 1)
Đảng bộ Vietcombank Sở giao dịch trong chuyến hành trình Về nguồn 2023 tại Ngã ba Đồng Lộc.

Đảng bộ Vietcombank Sở giao dịch trong chuyến hành trình Về nguồn 2023 tại Ngã ba Đồng Lộc.

Bài 1: Lịch sử những con đường huyền thoại

Nhà thơ Huy Cận đã từng viết: “Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định/ Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba/... Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy/ Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi/ Con sẽ nhớ đến Ngã ba Đồng Lộc”. Thời gian có thể khiến cho chúng ta quên đi những ngã ba trong cuộc đời, nhưng khó ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc.

Ngã ba Đồng Lộc – Cung đường lửa năm xưa

Lùi về quá khứ, Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây trong chiến tranh được mệnh danh là “tọa độ chết”, nơi mà mỗi mét vuông đất đều bị bom đạn cày xới. Khu vực Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba này. Chính vì vậy, đây chính là huyết mạch quan trọng, là “yết hầu” giao thông chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Các tuyến đường vận tải hàng hóa vào miền Nam trong kháng chiến. Ảnh: Tư liệu.

Các tuyến đường vận tải hàng hóa vào miền Nam trong kháng chiến. Ảnh: Tư liệu.

Do có vị trí trọng yếu, con đường độc đạo này đã trở thành vị trí chiến lược, nơi đấu trí, đấu lực giữa ta và địch. Địch luôn tập trung đánh phá để hòng cắt đứt mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tuyền tuyến lớn miền Nam. Với diện tích khoảng 0,6km2, chỉ tính riêng từ tháng 3 đến tháng 10-1968, giặc Mỹ đã trút xuống mảnh đất này gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể bom nổ chậm và mìn sát thương, bình quân mỗi mét vuông đất phải gánh chịu từ 3 đến 5 quả bom các loại (1), đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng lên hố bom. Làm việc và chiến đấu tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc khi đó có nhiều lực lượng như bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích… làm nhiệm vụ cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm bảo đảm an toàn cho những đoàn xe chi viện vào chiến trường miền Nam. Nhiều làng quê Hà Tĩnh đã nhường nhà, nhường vườn làm bãi giấu xe, giấu hàng, sẵn sàng dỡ nhà để lót đường chống lầy cho xe qua. Để giữ cho mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, các lực lượng tham gia chiến đấu tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc ngày đêm bám trụ mặt đường, sống và làm việc dưới làn mưa bom bão đạn, thường xuyên đối mặt với cái chết với tinh thần “Tim có thể ngừng đập nhưng đường phải thông”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”…

Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 người (2) thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường. Trên chiến trường khốc liệt này, đã có nhiều người con yêu dấu của dân tộc ngã xuống và mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Sự hy sinh của các chị là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng cao đẹp của tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

Con đường tiền tệ huyền thoại 

Bên cạnh những con đường đã đi vào lịch sử dân tộc trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa còn có một con đường huyền thoại khác, tuy thầm lặng nhưng cũng hết sức quan trọng, đó là “con đường tiền tệ” để vận chuyển, chi viện nguồn lực tài chính cho chiến trường miền Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Tham gia gánh vác sứ mệnh đặc biệt quan trọng trên “con đường tiền tệ” đó chính là Sở Quản lý ngoại hối Trung ương trực thuộc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tiền thân của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam ngày nay.

Cán bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam làm việc trong thời kỳ kháng chiến. Ảnh: Tư liệu.

Cán bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Tư liệu.

Từ năm 1945 đến năm 1954 được coi là giai đoạn đặc biệt của ngành Ngân hàng khi phải thực hiện nhiệm vụ của mình mà không có trụ sở. Những đồng tiền vẫn như những dòng máu chảy khắp mọi miền từ vùng tự do đến vùng địch tạm chiếm để góp phần giúp người dân tăng gia sản xuất, góp nguồn lực tài chính phục vụ cách mạng. Trong giai đoạn 1954-1975, chúng ta gặp nhiều khó khăn trong nhiệm vụ nhận viện trợ, chế biến và phân phối tiền cho chiến trường miền Nam. Cũng từ đó một đường dây bí mật, một con đường huyền thoại được hình thành để vận chuyển các khoản ngoại tệ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Giữa năm 1965, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, một “Quỹ ngoại tệ đặc biệt” được thành lập với danh nghĩa là Phòng B.29. Trực tiếp điều hành hoạt động của B.29 là ông Mai Hữu Ích, khi đó là Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngoại hối kiêm Phó Chủ tịch Vietcombank. Nhân sự của B.29 đều là đảng viên với một tổ đảng nằm trong Chi bộ Phòng Kế toán và Phòng Ngân quỹ, thuộc Liên chi bộ Cục Quản lý ngoại hối - Vietcombank, trực thuộc Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Để tiến hành các hoạt động của mình như một ngân hàng ngoại hối đặc biệt, B.29 có các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn về giao dịch, thanh toán, kế toán, ngân quỹ. Từ Quỹ này, tiền mặt các loại (chủ yếu là đô-la Mỹ và tiền ngụy Sài Gòn) qua nhiều phương thức và bằng những con đường khác nhau đã được vận chuyển vào miền Nam, tập trung đưa về các vùng căn cứ kháng chiến, sử dụng cho các nhu cầu phục vụ kháng chiến cũng như để mua vũ khí, khí tài và lương thực. Từ B.29 các dòng tiền đã được vận chuyển vào các “mạch máu” của chiến trường miền Nam, hình thành nên một “con đường tiền tệ”, đóng góp vai trò không thể thiếu cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (3).

Với số lượng người ít ỏi, mọi thứ máy móc đều lạc hậu, quá trình vận chuyển thô sơ, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các "chiến sĩ ngân hàng" thực thi các nhiệm vụ trong thầm lặng, bí mật, chấp nhận tất cả những hiểm nguy nơi chiến trường ác liệt. Để bảo đảm “con đường tiền tệ” được an toàn, thông suốt, nhiều cán bộ ngân hàng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên các mặt trận. Sau 10 năm làm nhiệm vụ, các cán bộ chiến sỹ ngành Ngân hàng đã vận chuyển, bảo quản an toàn, cấp phát đầy đủ, đúng quy định số tiền viện trợ lớn cho chiến trường miền Nam. Những đóng góp của cán bộ, chiến sỹ ngành Ngân hàng tuy âm thầm, lặng lẽ nhưng lại là những đóng góp rất quan trọng trong chặng đường lịch sử của “con đường tiền tệ” nói riêng và con đường đi đến chiến thắng của dân tộc ta nói chung.

Đảm nhận nhiệm vụ lịch sử được Đảng và Nhà nước giao phó, cùng với những cán bộ mẫn cán, không quản ngại gian khổ, hi sinh, Vietcombank đã góp phần bảo đảm cho dòng huyết mạch tài chính lưu thông, vừa đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc, vừa làm tròn nhiệm vụ cung ứng ngoại tệ cho chiến trường miền Nam. Những chiến công thầm lặng đó đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 – giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Như một mạch nguồn xuyên suốt thời gian, bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Ngân hàng nói chung và Vietcombank nói riêng đã và đang tiếp tục tạo nên những huyền thoại mới trên con đường tiền tệ.

------------------------------

(1) Thu Hà, Ngã ba Đồng Lộc - Ngã ba lửa, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 10-1988, tr.20.

(2) Bộ Tư lệnh Quân khu 4 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Mặt trận giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu 4 trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, H.2001, tr.272.

(3) Lịch sử Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam 1963-2023, Nxb Thế giới, tr.77.

(Còn nữa...)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất