Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thái Hà - Hồng Vĩnh Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ nhiệm kỳ Đại hội XII và từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực), Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, giải pháp, hành động quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên vẫn còn diễn biến phức tạp, tập trung vào cán bộ có chức, có quyền; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có một số lãnh đạo cấp cao do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng là một trong những việc cần làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

V.I.Lê-nin đã nhiều lần khẳng định căn bệnh tham ô, tham nhũng, hối lộ trong đảng viên và những cán bộ có chức quyền là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Theo V.I.Lê-nin: “Chủ nghĩa quan liêu, tức là đem lợi ích của sự nghiệp phục tùng lợi ích của tư tưởng danh vị, tức là hết sức chú trọng đến địa vị mà không đếm xỉa đến công tác”[1]; còn tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, địa vị công tác để làm lợi cho bản thân. Như vậy, nạn quan liêu và tham nhũng gắn liền với địa vị của người có chức, có quyền. Quan liêu và tham nhũng đều là hành vi lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, gây tổn hại và suy giảm quyền lực nhà nước. Nguyên nhân là do sự thiếu tự giác tu dưỡng, rèn luyện nên đạo đức xuống cấp, không còn giữ được vai trò tiên phong, gương mẫu, trở nên thoái hóa, biến chất của những người làm trong bộ máy công quyền, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nắm giữ tiền của, vật chất, tài sản công. V.I.Lê-nin đặc biệt nhấn mạnh, phải có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với đối tượng tham nhũng là cán bộ của Đảng để làm gương: “Đối với người cộng sản phải trừng phạt nặng hơn gấp ba lần so với những người ngoài đảng”[2]. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, cần chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên giữ những chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Cán bộ và đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách, nêu gương “cần kiệm liêm chính”, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân...". 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn khẳng định vai trò của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người nắm giữ chức vụ, quyền hạn trong việc tự rèn luyện, làm gương để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, chống nạn quan liêu, tham ô, lãng phí. Người chỉ rõ: “Nói về mỗi người chúng ta, nếu hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thế là thiện. Nếu chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không lo đến lợi ích chung của nước nhà, của dân tộc, thế là ác”[3]. Vì vậy, Người đòi hỏi ở mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương sáng cho quần chúng noi theo: “Phải đoàn kết nhất trí, giữ vững đạo đức cần, kiệm, liêm, chính; kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí; hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Chính phủ và pháp luật của Nhà nước”[4]. Người đặc biệt nhấn mạnh là cán bộ, đảng viên thì càng phải làm gương để quần chúng noi theo, chống nạn tham ô, lãng phí: “Mỗi thứ của cải chúng ta làm ra phải tốn bao nhiêu mồ hôi và sức lao động […] Cho nên phải biết giữ gìn của công. Tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân là hành động trộm cắp, mà ai cũng phải thù ghét, phải trừ bỏ […] Cán bộ và đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách, nêu gương “cần kiệm liêm chính”, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân; phải chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh là nguồn gốc sinh ra tham ô, lãng phí”[5]. Người cũng nhắc nhở việc cán bộ, đảng viên không gương mẫu chính là nguyên nhân sinh ra lãng phí, tham ô: “Vì cán bộ và đảng viên không nêu gương mẫu tốt, mà lại nêu gương xấu, cho nên đã sinh ra nhiều lãng phí, tham ô… Có tình trạng như thế là vì nhiều đồng chí cán bộ và đảng viên còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi và chủ nghĩa địa phương, chỉ thấy lợi ích riêng mà không thấy lợi ích chung của Nhà nước”[6], “họ đã không làm kiểu mẫu tốt, mà lại nêu gương xấu”[7]. Hồ Chí Minh liệt kê những vấn đề tiêu cực, những tư tưởng, tác phong xấu cần chống lại là “Chủ nghĩa cá nhân, Quan liêu, mệnh lệnh, Tham ô, lãng phí, Bảo thủ, rụt rè. ...Cán bộ các cấp lãnh đạo, cán bộ các ngành cần phải làm gương mẫu”[8].

Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong mọi mặt của công tác xây dựng Đảng. Đảng xác định: “Mỗi đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng phải đóng vai trò hạt nhân lãnh đạo, nêu gương sáng trong việc học tập tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực để làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy Nhà nước và làm lành mạnh xã hội”[9]. Trong Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 8 khóa VII, Đảng ta chỉ rõ: “Cải cách nền hành chính, làm trong sạch, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước gắn bó mật thiết với nhiệm vụ chống tham nhũng, tiêu cực […] Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là những người có chức quyền, nắm tài sản công không giữ gìn phẩm chất, nêu gương xấu và làm tha hoá bộ máy. Không ít tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên thờ ơ, thậm chí cản trở việc tiến hành cải cách khi bị đụng chạm tới lợi ích cá nhân, cục bộ”[10].

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị cán bộ nghiên cứu Nghị quyết Trung ương 4 khóa VIII, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: “[…] Nhà nước đã ban hành 3 pháp lệnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô; về chống tham nhũng […] các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các cán bộ cao cấp và chủ chốt các cấp phải thực sự nêu gương sáng trong tiết kiệm công quỹ, tiết kiệm tiêu dùng, dành vốn liếng để đầu tư cho sản xuất phát triển”[11]. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định tại Hội nghị Trung ương 3 khóa IX: “[…] trách nhiệm của ủy viên Trung ương trong việc giữ gìn đoàn kết, nếp sống trong sạch, lành mạnh, xây dựng gia đình văn hóa, không để vợ (hoặc chồng), con lợi dụng làm những điều trái quy định của Đảng, luật pháp và chính sách của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng; phải chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu xảy ra ở cấp dưới trực tiếp và ở đơn vị và địa bàn được phân công phụ trách. Quy định đó hết sức cần thiết, vì khi chúng ta cho rằng mỗi đảng viên phải là một tấm gương trong xã hội thì các đồng chí ủy viên Trung ương trước hết phải trở thành tấm gương, tấm gương về cuộc sống cá nhân, tấm gương của gia đình mình, tấm gương trong hiệu quả lãnh đạo đơn vị, địa phương mình […] Một khi mỗi đồng chí ủy viên Trung ương đều có nếp sống trong sạch, gia đình gương mẫu và là trung tâm của sự đoàn kết thì đó sẽ là cơ sở rất quan trọng xây dựng sự đoàn kết và thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí trong đơn vị mình”[12].

Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX nêu rõ thực trạng: “Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa tự giác tự phê bình và phê bình, chưa làm tròn trách nhiệm, chưa nêu gương trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí”[13]. Về trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo trong kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Báo cáo cũng xác định nhiệm vụ: “Tiếp tục kiểm tra uốn nắn việc thực hiện Pháp lệnh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở tất cả các cấp, các ngành. Đòi hỏi cao đối với cán bộ lãnh đạo, nhất là các đồng chí giữ cương vị trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ở Trung ­ương và địa phương, các đồng chí ủy viên Trung ương, bí thư­ tỉnh, thành ủy, bộ trưởng, người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị và các cán bộ lãnh đạo khác phải tự giác rèn luyện, nêu gương cho cấp dưới về sự giác ngộ chính trị, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, sự hy sinh phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Các đồng chí đó phải chịu trách nhiệm trước những khuyết điểm tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong ngành, địa phương, đơn vị mình. Những cơ quan, đơn vị có sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó dù không trực tiếp vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm và chịu hình thức kỷ luật thích hợp”[14].

Báo cáo về công tác xây dựng Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ X thẳng thắn chỉ rõ: “Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa nêu gương, chưa làm tròn trách nhiệm trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Việc xử lý kỷ luật đối với những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, lãng phí ở ngành, địa phương, đơn vị chưa kịp thời, kiên quyết”[15].

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo: “Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí”[16], “trước hết, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và các cán bộ cao cấp của toàn bộ hệ thống chính trị phải là người nêu gương về sự trong sạch, kiên quyết đấu tranh và đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng, lãng phí”[17].

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.

Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí xác định một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng tham nhũng, lãng phí là do: “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, kể cả cấp Trung ương, chưa nêu gương về đạo đức, lối sống, giảm sút sức chiến đấu và thiếu kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Đồng thời, đề ra giải pháp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cụ thể: “Bí thư cấp uỷ, người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải thật sự gương mẫu và dành thời gian thích đáng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”[18].

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng xác định vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí: “Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”[19].

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhận định tình trạng “tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”, “nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”. Nghị quyết xác định quan điểm “Người đứng dầu cơ quan, tổ chức đảng phải chịu trách nhiệm nếu không kịp thời phát hiện hoặc phát hiện mà chậm xử lý đối với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””. Đặc biệt, tại Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương xác định Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.

Nghị quyết Đại hội XIII đã có những bước phát triển mới trong quan điểm, chủ trương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đưa ra những giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Một trong những giải pháp đó là đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên: “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”[20].

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.

Trong hơn 10 năm qua (2012-2022), công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đã ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”[21]. Từ năm 2012 đến nay, đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm [22].

Thực tiễn đó cho thấy có một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, thậm chí giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị đã không nghiêm túc, gương mẫu trong tự rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chạy theo những cám dỗ vật chất, địa vị mà quên đi lời thề với Đảng, với nhân dân, trở thành những “con sâu”, những mầm mống gây hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân đang dày công thực hiện. Thực tiễn đó cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nhìn nhận, tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng bản thân, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận như vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Cục Đăng kiểm Việt Nam, vụ án chuyến bay giải cứu… trong đó đưa ra những hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có liên quan, là lời răn đe, cảnh tỉnh đối với bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa vững vàng về bản lĩnh, còn dao động trước những cám dỗ về vật chất để tự giác soi lại mình. Có thể khẳng định rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, mạnh mẽ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.

Một số giải pháp phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng chưa phải là kết thúc. Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, có sự liên kết, liên thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, đơn vị. Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ Nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực. Trong khi đó, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Điều đó cho thấy, công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của các tổ chức đảng vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của Nhà nước ta còn nhiều bất cập, tạo môi trường, điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực nảy sinh.

Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị phải thường xuyên tự soi, tự sửa, thực hành nêu gương, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Muốn vậy, cần thực hiện tốt các nội dung sau:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, về vai trò, trách nhiệm nêu gương của mình trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thông tin về kết quả điều tra, xử lý các cấp ủy đảng và đảng viên sai phạm, từ đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng. Nghiêm túc quán triệt các quy định của Đảng về vai trò nêu gương của cán bộ như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và mới đây nhất là Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Thứ hai, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, cần thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình trong chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

Người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị chính là người đóng vai trò quan trọng nhất trong định hướng, dẫn dắt, xây dựng văn hóa liêm chính, đóng vai trò quyết định đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cần thường xuyên chỉ đạo quán triệt, đôn đốc triển khai các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãnh đạo cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị kiểm tra, tự kiểm tra việc chấp hành và xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, chỉ đạo xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý, không nể nang, né tránh hoặc bao che, tiếp tay để giữ hình ảnh, thành tích của bản thân, cơ quan, đơn vị.

Chỉ đạo xây dựng và ban hành các văn bản cụ thể hóa quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực áp dụng tại địa phương, cơ quan, đơn vị phù hợp với đặc thù. Tích cực cụ thể hóa, quy định rõ và thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Chỉ đạo xây dựng và thực hiện cải cách hành chính, đổi mới quy trình nghiệp vụ, xây dựng quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, quy tắc nghề nghiệp trong cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong điều hành quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước tại cơ quan, đơn vị theo hướng hiệu quả, tiết kiệm, thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực sử dụng tài sản Nhà nước, sử dụng phương tiện làm việc, đi lại của cơ quan.

Thực hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, chống “chạy chức, chạy quyền”, thực hiện kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

Đối với người đứng đầu cấp ủy của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, điều tra, xét xử, cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác này để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm, các vụ việc phức tạp, được dư luận quan tâm.

Thứ ba, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu, đi đầu, nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn, nguyên tắc trong thi hành công vụ, chịu trách nhiệm về lĩnh vực được phân công. Người đứng đầu phải có tinh thần gương mẫu, luôn ý thực tự tu dưỡng, rèn luyện, tự trau dồi, nâng cao trình độ, đi đầu tuân thủ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, tránh xa các biểu hiện xa hoa, lãng phí, đặc quyền, đặc lợi, chấp hành nghiêm quy định về kê khai tài sản, thu nhập. Cán bộ chủ chốt các cấp cần thường xuyên học tập, bồi đắp tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong lành mạnh, thường xuyên thực hành tự phê bình và phê bình, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, xây dựng văn hóa công bằng, liêm chính trong cơ quan, đơn vị để tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ, đảng viên cống hiến, rèn luyện, làm việc công tâm, khách quan, hết lòng phục vụ.

Mặt khác, người đứng đầu phải có hành động cụ thể trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên thuộc trách nhiệm quản lý, không bao che, dung túng, né tránh trách nhiệm khi phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, người đứng đầu cần chú trọng lắng nghe, tiếp thu, giải quyết các phản ánh về các hành vi tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị mình, đề xuất cấp có thẩm quyền.

Phổ biến, tuyên truyền các nội dung của pháp luật về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, tố giác những hành vi tham nhũng, tiêu cực; chủ động nắm bắt, xử lý những phản ánh, tin báo về hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên; chủ động cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng. Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ quan, đơn vị trong phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Có các hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời, nêu gương điển hình đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị. Bổ sung báo cáo kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu hằng năm. Phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, phát hiện sớm các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.  

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ sống còn để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, phục vụ nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả, phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý. Phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong mỗi cơ quan, đơn vị. Khi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu có ý thức tự soi, tự sửa, gương mẫu đi đầu thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ được thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực.

--------------------------------

[1] V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978, t.8, tr.424.

[2] V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978, t.44, tr.487.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.454.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.IX.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.70.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.195.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.205.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.71.

[9] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 50, tr.123.

[10] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 54, tr.87.

[11] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tập 57, tr.597.

[12] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tập 60, tr.625.

[13] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tập 63, tr.99.

[14] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tập 63, tr.121.

[15] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tập 65, tr.326.

[16] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tập 65, tr.523.

[17] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tập 65, tr.546.

[18] Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-5-2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 BCHTW (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

[19] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.253.

[20] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.183.

[21] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 12-12-2022.

[22] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất