Có phải thật sự vì công việc?
Việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng 26 tuổi giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đang gây xôn xao dư luận.

Vì sao một người tuổi còn rất trẻ, có hai bằng thạc sỹ loại xuất sắc, biết 5 ngoại ngữ, nơi tuyển dụng đánh giá có năng lực, được đề bạt sớm lại không được dư luận đồng tình? Phải chăng bởi quá trình bổ nhiệm ông Hoàng không bình thường?

Ngày 4-6-2014, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ có quyết định tuyển dụng ông Hoàng vào làm việc tại Phòng Nghiên cứu - Tổng hợp thuộc Văn phòng của Ban. Theo quyết định, ông Hoàng được hưởng 85% lương ngạch chuyên viên, thời gian tập sự 12 tháng. Ngày 8-9-2014, chưa đầy 3 tháng sau, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho phép ông Hoàng đi học tiến sỹ tại Nhật Bản. Mặc dù đang học ở nước ngoài, ngày 15-1-2016, ông Hoàng được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ quyết định bổ nhiệm giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế.

Ông Hoàng được tuyển dụng và bổ nhiệm với lý do Ban Chỉ đạo cần người làm việc và ông Hoàng có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu ấy. Nhưng chỉ sau 32 ngày bổ nhiệm, ông lại được Ban Chỉ đạo quyết định cho ông chuyển công tác về UBND TP. Cần Thơ. Sau đó ông Hoàng được UBND TP. Cần Thơ bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm TP. Cần Thơ mặc dù ông vẫn đang học tại Nhật Bản. Với chưa hết thời gian tập sự và 32 ngày giữ cương vị quản lý trên giấy, liệu ông Hoàng đã có thể hoàn thành công việc mà Ban Chỉ đạo cần ông giải quyết? Cần người làm việc sao lại quyết định cho ông chuyển đi nơi khác?

Việc đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào các tiêu chuẩn được quy định về trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức nhưng trước hết là kết quả công việc. Ông Hoàng đã có những kết quả công việc ra sao trong thời gian chưa hết tập sự ấy ngoài những tấm bằng ông được nhận sau quá trình du học và trình độ ngoại ngữ? Việc mời được một số giáo sư, nhà đầu tư đến Cần Thơ tìm hiểu về đầu tư và việc quyết định đầu tư là hai việc khác nhau cũng như trình độ học vấn thể hiện trên bằng cấp và uy tín, năng lực làm việc thực tế, khả năng chuyên môn và khả năng lãnh đạo, quản lý là những vấn đề có nội hàm khác nhau, không phải lúc nào cũng đồng nhất.

Việc ông Hoàng được bổ nhiệm đúng hay sai, được xử lý như thế nào sẽ được các cơ quan chức năng trả lời công khai với công luận. Nhưng có thể thấy việc bổ nhiệm ấy không thật sự vì công việc và nếu đối chiếu với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) thì có dấu hiệu có một trong các biểu hiện “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Đồng thời, Nghị quyết đã xác định giải pháp: “Rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Nhân dân trông chờ các cơ quan chức năng kết luận, xử lý dứt điểm vụ việc gây bức xúc này - một hành động nói đi đôi với làm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất