Tuyên thệ

Sau Đại hội XII của Đảng, thực hiện định hướng trong công tác cán bộ, tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, từ ngày 30-3-2016 đến đến ngày 7-4-2016 Quốc hội đã xem xét, miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và tiến hành bầu đồng chí Nguyễn Thị  Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội, Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước và Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ. Khác với những lần trước, lần này cả ba đồng chí đã tuyên thệ nhận chức trước Quốc hội và nhân dân cả nước. Tuyên thệ là lời hứa nhận và thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao, có sức mạnh nội tâm khiến Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ ý thức sâu sắc trách nhiệm cá nhân trước trọng trách mới vô cùng trọng đại đầy vinh dự, nhưng cũng rất nặng nề.

Tuy cương vị khác nhau nhưng cả ba đồng chí đều có nét chung trong lời tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nguyện nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, bức xúc, bội chi ngân sách, nợ công cao, sử dụng vốn ODA chưa hiệu quả, bộ máy tổ chức cồng kềnh, tham nhũng, tiêu cực, tình trạng các thủ tục hành chính, an toàn vệ sinh thực phẩm khiến dư luận rất bất bình...

Thực hiện lời tuyên thệ có nghĩa là phải tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, khắc phục những hạn chế trên, chuyển đổi từ Nhà nước điều hành sang Nhà nước kiến tạo phát triển - Nhà nước không làm thay dân, mà tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân tự do mưu cầu hạnh phúc. Khi mỗi người dân Việt Nam có điều kiện làm ăn dễ dàng, có năng lực làm chủ cuộc sống và sáng tạo tương lai ắt hẳn sự giàu có và thịnh vượng bền vững sẽ có trên đất nước ta.

Có nghĩa là phải xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Pháp luật trước hết ràng buộc Nhà nước và các cơ quan công quyền. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng cán bộ, công chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Áp dụng các chế tài của pháp luật không thể nặng với dân, nhẹ với cán bộ vì bất kỳ lý do nào.

Có nghĩa là phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài. Một cơ chế để người tài được tuyển chọn. Chế độ trách nhiệm rõ ràng buộc những người đứng đầu phải chọn cho được người tài, không có người tài khó hoàn thành công việc.

Có nghĩa là phải phải bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Nhà nước, hạn chế tham nhũng. Bộ máy công quyền hoạt động chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.

Có nghĩa là phải mở rộng dân chủ, bảo đảm người dân tích cực, hăng hái tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Mở rộng dân chủ xác lập được chế độ trách nhiệm trước dân và hệ thống khuyến khích phục vụ nhân dân. Chính sự tham gia của người dân làm cho chính sách, pháp luật gần với cuộc sống, phản ánh đúng ý nguyện và lợi ích của người dân. Đây chính là nền tảng đoàn kết toàn dân, chung tay xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.

Tuyên thệ còn có nghĩa là nói đi đôi với làm, gương mẫu hành động. Đất nước đang có những tín hiệu chuyển động mới từ cán bộ do Đảng phân công. Từ thành công và hạn chế trong hoạt động của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong các nhiệm kỳ qua sẽ là bài học cho các đồng chí đương chức hôm nay. Nhân dân kỳ vọng Đảng, Quốc hội kiện toàn đội ngũ các bộ trưởng đúng người, đúng việc – một điều kiện quan trọng để Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thực hiện được lời tuyên thệ. Không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu chỉ có nhà lãnh đạo nhưng thiếu một đội ngũ cán bộ hoạch định chiến lược giỏi, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tinh thần yêu nước mãnh liệt, tận tuỵ và tâm huyết với sự phát triển kinh tế của đất nước, luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, có quyết tâm cao nhất trong việc phát triển và đưa đất nước chuyển mình, cất cánh. 

Phản hồi (1)

Nguyễn Văn Giang 24/04/2016

Bài viết rất chí lý. Nhưng thực hiện tuyên thệ mới là quan trọng. Hy vọng là tình hình đất nước sẽ tốt đẹp hơn.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất