Vai trò của “Tam nông” trong sự phát triển toàn diện, vững chắc của tỉnh Bắc Giang giai đoạn mới ​
Thu hoạch vườn vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tại Lục Ngạn, Bắc Giang. (Ảnh: TTXVN)

Thu hoạch vườn vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tại Lục Ngạn, Bắc Giang. (Ảnh: TTXVN).

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị

Vận dụng sáng tạo quan điểm, chỉ đạo của Bộ Chính trị "Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc", Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, các địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh cần tiếp tục triển khai giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí, với đích đến là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Bắc Giang về xây dựng nông thôn mới là cùng với việc tập trung xây dựng cơ sở vật chất khang trang, bộ mặt nông thôn đổi mới thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải nâng cao đời sống của người dân. Vì vậy, để nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở của Bắc Giang cũng xác định rõ vai trò chủ thể của người dân, Nhà nước hỗ trợ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 26-NQ/TW và các Kết luận có liên quan của Bộ Chính trị, giai đoạn 2008-2021, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 30 nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo thực hiện nghị quyết, kết luận; chỉ đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành 210 chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách triển khai thực hiện, đảm bảo kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, được các địa phương và người dân đồng tình, hưởng ứng, như: Chính sách hỗ trợ khuyến khích dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu (toàn tỉnh hiện đã dồn điền, đổi thửa được 16.962ha, xây dựng được 165 cánh đồng mẫu với tổng diện tích là 5.159ha); chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả; trong đó trồng trọt 332 mô hình, chăn nuôi 200 mô hình, thủy sản 210 mô hình, lâm nghiệp 24 mô hình); chính sách hỗ trợ phát triển vùng rau chế biến, rau an toàn góp phần đưa diện tích rau chế biến, rau an toàn toàn tỉnh đạt 8.800ha; chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn (đã cứng hóa được tổng số 4.213km, trong đó: đường trục thôn 3.345km, đường liên thôn 401km và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn 467km); chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình ở các xã xây dựng nông thôn mới (toàn tỉnh đã huy động được 4.742 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa và dân đóng góp đạt khoảng 1.188 tỷ đồng (chiếm khoảng 25%),...

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư thỏa đáng cho công tác quy hoạch, chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng mới, rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh đang gấp rút hoàn thiện và chuẩn bị trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch tích hợp tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch năm 2017. Các quy hoạch được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của tỉnh, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đất đai, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gắn với khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, giúp nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục có bước phát triển khá toàn diện, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh được quan tâm đầu tư, một số sản phẩm từng bước tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại, coi trọng giá trị gia tăng; hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực tập trung theo quy hoạch; xuất hiện nhiều mô hình hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; một số nông sản chủ lực của tỉnh đã được xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,...; ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2021 (theo giá so sánh 2010) đạt 21.430 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2008, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 18.981,1 tỷ đồng, gấp 3,8 lần; lâm nghiệp đạt 1.153,2 tỷ đồng, gấp 7,9 lần; thủy sản đạt 1.295,7 tỷ đồng, gấp 9,8 lần so với năm 2008.

Nhiều kết quả bứt phá, ấn tượng

Qua tổng kết nhiệm kỳ 2015-2020, Bắc Giang đã có sự phát triển bứt phá, đạt nhiều kết qua ấn tượng trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế (tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 13,8%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; quy mô nền kinh tế vươn lên thứ 16 cả nước... Đóng góp vào thành tích chung đó có vai trò hết sức quan trọng của ngành Nông nghiệp.

Kinh tế tỉnh Bắc Giang đạt nhiều kết quả ấn tượng trong những năm gần đây

Kinh tế tỉnh Bắc Giang đạt nhiều kết quả ấn tượng trong những năm gần đây.

Phát huy lợi thế đặc thù về điều kiện địa hình đa dạng, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi của vùng trung du, miền núi, Bắc Giang đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp đa dạng. Giá trị sản xuất bình quân đất sản xuất nông nghiệp đạt 110 triệu đồng/ha. Tỉnh đã xây dựng được 766 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 56 sản phẩm nông sản chủ lực đặc trưng và 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; chăn nuôi đa dạng cả chăn nuôi gia súc, gia cầm, tổng đàn lợn và gà đứng thứ 4 toàn quốc…

Nông nghiệp trở thành ngành sản xuất quan trọng, đóng góp 17,5% GDP của tỉnh (năm 2020); góp phần ổn định cuộc sống của dân cư nông thôn; cung cấp nhu cầu lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu với số lượng và chất lượng ngày càng tăng; là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh phát triển mạnh mẽ, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Qua tổng kết đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 67,4% tổng số xã trong tỉnh, vượt xa mục tiêu Đại hội. Tỉnh có 3 huyện (Việt Yên, Lạng Giang và Tân Yên) đạt huyện nông thôn mới trước kế hoạch. Hiệu quả từ phong trào xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực đến đời sống người dân, làm thay đổi diện mạo của vùng nông thôn.

Khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ngày càng phát triển năng động với dân số đông và nhu cầu cơ giới hóa, hiện đại hóa ngày càng tăng. Khu vực này sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa đa dạng về chủng loại, số lượng, chất lượng của các ngành công nghiệp, dịch vụ, như: máy móc, thiết bị cơ điện nông nghiệp, máy cấy, máy gặt, đập, phân bón, hóa chất, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Với những kết quả tích cực trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW cùng với quan điểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, Tỉnh uỷ Bắc Giang đã đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Cụ thể, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển một cách bền vững và mang lại thu nhập cao cho nông dân. Trước hết, từ nay đến năm 2025, Bắc Giang phấn đấu có khoảng 50% số hợp tác xã nông nghiệp có các hoạt động ứng dụng công nghệ cao; trong đó, tối thiểu 1/3 hợp tác xã có các ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: công nghệ sinh học, gen, vi sinh, công nghệ tự động hóa, các công nghệ khác trong sản xuất tưới phun sương, tưới nhỏ giọt; ứng dụng nhà lưới, nhà kính; ứng dụng trong bảo quản, chế biến nông sản; công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi…

Đồng thời gắn với phát triển kinh tế - xã hội, hiện đại hoá nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn sản xuất và chế biến tiêu thụ và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.

Tỉnh Bắc Giang quan tâm đầu tư và khai thác, phát triển các công trình văn hóa, du lịch

Tỉnh Bắc Giang quan tâm đầu tư và khai thác, phát triển các công trình văn hóa, du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường, vững mạnh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, đảm bảo phát triển hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới.

Tỉnh uỷ Bắc Giang sẽ triển khai 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nay đến 2025 và 2030, tầm nhìn 2045, cụ thể: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại bền vững; Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn; Xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, cải thiện nhanh điều kiện sinh sống ở các vùng nông thôn; Nâng cao toàn diện thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư, đảm bảo công bằng xã hội ở nông thôn; Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn; Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách và tổ chức sản xuất gắn với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nông thôn; Thúc đẩy tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao nhanh trình độ khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất