Nghĩ về công tác giám sát trong Đảng hiện nay

Từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành nhiều phiên họp, xem xét nhiều vụ việc, nhiều biện pháp kỷ luật đã được Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện kịp thời, đem lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, hầu hết đều nhằm vào xử lý các vụ việc xảy ra từ trước. Trong khi đó, các thành ủy, tỉnh ủy, huyện, thị ủy... chưa thấy “động tĩnh” được mấy. Ở đây đặt ra vấn đề năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng? Điều này cũng hạn chế nhiều đến công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng.

Thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra và xử lý kỷ luật nghiêm minh một số cán bộ, đảng viên vi phạm, có người còn bị Tòa án nhân dân đưa ra xét xử, tuyên những bản án “đúng người đúng tội”, nhưng xem ra nhiều vụ tham nhũng, nhiều việc làm “bất tuân thượng lệnh”  vẫn ngang nhiên và tiếp tục xảy ra, khiến dư luận rất trăn trở, bức xúc. Chính phủ ra lệnh “đóng cửa rừng” thì rừng tiếp tục bị tàn phá với quy mô ngày càng lớn. Đảng, Nhà nước đề ra kê khai tài sản thì người kê khai thực hiện một cách hình thức, hoặc biến tướng trong kê khai, vấn nạn “chạy chức chạy quyền”, “tham nhũng vặt” vẫn được nhắc đến hằng ngày…

Là một đảng viên đã từng làm công tác ở các ban của đảng, sinh hoạt ở nhiều loại hình tổ chức cơ sở đảng, được chỉnh huấn chính trị, được học tập và thực hiện các cuộc vận động bảo vệ Đảng, phấn đấu trở thành đảng viên “bốn tốt”, đã từng thi hành Thông tri 22 và Chỉ thị 192 về đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng…  Giờ nghỉ hưu, sinh hoạt ở chi bộ nông thôn, luôn tâm huyết với Đảng, với tình hình đất nước, tôi xin đề xuất một số ý kiến về công tác giám sát trong Đảng:

Thực hiện nghiêm túc “Quy định về những điều đảng viên không được làm và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, nên chăng cần cụ thể hóa bằng những khẩu hiệu có vần dễ hiểu, dễ nhớ để cán bộ, đảng viên đều thực hiện thường xuyên, lâu dài hoặc một thời gian nhất định, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc, đang cần giải quyết ở địa phương.

Cùng với giám sát thường xuyên bằng phương pháp giám sát trực tiếp và gián tiếp, cấp ủy đảng cần kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có dấu hiện vi phạm bằng cách xem xét 3 bất minh sau: lý lịch bất minh, quan hệ bất minh và sinh hoạt bất minh.

Nhớ lại, năm 1966, Huyện ủy Quốc Oai mở hội nghị cán bộ toàn huyện học tập và triển khai công tác bảo vệ Đảng. Đồng chí Phạm Văn Khảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tây lúc đó về giảng bài cho hội nghị về chủ trương, biện pháp bảo vệ Đảng, đi sâu thường xuyên giám sát theo ba mặt bất minh nói trên.

Kết quả, toàn huyện đã triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ Đảng, tạo chuyển biến về tư tưởng và tổ chức. Những cán bộ, đảng viên có “lý lịch bất minh” đã được xem xét, giải quyết một cách khách quan, khoa học và xử lý một cách nghiêm túc, công bằng. Những trường hợp “quan hệ bất minh” và “sinh hoạt bất minh” đã được từ các tổ đảng đến các chi bộ, qua sinh hoạt tự phê bình và phê bình chỉ rõ, uốn nắn, ngăn chặn kịp thời. Tổ chức đảng trong sạch, từng bước vững mạnh, đã thiết thực chuẩn bị và tiến tới đại hội đại biểu đảng bộ huyện (5-1966) là đại hội làm tốt 3 việc lớn: góp sức người và của cải cho tiền tuyến; xây dựng và chiến đấu ở hậu phương; giữ vững đời sống nhân dân trong thời chiến và nghị quyết “Bám sát đồng ruộng gắn bó với dân”.

Với việc chú trọng giám sát ba mặt bất minh này, đồng nghĩa với việc các tổ chức đảng cần thường xuyên coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú ý đến lý lịch chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên; quan tâm đến cán bộ, đảng viên của mình thì sẽ nắm bắt và giải quyết tốt các vấn đề chính trị hiện nay ở mỗi cán bộ, đảng viên.

Để quản lý tốt cán bộ, đảng viên, ngăn chặn ba mặt “bất minh”, những năm ấy, Tỉnh ủy Hà Tây còn đề ra: cán bộ, đảng viên mỗi khi cưới vợ (hoặc gả chồng) cho con, làm nhà, hay tổ chức việc hiếu đều phải báo cáo với cấp ủy chi bộ nơi mình sinh hoạt đảng. Qua đó, cấp ủy quan tâm tạo điều kiện, nắm nguồn lực tài chính, quy mô tổ chức, góp ý kiến sao cho việc thực hiện đúng với phong tục tập quán, tiết kiệm, hạn chế vụ lợi… Nhìn chung, thời kỳ này đa số cán bộ, đảng viên đều thực hiện được, để lại những ảnh hưởng tốt trong nhân dân.

Tuy vậy, dần dần những quy định này không còn được thực hiện tốt nữa, những việc hiếu, hỉ của gia đình nhiều khi đã “biến tướng”, trở thành bình phong hợp thức hóa cho những việc vụ lợi cá nhân.

Vậy nên chăng trong việc thực hiện “Quy định về những điều đảng viên không được làm” và “Quy định về giám sát trong Đảng”, cần trở lại việc quản lý đảng viên chặt chẽ hơn, có như thế cấp ủy các cấp mới có thể nắm tốt các vấn đề liên quan đến cán bộ, đảng viên thuộc cấp mình quản lý.

Để giải quyết những vấn đề “nóng hổi” đang xảy ra ở địa phương như: sử dụng tiền tập thể sai mục đích, chiếm hữu ruộng, nợ nần tập thể, lập quỹ đen,… năm 1969, Tỉnh ủy Hà Tây chỉ đạo làm điểm ở các xã yếu kém thuộc huyện Chương Mỹ. Sau đó, Tỉnh ủy mở hội nghị tổng kết, ra Nghị quyết số 15 (tháng 12-1969), phát động toàn tỉnh “chuyển mạnh xuống cơ sở, đi sâu vào sản xuất”. Nghị quyết yêu cầu cán bộ lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh xuống các huyện, thị xã phải thực hiện “tay nắm ngành, tay nắm xã”, dành nhiều thời gian đi cơ sơ, phát động quần chúng tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, phê phán những biểu hiện tư lợi, hữu khuynh, tự do vô kỷ luật; vận động quần chúng tham gia giải quyết những vấn đề “nóng” ở địa phương. Nghị quyết yêu cầu cán bộ tỉnh, huyện xuống giúp cơ sở thực hiện khẩu hiệu “ba thanh, bốn cấm, hai đi”. “Ba thanh” là: thanh toán ruộng làm riêng sai chính sách; thanh toán tài chính tham ô và nợ nần; thanh toán cán bộ, đảng viên biến chất. “Bốn cấm” là: cấm lập quỹ đen; cấm đặt ra các chế độ trái với quy định; cấm lấy tiền, thóc của tập thể để liên hoan, chè chén; cấm “móc ngoặc” để mua hàng nhà nước trái phép. “Hai đi” là: tất cả đảng viên phải đi lao động (không xách túi “chạy quanh” hợp tác xã); tất cả cán bộ phải đi xuống cơ sở.

Đầu thập niên 70 ở Hà Tây, một không khí đi cơ sở, đi lao động sản xuất diễn ra sôi nổi ở các làng, xã, trên đồng ruộng. Tất cả đã góp phần đưa phong trào cách mạng của quần chúng trong tỉnh phát triển mạnh mẽ. Năm 1972, Hà Tây trở thành tỉnh “năm tấn”, đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của giặc Mỹ, kịp thời giúp đỡ đồng bào, khu phố Khâm Thiên dựng lại nhà cửa sau khi bị máy bay B52 của Mỹ tàn phá nặng nề.

Giờ đây, những vi phạm về ruộng đất lại đã và đang diễn ra ở dồn điền đổi thửa, đấu giá quyền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng…. Việc sử dụng quỹ công vào việc cá nhân, cán bộ xa rời cơ sở, quan liêu, mệnh lệnh khiến người dân dần mất niềm tin vào Đảng. Vậy nên, những cuộc vận động “chuyển mạnh xuống cơ sở” và thực hiện những khẩu hiệu hành động vẫn là cách làm thiết thực để thực hiện tốt công tác giám sát thường xuyên trong Đảng, giám sát trực tiếp và gián tiếp cán bộ, đảng viên, thực hiện tốt Quy định số 86QĐ/TW về giám sát trong Đảng. Bởi lẽ, phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất