Về nhất thể hóa tổ chức, tinh giản biên chế
Hội nghị Trung ương 6 khóa XII quyết định nhiều vấn đề quan trọng đến sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Quan điểm của V.I.Lê-nin về vấn đề này là: Muốn cho bộ máy nhà nước có thể đạt được trình độ mong muốn thì phải tôn trọng quy tắc chỉ hành động khi đã suy nghĩ chín chắn, thận trọng và am hiểu cặn kẽ, phải đi những bước vững chắc “thà ít mà tốt”. Một trong những câu hỏi mà Lê-nin trăn trở là: Tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế? Bên cạnh đó, sau mấy năm cầm quyền, quyền lực trong Đảng Cộng sản Nga ngày càng có xu hướng tha hóa. Sự tha hóa này diễn ra không chỉ ở các tổ chức, cá nhân trong Đảng, mà đáng lưu ý và nguy hại là từ không ít các đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước. Đây là điều V.I.Lê-nin trăn trở và tìm kiếm biện pháp khắc phục. Chính vì vậy, công tác kiểm tra của Đảng đã được bàn tới nhiều, coi đây là công tác quan trọng của Đảng nhằm khắc phục căn bệnh độc đoán, chuyên quyền, tha hóa quyền lực trong hoạt động của các tổ chức, cá nhân đảng viên - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thiếu dân chủ trong Đảng. Đặc biệt, Lê-nin yêu cầu cần phải hợp nhất hai cơ quan kiểm tra của Đảng và Thanh tra Nhà nước làm một. Việc hợp nhất hai cơ quan đó vừa có tác dụng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát  sẽ có hiệu quả hơn, vừa làm cho bộ máy bớt cồng kềnh.

Sau thảm họa Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã nghiên cứu tìm ra nguyên nhân của thảm họa này. Có nhiều nguyên nhân, trong đó, một vấn đề nổi bật và cũng có thể coi là khuyết điểm phổ biến kéo dài ở nhiều nước XHCN là sự trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng và chính quyền. Đó là: 1) Do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ mà gây ra sự lãng phí cán bộ, tăng biên chế, lãng phí công sức, gây phiền nhiễu cho người dân. 2) Do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ mà khó xây dựng được một hệ thống chính quyền từ trên xuống dưới một cách chặt chẽ, tổ chức chính quyền lại khó phát huy hiệu lực, hiệu quả, thậm chí có lúc, có nơi, chức năng, quyền lực của chính quyền bị tha hóa hoặc thụ động vì phụ thuộc vào tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy. 3) Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy lạm dụng quyền lực, làm thay việc của chính quyền vì thế trở nên vụn vặt, làm suy yếu sự lãnh đạo về mặt chính trị của tổ chức đảng, đồng thời người đứng đầu chính quyền với người đứng đầu cấp ủy đảng dễ mâu thuẫn, mất đoàn kết. 4) Bởi cấp ủy đảng làm thay, ôm đồm, thậm chí “lấn sân” chính quyền cho nên nhiều khi người dân chỉ biết có tổ chức đảng, không biết có chính quyền, người dân chỉ biết có nghị quyết của cấp ủy đảng mà ít biết hoặc không tôn trọng pháp luật của Nhà nước.   

Từ bài học của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, đặt ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ, nhất là trong bối cảnh Trung ương Đảng ta họp bàn, quyết định chủ trương tinh giản tổ chức, biên chế ở nước ta. Tình hình nước ta hiện nay không giống nước Nga sau chiến tranh thế giới thứ nhất và có rất nhiều khác biệt so với thời Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, nhưng có nhiều bài học để chúng ta tham khảo, nhất là việc nhất thể hóa tổ chức, bộ máy theo tinh thần “thà ít mà tốt”. 

Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và đã có những chủ trương, chính sách nhằm giảm bớt, thu gọn đầu mối, tầng nấc trung gian, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, tinh giản biên chế trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, những chủ trương, chính sách về vấn đề này vẫn không đạt kết quả như mong muốn, thậm chí lại có xu hướng phình to, đông hơn. Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã nói rõ: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý; tổ chức bộ máy của mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới; tổ chức và biên chế ngày càng phình to...”.

Trung ương đã cho phép một số địa phương thực hiện thí điểm và cho đến nay đã thu được nhiều kết quả, kinh nghiệm quý báu, tiêu biểu là tỉnh Quảng Ninh đã làm có nhiều kết quả tốt. Phải chăng, việc nhất thể hóa tổ chức, bộ máy của ta cần thực hiện theo hướng chính là:

Thứ nhất, Trung ương Đảng, Chính phủ có cơ chế, chính sách giao cho các địa phương có quyền tự chủ, tự quyết định việc tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị thuộc quyền lãnh đạo, chỉ đạo sao cho tinh gọn, hiệu quả, trong đó có vấn đề nhất thể hóa các tổ chức, cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Giảm bớt những tổng cục, các cục, vụ, viện trong ban, bộ, ngành, đồng thời tách bạch hẳn các đơn vị sự nghiệp công ra khỏi biên chế nhà nước. Từ nhất thể hóa tổ chức, bộ máy ắt sẽ giảm đầu mối, kéo theo việc giảm người ăn lương, phụ cấp nhà nước. Đối với những vùng, miền, đối tượng, cộng đồng dân cư ở vùng sâu, vùng xã, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn cần có chủ trương, chính sách đặc thù phù hợp.

Thứ hai, Trung ương có cơ chế khoán biên chế, khoán quỹ lương để các địa phương, cơ sở chủ động bố trí cán bộ và trả lương cho các cán bộ, công chức, viên chức theo công việc, tạo sự cạnh tranh. Thi tuyển công bằng. Đồng thời, Nhà nước cần có một nguồn ngân sách để chi trả cho những cán bộ, công chức, viên chức ra khỏi bộ máy, chuyển đổi việc làm.

Thứ ba, chỉ có một số vị trí nhất định trong tổ chức, bộ máy được xác định ổn định biên chế. Phần lớn cán bộ, công chức, viên chức sẽ thực hiện chế độ hợp đồng lao động có cạnh tranh, đào thải qua thi sát hạch và sàng lọc hằng năm hay theo nhiệm kỳ công tác, từ đó sẽ khắc phục tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, ung dung tự tại cho dù không hoàn thành tốt công việc được giao.

Thứ tư, cần rà soát các ban tham mưu của Trung ương Đảng, các đảng đoàn, ban cán sự đảng các tổ chức chính trị-xã hội, các bộ, ngành, cấp ủy đảng các địa phương để nhất thể hóa cho phù hợp. Các tổ chức, cấp ủy đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cần gương mẫu, tiên phong trong sắp xếp, cải tiến, tinh giản biên chế theo tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.       

Việc xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng nâng cao năng lực, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất