Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh


Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn sâu về lịch sử, văn hóa, tâm linh, di sản, mỹ thuật, kiến trúc, thủy lợi, môi trường….

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, sông Tô Lịch từng là một nhân chứng lịch sử quan trọng, có giá trị to lớn về nhiều mặt đối với Thủ đô, tuy nhiên, dòng sông hiện nay đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự ô nhiễm. Nếu không có quyết tâm chính trị cao và giải pháp đúng đắn, khoa học, có khả năng sông Tô Lịch sẽ trở thành dòng sông “chết”.

Đồng chí Phan Xuân Dũng cho biết thêm, trong nhiều năm qua, Trung tâm Dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học - công nghệ và Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật - Việt đã nghiên cứu đề ra nhiều giải pháp để hồi sinh dòng sông.

Trước đó, ngày 20-5-2022, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ra Thông báo số 21/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn với nội dung “Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan khẩn trương báo cáo UBND TP. Hà Nội về đề xuất ý tưởng “Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật - Việt và đối tác Nhật Bản; đề xuất định hướng giải pháp quy hoạch cải tạo tổng thể sông Tô Lịch, báo cáo UBND thành phố”.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, trong hệ thống thoát nước của Hà Nội, lưu vực sông Tô Lịch là khu vực có mật động dân cư rất cao, có tốc độ đô thị hóa rất mạnh. Nước thải sinh hoạt quanh đó đều đổ ra khu vực sông Tô Lịch, khiến dòng sông như một con kênh thoát nước thải, tình trạng ô nhiễm đang rất nghiêm trọng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tại Hội thảo.

Gần đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có xác định nội dung cụ thể là xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là trong lưu vực sông Tô Lịch. Nhằm triển khai Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Thành phố đã họp và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành nghiên cứu, tiếp cận tổng thể để xử lý những vấn đề liên quan đến sông Tô Lịch, để có thể giữ được nét văn hóa lịch sử của dòng sông, vừa giải quyết được vấn đề ngập úng, thoát nước và xả thải; tạo được những giá trị không gian cảnh quan cho Thủ đô.

Trước đây, Thành phố đã triển khai dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường giai đoạn 1 và giai đoạn 2 dùng nguồn vốn ODA của Nhật Bản do JAICA tài trợ bao gồm cải tạo hạ tầng thoát nước khu vực nội thành, cải tạo kè và công trình hạ tầng kỹ thuật dọc sông Tô Lịch; xây dựng khu công trình đầu mối trạm bơm Yên Sở… Hiện nay, Thủ đô đang triển khai xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô”, trong đó có sông Tô Lịch…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng cho biết, Thành phố cũng đã nghiên cứu đề xuất của JVE gồm giải pháp xây dựng cảnh quan, xử lý ô nhiễm nước, thoát nước, chống ngập, tránh ùn tắc giao thông. Đề xuất này hướng tới 3 mục tiêu: phục hồi, phát triển không gian kiến trúc cảnh quan sông Tô Lịch lịch sử; giải pháp xử lý thoát nước công nghệ cao; tổ chức triển khai tuyến giao thông ngầm dọc sông Tô Lịch. Đây là ý tưởng có quy mô rất lớn, đổi mới về mặt công nghệ nên cần phải đặt ra những yêu cầu tổng thể về quy hoạch và nguồn lực, cơ chế, chế tài…

“Những nội dung tích cực này rất đáng được hoan nghênh và sẽ được Thành phố nghiên cứu triển khai. Tuy nhiên vẫn phải tiếp tục nghiên cứu rất kỹ cơ chế đầu tư, hình thức, hiệu quả đầu tư. Đề nghị JVE hoàn thiện đề xuất xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa, lấy thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hoàn chỉnh đề án…”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất