Thủ tướng nhấn mạnh 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong tình hình mới

Tại đây, đồng chí Trần Văn Sơn đã thông tin, sáng 3-8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về: tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022; công tác phòng, chống dịch; chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình giải ngân vốn đầu tư công.

Nhiều vấn đề tồn đọng, kéo dài được chỉ đạo giải quyết

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tới báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2022 - Ảnh: VGP.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, về tình hình KT-XH, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tiếp nối đà phục hồi và phát triển của 6 tháng đầu năm, KT-XH tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ. Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất, tỷ giá duy trì hợp lý. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi; xuất đủ nhập; cung - cầu lao động, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm).

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ; chỉ số IIP tháng 7 tăng 1,6% so tháng trước, tăng 11,2% so cùng kỳ và 7 tháng tăng 8,8% (trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%); 61/63 tỉnh, thành phố có chỉ số công nghiệp 7 tháng tăng. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng thủy sản 7 tháng tăng 2,4 %. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản đạt 32 tỷ của đô-la Mỹ, xuất siêu 6,3 tỷ đô-la Mỹ, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ; an ninh lương thực được đảm bảo, xuất khẩu 4,2 triệu tấn gạo.

Hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng tăng 16%. Khách quốc tế tháng 7 đạt trên 352 nghìn lượt, tăng 49% so với tháng 6; 7 tháng đạt gần 1 triệu lượt (gấp 10 lần cùng kỳ). Xuất nhập khẩu 7 tháng đạt gần 432 tỷ đô-la Mỹ (tăng 14,8%), xuất siêu 764 triệu đô-la Mỹ. Vốn FDI thực hiện 7 tháng đạt 11,57 tỷ đô-la tăng 10,2%, cao nhất giai đoạn 2018-2022.

An sinh xã hội được bảo đảm. Các hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, khó khăn, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả ở tất cả các địa phương.

Trên cả nước, các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, thiết thực, thể hiện truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của dân tộc và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tổ chức hiệu quả, an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Thông tin truyền thông được tăng cường; kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm, chống phá Đảng, Nhà nước… Nhiều vấn đề tồn đọng, kéo dài được chỉ đạo giải quyết.

Trên cơ sở đó, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế uy tín đã đánh giá cao kết quả đạt được và triển vọng phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: xếp hạng tín nhiệm quốc gia; đà phục hồi kinh tế; chỉ số "Chất lượng sống"… Việt Nam vừa được bầu là thành viên Ủy ban Liên chính phủ - cơ chế điều hành, giám sát việc thực hiện Công ước 2003 - nhiệm kỳ 2022-2026 của UNESCO, với số phiếu cao.

Toàn cảnh phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 .

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt: Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là do giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Số ca mắc COVID-19 tăng do sự xuất hiện của biến chủng mới; tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Thiên tai diễn biến phức tạp; đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2022, kết nối trực tuyến tới các địa phương - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không

Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, nhấn mạnh trong bối cảnh thách thức và thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thử thách vẫn nhiều hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Tinh thần chung là phải hết sức bình tĩnh, chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khoa học, có hiệu quả, đề ra các chính sách khả thi, phù hợp với bối cảnh tình hình; gắn liền với phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tập thể lãnh đạo, vì nhân dân phục vụ.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung thực hiện: "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" trong chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH thời gian tới, cụ thể:

Bốn “ổn định” gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ba “tăng cường” gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vắc-xin; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính. Việc tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả rất có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ hiện nay.

Hai “đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân cùng với tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công và công tác quy hoạch.

Một “tiết giảm” là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.

Một “kiên quyết không” là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột từ cực này sang cực kia mà luôn chủ động, khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 9 trọng tâm chỉ đạo, điều hành và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tình hình mới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ bao gồm:

(1) Tập trung công tác hoàn thiện thể chế theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; triển khai, thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội.

(2) Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

(3) Tập trung thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

(4) Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.

(5) Chú trọng phát triển văn hoá xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hoà với phát triển kinh tế.

(6) Tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

(7) Đẩy mạnh công tác đối ngoại, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

(8) Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

(9) Tăng cường thông tin - truyền thông, tạo động lực, cảm hứng và niềm tin cho nhân dân, ngăn chặn, vô hiệu hóa các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, sai sự thật, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; các cơ quan báo chí và truyền thông phải có kế hoạch truyền thông cụ thể, bài bản, chuyên nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát đã dũng cảm hy sinh trong vụ cháy gần đây tại Hà Nội, đồng thời nhắc nhở các địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân, trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy.

Về công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mặc dù tình hình trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát, song dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới do các biến thể mới; Tổ chức Y tế Thế giới nhận định dịch COVID-19 thời gian tới vẫn diễn biến khó lường. Vì vậy, các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Từ kinh nghiệm "xương máu" trong chống dịch, Thủ tướng nêu rõ, cần xác định vắc-xin vẫn là vũ khí chiến lược, lá chắn hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, phải tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng (mũi 3, 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; mũi 2 cho trẻ 5-12 tuổi).

Trong bối cảnh tình hình mới, biến đổi rất nhanh, phức tạp, khó dự báo, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là hết sức nặng nề, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, thống nhất của tập thể lãnh đạo, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc tốt hơn, hiệu quả hơn trên tinh thần bám sát thực tiễn và trên cơ sở thực tiễn để xây dựng, đề ra các mục tiêu và giải pháp phù hợp, khả thi, có hiệu quả.

Tại buổi họp báo, đại diện các bộ, ngành cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến những vấn đề được dư luận quan tâm như: giải pháp kiểm soát giá tiêu dùng, lộ trình giảm giá xăng dầu thời gian tới; việc thiết kế chương trình giáo dục phổ thông khi môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc; lộ trình sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước; Quan điểm của Bộ Nội vụ về vấn đề Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan không có chuyên môn y tế và phương án trình nhân sự bầu Bộ trưởng Bộ Y tế tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; vấn đề tiền số hóa tại Việt Nam và việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền; kết quả tiêm mũi 4 vắc-xin COVID-19; nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam và biện pháp phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất