Giới thiệu Tạp chí Xây dựng Đảng in số 10-2023

Mở đầu chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm là trang trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đánh giá và quản lý cán bộ giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ về đánh giá, xem xét, quản lý, cất nhắc cán bộ: Phải biết rõ cán bộ - Từ trước đến nay, Đảng ta chưa thực hành cách thường xem xét cán bộ, đó là một khuyết điểm to. Kinh nghiệm cho ta biết: Mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra. 

Tiếp theo chuyên mục là bài viết “Xây dựng niềm tin của Nhân dân bằng những đổi mới trong công tác cán bộ” của tác giả Diệp Chi. Niềm tin của Nhân dân với Đảng là cội nguồn sức mạnh làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa làm tròn trách nhiệm, hạn chế về trình độ, năng lực, suy thoái về đạo đức, lối sống, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân, tổn hại danh dự của Đảng, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Niềm tin đó được xây dựng trước hết từ việc đổi mới trong công tác cán bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

“Đổi mới để đánh giá đúng cán bộ” của tác giả Huy Nam là bài viết tiếp theo của chuyên mục. Để đánh giá đúng cán bộ, thời gian qua, nhiều địa phương đã chuyển từ cách đánh giá “định tính” sang “định lượng”, thực hiện đánh giá đa chiều, bằng sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể với cá nhân và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Chú trọng thực chất trong đánh giá cán bộ đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng công tác cán bộ.

Chuyên mục cũng đăng bài viết “Nét mới trong công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử ở Bắc Giang” của tác giả Nguyễn Đăng Liệu (Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang). Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng ở Bắc Giang đã nghiêm túc quán triệt Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị về phân cấp, quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định về nội dung, nguyên tắc quản lý cán bộ, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý theo từng diện cán bộ quản lý, làm cơ sở quan trọng để thực hiện tốt các nội dung trong công tác quản lý cán bộ.

Bài viết “Quảng Nam nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ” của tác giả Lê Văn Dũng (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) trong chuyên mục cho thấy công tác đánh giá cán bộ nhiều năm qua luôn được Đảng bộ tỉnh Quảng Nam thực hiện với tinh thần đổi mới, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc đánh giá cán bộ đã bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí, gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; nội dung, quy trình, phương pháp đánh giá ngày càng nền nếp, chặt chẽ, khách quan, thận trọng, đúng quy định, góp phần hạn chế từng bước những biểu hiện ngại va chạm, nể nang, né tránh.

Chuyên mục cũng gửi đến bạn đọc bài viết “Những cách làm sáng tạo ở Long An” của tác giả Đinh Thành. Trong công tác tham mưu cho cấp ủy thực hiện nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Long An thời gian qua đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần đưa chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sức sống mới trong phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Chuyên mục tiếp tục gửi đến bạn đọc kỳ 2 “Tiếp tục “hóa trị” những mầm mống tiêu cực” trong loạt bài 3 kỳ “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ: Những “toa thuốc” đặc hiệu” của nhóm tác giả Đỗ Thị Ngọc Anh - Trần Thị Ngọc Thảo. Số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý kỷ luật, ra tòa, vào tù thời gian qua đã cho thấy sự nỗ lực của toàn Đảng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” tham nhũng với mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và chế độ. Trong kỳ 2, nhóm tác giả đã đi phân tích, làm sáng tỏ, gióng lên những hồi chuông cảnh báo về việc cần tiếp tục siết chặt cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn chặn những cú “trượt dài” theo sai phạm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý khi bị quyền lực làm tha hóa.

Khép lại chuyên mục là bài viết “Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” của PGS, TS. Vũ Thanh Sơn (Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương). Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao năng lực bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng được quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả.

Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi kỳ này đăng bài viết “Kinh tế thị trường và bộ máy tổ chức trong chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” của PGS. Trần Đình Huỳnh. Khi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, có người nêu vấn đề: Nền kinh tế nước ta phải là nền kinh tế thị trường. Mà “đã là kinh tế thị trường thì các doanh nghiệp phải lấy lãi làm mục đích, còn việc của Nhà nước là quản lý theo chế độ nhà nước pháp quyền. Nhà nước có quyền thu thuế và phải có trách nhiệm bảo đảm phúc lợi xã hội cho người dân. Không có chuyện định hướng XHCN cho các doanh nghiệp”. Theo PGS. Trần Đình Huỳnh, vấn đề nêu trên cần được thảo luận bởi nếu nền kinh tế thị trường “lấy lãi làm gốc” thì nhân nghĩa phải là cái gốc để tạo ra hiệu quả của nền kinh tế ấy. “Chuyện nhân nghĩa” là điều hiển nhiên phải có và nó rất cần thiết có sự định hướng cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Nền hành chính nhà nước và tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức cũng phải lấy mục tiêu định hướng XHCN của nền kinh tế mà phục vụ Nhân dân.

Chuyên mục còn gửi đến bạn đọc bài viết “Nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ cấp chiến lược” của PGS, TS. Nguyễn Quốc Sửu (Phó Giám đốc Học viện Hành chính). Công tác cán bộ nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng được Đảng coi là “then chốt của then chốt”, trong đó, xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về chuyên môn, kỹ năng, phẩm chất đạo đức cán bộ là vấn đề quan trọng dựa trên việc tăng cường thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

Chuyên mục Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng kỳ này đăng bài viết “Công tác tổ chức xây dựng Đảng ở Thái Bình: Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả” của tác giả Hồng Văn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, xây dựng chương trình hành động thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó tập trung làm tốt công tác xây dựng, củng cố TCCSĐ, công tác cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, xây dựng những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.

Trang TP. Hồ Chí Minh số này gửi đến bạn đọc bài viết “TP. Hồ Chí Minh sắp xếp khu phố, tổ dân phố” của tác giả Thành Sáng. TP. Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất đang tồn tại mô hình tổ chức 2 cấp dưới phường, xã gồm phu phố - ấp và dưới khu phố - ấp là tổ dân phố - tổ nhân dân. Mỗi năm, Thành phố phải chi kinh phí hoạt động tới 527 tỷ đồng cho mô hình 2 cấp này. Trước yêu cầu tinh gọn bộ máy và bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Trung ương, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiến hành sắp xếp khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân như thế nào? Đây là bài toán không hề đơn giản…

Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống kỳ này đăng bài viết “Đảng bộ TP. Pleiku đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới” của tác giả Trần Xuân Quang (Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku, tỉnh Gia Lai). Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ TP. Pleiku nhận thức sâu sắc nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị là thước đo năng lực lãnh đạo, uy tín, vị thế cầm quyền của Đảng. Vì vậy, nhiều năm qua, Đảng bộ thành phố không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, triển khai đồng bộ nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đạt những kết quả toàn diện, vững chắc.

Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh số này gửi đến bạn đọc bài viết “Yên Mô làm theo lời Bác” của tác giả Mai Anh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh 5 lần về thăm tỉnh Ninh Bình. Hơn 60 năm qua, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ trong những lần về thăm, cùng với việc thực hiện những điều căn dặn của Người trong “Di chúc”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Yên Mô luôn đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức kỳ này có bài viết “Vai trò của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ” của tác giả Bùi Văn Tiếng (nguyên Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Dưới góc nhìn của người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng thì người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị có vai trò hết sức quan trọng trong công tác cán bộ, quan trọng từ khâu lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch đến khâu đào tạo theo yêu cầu quy hoạch và quan trọng nhất là khâu bố trí vào chức danh đã quy hoạch. Và trường hợp nào cũng cần sự công tâm trong đánh giá cán bộ. Trong đó, vượt qua được chính nhãn quan, thậm chí định kiến của mình để lựa chọn được người phù hợp với công việc mới là đóng góp lớn của người đứng đầu trong công tác cán bộ, thể hiện bản lĩnh chính trị của một thủ trưởng, một người lãnh đạo.

Chyên mục Ý kiến đảng viên số này có bài viết “Thẩm quyền và trách nhiệm” của tác giả Nhị Hà bàn luận về việc Ban Tổ chức Trung ương đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng dự thảo “Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ”. Dự thảo không chỉ thu hút sự quan tâm của toàn thể cán bộ, đảng viên mà cả dư luận xã hội.

Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt kỳ này gửi đến bạn đọc bài viết “Nữ Bí thư Thị ủy khơi lên khát vọng Buôn Hồ” của tác giả Nguyễn Ngọc Diễm viết về đồng chí Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Bí thư Thị ủy Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk), một cán bộ lãnh đạo luôn lăn xả vào công việc với trách nhiệm cao, phong cách làm việc dứt khoát, ngắn gọn, khoa học, hiệu quả, luôn dẫn dắt, truyền cảm hứng sống và làm việc cho tích cực, năng động cho mọi người học hỏi, làm theo.  

Bài viết “Tự họa chân dung mình” của nhà văn Ma Văn Kháng trong chuyên mục Sinh hoạt đảng số này là một bài viết nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nhà văn dẫn dụ người đọc đi từ câu chuyện về giới văn nghệ sỹ hay tự họa chân dung họ bằng thơ, bằng họa để khẳng định cái thú vui này là một sự tự khám phá, tự nhận thức, tự định vị mình bởi con người ai cũng có cái thú nhân văn mang tính thẩm mỹ và tự nhiên là tự ngắm nghía mình. Từ đó nhà văn sâu xa nhắc đến những con người mắc bệnh ái kỷ, tự yêu mình thái quá, tự nuông nịnh, yêu chiều mình khiến bức tranh tự họa bị sai lệch, khác với thực tế và đây là nguồn gốc của tính tự cao tự đại, kiêu ngạo… Những con người mắc các căn bệnh này đã tự đánh mất chính mình, làm méo mó hình ảnh, sự vinh quang của người cán bộ, đảng viên. Họ là bức chân dung tự họa xấu xí, phản cảm, làm ô danh người cộng sản chân chính.

Thông tin công tác xây dựng Đảng kỳ này gửi đến bạn đọc các thông tin: “Qúy IV, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tập trung hoàn thành Chương trình công tác năm 2023” (P.V); “Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Mỗi Ủy viên Trung ương Đảng phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao” (P.V).

Chuyên mục Quốc tế số này có bài viết “Xây dựng Chính phủ điện tử ở Hàn Quốc” của tác giả Huy Minh. Từ một trong những quốc gia nghèo đói nhất sau Thế chiến thứ II, vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 12 của thế giới, Hàn Quốc trải qua sự phát triển kinh tế nhanh chóng, tạo nên “Kỳ tích sông Hàn”. Góp phần tạo nên sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc, không thể không nhắc đến công cuộc phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông ở quốc gia này. Hàn Quốc đã tích cực áp dụng mô hình Chính phủ điện tử dựa trên công nghệ thông tin như một giải pháp nâng cấp hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính và dịch vụ công để trở thành một trong những quốc gia đứng trên thế giới về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số hiện nay.

Chuyên mục Trả lời bạn đọc số này giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về công tác cán bộ, cơ sở đảng, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ…

Đọc tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 10-2023, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…

Bạn đọc có thể đặt mua tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tòa soạn qua số điện thoại: 080.45356. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất