Giới thiệu nội dung Tạp chí Xây dựng Đảng in số 4-2019

Tạp chí Xây dựng Đảng in số 4-2019 có chủ đề trọng tâm về tổ chức cơ sở đảng…

Mở đầu cuốn tạp chí, Tạp chí trích lời
“Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị”, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Người về xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Người căn dặn: Thảo luận kỹ lưỡng những vấn đề rất quan trọng như: Chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy chính quyền và thống nhất cách làm việc; thiết thực thực hiện quân dân chính nhất trí; giải quyết vấn đề cán bộ; chỉnh đốn và đẩy mạnh phong trào Thi đua ái quốc.

Chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm, kỷ niệm 149 năm Ngày sinh của V.I.Lê-nin (22-4-1870 - 22-4-2019), Tạp chí đăng bài “Tư tưởng của V.I.Lê-nin về cải tổ bộ máy” của TS. Lê Quang Hoan (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Tác giả nhấn mạnh mối quan tâm lớn của V.I.Lê-nin trong những tháng ngày cuối đời là các công việc chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng Cộng sản Liên Xô (năm 1924), mà một trong những trọng tâm là cải tổ bộ máy đảng, nhà nước. Với một nhãn quan chính trị sắc sảo, tầm nhìn chiến lược, những phác thảo của V.I.Lê-nin về cải tổ bộ máy cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có thể vận dụng sáng tạo vào thực tiễn ở nước ta hiện nay.

Bài “Thấy gì qua đánh giá TCCSĐ và đảng viên ở Đảng bộ Hà Nội năm 2018” của Diệp Chi. Bài viết đề cập kết quả, hạn chế, sự phù hợp cũng như những bất cập trong triển khai đánh giá, xếp loại TCCSĐ và đảng viên theo Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ở Đảng bộ Hà Nội. Những vấn đề này cần được nghiên cứu, rút kinh nghiệm cùng với việc triển khai thực hiện Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ở các địa phương khác trong cả nước để góp phần bổ sung, hoàn chỉnh công cụ, phương pháp đánh giá nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đánh giá TCCSĐ, đảng viên trong thời gian tới.

Bài “5 giải pháp nâng chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương” của ThS. Lê Thị Thúy Bình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Bài viết nêu rõ các kết quả, kinh nghiệm của Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nhằm xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các cơ quan Trung ương.

Bài “Phân công cấp ủy viên dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư ở Ninh Bình - Cách làm và kết quả” của Xuân Vinh. Phân công cấp ủy viên dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư được coi là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm theo phân cấp quản lý cán bộ... Thực hiện có hiệu quả giải pháp này đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ tỉnh Ninh Bình.

Bài viết “Nâng chất lượng sinh hoạt chi bộ từ thực tiễn các tỉnh Tây Nguyên”,  tác giả Tuấn Minh nêu bật kinh nghiệm của cấp ủy đảng các cấp ở Tây Nguyên lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các văn bản của Trung ương; đến tận nơi góp ý trực tiếp; thực hiện đi đôi với kiểm tra, giám sát; phát huy dân chủ, tăng cường trao đổi nghiệp vụ nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng, trong đó có chất lượng sinh hoạt chi bộ, từng bước xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng.

Bài “Điểm mới trong tổ chức sinh hoạt chi bộ ở Sóc Trăng” của Tô Nài Não nêu bật kinh nghiệm của Sóc Trăng trong việc xây dựng bộ khung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần quan trọng tạo những chuyển biến tích cực, thiết thực, hiệu quả nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, hướng đến mục tiêu xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, giúp các buổi sinh hoạt chi bộ trở thành diễn đàn sinh hoạt chính trị dân chủ, phát huy tính tiền phong gương mẫu và sáng tạo của đảng viên.

Bài viết “Ba giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Vĩnh Long” của Bảo Nam đã nêu rõ cách làm của tỉnh: Coi trọng nền nếp sinh hoạt chi bộ; Phát huy vai trò người đứng đầu, ban chi ủy; Nội dung phong phú, có trọng tâm, trọng điểm là những giải pháp trọng tâm được các cấp ủy đảng ở Vĩnh Long thực hiện nhiều năm qua nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ.

Bài “Bà Rịa - Vũng Tàu nâng chất lượng tổ chức cơ sở đảng” của Phan Nam đã phản ánh việc Đảng bộ tỉnh xác định nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là yêu cầu cấp thiết. Để làm được điều đó, Đảng bộ tỉnh coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chăm lo phát triển đảng viên và nâng tầm đội ngũ cán bộ cơ sở.

Bài viết “Đồng Tháp tạo bước chuyển từ cơ sở” của Minh Anh nêu bật cách làm của Đồng Tháp trong thực hiện tiêu chuẩn hóa, trẻ hóa và từng bước thực hiện mô hình kiêm nhiệm chức danh ở cơ sở. Nhờ đó, Đồng Tháp đã tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng” của Hồng Văn. Bài viết chỉ ra một số điểm yếu khiến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Tác giả cũng nhận định những khuyết điểm, yếu kém đó đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Từ đó, tác giả đưa ra một số giải pháp để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Bài “Những vấn đề đặt ra qua thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị từ thực tiễn ở Thanh Hóa” của Thanh Xuân. Từ nghiên cứu thực tiễn ở Thanh Hóa, tác giả chỉ rõ những bất cập và đưa ra một số đề xuất sau một năm thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 24-9-2018 của Ban Tổ chức Trung ương về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Bài viết “Về việc kiểm soát quyền lực trong cơ quan tổ chức - cán bộ” của Phạm Văn Định. Tác giả khẳng định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nói chung và quyền lực trong cơ quan tổ chức - cán bộ nói riêng là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay và đưa ra 5 giải pháp nhằm góp phần kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức - cán bộ.

Bài “Xây dựng môi trường và điều kiện để giám sát xã hội đối với thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức, viên chức” của Hương Minh. Từ chỗ nghiên cứu thực tiễn hoạt động giám sát xã hội đối với tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, tác giả đưa ra một số giải pháp xây dựng môi trường và điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động đó, góp phần thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “Từ kết quả khảo sát chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh”. Tác giả Đinh Thành đề cập đến kết quả và kinh nghiệm thực hiện Kế hoạch số 165-KH/TU ngày 17-10-2017 về “Khảo sát chất lượng sinh hoạt chi bộ” của BTV Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ủy viên BTV Thành ủy; lãnh đạo, chuyên viên các ban của Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng Thành ủy; cấp ủy viên, chuyên viên của các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở và đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy trực tiếp khảo sát thông qua việc dự sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ (chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng ủy bộ phận). Qua đó, giúp các cấp ủy phát hiện những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Miền quê Gia Lâm khởi sắc” của Lê Thị Hiền (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Tác giả phản ánh kinh nghiệm của Gia Lâm (Hà Nội) trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Gia Lâm đổi thay từng ngày, hôm nay như được khoác thêm chiếc áo mới.

Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Tân Yên (Bắc Giang) học và làm theo Bác mỗi ngày” của Phạm Giang, viết về Tân Yên - điểm sáng trong phòng trào thi đua của tỉnh Bắc Giang. Hàng trăm tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ đã và đang tạo ra động lực mới cho sự phát triển của địa phương.

Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài “Cán bộ tổ chức với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khu dân cư” của Bùi Văn Tiếng (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Bài viết tiếp cận góc độ cán bộ, công chức công tác ở ban tổ chức cấp ủy - từ Ban Tổ chức Trung ương đến ban tổ chức huyện ủy cần làm gì để góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ của chi bộ khu dân cư nơi mình cư trú.

Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Bước đột phá” của Bảo Yến bình luận nhân việc ngày 12-3-2019, Văn phòng Chính phủ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia - giải pháp kỹ thuật, công nghệ được triển khai kết nối từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử.

Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Chuyện về nữ đảng viên đưa thổ cẩm của người Mông ra thế giới”, tác giả Hải Huyền giới thiệu về đảng viên Vàng Thị Mai ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang giữ gìn và phát huy bản sắc nghề dệt lanh truyền thống, đưa lanh Lùng Tám xuất ngoại, giúp hàng trăm phụ nữ Mông có thu nhập khá, góp phần thực hiện công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế người phụ nữ Mông.

Chuyên mục Sinh hoạt đảng, có bài viết “Giáo dục và tự giáo dục” của Ma Văn Kháng. Tác giả bài báo chiêm nghiệm một điều: Cùng với việc thấm nhuần các quy định của Trung ương, việc học tập nghiên cứu chính trị, triết học, xã hội học, đào sâu suy nghĩ cũng là một thành tố quan trọng trong quá trình người đảng viên tu dưỡng bản thân mình.

Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Đồng chí Phạm Minh Chính cùng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XVIII làm việc tại 2 tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa” (P.V).

Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài viết: “Hệ thống tiêu chuẩn phân loại nghề nghiệp ở một số quốc gia” của Đình Tùng phản ánh một số nét nổi bật của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức kiểm soát, phân bố và xây dựng nguồn lực con người trong nền kinh tế và trong lĩnh vực công được triển khai khoa học, chặt chẽ, liên thông, hiệu quả dựa trên hệ thống tiêu chuẩn phân loại nghề nghiệp.

Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về công tác đảng viên…

Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 4-2019, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…

Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất