Sáng 18-12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch. Hội nghị nhằm điểm lại những kết quả đạt được kể từ khi Luật được ban hành và áp dụng vào cuộc sống, đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai, phối hợp thực hiện Luật.
|
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ, Luật Hộ tịch được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.
Việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
“Đây là lần đầu tiên Việt Nam có văn bản ở tầm Luật của Quốc hội điều chỉnh riêng lĩnh vực hộ tịch sau nhiều thập kỷ thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ mặc dù vấn đề hộ tịch đã tồn tại ở nước ta từ thời xa xưa”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh và khẳng định việc ban hành Luật Hộ tịch là bước hoàn thiện căn bản về thể chế đăng ký và quản lý hộ tịch của Việt Nam với nhiều quy định mới, mang tính đột phá, tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, từng bước chuẩn hóa đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phân cấp quản lý và giải quyết việc hộ tịch của người dân.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, kết quả 6 năm triển khai thi hành Luật được thể hiện nổi bật qua bốn phương diện. Trước hết, sự hài lòng của người dân đối với công tác hộ tịch được ghi nhận trên cả nước và được đánh giá là điểm sáng trong cải cách hành chính của Việt Nam.
Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước đi vào nền nếp và chuyên nghiệp hơn. Hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch và đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến cấp xã được củng cố, kiện toàn. Cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký và quản lý hộ tịch được đẩy mạnh, ngày càng tạo thuận lợi cho người dân trong đăng ký hộ tịch.
Dữ liệu hộ tịch đã được hình thành với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, hệ thống sổ sách về hộ tịch được lưu trữ, sử dụng lâu dài. Số liệu thống kê, báo cáo được bảo đảm chính xác hơn; bước đầu đáp ứng yêu cầu tra cứu cũng như cấp các giấy tờ hộ tịch của cá nhân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, lưu trữ dữ liệu về hộ tịch đã được triển khai ở các địa phương và Trung ương, từng bước kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ được triển khai kịp thời, thường xuyên để phát hiện, uốn nắn các sai phạm cũng như tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai Luật.
Báo cáo của Bộ Tư pháp tại Hội nghị cho thấy, sau 6 năm thực hiện Luật Hộ tịch, đến nay công dân Việt Nam có thể thực hiện đăng ký hộ tịch theo cách thuận tiện nhất. Người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi qua đường bưu điện, hoặc thông qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến. Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành phố đã triển khai đăng ký khai sinh trực tuyến; 62 tỉnh, thành phố cho phép đăng ký khai tử trực tuyến; 62/63 tỉnh, thành phố có đăng ký kết hôn trực tuyến. Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh kết nối với Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, góp phần kết nối, chia sẻ thông tin, giảm tải và thời gian cho đội ngũ cán bộ công chức.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, quá trình triển khai Luật Hộ tịch cho thấy còn có những tồn tại mà Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp cần nỗ lực ưu tiên giải quyết trong thời gian tới như: việc triển khai xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn thiếu ổn định, thường xuyên phải kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng bổ sung; tỷ lệ đăng ký khai tử còn thấp; tính kịp thời và đầy đủ khi đăng ký các sự kiện hộ tịch cần phải được cải thiện.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, tỷ lệ đăng ký khai tử và một số sự kiện hộ tịch khác còn thấp và cần được cải thiện. Điểm mấu chốt là cần thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp nữa giữa các bộ, ngành liên quan cũng như các cơ quan các cấp. Chính phủ cần phân bổ thêm ngân sách cho việc thực thi Luật ở các cấp địa phương.
“Chúng ta chỉ còn tám năm để hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững, và hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó. Chúng ta cần nhớ rằng 15 trong số 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững có sử dụng các chỉ số với các dữ liệu đăng ký và thống kê hộ tịch có chất lượng. Như vậy, công tác đăng ký và thống kê hộ tịch có thể được coi như một công cụ thúc đẩy để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững này”, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.
Một số ý kiến tại Hội nghị đề nghị, để tháo gỡ những khó khăn trong công tác triển khai Luật hiện nay, Bộ Tư pháp cần củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan, đồng thời đề xuất các cấp chính quyền tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố lập kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo việc thực hiện công tác số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, quản lý, khai thác dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy, cập nhật Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch…
Nguồn: TTXVN