Kỳ 2: Nhốt quyền lực vào lồng cơ chế
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ, TP. Hà Nội, ngày 15-10-2019. Ảnh: TTXVN

Từng bước xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng sử dụng hình ảnh “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật” để nhấn mạnh việc cấp thiết phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Những vụ việc vi phạm gần đây cho thấy, một khi cán bộ được đặt vào vị trí có nhiều quyền lực, nhiều bổng lộc, nếu không có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ dễ dẫn tới có các hành vi tự tung, tự tác, tham ô, tham nhũng, hống hách, ngạo mạn và trượt dài vào lối sống suy thoái, biến chất... Những kết luận của UBKT Trung ương vừa qua cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên đã lợi dụng quyền hạn của mình để vun vén cá nhân, lạm quyền, thu lợi bất chính, thậm chí để vợ, chồng, con cái, người thân nhúng tay, can thiệp, điều hành “ghế” quyền lực của mình.

Chẳng hạn, UBKT Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. UBKT Trung ương kết luận, trong thời gian giữ các cương vị tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch hội đồng tư vấn, là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã có nhiều vi phạm như ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân; ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh...

Hay trường hợp ông Tất Thành Cang, theo kết luận của UBKT Trung ương, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng bộ Thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát... Đặc biệt, trong thời gian giữ cương vị thành ủy viên, Ủy viên UBND thành phố, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP. Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Những vi phạm nêu trên thể hiện sự lạm quyền hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành vi theo động cơ, mục đích cá nhân.

Điều này một lần nữa đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực - tức phải đưa ra những cơ chế, biện pháp để bảo đảm một cá nhân khi được giao nắm giữ các chức vụ, vị trí trong bộ máy Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội phải hoạt động đúng theo khuôn khổ. Một khi chức vụ, vị trí càng lớn, quyền lực càng nhiều mà không có cơ chế kiểm soát thì cá nhân đó rất dễ sai phạm, thậm chí dẫn tới tự tung, tự tác, hành động vì lợi ích cá nhân, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo đức. Một cá nhân sai phạm, một tập thể sai phạm thì đó là hiện tượng, còn nếu xảy ra có tính phổ biến, liên quan từ “lỗi cơ chế”, “lỗi hệ thống” thì hậu quả rất nặng nề.


Cần xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng. Ảnh: Tư liệu

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhấn mạnh những giải pháp về kiểm soát quyền lực cũng như việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức, cách chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Việc Tổng Bí thư chỉ đạo UBKT Trung ương và cơ quan chức trách vào cuộc, xử lý rốt ráo những vụ việc nóng liên quan cán bộ, đảng viên nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước gần đây là những điển hình trong cuộc tái thiết kỷ cương, kỷ luật của Đảng, Nhà nước. Quyền lực nhà nước là vấn đề quan trọng và cũng rất phức tạp. Việc nắm giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực nhà nước có hiệu quả sẽ là điều kiện để thực hiện được những mục đích đề ra, mang lại nhiều lợi ích nhất cho nhân dân, cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình nắm giữ, tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước thường tiềm ẩn nhiều những nguy cơ khác nhau như tham nhũng, lãng phí, lạm quyền… , có thể dẫn tới tác động tiêu cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tế, nguyên tắc tập trung dân chủ và cơ chế tập thể lãnh đạo, bên cạnh những ưu điểm thì đã và đang tạo ra tình trạng khó xác định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân và tổ chức trong quá trình thực thi quyền lực. Điều này dẫn đến hiện tượng “núp bóng” tập thể, nhân danh tập thể để lạm quyền, vụ lợi mà không phải chịu trách nhiệm. Vì lẽ đó, cơ chế kiểm soát quyền lực của nước ta tuy có nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Hiến pháp quy định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 2, Hiến pháp năm 2013). Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng lạm quyền, tha hóa quyền lực vẫn luôn tiềm ẩn và thường xuyên xảy ra. Quyền lực là con dao hai lưỡi, có thể phục vụ nhưng cũng có thể làm hại đất nước nếu rơi vào tay những kẻ bất tài, tham lam. Thế nên, việc kiểm soát quyền lực vừa gắn liền với cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát song đồng thời phải thực hiện hiệu quả công tác cán bộ bởi suy cho cùng, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Nếu cán bộ xấu, có tính tham lam, vụ lợi thì họ thường tìm kẽ hở của luật pháp, của cơ chế để “lách”, để trục lợi.  

Những vụ bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” được dư luận phanh phui vừa rồi chính là sự cảnh báo của công tác cán bộ - nguyên nhân gốc dẫn tới tình trạng thao túng, lợi dụng quyền lực. Đồng thời, kiểm soát quyền lực phải thông qua việc thực thi rộng rãi quyền dân chủ, kể cả hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham dự; thông qua chế độ tranh cử, đề bạt và miễn nhiệm cán bộ; minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các tổ chức và cá nhân được giao quyền lực; sự giám sát của công luận, của nhân dân...

Ngăn ngừa các biểu hiện tham vọng quyền lực

Xây dựng để có cơ chế kiểm soát quyền lực là điều kiện cần, nhưng nếu để người có tham vọng quyền lực lọt vào bộ máy Đảng, Nhà nước thì vẫn sẽ bị lợi dụng, bởi cơ chế suy cho cùng chỉ là “khung” luật pháp, quan trọng là người nắm giữ, sử dụng quyền lực đó như thế nào. Trong khi cơ chế kiểm soát quyền lực của chúng ta còn nhiều kẽ hở, còn bị lợi dụng, nếu để người có tham vọng quyền lực chui vào bộ máy Đảng, Nhà nước sẽ không khác gì “rước rắn vào hang”! Với Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4-8-2017, lần đầu tiên, Đảng ta ban hành quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đặc biệt, quy định nêu rõ, cán bộ thuộc diện nói trên phải “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”.   

Tham vọng là một người mong muốn có được vị trí cao, danh dự nhất định, đạt được thành công rõ rệt, được công nhận. Trong biểu hiện cực đoan của nó, “tham vọng” có thể hiểu là vội vã cho lòng tham. Quyền lực bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực. Ở đây, trong cụm từ “tham vọng quyền lực”, chữ “tham” trong “tham vọng” đã thể hiện tính tiêu cực. “Tham” là hàm ý cá nhân, vì động cơ cá nhân, vì vậy “tham vọng quyền lực” được hiểu như một dạng tham nhũng chính trị. Biểu hiện của người tham vọng quyền lực không khó, đó là họ không đi lên, không nắm quyền lực bằng tài đức, bằng uy tín mà “luồn lách”, bằng các hành vi gian dối, thậm chí trắng trợn vi phạm luật pháp và đạo đức để đạt được quyền lực, đạt được tham vọng. Về bản chất, quyền lực của Nhà nước ta không thuộc về cá nhân mà là của nhân dân, được nhân dân ủy quyền cho cá nhân sử dụng vào mục đích chung của xã hội, của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề là khi trao quyền lực đó cho cá nhân thì trên thực tế quyền lực ấy bị phụ thuộc vào chính cá nhân “được nhân dân ủy quyền”. Nếu quyền lực được trao cho người có tài năng, đạo đức thì quyền lực ấy sẽ phát huy tác dụng, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân, sự hưng thịnh cho đất nước, đúng nghĩa “quyền lực của nhân dân”. Khi đó, quyền lợi của nhân dân, của Tổ quốc được đặt lên trên lợi cá nhân, các giá trị đạo đức, nhân văn được trân trọng, đề cao. Ngược lại, quyền lực rơi vào tay những cá nhân thiếu tài, thiếu đức thì quyền lực ấy sẽ bị tha hóa, bị sử dụng cho lợi ích cá nhân, phe nhóm mà bỏ qua lợi ích quốc gia, dân tộc. Một cá nhân khi có tham vọng quyền lực, họ làm mọi cách để đạt được tham vong, khi đạt được, những bản chất tiêu cực như tham ô, tham nhũng, bè phái, trục lợi cá nhân sẽ lộ rõ… Đây chính là nguồn gốc gây ra các hệ lụy nghiêm trọng khác.

Theo TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, quyền lực là “ma túy” ây nghiện, là “ma quỷ” xui khiến. Có quyền lực là có thể có gần như tất cả, nếu muốn. Vì vậy, quyền lực hấp dẫn hơn các thứ hấp dẫn khác cộng lại. Người có tham vọng quyền lực suốt ngày nghĩ về nó, dùng mọi thủ đoạn để giành và giữ lấy nó, dù phải mất nhân cách, dù phải làm việc ác. Có quyền lực rồi thì muốn có quyền lực lớn hơn, lớn rồi vẫn chưa đủ lại muốn lớn hơn nữa. Cứ thế, gần như không có điểm dừng, thậm chí không cần biết có nhiều quyền lực để làm gì. Quyền lực làm tha hóa con người một cách nhanh nhất. Không ít người chỉ sau một cuộc bỏ phiếu hoặc sau một quyết định phong chức, bỗng nhiên khác hẳn, họ bắt tay theo kiểu khác, chào hỏi kiểu khác, dáng đi bệ vệ hơn, nói năng ra oai hơn, suy nghĩ khác, hành động khác dù cùng một sự việc... Bài học nhãn tiền từ lịch sử, Đảng vững mạnh, trước hết những người “cầm cương” phải vững, phải không tham vọng quyền lực. Một cá nhân nếu tham vọng quyền lực mà “chui sâu, leo cao” tới những vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước thì hệ lụy sẽ khôn lường. Vì vậy, với việc ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Đảng ta khẳng định rõ quyết tâm tự chỉnh đốn theo phương châm “làm từ trên xuống”, lấy nguyên tắc “tuyệt đối không tham vọng quyền lực” làm hạt nhân, làm cơ sở để triển khai những nội dung khác. Quy định được ban hành trong bối cảnh việc thực hiện hai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã trở thành xu thế “củi tươi cũng cháy”, Đảng đã và tiếp tục làm rõ, xử lý những cá nhân suy thoái, những cá nhân có biểu hiện tham vọng quyền lực, chủ nghĩa cá nhân. 

Các nhà nghiên cứu lịch sử chỉ ra rằng, dưới chế độ phong kiến Việt Nam, chỉ vì tham vọng quyền lực mà nhiều vương triều từ thịnh vượng tới suy vong, sụp đổ. Vương triều này đổ, vương triều khác lên thay, sau một thời gian lịch sử lặp lại, gây ra bao biến cố đau thương. Nhà Lý đánh thắng quân Tống, nhà Trần thắng quân Nguyên - Mông, Nhà Hậu Lê (Lê sơ) thắng giặc Minh hung bạo... nhờ biết “lấy dân làm gốc”. Chiến thắng rồi, cầm quyền được hàng trăm năm song cuối cùng cũng do tha hóa, vì tham vọng quyền lực, tranh giành ngai vàng mà vua quan chém giết lẫn nhau, dẫn tới sụp đổ. Nhà Hồ tồn tại quá ngắn, mặc dù có tư tưởng và chủ trương cải cách nhưng ngay từ khi mới lên đã không được dân chúng đồng tình, mâu thuẫn quyền lực trong giới quý tộc và dẫn tới mất nước vào tay ngoại xâm. Sự tha hóa về quyền lực dẫn đến cha - con, anh -em, chồng - vợ giết nhau, giết cả vua, gây ra những cuộc chiến tranh đẫm máu để tranh giành quyền lực, thậm chí “cõng rắn cắn gà nhà”, bán rẻ Tổ quốc, đem dân tộc làm nô lệ cho ngoại bang để đổi lấy quyền lực.

Trong hệ thống chủ nghĩa xã hội, bài học của Liên Xô còn giữ nguyên tính thời sự với bất kỳ đảng cộng sản nào. Từ một thành trì của chủ nghĩa xã hội với những thành công rực rõ, vậy mà giới lãnh đạo đất nước tha hóa về quyền lực, về đạo đức, bảo thủ, giáo điều đã khiến Liên Xô sụp đổ. Sự sụp đổ của Liên Xô thực chất là hệ quả sự suy thoái, tự đánh gục chính mình.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Trong đó, về bệnh tham lam, Bác phân tích: “Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”, dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”...

Rõ ràng, vì chủ nghĩa cá nhân, vì tham vọng quyền lực mà người ta hành động bất kể phải trái, đúng sai, hệ quả vô cùng nguy hiểm nếu người đó giữ trọng trách cao trong Đảng, Nhà nước. Vì vậy, Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4-8-2017 được ban hành lần này là cấp bách, nhằm cụ thể hoá nhóm giải pháp đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII), để cán bộ, đảng viên và Nhân dân giám sát Đảng, Nhà nước, giám sát việc sử dụng quyền lực của Đảng, của Nhà nước, kiên quyết ngăn chặn và loại ra khỏi bộ máy những cán bộ mang “tham vọng quyền lực, tham nhũng, cơ hội, vụ lợi, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ”.

(Mời  các bạn  đón đọc tiếp Kỳ cuối: Giá trị thực tiễn cần lan tỏa).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất