Công tác kiểm tra tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong tình hình mới

TS. Trần Duy Hưng Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bồi dưỡng, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nguồn: TTXVN.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi... Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích... Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”.

Công tác kiểm tra TCCSĐ và đảng viên có vị trí rất quan trọng góp phần bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ, sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Kiểm tra TCCSĐ và đảng viên nhằm:

Giúp công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của các cấp ủy, tổ chức đảng và trong toàn Đảng được tiến hành một cách thường xuyên, đồng bộ, toàn diện, bảo đảm có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng cao.

Giúp TCCSĐ, trước hết là các đảng ủy, chi ủy nơi được kiểm tra đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; phát huy ưu điểm, biểu dương, khen thưởng thành tích đạt được, uốn nắn, chấn chỉnh nhận thức lệch lạc, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, khắc phục khó khăn, vướng mắc. Bảo đảm cho mọi nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng đều được kiểm tra, giám sát và các TCCSĐ phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng theo quy định.

Góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp trên đánh giá đúng thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật của TCCSĐ và đảng viên để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời phát huy ưu điểm, uốn nắn và khắc phục hạn chế, khuyết điểm, đưa công tác kiểm tra, giám sát của các TCCSĐ và đảng viên thành nền nếp, đạt hiệu quả cao.

Giúp đảng ủy, chi ủy nắm vững các quy định của Đảng, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên để tiến hành kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đúng nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình, thủ tục, đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng ở địa phương, đơn vị và trong toàn Đảng.

Kịp thời chấn chỉnh những sai sót, khuyết điểm, vi phạm của đảng ủy, chi ủy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, từ đó thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục, quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật. Phát hiện những quy định của Đảng, của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng không còn phù hợp, còn thiếu, bất cập để đề nghị hoặc yêu cầu bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới cho phù hợp.

Khi tiến hành kiểm tra TCCSĐ và đảng viên cần nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện thực tế của từng TCCSĐ để xác định, quyết định đúng nội dung, đối tượng và mốc thời điểm cần kiểm tra, phải có phương pháp tiến hành kiểm tra phù hợp, nghiêm túc để đạt hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức, tránh thực hiện mang tính hình thức. Đối với đảng viên, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Tiến hành kiểm tra TCCĐ gồm: Chi bộ, đảng ủy bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở; ủy ban kiểm tra; các ban đảng, văn phòng đảng ủy (gọi chung là các cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng ủy).

Nhìn chung, để việc kiểm tra TCCSĐ và đảng viên thực hiện đúng phương hướng, phương châm, mục tiêu và gắn với bảo đảm chất lượng, hiệu quả thì một vấn đề có tính nguyên tắc là trong quá trình triển khai kiểm tra là phải lấy việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong từng thời kỳ làm điểm xuất phát, mục tiêu, phương hướng và nội dung kiểm tra. Do đó, khi xây dựng chương trình, kế hoạch và tiến hành kiểm tra TCCSĐ và đảng viên cần căn cứ vào điều kiện cụ thể và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để bổ sung, điều chỉnh nội dung, phương pháp kiểm tra cho phù hợp.

Trong kiểm tra TCCSĐ và đảng viên có hình thức kiểm tra TCCSĐ và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, khác với kiểm tra chấp hành cả về phạm vi, nội dung, mục đích và yêu cầu. Kiểm tra chấp hành đối với TCCSĐ và đảng viên được kiểm tra ở cả nơi làm tốt, cả nơi làm chưa tốt, có thể có thiếu sót, khuyết điểm, dấu hiệu vi phạm. Còn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với TCCSĐ và đảng viên là kiểm tra khi đã phát hiện, xác định là có dấu hiệu vi phạm, nội dung kiểm tra hẹp hơn, nhưng mục tiêu, yêu cầu kiểm tra sâu hơn. Sau khi kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, phải làm rõ đúng, sai, phải, trái, kết luận TCCSĐ và đảng viên được kiểm tra có hay không có vi phạm, nếu có vi phạm thì phải làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân vi phạm; vi phạm đến mức phải xử lý hay không phải xử lý kỷ luật.

Kiểm tra TCCSSĐ và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm được quy định trong Điều lệ Đảng và là nhiệm vụ trọng tâm của UBKT các cấp, nhất là cấp trên trực tiếp; là sự tiếp nối của công tác kiểm tra, giám sát và kiểm tra chấp hành của các cấp uỷ, tổ chức đảng; có liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra khác; theo quy trình kiểm tra riêng.

Tính đến ngày 31-12-2020, toàn Đảng có 51.988 TCCSĐ; 24.719 đảng bộ cơ sở; 27.269 chi bộ cơ sở; 2.468 đảng bộ bộ phận; 243.051 chi bộ trực thuộc. Đến thời điểm này, Ban Bí thư ban hành quy định về 28 loại hình đảng bộ, chi bộ cơ sở, cơ bản đã bao quát được toàn bộ các loại hình TCCSĐ trong các lĩnh vực hoạt động và sẽ tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Toàn Đảng có 5,2 triệu đảng viên (31-12-2020), so với năm 2010 tăng 1.443.574 (3,81%). Mỗi năm trung bình tăng 143.357 đảng viên (3,8%). Tỷ lệ đảng viên so với dân số cả nước là 5,4%. Tỷ lệ đảng viên dân số cao nhất là vùng Tây Bắc 7,2%, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ 2,8%. Trình độ học vấn, chuyên môn, trình độ lý luận chính trị đều có bước tăng đáng kể. Năm 2020, tỷ lệ đảng viên có học vấn trung học phổ thông trở lên là 4.296.973 người. Trình độ chuyên môn của đảng viên: công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ sơ cấp hơn 380.000 đảng viên; trung cấp, cao đẳng hơn 1,3 triệu và đại học trở lên là hơn 2 triệu đảng viên.

Nhiệm kỳ 2016-2020 có 664 TCCSĐ bị thi hành kỷ luật, trong đó khiển trách 503, cảnh cáo 164, tăng 114 TCCSĐ bị kỷ luật so với nhiệm kỳ 2010-2015. Trung bình mỗi năm thi hành kỷ luật khoảng hơn 100 tổ chức, chiếm 0,2%. Từ năm 2016 đến năm 2020 toàn Đảng có 0,5% đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, bị xử lý kỷ luật (0,5%); 33% đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị. Thực tiễn cho thấy, trong thời gian qua công tác kiểm tra TCCSĐ và đảng viên được quan tâm hơn và có sự chuyển biến tích cực, đổi mới, hiệu quả hơn.

Kết quả thống kê cho biết, năm 2022 cấp uỷ các địa phương, đơn vị kiểm tra 10.948 đảng uỷ cơ sở; 1.116 đảng uỷ bộ phận, ban thường vụ đảng uỷ cơ sở; 44.712 chi bộ, chi uỷ (năm 2021: 9.632 đảng uỷ cơ sở; 1.476 đảng uỷ bộ phận, ban thường vụ đảng uỷ cơ sở; 39.162 chi bộ, chi uỷ). Số đảng viên do cấp cơ sở quản lý được kiểm tra là 292.898 (năm 2021: 243.194 đảng viên).

Qua kiểm tra cho thấy, TCCSĐ bị thi hành kỷ luật năm 2022 là 157 đảng uỷ cơ sở, ban thường vụ đảng uỷ cơ sở; 11 đảng uỷ bộ phận; 204 chi bộ, chi uỷ (năm 2021: 87 đảng uỷ cơ sở, ban thường vụ đảng uỷ cơ sở; 5 đảng uỷ bộ phận; 105 chi bộ, chi uỷ).

Năm 2022, các đảng uỷ cơ sở thi hành kỷ luật 4.013 đảng viên (năm 2021: 4.325); các chi bộ thi hành kỷ luật 10.631 đảng viên (năm 2021: 11.050). Đảng viên do cấp cơ sở quản lý bị thi hành kỷ luật năm 2022 là 14.828 (năm 2021:15.551 đảng viên), trong đó có 1.178 đảng uỷ viên, 1.557 chi uỷ viên (năm 2021: 939 đảng uỷ viên; 1.745 chi uỷ viên).

Nội dung kiểm tra chủ yếu về việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và công tác cán bộ, việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương.

Qua kiểm tra cho thấy: Các cấp uỷ, TCCSĐ cơ bản đã nghiêm túc triển khai, quán triệt; làm tốt công tác tuyên truyền và chủ động xấy dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; kịp thời bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện quy chế làm việc, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể của cấp uỷ, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít TCCSĐ thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, nhất là trong công tác cán bộ; tinh thần đấu tranh, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng còn hạn chế, trách nhiệm nêu gương chưa được đề cao.

Năm 2022, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 678 đảng uỷ cơ sở, ban thường vụ đảng uỷ cơ sở; 98 đảng uỷ bộ phận; 2.670 chi bộ, chi uỷ (năm 2021: 488 đảng uỷ cơ sở, ban thường vụ đảng uỷ cơ sở; 77 đảng uỷ bộ phận; 2.397 chi bộ, chi uỷ. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 7.754 đảng viên do cấp cơ sở quản lý (năm 2021: 6.959), trong đó 1.921 đảng uỷ viên; 2.776 chi uỷ viên (năm 2021: 1.630 đảng uỷ viên; 2359 chi uỷ viên).

Nội dung kiểm tra tập trung vào những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như: Công tác cán bộ, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản; chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý Nhà nước về sách giáo khoa; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; thực hiện trách nhiệm nêu gương; những vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo: mua sắm trang thiết bị, vật tư, y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; Chương trình giải cứu đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19; thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học; phòng chống buôn lậu; thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án, gói thầu mua sắm do Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC, các dự án đầu tư của Tập đoàn FLC thực hiện… và kiểm tra đối với một số TCCSĐ trong khối nội chính như công an, toà án, viện kiểm sát, hải quan, biên phòng.

Nhìn chung, UBKT các cấp đã có nhiều nỗ lực, quyết liệt trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Có nhiều vụ việc vi phạm mới phát sinh được phát hiện kiểm tra xử lý kịp thời, nhiều vụ việc khó, phức tạp, tồn đọng nhiều năm được kiểm tra, xử lý dứt điểm. Sau kiểm tra, đã xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm minh, kịp thời các tập thể, cá nhân vi phạm, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, một số khuyết điểm, hạn chế là: một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp uỷ chưa thực sự coi trọng, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra TCCSĐ và đảng viên, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Một số nơi chậm xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra. Việc xác định đối tượng, nội dung kiểm tra ở một số địa phương, đơn vị còn dàn trải, hình thức, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm hoặc vấn đề nổi cộm, gây bức xúc ở địa phương, đơn vị. Triển khai một số nhiệm vụ còn chậm so với kế hoạch đề ra. Một số TCCSĐ đã được kiểm tra nhưng chậm khắc phục vi phạm, khuyết điểm và tiếp tục tái phạm, phải kiểm tra, xử lý. Nguyên nhân của khuyết điểm, hạn chế nêu trên chủ yếu do năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số TCCSĐ còn hạn chế; tính tự giác, tự phê bình và phê bình của một số TCCSĐ, đảng viên chưa cao, còn nể nang, né tránh. Một số cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ chưa thật sự sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Một số ít UBKT chưa chủ động tham mưu, thực hiện còn trông chờ sự chỉ đạo của cấp trên. Nhiều cán bộ mới tham gia công tác kiểm tra, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; bản lĩnh, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của một bộ phận cán bộ kiểm tra còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; chưa tích cực tự nghiên cứu, học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn; thiếu tính chiến đấu, ngại va chạm trong thực hiện nhiệm vụ. Một số nơi, biên chế cán bộ kiểm tra, nhất là cấp huyện còn thiếu; chưa bố trí được cán bộ kiểm tra chuyên trách đối với tổ chức đảng cơ sở.

Từ Đại hội XIII đến nay, công tác kiểm tra của Đảng được Trung ương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với yêu cầu, trách nhiệm ngày càng cao đối với UBKT các cấp. Trước đây, UBKT đảng uỷ cơ sở chỉ có thẩm quyền xem xét kết luận và đề nghị cấp ủy thi hành kỷ luật đảng viên thì đến nay, theo Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021 của BCH Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, trong đó, giao thêm trách nhiệm thẩm quyền cho “UBKT đảng ủy cơ sở quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả cấp ủy viên chi bộ, cấp ủy viên đảng ủy bộ phận, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp”. Tuy trách nhiệm nặng nề hơn nhưng về cơ chế, điều kiện, chính sách đối với UBKT đảng uỷ cơ sở còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, về thẩm quyền ký văn bản. Vì UBKT đảng uỷ không có dấu nên các UBKT đảng uỷ cơ sở đang lúng túng trong việc ký, đóng dấu vào quyết định kiểm tra, giám sát. Thực tế đang có 3 cách làm: 1) Đồng chí bí thư đảng ủy ký với danh nghĩa thay mặt đảng ủy. 2) Đồng chí bí thư đảng ủy ký với danh nghĩa ban thường vụ đảng ủy. 3) Đồng chí chủ nhiệm UBKT đảng ủy ký và đóng dấu treo của đảng ủy. Như vậy, nếu UBKT đảng ủy cơ sở không có con dấu riêng, rất cần UBKT Trung ương hướng dẫn thẩm quyền ký các văn bản trên để thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Về chế độ, chính sách còn nhiều bất cập. Hệ thống tổ chức Ngành Kiểm tra Đảng có 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở. 3 cấp trên được hưởng lương ngạch kiểm tra và phụ cấp. Riêng ở cấp cơ sở, trước đây chức danh chủ nhiệm UBKT đảng uỷ cơ sở được hưởng phụ cấp hàng tháng theo quy định, nhưng từ năm 2019 đến nay, thực hiện Nghị định 34/2019 NĐ-CP của Chính phủ, các đồng chí là ủy viên thường vụ, chủ nhiệm UBKT đảng uỷ cơ sở không được hưởng phụ cấp gây tâm tư cho cán bộ kiểm tra cơ sở. Không chỉ vì kinh tế mà là vị thế, vai trò của công tác kiểm tra cơ sở chưa được quan tâm và coi trọng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Hiện nay, tình hình vi phạm của TCCSĐ và đảng viên đang diễn ra hết sức đa dạng, phức tạp, tinh vi, có mặt nghiêm trọng hơn, nhất là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và có chiều hướng gia tăng trên phạm vi rộng với nhiều loại đối tượng, ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, tư pháp, dịch vụ công, sản xuất - kinh doanh, thực hiện chính sách an sinh - xã hội. Tính tự giác, tự phê bình trong một bộ phận TCCSĐ, cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp có khuyết điểm, vi phạm ngày càng giảm sút. Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức. Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra TCCSĐ và đảng viên trong tình hình mới cần quan tâm một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, cần phải chủ động, quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra TCCSĐ và đảng viên; tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, nâng cao nhận thức hơn nữa về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra đối với TCCSĐ và đảng viên. Bài học trong hai nhiệm kỳ qua cho thấy, ở đâu người đứng đầu quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, định hướng cho công tác kiểm tra TCCSĐ và đảng viên thì ở đó công tác kiểm tra, giám sát chuyển biến mạnh, khuyết điểm, vi phạm ít.

Hai là, coi trọng tự kiểm tra của cấp uỷ, TCCSĐ. Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát, chú trọng địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm, những nơi có nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tập trung kiểm tra đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, việc chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm, thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, TCCSĐ.

Ba là, chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của TCCSĐ và đảng viên, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và những vụ, việc bức xúc trong xã hội; những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Bên cạnh đó, phải hết sức coi trọng việc kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra, bảo đảm mỗi quyết định của UBKT luôn khách quan, chính xác, có lý, có tình, là quyết định của lẽ phải, của trách nhiệm và tình đồng chí, của công lý trong Đảng.

Bốn là, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật của Đảng trong các TCCSĐ. Tăng cường kiểm tra của cấp uỷ và UBKT cấp trên đối với TCCSĐ. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn của UBKT cấp trên đối với cấp uỷ, tổ chức đảng, UBKT cấp uỷ cơ sở về công tác kiểm tra TCCSĐ; kịp thời xử lý kỷ luật TCCSĐ và đảng viên vi phạm. Việc xác định phương hướng, nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra TCCSĐ và đảng viên phải khả thi, thực chất, phù hợp với điều kiện, tình hình của địa phương, đơn vị.

Năm là, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy UBKT các cấp, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác kiểm tra TCCSĐ và đảng viên. Kịp thời biểu dương, khen thưởng TCCSĐ và cán bộ, đảng viên làm tốt công tác kiểm tra TCCSĐ và đảng viên.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất