Tên anh khắc vào lòng biển mẹ
Bàn thờ liệt sĩ Vũ Quang Chương - người chỉ huy nằm lại dưới thềm lục địa cùng lá cờ Tổ quốc ở quê nhà Thái Thụy, Thái Bình.

Nhà giàn Phúc Nguyên 2A qua lời kể của đồng đội


Ngày 5-7 tới đây, nhà giàn DK1 tròn 25 năm ngày thành lập, những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, sự đùm bọc của nhân dân cả nước, sự phấn đấu, hy sinh cả xương máu của các chiến sỹ, nhà giàn DK1 đổi thay trên mọi mặt, nhất là đời sống sinh hoạt, huấn luyện của các chiến sỹ. Các thế hệ chiến sỹ nhà giàn DK1 thời đầu xây dựng, nay người còn, người nghỉ hưu, người chuyển ngành hoặc ra quân nhưng hỏi về sự kiện nhà giàn Phúc Nguyên 2A chìm trong bão tố tháng 12-1998 thì không ai quên. “Sự hi sinh ấy đã ngấm vào máu thịt, là bài học truyền thống khắc sâu trong tim khiến chúng tôi rất tự hào”. Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 chia sẻ.  

Ngày 14-3, tại Nhơn Trạch, Đồng Nai, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức kỷ niệm 5 năm ngày thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại úy, liệt sĩ Vũ Quang Chương. 15 năm trôi qua kể từ ngày liệt sĩ Chương và 2 đồng đội của anh ngã xuống lòng biển, các nhà giàn DK1 vẫn vững vàng, kiêu hãnh nơi đầu sóng ngọn gió.  

Để hiểu một cách tường tận sự hy sinh của liệt sỹ, đại úy Vũ Quang Chương trong vụ sập nhà giàn Phúc Nguyên 2A năm 1998, lần theo địa chỉ chúng tôi đến nhà anh Hoàng Văn Thủy, nguyên chiến sĩ báo vụ trên nhà giàn Phúc Nguyên 2A thủa ấy - người đã cùng 5 đồng đội bơi trên biển suốt 14 giờ đồng hồ và sống sót trở về. Đồng đội cũ gọi Thủy bằng cái tên thân mật “Thủy tộc” hoặc “Thủy chết trôi”.  

Căn nhà cấp bốn sâu hun hút trong “hẻm giáo viên” đường 30 tháng 4, Thủy đón chúng tôi bằng cái bắt tay thân mật rồi cười: “Lâu quá không gặp anh, nhanh thật, mới ngày nào trôi trên biển tưởng chết, vậy mà đã hơn chục năm”. Sau tuần trà, khi chúng tôi ngỏ ý muốn được nghe anh kể về câu chuyện nhà giàn Phúc Nguyên tháng 12-1998, tự dưng Thủy nghẹn lại, mắt anh rưng rưng xúc động nhìn ra khoảng trống trước sân nhà: “Đó là những ngày gian khổ, nhưng đáng tự hào!”. Anh bắt đầu câu chuyện bằng khẳng định kiêu hãnh ấy.  

Chiều ngày 12-12-1998, cơn bão số 8 lịch sử có tên quốc tế Fathes đổ bộ vào vùng biển DK1. Cụm nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6) đúng vệt đi của bão. Mệnh lệnh từ Sở chỉ huy Lữ đoàn 171: “Tất cả nhà giàn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó với sóng gió, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà giàn đổ. Các tàu trực ở khu vực nhanh chóng về Côn Đảo trú bão”.  

Nhận lệnh cấp trên, chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Nguyên 2A, đại úy Vũ Quang Chương đã nhanh chóng hội ý, giao nhiệm vụ cho từng người, làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với sóng gió của bão. Lúc 16 giờ ngày 12-12-1998, trên vùng biển thềm lục địa không còn hình bóng một con tàu, tất cả đã đi tránh bão. Sóng mỗi lúc một lớn hơn. Càng về chiều, sóng càng dữ dội. Những con sóng lừng lững như quả núi liên tiếp ập đến làm nhà giàn rung lắc mạnh. Mặt biển mịt mù trắng xóa, gió rít, giật ầm ầm, lúc đó chỉ cần sơ sẩy là bị gió hất tung xuống biển. Trên nhà giàn lúc ấy có 9 chiến sĩ: Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Trạm phó Dương Văn Hoan, y sĩ Nguyễn Hữu Tôn, nhân viên cơ yếu Hà Công Dụng, nhân viên thông tin Hoàng Văn Thủy, nhân viên báo vụ Phí Ngọc Thuật, pháo thủ Nguyễn Văn Thơ, nhân viên ra đa Lê Đức Hồng, nhân viên cơ điện Nguyễn Văn An. Tất cả 9 chiến sĩ mặc sẵn áo phao, lấy giây mồi buộc vào tay nhau để khi nhà đổ xuống biển, thì vẫn tìm thấy nhau, chết thì vẫn còn tìm được xác.   

“Lúc ấy, mọi người sẵn sàng hy sinh, rất bình tĩnh. Anh em còn trêu nhau, đồng chí  An còn bảo: Tao chết thì có gì đâu, chỉ thương là vợ tao mới đẻ, tao chưa biết mặt con nữa. Thương nhất là anh Chương thôi, chưa có một mảnh tình. Bọn em cười rất lạc quan, vô tư. Anh biết không, thật ra lúc đó trong tim bọn em đang chảy máu. Muốn khóc mà không khóc được, thương bố mẹ và nhớ đất liền vô cùng”. Hoàng Văn Thủy, nguyên chiến sĩ báo vụ 1, nhà giàn Phúc Nguyên 2A ngày ấy chia sẻ.  

Lao xuống biển nhưng không rời cờ Tổ quốc


Nhà giàn lắc lư chao đảo theo sóng. Không thể trụ được nữa, đại úy Vũ Quang Chương chỉ huy tốp 2 nhảy xuống biển lần theo dây mồi, bằng mọi cách phải bám phao cứu sinh. Tốp 2 có chỉ huy phó quân sự, trung úy Dương Văn Hoan cùng Hà Công Dụng, Phí Ngọc Thuật. Nhà giàn lúc này chỉ còn Thủy, Chương và chiến sĩ cơ điện. Trước khi rời nhà, Chương còn cẩn thận đóng tất cả cửa nhà lại, nếu nhà đổ thì anh em không bị nước hút vào trong. Chương lặng lẽ đến mở tủ, cầm lá cờ Tổ quốc ôm lên ngực mình rồi gấp gọn cùng với cuốn sổ vàng truyền thống cho vào bao bảo quản gói chặt.

Còn Thủy, anh đem theo một súng tín hiệu và 6 viên đạn, các tài liệu mật của ngành thông tin rồi lên máy lần cuối với đài canh 01. Giọng Thủy bình tĩnh đến bất ngờ dặn chị Vân ở đài canh Sở Chỉ huy Hải Phòng: “Chị Vân ơi. Em là Hoàng Văn Thủy. Quê em ở Mỹ Sơn, xã Lưu Sơn huyện Đô Lương, Nghệ An. Bố em là Hoàng Văn Sơn, mẹ em là Lê Thị Thịnh. Nếu em chết, nhờ chị viết thư về gia đình báo cho nhà em biết nhé”, rồi anh cùng Chương nhảy xuống biển trong tiếng gào thét của đồng đội trạm Phúc Nguyên 2B phát qua máy I Com sóng cực ngắn: “Thủy ơi nhảy đi, nhảy đi”.  


Chiếc phao bè của nhà giàn Phúc Nguyên 2A ngày ấy hiện đang được trưng bày tại nhà truyền thống Lữ đoàn 171.

Giữa sóng gió và trời tối đen như mực, không nhìn thấy gì dù trong gang tấc, Chương hô lớn: “Tất cả anh em bám chặt vào phao bè và ra khỏi vòng xoáy”. Đúng lúc đó một con sóng kinh hoàng dựng lên như vách núi đập mạnh làm cho nhà giàn DK1/6 đổ hoàn toàn. Chương và 2 đồng đội của anh bị hất tung không bám được vào dây nữa. Con sóng ấy đã cướp mất anh và hai đồng đội Nguyễn Văn An và Lê Đức Hồng.  

Bản tình ca đẹp mãi tên anh  


Liệt sỹ, đại úy Vũ Quang Chương quê ở thôn Tri Chỉ, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1986, anh nhập ngũ. Trước khi về tiểu đoàn DK1, đại úy Chương đã được đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội binh chủnh hợp thành tại Trường Sỹ quan Lục quân I. Tháng 7-1998, anh ra nhà giàn DK1/6 làm nhiệm vụ trên cương vị chỉ huy trưởng nhà giàn cùng 8 đồng đội khác và hy sinh rạng sáng ngày 13-12-1998 khi mới chớm tuổi 30.  

Sau 15 năm anh dũng hi sinh giữa lòng biển mẹ, ngày 13-12-2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định số 2364/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ đại úy Vũ Quang Chương, nguyên Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/6 Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân, vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.  

Liệt sỹ, đại úy Vũ Quang Chương vĩnh viễn nằm lại biển khơi cùng đồng đội. Máu đào của anh đã hòa vào lòng biển, xương cốt của anh hóa đá san hô. Anh mãi mãi là biểu tượng cao đẹp về đức hi sinh và lòng dũng cảm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới. Hành động ôm cờ Tổ quốc thanh thản đi vào lòng biển của anh đã trở nên bất tử. Tên anh đã khắc vào lòng biển, thành bản tình ca theo những con sóng. Sự hi sinh của anh tạo thành mạch nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên, thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay có trách nhiệm với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình.

Phản hồi (1)

le hung 21/04/2014

Thật tự hào người con quê lúa. Xứng đáng là người Thái Bình.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất