Đóa hoa thơm ngát giữa đại ngàn
Chị Hồ Thị Thoi (thứ tư, trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tại công trình nước sạch bản La Trọng 2 (xã Trọng Hóa). Ảnh: TL

Trưởng thành trong rèn luyện

Trọng Hóa là xã vùng cao biên giới, xếp vào diện đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Minh Hóa. Toàn xã có hơn 900 hộ với trên 4.400 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Bru - Vân Kiều và Chứt. Cuộc sống của đồng bào nơi đây còn rất nhiều vất vả, khó khăn. Sinh năm 1981, trong một gia đình nghèo, nhưng Hồ Thị Thoi vẫn được bố mẹ tằn tiện nuôi ăn học như 4 người con khác. Năm 2001, học hết lớp 9, Thoi được UBND xã cử đi học lớp y tế thôn bản. Học xong, Thoi được phân công làm y tá ở bản Roong. Từ đó, chị trở thành “cánh tay nối dài” trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp chăm sóc y tế cho người dân trên địa bàn xã. Với sức trẻ, bàn chân Hồ Thị Thoi in dấu khắp 18 bản của xã Trọng Hóa. Để đến được các bản Lòm, Sy Cha Cáp hay Pa Choong, Ca Rét, Thoi phải vượt đèo, lội suối, cùng ăn, cùng ở với đồng bào để tuyên truyền, vận động nhân dân ăn chín, uống sôi, giữ thôn bản sạch sẽ, xóa bỏ tập tục lạc hậu, hướng dẫn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không kết hôn sớm, không cho con bỏ học...

Với suy nghĩ “mình phải gương mẫu làm trước, làm tốt bà con dân bản mới tin, mới làm theo” nên trong các phong trào, hoạt động ở địa phương, Thoi luôn là thủ lĩnh đi đầu. Năm 2003, khi đang là cán bộ y tế thôn bản, Hồ Thị Thoi được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trọng Hóa. Năm 2006, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, càng ý thức thêm về trách nhiệm lớn lao của mình với bản làng, quê hương. Năm 2010, chị được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Đến tháng 6-2010, tại Đại hội Đảng bộ xã Trọng Hóa nhiệm kỳ 2010-2015, Hồ Thị Thoi được bầu vào Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức Phó Bí thư Thường trực, rồi trở thành đại biểu HĐND huyện Minh Hóa. Nhiệm kỳ 2015-2020, chị được cán bộ, đảng viên xã Trọng Hóa tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã và là người dân tộc thiểu số đầu tiên ở huyện Minh Hóa được bầu vào chức danh này.

Sâu sát cơ sở

Với vai trò huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trọng Hóa, Hồ Thị Thoi lúc nào cũng trăn trở với bản làng, với cuộc sống của bà con, đôi chân của chị đã in dấu khắp mọi ngả đường để đến với đồng bào. Xã Trọng Hóa có 18 bản nằm rải rác giữa núi rừng, trong đó có tới 7 bản giao thông cách trở, có những nơi phải mất cả ngày đường mới đi đến trung tâm. Khó khăn là thế, nhưng đều đặn mỗi tuần 2 ngày, không quản nắng mưa hay đường sá khó khăn, Thoi lại sắp xếp công việc để về cơ sở. Mỗi lần về, chị luôn dành thời gian hướng dẫn cho các bí thư chi bộ và trưởng bản triển khai, thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chị cho biết: “Bà con của mình vẫn còn đang nghèo, chưa tiếp cận được nhiều các chủ trương, chính sách. Mình cần phải thường xuyên đi để nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nói những gì bản thân biết để nhân dân hiểu. Mình rất hạnh phúc khi giải thích xong, họ hiểu được cái gì đúng, cái gì sai và tự giác thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước”. Từ sự sâu sát của nữ Bí thư Đảng ủy, những thắc mắc của người dân được giải thích rõ ràng; nhiều kiến nghị, yêu cầu chính đáng của người dân được giải quyết thấu đáo. Nhờ đó, trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Trọng Hóa luôn ổn định, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Không chỉ tập trung tháo gỡ khó khăn cho đồng bào, chị Thoi còn đặc biệt chú ý đến việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Chị tâm sự: “Mình luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dặn trước lúc đi xa “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta”, “Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” nên cán bộ người dân tộc thiểu số phải biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết để vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương, bản làng ngày càng đổi mới”. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người, từ những câu chuyện “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc” và những giá trị to lớn trong Di chúc của Bác để lại, chị đã tích cực truyền đạt tư tưởng đại đoàn kết để mọi người hiểu rõ, làm theo. Đó là đoàn kết giữa mọi người cùng dân tộc mình, đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn, đoàn kết với đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi; tiến tới xóa bỏ các tập tục lạc hậu, cần cù lao động để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bản làng yên ấm, quê hương giàu đẹp. Chính nhờ sự kiên trì, bền bỉ vận động của nữ Bí thư Đảng ủy Hồ Thị Thoi và tập thể cấp ủy, chính quyền xã Trọng Hóa, đồng bào dân tộc Chứt và Bru - Vân Kiều trên địa bàn luôn đoàn kết thống nhất cao, một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ, cùng với các lực lượng giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Giúp dân làm giàu

Lớn lên trong gia đình có đông anh chị em, ngay từ nhỏ Hồ Thị Thoi đã sớm nhận thấy cái nghèo, cái khó đeo đẳng, bám riết lấy cuộc sống của gia đình và bà con dân bản. Thâm tâm chị luôn nghĩ phải thoát nghèo thì cuộc sống gia đình và bà con dân bản ở Trọng Hóa mới đổi thay. Nhớ lời Bác Hồ căn dặn đồng bào “phát triển nghề rừng, chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi, vì miền núi có nhiều khả năng chăn nuôi”, Thoi quyết làm theo. Bắt đầu từ 5 triệu đồng vốn vay, chị mua bò chăn nuôi, nhận đất rừng trồng các loại cây như keo, tràm, lim, trám… Sau 8 năm cần cù, chịu khó, gia đình chị đã có “của ăn của để” với 2 héc-ta keo, trám, lim và 5 con bò, cho lợi nhuận gấp nhiều lần đồng vốn vay trước đó.

Không chỉ nỗ lực làm giàu cho gia đình, Thoi còn tích cực giúp đỡ đồng bào vươn lên thoát nghèo. Chị còn nhớ, ngày Nhà nước có chủ trương cho hội viên phụ nữ vay 5 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói, giảm nghèo, chủ trương về đến xã nhưng không hội viên phụ nữ nào dám vay, vì từ bao đời nay, phụ nữ Bru - Vân Kiều, Chứt chưa bao giờ được thấy một số tiền lớn như vậy. Chị đã đi đến từng bản, từng nhà để tuyên truyền, vận động, đồng thời phối hợp với bộ đội biên phòng định hướng phát triển sản xuất cho chị em. Từ số tiền 5 triệu đồng đó, một số chị em đã mạnh dạn mua bò chăn nuôi, mua giống cây keo, tràm về trồng rừng.

Để tự chủ nguồn lương thực, chị tiếp tục vận động chị em trong xã trồng lúa nước, đây là cây trồng còn khá mới mẻ ở Trọng Hóa. Với lòng nhiệt tình, trách nhiệm của người đảng viên, chị vừa trồng lúa cho gia đình, vừa hướng dẫn hội viên cùng làm. Đến nay, xã Trọng Hóa đã phát triển được 2 héc-ta lúa nước. Theo chị Thoi: “Xã rẻo cao Trọng Hóa có địa hình cách trở, chủ yếu là đồi núi nên rất khó để mở rộng diện tích trồng lúa nước. Mình luôn tuyên truyền cho chị em phải trồng rừng và chăn nuôi. Ngoài ra, mình còn đề xuất mở các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi cho chị em để xóa đói, giảm nghèo”.  

Nhờ sự quyết đoán của người thủ lĩnh trẻ Hồ Thị Thoi, trong vòng gần 10 năm xã Trọng Hóa đã có trên 600 hộ mạnh dạn vay vốn từ các nguồn quỹ của Hội Nông dân và Hội Phụ nữ với tổng số tiền lên đến 13 tỷ đồng. Từ những bản làng xa xôi, điều kiện kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn, thiếu thốn, đã có nhiều hộ gia đình hội viên thoát được nghèo. Đời sống đồng bào nay đã khấm khá hơn nhiều, bà con không những biết tự chủ lương thực, tự chủ kinh tế mà còn thi đua lao động, sản xuất, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật để làm giàu cho chính mình, cho bản làng. Trên địa bàn xã ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, cho thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm. Điển hình là trường hợp của chị Hồ Thị Thắng ở bản La Trọng. Chồng bỏ đi, một mình chị nuôi 3 con nhỏ, được sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã mà trực tiếp là chị Hồ Thị Thoi, chị Thắng đã vay vốn Ngân hàng Chính sách để nuôi bò, lợn và trồng rừng. Đến nay, chị Thắng đã có 3 héc-ta rừng keo, tràm trồng xen sắn, 0,5 héc-ta lúa cùng nhiều lợn, bò. Cuộc sống của gia đình chị đã ổn định, các con đều được đi học. Chính sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, nhất là chị Hồ Thị Thoi đã giúp chị và các con vững tin, vươn lên nơi núi rừng heo hút.

Theo đồng chí Phan Công Khánh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình: “Trên vùng rẻo cao Trọng Hóa, nơi nhận thức của đồng bào còn hạn chế, có một nữ cán bộ người dân tộc với tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì nhân dân như chị Hồ Thị Thoi là một điều rất đáng quý, đáng trân trọng”. 18 năm công tác, chị đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến cơ sở. Đặc biệt, tháng 8-2019, chị Thoi vinh dự là người duy nhất của tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Chị được dân bản ví như một bông hoa rừng đang tỏa hương thơm ngát giữa đại ngàn. Lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm trong công việc của chị sẽ tiếp tục được phát huy vì bản làng, vì đồng bào và lan tỏa đến các xã rẻo cao, biên giới của quê hương Quảng Bình.





Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất