Về đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở tỉnh phía Bắc
Đảng bộ phường Kim Tân, thành phố Lào Cai tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng cho 11 đảng viên.

Trong thời gian qua, các đề án và nghị quyết nêu trên đã được các tỉnh, thành ủy triển khai quyết liệt, tạo được bước đột phá lớn trong công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị; góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng và an ninh trật tự ở địa phương, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua theo dõi, nghiên cứu, phối hợp thực hiện ở các tỉnh trong khu vực phía Bắc, nhất là tỉnh Quảng Ninh, đã rút ra một số bài học kinh nghiệm từ thực hiện đổi mới, sắp xếp, cơ cấu và thí điểm một số mô hình về tổ chức bộ máy, biên chế làm tài liệu nghiên cứu, trao đổi, tham khảo như sau:

I. Một số kết quả triển khai, thực hiện đổi mới, sắp xếp, cơ cấu và thí điểm một số mô hình về tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở các tỉnh trong khu vực phí Bắc.

1. Xuất phát từ thực trạng tổ chức bộ máy, các tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng đề án, ban hành nghị quyết; trong đó, đã xác định rõ các quan điểm, giải pháp cụ thể để làm cơ sở triển khai, thực hiện có thể tập hợp chung như sau:

Một là: Đã rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả: (i1) Một đơn vị thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều nhiệm vụ; (i2) Một chức năng, nhiệm vụ chỉ có một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm đến cùng; (i3) Trên cùng một địa bàn, với cùng một nhóm chức năng, nhiệm vụ chỉ có một đơn vị thực hiện và chịu trách nhiệm; (i4) Những chức năng nhiệm vụ nào có thể tích hợp cùng thực hiện thì đổi mới tổ chức; (i5) Những chức năng, nhiệm vụ mà nhân dân, doanh nghiệp có thể và làm tốt thì cơ quan nhà nước xây dựng cơ chế thu hút, công bố công khai, tạo môi trường để nhân dân, doanh nghiệp thực hiện; (i6) Những việc đã rõ, thì cần phải triển khai thực hiện ngay; những việc mới chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn tìm mô hình mới thí điểm, để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm hoàn thiện, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, tránh sai lầm; những việc chưa rõ đang còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp; (i7) Tập trung rà soát, tinh giản tổ chức, bộ máy bên trong của tất cả các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Hai là: Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp Y tế phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn và nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ba là: Sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ tinh gọn, hiệu quả. Thực hiện sắp xếp các trường, điểm trường, điều chỉnh quy mô lớp học, bổ sung chính sách hỗ trợ nội trú, bán trú, phương tiện đi lại để học sinh có môi trường học tập tốt, nâng cao chất lượng giáo dục.

Bốn là: Thí điểm nhất thể hóa chức danh, làm cơ sở để thực hiện hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, theo nguyên tắc thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo; bổ sung thẩm quyền, tối ưu chính sách, chuẩn hóa ngạch bậc, kết hợp bầu cử và bổ nhiệm.

Năm là: Thí điểm thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung của Khối Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp huyện và cấp tỉnh, hoạt động trên nguyên tắc phối hợp và thống nhất hành động, phân công về đối tượng, tôn trọng các quy định hiện hành của Hiến pháp, pháp luật.

Sáu là: Tập trung sắp xếp lại chi bộ trực thuộc các đảng bộ cơ sở cấp xã; tiến hành sắp xếp lại cán bộ khu dân cư theo hướng kiêm nhiệm (một khu dân cư không quá 3 chức danh cán bộ được hưởng phụ cấp từ nguồn ngân sách); thực hiện nhất quán cán bộ trưởng khu là đảng viên; thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ với nhiệm kỳ bầu trưởng khu, thôn, bản trên cơ sở bầu trưởng khu trước, đại hội chi bộ sau. Đồng chí đảng viên trúng cử trưởng khu sẽ giới thiệu để chi bộ bầu bí thư (nguyên tắc dân tín, thì đảng cử).

2. Kết quả thực hiện việc đổi mới, sắp xếp, cơ cấu và thí điểm một số mô hình tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị tỉnh

2.1. Về sắp xếp tổ chức, bộ máy

(1) Thí điểm: Thành lập cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện, cấp tỉnh và nghiên cứu mô hình cấp xã đề đồng bộ cả 3 cấp; đồng thời ban hành quy chế làm việc và thống nhất các hoạt động chung trong khối (9 chung, 14 chia).

(2)  Thực hiện nhất thể hóa chức danh: (i1) Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp huyện, cấp xã; (i2) Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã nơi có điều kiện; (i3) Người đứng đầu cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn cấp huyện (Cơ quan ủy ban  kiểm tra- Thanh tra; Ban Tổ chức - Phòng Nội vụ; Ban Tuyên giáo - Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; Ban dân vận - MTTQ huyện; Chánh văn phòng 3 bên: Văn phòng cấp ủy, HĐND, UBND ở cấp huyện); (i4) Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở; thực hiện bố trí trưởng khu dân cư là đảng viên.

(3) Chỉ đạo thực hiện thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền cấp huyện: (i1) Tổ chức - nội vụ, cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra, văn phòng cấp ủy - HĐND - UBND ở những nơi đã thực hiện nhất thể hóa chức danh và có đủ điều kiện; (i2) Thực hiện hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu quốc hội với văn phòng HĐND tỉnh; (i3) Triển khai chuyển chức năng bồi dưỡng lý luận chính trị của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện về ban tuyên giáo cấp huyện, chức năng tài chính, phục vụ về văn phòng cấp ủy; (i4) Đổi mới mô hình tổ chức đảng, tổ chức các đoàn thể trong các doanh nghiệp trực thuộc đảng bộ tỉnh, mô hình tổ chức đảng, tổ chức các đoàn thể trong các khu kinh tế, khu công nghiệp; (i5) Thực hiện sắp xếp, giải thể một số công đoàn ngành thuộc liên đoàn lao động tỉnh; (i6) Rà soát, sắp xếp các phòng, chi cục, ban quản lý trực thuộc các sở, ngành; (i7) Rà soát và xây dựng đề án triển khai sắp xếp, tổ chức lại một số đơn vị hành chính cấp xã và thôn, bản, khu phố chưa đạt 50% tiêu chí quy định; (i8) Xây dựng thành phố trung tâm trực thuộc tỉnh theo mô hình thành phố thông minh, chính quyền điện tử; công dân điện tử hướng đến việc thí điểm xây dựng chính quyền đô thị; nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm về mô hình chính quyền biển đảo đối với các huyện Đảo.

(4) Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp: (i1) Cơ cấu lại các ban quản lý theo hướng xác định rõ các chức năng, nhiệm vụ thiết yếu mà nhà nước phải đảm bảo để tăng cường công tác quản lý; (i2) Giải thể, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND cấp huyện hoạt động không hiệu quả hoặc không đảm bảo nguyên tắc trên một địa bàn, với cùng một chức năng, nhiệm vụ chỉ có một đơn vị thực hiện; (i3) Rà soát, tách dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; tiếp tục đổi mới mô hình trung tâm hành chính công phù hợp, hiệu quả; (i4) Nâng mức tự chủ chi thường xuyên theo lộ trình đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ; (i5) Đổi mới mô hình quản lý chợ, từng bước chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp; (i6) Tổ chức, kiện toàn lại các ban quản lý dự án trực thuộc tỉnh; (i7) Thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp y tế, tăng tỷ lệ tự chủ tài chính về chi thường xuyên trong toàn bộ các bệnh viện; Triển khai các mô hình xã hội hóa ở các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đủ điều kiện; Sắp xếp lại bộ máy và cơ chế hoạt động của ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. (i8) Rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục. Sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống các trường nghề; giải thể các trường hoạt động không hiệu quả; cơ cấu lại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; (i9) Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp văn hóa - thể thao; (i10) Khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, KHCN.

2.2. Về tinh giản biên chế: (1). Cơ bản các tỉnh đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 39-NQ/TW, Kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị với quyết tâm chính trị cao. (2) Có giải pháp hợp lý để sắp xếp, bố trí việc làm hoặc đào tạo lại để bố trí việc mới cho cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị giải thể; giải quyết số viên chức và hợp đồng làm việc tại các cơ quan hành chính, hợp đồng tạm tính. (3) Giảm viên chức sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách do tổ chức lại, chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp; giao tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên. (4) Chuyển một số vị trí hỗ trợ, phục vụ sang hình thức thuê mướn dịch vụ (bảo vệ, tạp vụ, dinh dưỡng, vệ sinh...); thực hiện kiêm nhiệm để đảm bảo cơ cấu biên chế chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tối thiểu 80% tổng biên chế và thấp hơn định mức khung. Các đơn vị đã đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên được quyền quyết định số lượng người làm việc trên cơ sở đảm bảo việc làm ổn định và thu nhập cho số người làm việc. (5) Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

2.3. Về công tác quản lý: (i1) Thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế; vai trò quản lý và điều hành của chính quyền; thẩm định, giám sát của HĐND. Ban hành các quy định liên quan đến việc phân cấp và thống nhất quản lý bộ máy biên chế trong toàn hệ thống chính trị; (i2) Chỉ đạo hoàn thiện đề án vị trí việc làm theo sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cán bộ; (i3) Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế công chức, viên chức vượt quá chỉ tiêu biên chế đối với đơn vị sự nghiệp chưa thực hiện tự chủ kinh phí chi thường xuyên; (i4) Chấm dứt ký hợp đồng làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan hành chính; (i5) Điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện có chuyên môn phù hợp với tiêu chuẩn chức danh xuống làm việc tại các xã, phường có quy mô lớn, dân số đông để đảm bảo định mức tối đa theo quy định; (i6) Không bổ nhiệm, điều động, luân chuyển thêm cấp phó tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có đủ số lượng theo quy định; (i7) Đổi mới cơ chế phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; (i8) Xem xét kỹ chủ trương đầu tư công đối với các loại hình dịch vụ công có khả năng tự chủ và ở những địa bàn có điều kiện xã hội hóa cao.

2.4. Về cơ chế chính sách: (i1) Dành nguồn lực thỏa đáng để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (i2) Có cơ chế chính sách đối xử bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập trong việc cung cấp các dịch vụ công. Các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ công của nhà nước. Đối với các dịch vụ công không sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị được xác định giá dịch vụ theo cơ chế thị trường, được quyết định các khoản thu, mức thu đảm bảo các chi phí hợp lý, có tích lũy theo quy định của pháp luật; (i3) Có cơ chế phù hợp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, nhất là cho y tế và giáo dục, kể cả hình thức hợp tác công - tư, liên doanh, liên kết; (i4) Chuyển đổi cơ chế hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng được thụ hưởng dịch vụ công. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ học phí cho một số đối tượng trẻ em mầm non, học sinh phổ thông học ở các trường ngoài công lập. Xây dựng chính sách để doanh nghiệp được tham gia giáo dục nghề nghiệp theo hình thức đặt hàng của Nhà nước và của doanh nghiệp khác; (i5) Chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế nhà nước “đặt hàng”, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công; (i6) Thực hiện cơ chế kết hợp công - tư về nhân lực và thương hiệu. Nghiên cứu thí điểm để lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập tham gia quản lý, điều hành tại các cơ sở, đơn vị hợp tác công - tư; cán bộ chuyên môn ở các đơn vị sự nghiệp công đảm bảo các nhiệm vụ được giao, được phép thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ ở các đơn vị khác hoặc đơn vị ngoài công lập; biệt phái cán bộ chuyên môn sang các cơ sở hợp tác công - tư mới thành lập để hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ; có cơ chế để hợp đồng đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, có sức khỏe, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn tốt; (i7) Thí điểm việc thi tuyển và thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; (i8) Thực hiện thí điểm việc áp dụng một số chính sách đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng tại các đơn vị sự nghiệp công theo nguyên tắc đảm bảo các chế độ chính sách và cơ hội thăng tiến; (i9) Rà soát và quy định các tiêu chí cụ thể về việc thành lập các tổ chức Hội; không “hành chính hoá” các Hội, thực hiện nghiêm nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; nhà nước chỉ cấp kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao đối với các tổ chức hội.

3. Một số bài học kinh nghiệm

Sau hơn 3 năm thực hiện việc đổi mới, sắp xếp cơ cấu lại và thí điểm một số mô hình về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị các tỉnh trong khu vực phía Bắc, đã thực sự có bước đột phá lớn, đổi mới và đã đem lại kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, toàn diện về kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tạo được niền tin cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong các tỉnh. Từ thực tiễn sinh động đó, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, đổi mới phải bắt đầu xuất phát từ thực tiễn: Phải tiến hành rà soát một cách tổng thể và hết sức kỹ lưỡng tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, đến cơ sở; đánh giá quá trình hoạt động, triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ; đánh giá hiệu quả đạt được, theo hướng: tự đơn vị đánh giá, cấp trên trực tiếp đánh giá, đội ngũ công chức làm việc tại cơ quan đánh giá, lãnh đạo cơ quan đánh giá. Sau đó, nhận định đánh giá của Tỉnh ủy để thấy được những mặt mạnh, yếu tố bất cập, yếu tổ chồng chéo, đan xen và cách tháo gỡ; đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để thống nhất triển khai thực hiện.

Thứ hai, phải có quyết tâm chính trị cao: Sắp xếp lại tổ chức bộ máy thực sự không đơn giản, khi thực hiện sẽ kéo theo nhiều vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo để giải quyết, đó là: (i1) Ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng do thay đổi môi trường làm việc, phải rời bỏ bộ phận mà công chức, viên chức đang làm, phải làm thêm nhiều việc hơn, làm những việc mới, chưa quen...; (i2) Khi hợp nhất số lượng lãnh đạo sẽ giảm, nên việc sắp xếp đội ngũ cán bộ một cách hợp lý là hết sức quan trọng, tránh gây tâm tư và mất động lực... (i3) Vấn đề chế độ chính sách khi thực hiện tinh giảm do sắp xếp lại, cần phải được sử lý một cách linh hoạt, đồng bộ. Vì vậy, đòi hỏi người đứng đầu tổ chức phải quyết liệt, dám làm và biết cách làm, tạo động lực để cơ quan mới hoạt động tốt hơn.

Thứ ba, phải tạo được sự đồng thuận: Trước hết phải đồng thuận về chủ trương từ lãnh đạo cao nhất đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phải phân tích một cách thấu đáo về hiệu quả đạt được khi thay đổi tổ chức, những lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, người dân; trong đó, cần phân tich sự hy sinh về quyền lợi cá nhân, nhưng nhất thiết phải giải quyết thấu tình đạt lý, ưu tiên chính sách cao nhất có thể, hoặc đề xuất cơ chế hỗ trợ riêng để cán bộ chia sẻ, đồng tình với tổ chức.

Thứ tư, phải kiên trì, bền bỉ thuyết phục: Mô hình hợp nhất chưa có trong tiền lệ, nên không có khuôn mẫu, không có hướng dẫn thực hiện, thậm chí mô hình mới có thể làm mất đi tổ chức mà ngành dọc đang chỉ đạo. Hơn nữa, khi thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc; nên không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời vừa điều chỉnh để từng bước hoàn thiện. Vì vậy phải xây dựng đề án một cách cụ thể, chi tiết, đưa ra được hướng tháo gỡ những bất cập mới xuất hiện, tạo được sự thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo.

Thứ năm, phải có lộ trình thực hiện khoa học: Khi hợp nhất các cơ quan, tổ chức phải nghiên cứu kỹ thời điểm khi có đủ điều kiện hợp nhất. Trong đó, có tính đến điều kiện của địa phương (về địa lý, quy mô dân số, trụ sở làm việc khi bố trí hợp nhất); ý chí người đứng đầu; năng lực đội ngũ; thực hiện bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng chuẩn ngạch bậc, đáp ứng vị trí việc làm mới; nên làm thí điểm trước, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới triển khai ra diện rộng.

Thứ sáu, phải đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ: Trước khi thực hiện hợp nhất phải thực hiện nhất thể hóa chức danh người đứng đầu, đồng thời có lộ trình và rất thận trọng về công tác cán bộ. Cần bố trí, sắp xếp, điều chuyển một cách hợp lý để phát huy năng lực, sở trường của cán bộ. Việc lựa chọn cán bộ đủ tầm và am hiểu lĩnh vực, uy tín và có phẩm chất để bố trí là cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của tổ chức bộ máy mới; đây là một bài học cực kỳ quan trọng để dẫn đến sự thành công trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

Thứ bảy, xây dựng quy chế làm việc: Bộ máy mới, chưa có tiền lệ phải chú trọng xây dựng quy chế hoạt động để đảm bảo vận hành một cách đồng bộ, tránh sát nhập một cách cơ học. Việc phân công nhiệm vụ phải theo hướng: một người thực hiện nhiều nhiệm vụ; một nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Xây dựng quy trình thực hiện nhanh, gọn, loại bỏ khâu trung gian trong vận hành của bộ máy.

Thứ tám, tạo sự khích lệ lan tỏa: Trong quá trình triển khai thực hiện một mô hình mới thí điểm, nên chọn địa phương, đơn vị có điều kiện thực hiện tốt nhất, Tỉnh ủy phải bám sát để lãnh đạo, chỉ đạo và đồng hành cùng hướng dẫn tháo gỡ, rút kinh nghiệm; bên cạnh đó, nghe báo cáo kết quả từ cách làm mới cũng là cách tạo ra sự lan tỏa tốt nhất. Sau khi thực hiện thí điểm, nhất thiết phải tiến hành sơ kết, đánh giá nghiêm túc, rút kinh nghiệm; đồng thời thấy hiệu quả phải được triển khai đồng bộ ngay ra diện rộng.

Thứ chín, phải có sự đột phá một cách mạnh dạn: Khi thấy vấn đề đã chín muồi, đã có thực tế kiểm nghiệm, đã có lộ trình triển khai hiệu quả, đã có sự chuẩn bị nhân sự thì phải có quan điểm chỉ đạo rõ ràng, dứt khoát, nhanh, dứt điểm, không chần chừ.

Mười, phải có sự chỉ đạo sát sao, giám sát việc thực hiện, nhất là vấn đề kiểm soát quyền lực khi thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã: Ngăn ngừa tối đa những tiêu cực do tập trung quyền lực, bằng cách phân định thẩm quyền giữa các cấp theo hướng tăng cường phân cấp; yêu cầu xây dựng quy chế mới trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng chức danh. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của cấp trên đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp dưới…; tăng cường giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; chọn được cán bộ có phẩm chất, đạo đức để bố trí nhất thể hóa là nhân tố quyết định.

Mười một, phải thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương trong triển khai thực hiện: Việc đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại và thực hiện thí điểm một số mô hình tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sẽ phát sinh những vấn đề mới, khó chưa có trong tiền lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, rất cần được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện và sự đồng thuận từ các cơ quan Trung ương, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện đạt hiệu quả.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất