Phát huy tinh thần chiến thắng 30-4 trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sống có thể cạn núi có thể mòn...

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo trải qua bao gian khổ, hy sinh đã giành thắng lợi cuối cùng bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975. “Thắng lợi này mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, và trí tuệ con người Việt Nam, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc”[1].

Đối với Việt Nam: Đây là thắng lợi “to lớn nhất, toàn diện nhất, triệt để nhất, trọn vẹn nhất” của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đối với thế giới: Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc; mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới. Khi nói về sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Măc-na-ma-ra cho rằng: Chúng ta (Mỹ) đã sai lầm khủng khiếp ở Việt Nam.

Thắng lợi to lớn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiếc chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh không chỉ đem lại độc lập, tự do, Bắc - Nam sum họp một nhà mà còn là cơ sở, “bệ đỡ” vững chắc để dân tộc Việt Nam chung sức đồng lòng, đoàn kết dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng cùng nhau khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bốn mươi năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng “ý Đảng hợp với lòng dân” đã đưa đất nước ta vượt mọi khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại… ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Việc thống nhất đất nước là điều kiện cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước, tạo ra những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới. Từ đó đến nay, nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thực hành dân chủ, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, được quán triệt trong nhiệm vụ xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân. Mọi người dân đều đã phát huy được vai trò trách nhiệm của mình trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Bên cạnh đó, để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới, Quốc hội đã có những bước đổi mới quan trọng, làm tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Từng bước nâng cao sức chiến đấu, vai trò, vị trí của Đảng cầm quyền, trong đó, Đảng ta đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo qua mỗi thời kỳ lịch sử. Chính phủ có nhiều cải tiến trong phương thức hoạt động, trong thực hiện cải cách hành chính theo tinh thần phục vụ nhân dân. Hệ thống chính trị được củng cố, phân định rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn, đảm nhiệm ngày càng toàn diện hơn việc lãnh đạo, quản lý sự phát triển đất nước.

Bốn mươi năm qua, đặc biệt là sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng, lãnh đạo, đất nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng và có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực, trong đó điểm nhấn “cốt yếu” là kinh tế - xã hội.

Việt Nam từ một đất nước còn “ngổn ngang” di chứng của chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu đã từng bước học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước, tiếp thu kế thừa thành tựu khoa học của nhân loại đã từng bước vươn lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đảng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội “trầm trọng”, phá được thế bao vây cấm vận, vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực, thế giới và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế đối ngoại mở rộng hơn trước về quy mô, hình thức, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Quan hệ sản xuất ngày càng phù hợp hơn, tạo điều kiện phát triển lực lượng sản xuất. Các loại thị trường từng bước được hình thành và phát triển, gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt; đã vượt qua ngưỡng nước nghèo chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tỷ lệ các hộ nghèo ngày càng giảm, không còn nạn đói lúc giáp hạt. Năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xóa nạn mù chữ.

Đảng và Nhà nước ta luôn con trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đẩy mạng trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, giải quyết tốt việc làm và xóa đói, giảm nghèo; chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Vì vậy, tuổi thọ của người dân ngày càng tăng. Phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng.

Sự nghiệp giáo dục, khoa học, công nghệ được Đảng ta coi trọng “Cùng với khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Được đầu tư thích đáng, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của đất nước không ngừng phát triển, không chỉ đào tạo ra thế hệ tương lai vừa “hồng” vừa “chuyên” mà còn khẳng định qua các kỳ thi quốc tế và khu vực. Tăng cường giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng con người mới: Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ nối tiếp xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ đi trước trong điều kiện mới; là lực lượng xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với bước tiến quan trọng của sự nghiệp giáo dục, bốn mươi năm qua, những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc được kế thừa và phát triển, giao lưu hợp tác văn hóa với nước ngoài được mở rộng; chính sách phát triển nguồn nhân lực được chú trọng thực hiện và đạt kết quả bước đầu.

Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; độc lập chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực an ninh, quốc phòng ngày càng lớn mạnh. Trên cơ sở những thành tựu đạt được và môi trường hoà bình, Việt Nam luôn là điểm đến tin cậy của các doanh nghiệp trên thế giới và là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, xác lập được quan hệ ổn định với các nước lớn; có quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế thương mại với nhiều nước và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế, khu vực… Từ những thành tựu đạt trên, trong phiên họp lần thứ 62 tháng 10-2007, Đại hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc công nhân Việt Nam đã đạt được tám mục tiêu Thiên niên kỷ.

Trên cơ sở kết quả đạt được của bốn nươi năm đất nước thống nhất, Đảng và dân tộc ta phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp đổi mới. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường giáo dục giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; phát huy nội lực của đất nước, tận dụng triệt để các nguồn lực trong và ngoài nước; giải quyết hài hòa các nhiệm vụ đối nội và đối ngoại. Quốc phòng vững mạnh sẽ góp phần trực tiếp vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm và tạo điều kiện quan trọng cho việc thực hiện những mục tiêu chiến lược của đất nước.

Kế thừa và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đang thôi thúc toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

--------------------------------------------

[1]Văn kiện Đảng toàn tập, t.37, Nxb CTQG, H. 2004, tr.471.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất