Quản lý đảng viên là quân nhân xuất ngũ - Nhìn từ thực tiễn ở Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu và Bộ CHQS tỉnh trò chuyện với đảng viên là quân nhân xuất ngũ đang công tác tại thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc.

                                                Bài 1: Một thực tế đáng báo động

Tại Hội nghị toàn quốc Ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy BR-VT thẳng thắn nêu rõ khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong công tác quản lý đảng viên xuất ngũ; xem đây là nỗi trăn trở chung của những người làm công tác xây dựng đảng ở Đảng bộ tỉnh BR-VT.

Nỗi đau “thất thoát” đảng viên

Đúng như khẳng định của lãnh đạo địa phương, suốt chuyến công tác, những câu chuyện về các trường hợp đảng viên là QNXN bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên, bị khai trừ Đảng, không tham gia sinh hoạt Đảng... trở thành chủ đề chính trên chuyến xe xuôi ngược về nhiều địa phương của miền Đất đỏ giàu truyền thống cách mạng. Chủ đề này càng “nóng” hơn khi chúng tôi liên tục nhận thêm thông tin “mới”, đáng ngại về thực trạng này. Ở Đảng bộ huyện Xuyên Mộc, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2017 có thêm 3 đảng viên là QNXN xin ra khỏi Đảng. Còn tại huyện Châu Đức, ngay trong sáng chúng tôi đến khảo sát (5-4-2017), Thường vụ Huyện ủy vừa tiến hành xem xét, buộc cho ra khỏi Đảng 2 trường hợp. Tất cả những trường hợp trên đều xuất phát từ nguyên nhân không có điều kiện tham gia sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng.

Thể hiện rõ sự lo lắng, đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Xuyên Mộc cho biết, tính từ năm 2002 đến nay, tổng số đảng viên nhập ngũ ở đảng bộ này là 25 đồng chí. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 18 đảng viên xuất ngũ trở về địa phương. Trong số này, 10 đảng viên tiếp tục tham gia sinh hoạt Đảng (chiếm 56%); nhưng có đến 8 đồng chí (chiếm 44%) không tham gia sinh hoạt Đảng theo quy định; bắt buộc tổ chức Đảng phải tiến hành kỷ luật xóa tên và cho ra khỏi Đảng. Tiếp nối câu chuyện trên, đồng chí Mai Xuân Nhứt, Bí thư Đảng ủy xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) nghẹn ngào giải thích:

- Anh em xin ra khỏi Đảng, bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên, bị khai trừ Đảng vì không tham gia sinh hoạt Đảng… là nỗi đau quá lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Mặc dù, Đảng ủy xã đã ban hành nhiều văn bản, triển khai không ít chủ trương, giải pháp nhằm khắc phục thực trạng trên, nhưng xem ra đây là một vấn đề khó-là một “bài toán hóc búa” nảy sinh từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng ở cơ sở.

Tương tự, ở 7/8 đảng bộ cấp huyện, thành phố thuộc Đảng bộ tỉnh BR-VT đều xuất hiện tình trạng đảng viên là QNXN không tham gia sinh hoạt Đảng do phải đi làm ăn xa. Nhận thức rõ tác hại to lớn của thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trực tiếp gặp gỡ, giáo dục, động viên; ở nhiều nơi, cấp ủy chủ trương “mềm hóa” một số quy định và kỷ luật Đảng với quan điểm hết sức nhân văn, tạo điều kiện để đảng viên thực hiện trách nhiệm được giao... Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, tình trạng “thất thoát” đảng viên vẫn liên tục diễn ra với số lượng, mức độ, tính chất ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Để đánh giá đúng tình hình, tìm hướng giải quyết thực trạng đó, ngày 23-12-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy BR-VT quyết định tổ chức Hội nghị “Rút kinh nghiệm công tác tuyển đảng viên nhập ngũ, quản lý, sử dụng đảng viên xuất ngũ về địa phương giai đoạn 2002-2016”. Tại hội nghị, những số liệu tổng kết được công khai, càng “gióng lên tiếng chuông báo động” về một thực tế đáng lo ngại, gây nguy hại cho “cơ thể” vốn khỏe mạnh của Đảng. Trong 15 năm qua, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự theo luật định, trên địa bàn toàn tỉnh BR-VT có 915 đảng viên là QNXN trở về địa phương. Trong đó, đảng viên QNXN tiếp tục sinh hoạt Đảng là 867 đồng chí (94,76%); số không tham gia sinh hoạt Đảng là 48 đồng chí (5,24%). Trong đó, tổ chức buộc xóa tên khỏi danh sách đảng viên: 32; khai trừ Đảng: 4; cho ra khỏi Đảng: 9; cấp ủy đang xem xét hồ sơ xin ra khỏi Đảng: 2 trường hợp. Nói về thực trạng này, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy BR-VT, đúc rút:

- Sự nguy hại không chỉ hiện hữu ở những “con số” mà hiện rõ ở xu thế có chiều hướng tăng dần của thực trạng này. Nếu năm 2008, toàn tỉnh chỉ có 1 trường hợp thì đến năm 2014 đã xuất hiện 8 trường hợp và hiện nay thì xuất hiện ở nhiều nơi. Đây là vấn đề mới và đặc biệt khó, nảy sinh từ thực tiễn, cần sớm được nhận diện đầy đủ để có hướng xử lý hiệu quả, triệt để.

Tác hại to lớn, nguy hại lâu dài

Thông tin về việc đảng viên là QNXN ra khỏi Đảng, bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên do không tham gia sinh hoạt Đảng... khiến chúng tôi không khỏi áy náy, chạnh lòng. Thế nhưng, đau hơn là những người trong cuộc, những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Chia sẻ về điều này, đồng chí Phạm Văn Hào, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Châu Đức, nói:

 - Từ năm 2002 đến nay, Châu Đức có 8 trường hợp đảng viên QNXN xin ra khỏi Đảng. Mỗi lần Ban Thường vụ Huyện ủy đưa ra xem xét đều rất đau lòng. Chúng tôi không chỉ trăn trở, tiếc nuối vì để “mất đi” những đồng chí, đồng đội trong chính hàng ngũ của mình mà còn hết sức lo lắng về “chất lượng” của các thế hệ đảng viên kế cận, kế tiếp.

Theo lãnh đạo hai huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, tình trạng đảng viên QNXN bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên, bị khai trừ Đảng do không tham gia sinh hoạt Đảng ảnh hưởng trước hết đến uy tín và bản chất của Đảng. Bởi lẽ, từ xưa đến nay, trong suốt quá trình phát triển, đội ngũ đảng viên của Đảng dù khó khăn đến mấy, giữa vô vàn hiểm nguy, gian khổ, hy sinh vẫn một lòng gắn bó với tổ chức, nguyện sống chết đi theo lý tưởng của Đảng. Vậy mà nay bỗng xuất hiện một thực tế đau lòng. Hơn nữa, đây còn là hiện tượng mang đến mầm mống xấu, tạo ra khuynh hướng “chảy máu nguồn lực”, “chảy máu đảng viên”. Đồng chí Huỳnh Kim Sơn, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc), nhận định:

- Trong quan niệm và tư duy của chúng tôi, đảng viên là QNXN từ trước đến nay luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá là lực lượng chính trị tin cậy, bộ phận nòng cốt trong hệ thống chính trị cơ sở. Đội ngũ này là hạt nhân ở các đơn vị dự bị động viên, lực lượng dân quân tự vệ và phong trào giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, góp phần quan trọng xây dựng cơ sở chính trị xã hội ngày càng vững mạnh...; đồng thời tạo nguồn cán bộ cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân sự ở địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự quốc phòng trong tình hình mới.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, đảng viên là QNXN về địa phương ở BR-VT đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng 82/82 chi bộ quân sự có chi ủy, tăng 81 chi bộ so với năm 2002; nâng tỷ lệ lãnh đạo trong lực lượng dân quân hiện nay đạt 20,75% (tăng 16,4% so với năm 2002), trong lực lượng dự bị đạt 9,9%. Một số đồng chí phát triển trở thành cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn... Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, nhất là khung biên chế cơ sở đã được kiện toàn cơ bản nên đảng viên là QNXN được tuyển dụng với tỷ lệ rất thấp; số còn lại phải bươn chải mưu sinh nên gặp không ít khó khăn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đảng viên...

Thảo luận sâu thêm về vấn đề này, đội ngũ cán bộ cơ sở bày tỏ lo ngại trước những hệ lụy phát sinh kế tiếp. Rõ nét là việc duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở; việc cấp ủy đảng phải dành nhiều thời gian, công sức vận động, gặp gỡ đảng viên “ở lại” với tổ chức, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tập trung sức lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị-xã hội địa phương. Cùng với đó, thực trạng trên còn ảnh hưởng gián tiếp đến công tác tạo nguồn phát triển Đảng và lựa chọn đảng viên nhập ngũ. Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều gia đình không còn thiết tha, thậm chí không đồng ý để con em họ phấn đấu trở thành đảng viên. Họ lo ngại bởi chính thực tế nhãn tiền về việc các thế hệ đảng viên là QNXN “đàn anh” không được sử dụng, tuyển dụng vào công chức; không có công ăn việc làm ổn định, phải vất vả mưu sinh… và cuối cùng là không thể thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của người đảng viên. Còn đối với phụ huynh có con em là đảng viên xuất ngũ bị khai trừ Đảng, bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên thì đều bày tỏ niềm đau buồn khôn xiết. Họ chưa bao giờ nghĩ rằng, con em mình từng được giáo dục, học tập, công tác, rèn luyện trong môi trường quân đội - “ngôi trường lớn” của cách mạng, lại không thể tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống hiện tại. Họ buồn hơn vì chính con cháu trong gia đình đã không thể kế tục, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, một lòng theo Đảng của đất và người nơi quê hương Đất đỏ anh dũng, kiên cường!

                                         Bài 2: “Khó” và “vướng” ở cả 3 khâu

Thấy rõ tác hại to lớn từ thực trạng đảng viên là quân nhân xuất ngũ (QNXN) bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên, bị khai trừ Đảng do không tham gia sinh hoạt Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) thống nhất, chỉ rõ: Nguyên nhân của thực trạng trên nằm ở cả 3 khâu: Tạo nguồn, bố trí sử dụng và duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt Đảng.

Chưa vui khi “vượt” chỉ tiêu

Nói về nguyên nhân của thực trạng đảng viên xin ra khỏi Đảng, đồng chí Huỳnh Bách Chiến, Bí thư Huyện ủy Xuyên Mộc phân tích:

- Có nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn nguyên nhân đầu tiên là do công tác “tạo nguồn” chưa tốt nên “sản phẩm đầu ra” chưa thể đạt như mong muốn. Trong đó, việc bắt buộc đạt chỉ tiêu 2% đảng viên nhập ngũ theo chủ trương của Đảng ủy Quân khu 7 đối với từng địa phương “vô hình trung” gây khó cho cơ sở, dẫn đến tình trạng bấp bênh về chất lượng đảng viên nhập ngũ.

Lãnh đạo huyện Xuyên Mộc và nhiều cán bộ chủ trì cấp xã, thị trấn đều thống nhất cho rằng, chủ trương của Đảng ủy Quân khu 7 về tuyển chọn đảng viên nhập ngũ là hoàn toàn đúng đắn, có tác dụng “kép”; vừa nâng cao chất lượng chính trị thanh niên nhập ngũ, vừa tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị cơ sở. Với nỗ lực rất lớn, giai đoạn 2002-2016, tỷ lệ đảng viên nhập ngũ bình quân của tỉnh BR-VT đạt 2,92%/năm (vượt chỉ tiêu đề ra). Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ cơ sở không xem đây là niềm vui, mà cho rằng, số liệu trên chỉ phản ánh đơn thuần về mặt số lượng, chưa “thể hiện” đầy đủ chất lượng nguồn đảng viên nhập ngũ. Con số này có biểu hiện bấp bênh theo từng năm, từng đợt tuyển quân, ở từng địa phương, mà chưa thật sự vững chắc, thực chất.

Nguyên nhân của vấn đề trên là hiện nay ở nhiều địa phương của BR-VT công tác phát triển đảng viên đã khó, nên việc lựa chọn đảng viên nhập ngũ càng khó khăn hơn. Ở nhiều nơi, vì phấn đấu theo chỉ tiêu, cán bộ cơ sở buộc lòng phải làm vòng, làm tắt, làm chưa đúng nguyên tắc trong lựa chọn, phát triển Đảng. Một số đảng viên được kết nạp Đảng để nhập ngũ chưa thật “chín muồi” nhiều mặt, nhất là nhận thức chính trị, dễ dẫn đến hệ lụy về việc đối tượng chưa toàn tâm, toàn ý gắn bó với Đảng mỗi khi gặp biến cố, khó khăn. Thậm chí, nhiều trường hợp còn mơ hồ về mục đích, ý nghĩa, động cơ vào Đảng; một số đồng chí có biểu hiện cơ hội, quan niệm vào Đảng là dịp để tiến thân, để làm cán bộ, công chức… mà chưa thật sự tự giác thiết tha xin vào Đảng.

Số liệu khảo sát trong toàn tỉnh BR-VT cũng minh chứng cho thực tế đó. Từ năm 2002-2016, trong số 627 đảng viên nhập ngũ, thì có đến 396 đồng chí kết nạp trước 6 tháng; không ít trường hợp chỉ được kết nạp trước thời điểm lên đường nhập ngũ một thời gian ngắn. Trong khi, tỷ lệ đảng viên chính thức nhập ngũ chiếm tỷ lệ rất thấp… Đối chiếu những con số thống kê trước nhập ngũ với tình trạng đảng viên là QNXN bỏ sinh hoạt Đảng, cho thấy: Phần nhiều, đảng viên được kết nạp chưa đủ 6 tháng; trong khi số đảng viên chính thức vào quân đội đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm. Khi xuất ngũ về địa phương, số đảng viên chính thức trước khi nhập ngũ tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; thực hiện đúng, đủ trách nhiệm của người đảng viên.

Theo đồng chí Hồ Thị Xuân Hà, Trưởng phòng Tổ chức đảng, đảng viên (Ban Tổ chức Tỉnh ủy BR-VT), hiện nay điều kiện và chất lượng nguồn phát triển Đảng của địa phương gặp không ít khó khăn. Thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ trình độ học vấn thấp, nhất là ở những vùng ven biển, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên khó lựa chọn tạo nguồn. Mặt khác, năng lực tổ chức đoàn ở các thôn, ấp còn nhiều hạn chế, việc phát hiện, giáo dục, tạo nguồn thanh niên ưu tú giới thiệu cho Đảng không đạt chất lượng như mong muốn. Việc bảo đảm nguyên tắc và quy định về người giới thiệu vào Đảng (người giới thiệu thứ nhất) gặp khó khăn do thanh niên không đủ thời gian cùng sinh hoạt, công tác một năm theo quy định. Đồng chí Trịnh Văn Dũng, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Châu Đức, thẳng thắn:

- Việc kết nạp đảng viên chưa đúng nguyên tắc, làm vội, chạy theo chỉ tiêu chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng chất lượng đảng viên nhập ngũ chưa tốt. Đó cũng là lý do gián tiếp dẫn đến tình trạng “thất thoát” đảng viên xuất ngũ tại địa phương như thời gian qua.

Vỡ mộng công chức “nghèo”

Cùng với những điểm “khó” và “vướng” trong công tác tạo nguồn phát triển Đảng, thì việc “bí” đầu ra cho đối tượng là đảng viên xuất ngũ hiện nay cũng là bài toán đau đầu đối với cấp ủy, chính quyền các cấp ở BR-VT. Đồng chí Nguyễn Hải La, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) nói:

- Tôi cho rằng chủ trương của trên là đúng đắn. Chúng ta phấn đấu tạo nguồn đảng viên nhập ngũ, cũng là cách tạo nguồn cán bộ cơ sở. Tuy nhiên, hiện khung biên chế ở các xã, phường, thị trấn cơ bản đủ nên không có chỗ để sắp xếp, cũng không thể để trống vị trí “chờ” đảng viên là QNXN trở về địa phương mới “bố trí” công tác...

Từ thực trạng đó, 15 năm qua, toàn tỉnh BR-VT có 915 đảng viên là QNXN thì chỉ bố trí công tác trong hệ thống chính trị-xã hội địa phương được 125 đồng chí; bố trí làm cán bộ ban CHQS xã, phường, công an xã và thôn, ấp, đội trưởng là 184 đồng chí... Thế nhưng, khó hơn là do trình độ văn hóa và chuyên môn của đảng viên xuất ngũ không đáp ứng các quy định của Chính phủ. Phần đông QNXN chỉ tốt nghiệp THPT; một số được đào tạo nghề nhưng chuyên môn hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu cơ sở... Hơn nữa, chính bản thân QNXN cũng không thể kiên trì theo đuổi giấc mơ làm công chức. Họ phải trải qua quá trình chờ đợi lâu dài, phấn đấu bền bỉ, nhưng đến khi được tuyển dụng thì cuộc sống gặp vô vàn khó khăn do thu nhập từ nguồn lương quá thấp.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại, trong biên chế của các xã, thị trấn như: Xuyên Mộc, Bình Ba, thị trấn Phước Bửu, thị trấn Ngãi Giao... đảng viên là QNXN được bố trí ở các cương vị: Cán bộ dân vận, chủ tịch MTTQ, dân quân, phó ấp, bí thư chi đoàn... với mức thu nhập bình quân chỉ khoảng 1 đến 3 triệu đồng. Ví như, trường hợp đồng chí Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1986), đảng viên chính thức tháng 9-2006, nhập ngũ năm 2007, xuất ngũ tháng 1-2009, phải trải qua gần 10 năm phấn đấu, cách đây hai năm anh mới được “bổ nhiệm” cương vị Phó ban ấp Nhân Tiến. Thế nhưng, mức phụ cấp hiện tại của đồng chí này chỉ vỏn vẹn 726.000 đồng/tháng. Vì lý do đó, Nguyễn Văn Hoàng băn khoăn:

- Tôi yêu quê hương, gia đình, phát huy truyền thống cha anh nên gắn bó với công việc chung, nhưng nếu chỉ trông chờ vào đồng lương để sống là không thể. Vì vậy, ngoài tham gia công tác xã hội, tôi phải tích cực làm kinh tế gia đình, nhưng xem ra vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Theo khảo sát của chúng tôi, đảng viên là QNXN chưa hài lòng với thu nhập. Họ cho rằng, đó chính là nguyên nhân khiến nhiều công chức cơ sở ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xin nghỉ việc đồng loạt như vừa qua. Đó cũng là lý do dẫn đến thực trạng, một số đảng viên sau xuất ngũ lập trường tư tưởng dao động, khi được các cấp bố trí nhiệm vụ ở thôn, ấp, khu phố thì không nhận nhiệm vụ, vì chế độ trợ cấp thấp.

Thế nhưng, xét ở một nghĩa nào đó thì “có vẫn hơn không”, được làm công chức vẫn là niềm mong mỏi của nhiều đảng viên QNXN. Bởi lẽ, sau xuất ngũ, trở về địa phương, phần đông trong số QNXN không thể tìm được việc làm, đành khăn gói đi làm công nhân, làm thuê ở nhiều nơi. Theo thống kê, đến nay, số đảng viên là QNXN chưa thể bố trí công tác và tạo công ăn việc làm trong hệ thống chính trị ở BR-VT chiếm 66,23% so với tổng số đảng viên xuất ngũ về địa phương.

Ra khỏi tổ chức vì… mưu sinh

Làm việc với chúng tôi, lãnh đạo các cấp ở BR-VT đều khẳng định: Tình trạng đảng viên là QNXN không tham gia sinh hoạt Đảng phần nhiều do tác động của khách quan. Anh em vì mưu sinh mà không có điều kiện thực hiện trách nhiệm của người đảng viên, chứ họ đều có nhận thức chính trị khá tốt. Đánh giá đó là hoàn toàn có cơ sở. Tại mỗi điểm mà chúng tôi đến làm việc, ngoài đại diện của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đảng ủy Quân sự tỉnh, huyện ủy, cán bộ xã, phường đều có những đảng viên trẻ là QNXN đang đi làm ăn xa, thậm chí đã xin ra khỏi Đảng, về tham dự... Đồng chí Lê Văn Cường vào đảng năm 2013, xuất ngũ tháng 8-2016, ở Suối Lúp (Bình Ba, Châu Đức), không giấu được vẻ mệt mỏi sau chặng đường dài, nhưng giọng chắc nịch:

- Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là vinh dự lớn của tôi và gia đình. Do đó, dù đang làm ăn xa, tôi vẫn cố gắng về tham gia sinh hoạt Đảng ở địa phương. Đó cũng là lý do hôm nay tôi có mặt ở đây để được trò chuyện với các đồng chí.

Được biết, Lê Văn Cường xuất ngũ tháng 8-2016. Do không có việc làm tại địa phương, anh phải đi làm thuê tận Đồng Tháp. Xa xôi là vậy, nhưng anh đều đặn bố trí thời gian về tham gia sinh hoạt Đảng ở Chi bộ Suối Lúp. Mỗi lần thực hiện trách nhiệm đảng viên như vậy, anh không chỉ tiêu tốn về thời gian, mà còn có những vấn đề về tài chính; đồng thời còn gặp phải hàng chục “cái khó”, “cái khổ”, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả “làm công, ăn lương” của chàng công nhân xa quê.

Trường hợp như Lê Văn Cường vẫn còn là may mắn, rất nhiều đảng viên khi đi làm công nhân tại các doanh nghiệp, nơi chưa có tổ chức Đảng, dù rất muốn về địa phương tham gia sinh hoạt, nhưng “lực bất tòng tâm”. Họ không thể đi lại hàng trăm cây số trong 1-2 ngày, kinh phí xe cộ lại khá cao so với mức thu nhập của người lao động... Hơn thế, nhiều chủ doanh nghiệp vô cùng khắt khe về thời gian, nền nếp lao động theo hướng công nghiệp. Nhiều ông chủ kiên quyết đuổi việc nếu công nhân bỏ dây chuyền sản xuất, tự ý về địa phương với bất cứ lý do gì, trong khi sự can thiệp của tổ chức Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp hết sức hạn chế.

Trước những “rào vướng” như vậy, dần dà, nhiều đảng viên phải đành lòng “bỏ” chế độ sinh hoạt, dẫn đến vi phạm nguyên tắc của Đảng. Dù đã có nhiều giải pháp giàu tính nhân văn, sáng tạo được các cấp ủy, chính quyền vận dụng... nhưng cuối cùng để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, tổ chức buộc phải xóa tên đảng viên khỏi danh sách, hoặc khai trừ Đảng với nhiều đồng chí không thực hiện đầy đủ chế độ, quy định của người đảng viên. Số khác, đành lòng viết đơn xin ra khỏi Đảng, chấp nhận “rút lui có trật tự” một cách có lý, có tình... Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế, một số đảng viên sau khi xuất ngũ lập trường tư tưởng dao động...

                Bài 3: Đột phá đổi mới, nâng cao chất lượng hai phần việc ưu tiên

Nâng cao chất lượng công tác quản lý đảng viên là quân nhân xuất ngũ (QNXN) rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều chủ trương, giải pháp. Trước mắt, thực tiễn đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải đặc biệt quan tâm lãnh đạo đột phá, nâng cao chất lượng hai phần việc quan trọng, quyết định đến hiệu quả mặt công tác này: Sớm chuẩn hóa nhận thức và tạo việc làm cho đảng viên xuất ngũ.

Khắc phục sai lệch, “chuẩn hóa” nhận thức

Từ đòi hỏi của thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng, nhất là Đảng ủy Quân khu 7 nghiên cứu, cân nhắc việc xác định chỉ tiêu tạo nguồn đảng viên nhập ngũ hằng năm. Văn bản này nêu rõ: Đối với chỉ tiêu tuyển chọn 2% đảng viên nhập ngũ trong tổng số thanh niên nhập ngũ hằng năm là cao, khó đạt được. Vì vậy, chỉ nên giao chỉ tiêu tuyển chọn 1% đảng viên nhập ngũ, còn chỉ tiêu 2% là để từng địa phương phấn đấu thực hiện. Đây cũng là quan điểm và là đề xuất chung của đội ngũ cán bộ các cấp ở Đảng bộ tỉnh BR-VT trong chuyến khảo sát của chúng tôi.

Trước phản ánh đó, Đảng ủy Quân khu 7 có Công văn số 884-CV/ĐU, ngày 6-3-2017 phúc đáp kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy BR-VT, khẳng định chủ trương tuyển 2% đảng viên kết nạp trên 6 tháng nhập ngũ là hoàn toàn đúng đắn. Những năm qua, toàn Quân khu 7 đã tuyển đảng viên kết nạp trên 6 tháng trước khi nhập ngũ đạt hơn 3% so với chỉ tiêu tuyển quân. Riêng năm 2017, đảng viên chính thức và kết nạp trên 6 tháng đạt 3,41% (đảng viên chính thức 1,3%)... Tuy vậy, Đảng ủy Quân khu 7 cũng chia sẻ trước những khó khăn của địa phương, nhất là ở cấp cơ sở. Theo đó, Đảng ủy Quân khu 7 giao Đảng ủy Quân sự tỉnh BR-VT phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy BR-VT nắm chắc số đảng viên trong độ tuổi nhập ngũ của từng huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và nhu cầu cán bộ ở từng xã, phường, thị trấn để linh hoạt giao chỉ tiêu tuyển đảng viên nhập ngũ phù hợp với khả năng của từng địa phương. Giải thích thêm về chủ trương này, Đại tá Ngô Quốc Quang, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh BR-VT, nói:

- Có huyện cao hơn 2%, có huyện thấp hơn 2%, nhưng chỉ tiêu chung của toàn tỉnh phải  bảo đảm đạt 2%. Đó là chủ trương rất linh hoạt, sát thực tế, mà không nhất thiết xem đó là tiêu chuẩn, tiêu chí chung ở mỗi cấp, gắn nó vào việc đánh giá kết quả tuyển quân ở mỗi huyện, xã...

Thống nhất với quan điểm đó, nhưng với tinh thần hướng đến tính thực chất và hiện thực của chỉ tiêu, nhiều cán bộ cơ sở vẫn bày tỏ trăn trở, lo ngại. Có ý kiến đồng tình với việc hạ thấp chỉ tiêu, nhưng lại có quan điểm cho rằng nên để cấp ủy, chính quyền địa phương tự xác định chỉ tiêu theo từng giai đoạn (3-5 năm) với lộ trình, bước đi bài bản, có kế hoạch từ sớm theo nhiệm kỳ Đại hội Đảng ở mỗi cấp. Đây là cách giúp địa phương chủ động tạo nguồn, lựa chọn đảng viên nhập ngũ có chất lượng tốt nhất. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy BR-VT, bày tỏ:

- Anh em cán bộ đặc biệt quan tâm, bàn nhiều về chỉ tiêu đảng viên nhập ngũ hằng năm, thực chất là vì trăn trở với nhiệm vụ chính trị và thẳng thắn nói lên thực tế ở cấp mình. Do đó, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm tiến hành những đợt khảo sát toàn diện để có cái nhìn chính xác, đúng nhất về thực tế cơ sở, nhằm có những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng mặt công tác này.

Nhất quán với quyết tâm của Tỉnh ủy BR-VT trong thực hiện chủ trương của Đảng ủy Quân khu 7 về tuyển chọn 2% đảng viên nhập ngũ hằng năm, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Lợi cho rằng: Để đạt được chỉ tiêu đó, cấp ủy các cấp cần tập trung lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền; khắc phục triệt để những lệch lạc trong tư duy, nhận thức về ý nghĩa và nội hàm thực chất của công tác phát triển Đảng; làm cho cả hệ thống chính trị có nhận thức đúng, thống nhất, rằng: Thực chất của chủ trương trên là lựa chọn đảng viên nhập ngũ, mà không thuần nhất ở việc phát triển đảng viên để nhập ngũ. Tiếp đó, Ban Tổ chức cấp ủy các cấp tập trung chỉ đạo, tổ chức rà soát lại đội ngũ đảng viên trong độ tuổi để tạo nguồn nhập ngũ; đồng thời nắm chắc số lượng thanh niên có đủ điều kiện đưa vào nguồn để theo dõi, giúp đỡ, bồi dưỡng phát triển đảng viên...

Với cách tiếp cận đó, Đại tá Ngô Quốc Quang, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh BR-VT bày tỏ mong muốn, các cấp ủy phải quyết liệt khắc phục ngay những "sai lệch" trong nhận thức của một bộ phận quần chúng; nhất là lối tư duy vào Đảng, vào quân đội là để làm cán bộ, công chức, sinh ra những biểu hiện cơ hội, thực dụng, có động cơ không trong sáng, đúng đắn khi vào Đảng. Mặt khác, cán bộ làm công tác tuyển quân cũng phải hết sức khéo léo trong giáo dục, vận động, tránh rơi vào tình trạng "cam kết", "hứa hẹn"... với thanh niên nhập ngũ và thân nhân của họ... Cùng với đó, đội ngũ cán bộ cơ sở ở BR-VT cũng bày tỏ mong muốn Trung ương sớm nghiên cứu, ban hành các chế độ, chính sách, thiết thực quan tâm, chăm lo đến đời sống công chức, vì hiện nay đội ngũ này gặp rất nhiều khó khăn về mặt kinh tế.

Quyết liệt tạo việc làm tại chỗ - Một cách "giữ" đảng viên

Một giải pháp quan trọng để "giữ" đảng viên là phải tạo được việc làm tại chỗ, giúp họ có điều kiện tốt nhất tham gia sinh hoạt Đảng tại nơi cư trú. Đó là giải pháp ưu tiên được cấp ủy, chính quyền các cấp ở BR-VT tích cực triển khai trong thời gian qua, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đảng viên đi làm ăn xa, không có điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng.

Theo đồng chí Nguyễn Hải La, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc), ngay sau khi QNXN hoàn thành nhiệm vụ về đến địa phương, cấp ủy, chính quyền đều tổ chức lễ đón rất nghiêm túc, long trọng. Tại buổi lễ này, lãnh đạo địa phương chủ động trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của QNXN, lắng nghe đề xuất và giúp định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ, tạo điều kiện về việc làm cho đối tượng. Đặc biệt, với khả năng cho phép, địa phương luôn chủ động về chính sách hỗ trợ, bảo lãnh để QNXN được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Tính đến nay, các cấp ở thị trấn Phước Bửu đã giúp 66 trường hợp là QNXN vay vốn, với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng (30 triệu/người), giúp anh em có điều kiện phát triển kinh tế. Đồng chí Nguyễn Hải La khẳng định:

- Khi có việc làm, đảng viên là QNXN sẽ sớm ổn định cuộc sống, lập gia đình và gắn bó với quê hương. Đó cũng là “điều kiện cần” để đảng viên gắn bó, tham gia sinh hoạt Đảng, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đảng viên.

Quả thật, việc làm nêu trên tuy kết quả đạt được còn khá khiêm tốn, nhưng để lại nhiều bài học giá trị không chỉ đối với công tác xây dựng Đảng. Bởi lẽ, trước khi nhập ngũ, với mong ước, hoài bão lớn, nhiều đảng viên rất nỗ lực phấn đấu, mong muốn được phục vụ lâu dài trong quân đội, hoặc trở về địa phương tham gia công tác. Tuy nhiên, sau thời gian phấn đấu gian khổ, khi những ước nguyện không thành, họ dễ nảy sinh tư tưởng, dao động, mất niềm tin... Do vậy, nếu cấp ủy, chính quyền không chủ động gặp gỡ, động viên, không đồng hành, hỗ trợ giúp đỡ thì “vô hình trung” tạo ra nguy cơ “thất thoát” đảng viên; dẫn đến thực tế đảng viên là QNXN phải đi làm ăn xa khó có điều kiện thực hiện chế độ, nền nếp sinh hoạt Đảng.

Nắm bắt thực tế đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy BR-VT chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng làm tốt việc khảo sát, bàn giao đảng viên là QNXN theo phân cấp. Các hoạt động hướng nghiệp cũng được tiến hành với nỗ lực cao nhất. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hồng, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh BR-VT, cái khó trong giới thiệu, tạo việc làm cho QNXN là ngành nghề quân nhân được đào tạo trong quân đội chưa phù hợp với thực tế và nhu cầu lao động ở địa phương; nhất là trong xu thế phát triển công nghiệp, nhu cầu ngành nghề công nghiệp hỗ trợ tăng lên... Sắp tới, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều chính sách ưu tiên đối với QNXN, nhất là những chương trình, đề án đào tạo nghề miễn phí, có địa chỉ, bám sát nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...

Theo đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy BR-VT, vai trò của địa phương trong giải quyết việc làm cho QNXN có ý nghĩa quyết định, nhưng trong tình hình mới, cần phải có chủ trương, cơ chế phát huy vai trò của nhiều lực lượng, trước hết là cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị quân đội và doanh nghiệp trên địa bàn. Thời gian qua, các đơn vị quân đội thường xuyên định hướng nghề nghiệp, đào tạo việc làm, nhưng chưa gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương. Các doanh nghiệp cũng tích cực, chủ động “mời chào” người lao động là QNXN, nhưng chưa có những cam kết cụ thể. Do đó, rất cần những “hội nghị liên tịch”, tổ chức ở thời điểm phù hợp trước ngày QNXN. Tại đó, đơn vị quân đội lắng nghe nhu cầu lao động của địa phương và doanh nghiệp, phối hợp định hướng nghề nghiệp, giáo dục đảng viên, QNXN. Phía doanh nghiệp thông tin nghề nghiệp, cam kết về điều kiện và lợi ích lao động. Ngoài ra, việc hoạch định những chính sách lớn trong đào tạo, sử dụng lao động là đảng viên, QNXN cần sớm nghiên cứu, triển khai vận dụng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Cả hệ thống chính trị cần phấn đấu tạo ra chuỗi hiện thực cho quân nhân: Rời quân ngũ là đến với trường nghề; sau khi tốt nghiệp trường nghề là đến với công việc bằng con đường ngắn nhất, với địa chỉ cụ thể, rõ ràng nhất.

Cũng liên quan đến vấn đề tạo việc làm cho đảng viên xuất ngũ, theo đồng chí Nguyễn Hữu Hồng, tỉnh BR-VT đã và đang chủ trương xúc tiến nghiên cứu và tạo ra “ngân hàng” việc làm cho người lao động trong toàn tỉnh, ưu tiên đối với đảng viên, QNXN.

                               Bài 4: Hướng đi căn bản và quy trình tròn khâu

Để nâng cao chất lượng quản lý đảng viên là quân nhân xuất ngũ (QNXN), ngoài việc triển khai các biện pháp cần kíp, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) cũng trăn trở, tìm kiếm, “phác dáng” nên hướng đi căn bản, với quy trình tròn khâu, nhằm đưa ra lời giải hữu hiệu nhất cho bài toán: Quản lý đảng viên xuất ngũ ở cơ sở hiện nay.

Tìm và tạo nguồn từ nhiều “nguồn”

Một giải pháp được nhiều cấp, nhiều cán bộ ở BR-VT đề cập, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng quản lý đảng viên xuất ngũ là phải đổi mới tư duy và phương cách tạo nguồn đảng viên nhập ngũ. Đồng chí Huỳnh Bách Chiến, Bí thư Huyện ủy Xuyên Mộc, chỉ rõ:

- Cách làm ở cơ sở từ trước đến nay vẫn là trông chờ vào thanh niên địa phương để phát triển Đảng rồi tuyển chọn nhập ngũ. Đây là tư duy không đúng, một cách làm chưa phù hợp và chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn. Do đó, sắp tới, để nâng cao chất lượng, nhất thiết phải được thực hiện thông qua việc chủ động tìm nguồn, mở rộng nguồn đảng viên nhập ngũ ở nhiều đối tượng.

Để làm được điều đó, trước hết các cấp ủy cần xác định rõ thực chất nội hàm của chủ trương phát triển đảng viên nhập ngũ chính là ở việc lựa chọn đảng viên (ở địa phương) đưa đi nhập ngũ. Có nghĩa là, các cấp ủy, chính quyền phải có trách nhiệm lựa chọn những đảng viên ưu tú hiện đang sinh hoạt ở đảng bộ địa phương để đưa đi nhập ngũ, mà không thuần nhất ở việc quần chúng được kết nạp vào Đảng để nhập ngũ. Theo đó, hằng năm địa phương tập trung lựa chọn đảng viên là công chức, viên chức trong độ tuổi để nhập ngũ. “Nguồn” từ lực lượng này tuy không nhiều, nhưng chất lượng rất tốt. Đây cũng là cách để rèn luyện, thử thách đảng viên gắn với quy hoạch, sắp xếp, bố trí cán bộ. Cùng với đó, địa phương cũng tập trung nghiên cứu đề xuất, kiến nghị cơ chế, chế tài, chế độ chính sách đối với đội ngũ đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia nhập ngũ. Các chủ trương nhất thiết phải bảo đảm có tác dụng khuyến khích đội ngũ này tự nguyện, tự giác xung phong nhập ngũ.

Về lâu dài, Đảng bộ tỉnh BR-VT tập trung sức lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, các cấp ủy tập trung triển khai thực hiện chủ trương tuyển đảng viên nhập ngũ, kết hợp chặt chẽ với thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU, ngày 3-12-2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân, tự vệ và lực lượng dự bị động viên; Kế hoạch 10-KH/TU, ngày 30-3-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện công tác kết nạp đảng viên; Chỉ thị 11-CT/TU, ngày 25-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác kết nạp đảng viên, nhiệm kỳ 2015-2020… Nói theo cách khác, đó là cách tạo ra “nguồn của nguồn” với quy trình tròn khâu và thực chất. Quá trình đó, các cấp ủy tập trung chỉ đạo chặt chẽ khảo sát, nắm chắc thực chất đội ngũ đảng viên trong độ tuổi nhập ngũ; nắm chắc chất lượng thanh niên địa phương, làm tốt công tác quy hoạch, phát triển Đảng ở mỗi cấp, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, với tinh thần “đi trước đón đầu” trong tìm kiếm, phát hiện, lựa chọn nguồn.

Nâng cao chất lượng đảng viên nhập ngũ trước hết thuộc trách nhiệm của cấp ủy từng cấp, nhưng cũng đồng thời liên quan đến nhiều cơ quan chức năng. Lãnh đạo tỉnh BR-VT đề nghị, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có chủ trương, giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên, phục vụ công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Báo cáo 105-BC/TU, ngày 30-12-2016 của Tỉnh ủy BR-VT, chỉ rõ: “Giao Đảng ủy và Bộ CHQS tỉnh nghiên cứu, đề xuất việc quy định đối tượng là sinh viên, công chức, viên chức trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự”. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy BR-VT nói:

- Sinh viên là “nguồn” nhân lực chất lượng cao, có trình độ, năng lực và nhận thức chính trị. Nếu khai thác, phát huy được nguồn đảng viên trong sinh viên tuyển chọn để nhập ngũ hằng năm thì chất lượng chính trị trong LLVT sẽ rất cao… Tuy nhiên, từ trước đến nay, chúng ta hầu như chỉ tập trung vào lực lượng thanh niên ở các địa phương mà chưa có giải pháp hữu hiệu, thậm chí bỏ ngỏ việc tìm nguồn và tạo nguồn ở lực lượng này.

Theo đề xuất của nhiều cán bộ ở BR-VT, để có nguồn đảng viên trong sinh viên, cần có giải pháp phát huy vai trò tổ chức Đảng trong hệ thống các trường đại học. Nên chăng cần có cơ chế gắn việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục-đào tạo với tạo nguồn phát triển đảng viên, tạo nguồn nhập ngũ và tạo nguồn cán bộ cơ sở cho một số nhà trường. Cách vận hành nên theo mô hình, mục tiêu đào tạo như ở hệ thống nhà trường quân đội hiện nay. Nhà trường không chỉ có trách nhiệm phát triển Đảng, mà còn có chức năng phối hợp trong tạo nguồn nhân lực bậc cao cho LLVT và tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị ở cơ sở.

Những mô hình "phác thảo" cách làm hay

Nói về nguyên nhân gây ra những khó khăn trong công tác quản lý đảng viên là QNXN đang làm việc, làm công nhân tại các doanh nghiệp (DN), đồng chí Hồ Thị Xuân Hà, Trưởng phòng Tổ chức Đảng, đảng viên (Ban Tổ chức Tỉnh ủy BR-VT), chỉ rõ:

- Đặc thù công việc của công nhân lao động thường không có thời gian rảnh. Trong khi, DN chỉ tập trung cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mà ít quan tâm đến công tác Đảng nói chung, quản lý đảng viên nói riêng. Trước thực tế đó, từ năm 2008 đến nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy BR-VT đã chỉ đạo thành lập các chi bộ cơ động nhằm “tháo gỡ” những vướng mắc ban đầu từ thực tiễn.

Theo đánh giá bước đầu, các chi bộ cơ động hoạt động có nhiều mặt tích cực. Chi bộ cơ động gồm các đồng chí trong ban tổ chức cấp ủy, các ban Đảng và đoàn thể cùng tham gia. Quá trình hoạt động, tổ chức Đảng phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và xây dựng chương trình, kế hoạch khảo sát thực tế, phân loại DN đứng chân trên địa bàn, về: Số lượng DN đã có và chưa có tổ chức Đảng; có và chưa có tổ chức đoàn thể; có hay chưa có đảng viên... Trên cơ sở đó đề ra hướng giải quyết, trước hết là chuyển số đảng viên đang làm việc trong các DN chưa có tổ chức Đảng hiện đang sinh hoạt tại địa phương về sinh hoạt tại chi bộ cơ động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để phát triển Đảng; hướng dẫn, hỗ trợ để những DN có đủ điều kiện thành lập chi bộ, tổ chức Đảng...

Cũng với mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý QNXN, nhất là đảng viên, thời gian qua, nhiều thành ủy, huyện ủy ở BR-VT đã đẩy mạnh chỉ đạo xây dựng tổ chức Đảng ở các DN ngoài nhà nước, với nỗ lực và quyết tâm cao nhất. Để làm được điều đó, lãnh đạo địa phương trực tiếp cùng với đội ngũ cán bộ tổ chức các cấp chủ động liên hệ, đối thoại với chủ DN về những lợi ích, thuận lợi khi DN có tổ chức Đảng. Khi được sự đồng thuận của chủ DN và đủ điều kiện, cấp ủy hỗ trợ để DN hoàn thiện hồ sơ thành lập chi bộ, hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ phát triển đảng viên. Kết quả, 5 năm qua, toàn tỉnh thành lập được 26 tổ chức đảng và phát triển 422 đảng viên trong DN ngoài nhà nước. Tổng cộng, toàn tỉnh hiện có 111 tổ chức Đảng trong DN ngoài nhà nước với 1.393 đảng viên, chiếm 3,9% so với tổng số đảng viên toàn Đảng bộ.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh BR-VT, tính đến ngày 15-6-2016, trên địa bàn tỉnh có 9.202 DN ngoài nhà nước với 231.611 lao động; trong đó 7.137 DN siêu nhỏ (chiếm 77,6%), 1.885 DN nhỏ (chiếm 20,5%). Với lực lượng lao động trẻ dồi dào như vậy thì nguồn để phát triển đảng viên trong DN ngoài nhà nước là rất lớn. Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy Bà Rịa và Thành ủy Vũng Tàu, sở dĩ việc phát triển tổ chức Đảng trong DN ngoài nhà nước còn gặp khó khăn có nguyên nhân khách quan là chủ yếu, nhưng một phần cũng do công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục của các cấp ủy, tổ công tác, chi bộ cơ động đối với DN, đặc biệt là với chủ DN chưa thực sự hiệu quả. Do đó, một mặt Tỉnh ủy BR-VT tích cực vận động chủ DN vào Đảng, vận động DN thành lập tổ chức Đảng; mặt khác, kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương sớm tổng kết mô hình thí điểm kết nạp chủ DN đủ điều kiện vào Đảng; sớm ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc… Tỉnh ủy BR-VT cũng kiến nghị Trung ương sớm ban hành quy định, hướng dẫn nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ trong DN ngoài nhà nước; nhất là hình thức sinh hoạt chi bộ trực tuyến; đồng thời, quy định, hướng dẫn về chế độ, kinh phí hoạt động của chi bộ trong các DN ngoài nhà nước. 

Cũng với mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý đảng viên xuất ngũ làm việc ở các DN, Tỉnh ủy BR-VT đang chỉ đạo tập trung nghiên cứu thành lập Đảng bộ các khu công nghiệp, xem đây là hướng đi mới, khả quan nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, giúp đảng viên là QNXN nói riêng, đảng viên là công nhân lao động ở các khu công nghiệp nói chung được tham gia sinh hoạt Đảng, thực hiện đúng, đủ trách nhiệm của đảng viên.

Trước lúc chia tay chúng tôi, đồng chí Hồ Thị Xuân Hà tâm sự mà như gửi gắm những ý nguyện không chỉ của riêng mình:

- Những kiến nghị, đề xuất của chúng tôi nêu ra là những đầu việc, phần việc rất khó, không thể một sớm một chiều tháo gỡ, xử lý triệt để. Thế nhưng, chắc chắn đó là những bước đi đúng hướng, được đúc rút từ thực tiễn sinh động ở cơ sở. Thời gian tới, rất mong các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, sớm khắc phục triệt để tình trạng đảng viên xuất ngũ không được hoặc không có điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng. Đó cũng là cách tổ chức Đảng nâng cao chất lượng công tác quản lý đảng viên trong tình hình mới; đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.

 

NGỌC LONG - TẤN TUÂN - HOÀNG THÀNH 

Nguồn: Báo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất